Cội Bồ Đề là một trong những di tích lịch sử gắn liền với Phật Giáo và có ý nghĩa to lớn trong đời sống tâm linh của Phật Tử trên cả thế giới. Hôm nay, mời các bạn cùng Giác Ngộ Tâm Linh tìm hiểu về lịch sử và ý nghĩa của lá Bồ Đề trong Phật Giáo nhé.
Nội Dung
1. Tìm hiểu chung về cội Bồ Đề
Cội Bồ Đề có tên tiếng Anh là Bodhi Tree và tên khoa học là Ficus Religiosa. Cội Bồ Đề là danh hiệu mà Phật Giáo dành cho một cây cổ thụ này – nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thiền tọa, chứng đắc và giác ngộ.
Trong Phật Giáo có 4 thánh địa gắn liền với cuộc đời Đức Phật đó là:
+ Vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini): nơi Đức Phật đản sinh.
+ Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya): nơi Đức Phật đắc quả.
+ Vườn Lộc Uyển, Vườn Nai (Sarnath): nơi Đức Phật truyền bá giáo lý cho những đệ tử đầu tiên của mình.
+ Câu Thi Na (Kushinagar): nơi Đức Phật nhập Niết Bàn.
Cội Bồ Đề tọa lạc ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya), một thị trấn nhỏ nằm ở phía đông nam bang Bihar, Ấn Độ. Đây là niềm mơ ước của nhiều người con Phật Tử, mong muốn đến đây để được chiêm ngưỡng bái lạy nơi Đức Phật tọa thiền và đắc đạo.
2. Cội Bồ Đề và sự tích với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
Trước khi đức Phật thành đạo, loài cây này vốn là một cây cổ thụ được người dân Ấn Độ gọi là cây Tatpala, cây Asvatthi, cây Pipal hay Pippali,… Từ khi Đức Phật chứng đắc quả, thì mới được người dân gọi là cây Bồ Đề (cây Giác Ngộ). Chính vì thế, rất nhiều ngôi đền, chùa nổi tiếng trên thế giới trồng cây Bồ Đề, để nhắc nhở chúng sinh hướng về lý tưởng giải thoát.
Cội Bồ Đề này đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời tu hành của Đức Phật. Ngài đã ngồi thiền định dưới gốc cội Bồ Đề này liên tục 49 ngày đêm, cho đến khi giác ngộ hoàn toàn. Cây Bồ Đề này đã che mưa, che nắng cho Ngài. Chỗ Đức Phật ngồi thiền và chứng quả được đặt tên là Kim Cương Tọa.
Chính vì vậy, có thể nói cội Bồ Đề mang ý nghĩa tượng trưng cho sự tu tập, thức tỉnh và giác ngộ. Sau khi đã thành đạo, Đức Phật vẫn dành thời gian cả tuần lễ để tưởng niệm và nhìn ngắm cây và nơi Ngài đứng ngắm nhìn cây (cách cây khoảng 200 mét) đã được xây dựng tháp Anomesalocana.
Trước khi nhập Niết Bàn, Phật Thích Ca cũng từng dạy bảo Anan – đệ tử thân cận của Ngài rằng nếu tín đồ tới tịnh xá lễ bái mà không có Phật ở đó, thì hãy bảo họ chiêm bái cây Bồ Đề, tức nghĩa là “thấy cây Bồ Đề cũng như là thấy Như Lai vậy“.
Xem thêm: Thiền Vipassana là gì?
3. Lịch sử Cội Bồ Đề và sự thịnh suy của Phật Giáo
Ít ai biết rằng cội Bồ Đề cũng trải qua nhiều biến đổi theo quá trình thịnh suy của Phật Giáo.
Khoảng 200 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, cội Bồ Đề đầu tiên bị hủy diệt do nhà vua A-dục – một nhà vua tàn ác, đã gây ra rất nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc. Vì tôn thờ ngoại đạo, vua đã cho chặt đi cội Bồ Đề, chất thành đống để đốt cúng dường Phạm Thiên. Tuy nhiên không lâu sau, từ dưới cội cây Bồ Đề cũ lại mọc lên một cây Bồ Đề khác. Sau trận chiến Kalinga đẫm máu, nhà vua đã hối hận, quay về với chính pháp. Ông đã cho xiển dương Phật Giáo và đến trước cội Bồ Đề sám hối. Nhờ sự bảo vệ của nhà vua, cây đã xanh tốt trở lại. Tuy nhiên, hoàng hậu lúc bấy giờ lại là người theo Bà la môn lại cho người bí mật chặt cây, đốt luôn cả gốc. Khi nhà vua biết được đã đau xót vô cùng, dùng sữa tưới cho cội cây và khấn nguyện ngày đêm, kì lạ sau, cây lại sinh trưởng và tươi tốt. Vua A Dục đã cho người xây thành, bảo vệ cây Bồ Đề và làm nhiều chuyện phục hưng Phật Giáo, cho nên được gọi là “Hộ Pháp A Dục”.
Sau thời vua A Dục, đến thế kỷ VII, cội Bồ Đề lại tiếp tục bị vua Sasanka xứ Ganda phá hủy, đốn cây và đốt cháy cả gốc, rễ. Đến đời chúa nội vua A dục tức là vua Purna Varama là người tôn sùng Phật Giáo, noi theo gương vua A Dục, cũng dùng sữa tươi của trăm con bò tưới lên cội cây và khấn nguyện, kỳ diệu thay cây lại xanh tốt trở lại. Nhà vua lại cho xây tường cao 6 mét xung quanh cây để bảo vệ.
Thế kỷ XII, do cuộc xâm lược của Hồi Giáo vào Ấn Độ đã phá hủy nhiều chùa, tu viện, các tăng sư cũng bị giết sạch. Phật Giáo rơi vào giai đoạn suy tàn, cây Bồ Đề cũng diệt vọng. Nhưng hạt giống bất tử của Bồ Đề không hủy diệt được, vì sau đó cây đã mọc lại.
Sau đó tiếp tục trải qua rất nhiều năm lịch sử, Cội Bồ Đề tiếp tục bị phá hủy rồi lại mọc lại. Ngày nay, cây Bồ Đề tại Bồ Đề Đạo Trang đang được chăm sóc đã hơn 150 tuổi. Cây không chỉ to lớn, tỏa bóng mát mà còn như một minh chứng lịch sử cho sự bất diệt của Phật Giáo.
4. Ý nghĩa của lá cây Bồ Đề trong Phật Giáo
Cây Bồ Đề được người dân trên khắp thế giới coi là biểu tượng cho sự may mắn, cho trí tuệ và sự giác ngộ. Rất nhiều người thường thỉnh những chiếc lá Bồ Đề về treo trên người, trong xe, trong nhà như những vật may mắn, bình an.
Lá Bồ Đề có hình dạng giống trái tim, mang ý nghĩa về sự ấm áp, mãnh liệt, thể hiện tình thương, sự từ bi của Đức Phật dành cho chúng sinh. Phần đuôi lá Bồ Đề có hình dáng giống như biểu tượng giác ngộ trong đạo Phật, cho nên cũng thể hiện sự giác ngộ, giải thoát. Các Phật tử tin rằng đeo lá Bồ Đề giúp tâm mình được soi sáng, thức tính.
Trong quá trình tu hành dưới gốc Bồ Đề của Đức Phật, cội Bồ Đề không chỉ góp công che nắng mưa, mà chắc hẳn cũng có rất nhiều yêu ma quấy rối, như vậy một phần nhờ cây Bồ Đề ấy đã che chở mà Đức Phật có thể tập trung tu tập, tránh hẳn tà ma ngoại đạo. Vậy nên, nhiều người tin rằng, lá Bồ Đề giúp trừ tà ma, loại bỏ tham sân si, bảo vệ chánh đạo.
5. Hình ảnh đẹp về cây Bồ Đề trong Phật Giáo
Không phải ngẫu nhiên mà Cội Bồ Đề đã trở thành một nơi mà bất kỳ Phật Tử nào cũng mong muốn có cơ hội được chiêm ngưỡng, bái lạy. Mỗi loài cây, đồ vật, biểu tượng trong Phật Giáo luôn mang những ý nghĩa sâu xa và những câu chuyện nhiệm màu. Mong rằng các bạn Phật tử sẽ luôn tin tưởng tuyệt đối vào Phật và tu tập chăm chỉ.