Luật Tông là gì? Lịch sử hình thành và học thuyết của Luật Tông

Luật Tông là một trong những tông thuộc Phật Giáo Đại Thừa đã có từ lâu đời. Dù không phổ biến ở Việt Nam nhưng đã có một giai đoạn được nhiều đệ tử Trung Quốc biết đến và tu học theo. Mời các bạn cùng theo chân Giác Ngộ Tâm Linh tìm hiểu về Luật Tông nhé.

Luật Tông là gì? Lịch sử hình thành và học thuyết của Luật Tông
Luật Tông là gì? Lịch sử hình thành và học thuyết của Luật Tông

1. Luật Tông là gì?

Luật Tông là một pháp môn Phật giáo Trung Quốc do Ngài Đạo Tuyên sáng lập. Giáo lý của phái này chủ yếu dựa vào Luật tạng của Pháp Tạng bộ và được ghi lại với tên Tứ phần luật. Với chủ trương là giữ giới luật một cách nghiêm ngặt, Luật Tông đã đưa ra 250 quy định cho tăng và 348 cho ni giới.  Vì sao lại nhiều quy định như vậy? Theo Luật Tông, nhờ giữ “giới luật” cho nên các đệ tử không làm các việc ác, gây tội lỗi, từ đó giúp tâm được “định”. Nhờ thế mà có trí huệ sáng suốt, phá trừ sự vô minh si ám, đạt được sự giác ngộ và thành Phật. Đây được xem là pháp môn giao thoa, trộn lẫn giữa Đại ThừaTiểu Thừa.

Phật Thích Ca Mâu Ni
Phật Thích Ca Mâu Ni

2. Lịch sử của Luật Tông

Luật Tạng là một phần trong giáo lý nguyên thủy từ thời đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Khi còn tại thế suốt Đức Phật đã giảng pháp khắp nơi trên xứ Ấn Độ, dựa theo hoàn cảnh khác nhau mà đức Phật nói những điều luật và dạy các đệ tử phải ghi nhớ, lưu truyền về sau. Trước khi Phật nhập Niết-bàn, ngài còn căn dặn lại hàng tăng ni phải xem giới luật là bậc thầy để nương theo trên đường tu học.

Ngay sau khi Phật Thích Ca nhập diệt, ngài Ưu-ba-ly được giáo hội ủy thác biên soạn lại phần giới luật trong khi kết tập kinh điển lần thứ nhất. Những gì ngài nhắc lại đều được ghi vào Luật tạng. Ngài Ưu-Ba-Li phải đọc đi đọc lại đến 80 lần, vì thế bộ luận này có tên gọi khác là “Bát thập tụng luận“.

Lịch sử của Luật Tông
Lịch sử của Luật Tông

Khoảng 100 năm sau, năm vị đệ tử của ngài Ưu-ba-cúc-đa chia thành 5 bộ phái riêng, mỗi phái lại soạn lại phần giới luật cho riêng mình. Các bộ phái ấy là:

  1. Pháp tạng bộ
  2. Nhất thiết hữu bộ
  3. Âm quang bộ
  4. Hóa địa bộ
  5. Khả trụ tử bộ

Đầu thế kỷ V, phần Luật tạng của Pháp tạng bộ được Trúc Phật Niệm và Phật-đà-da-xá dịch sang chữ Hán với tên là Tứ phần luật. Đến đời Đường (khoảng thế kỷ VII) Ngài Trí Thủ chú giải các bộ ấy, và Ngài Đạo Tuyên – đệ tử của ngài Trí Thủ, nhận thấy trong các bộ ấy, bộ luật Tứ phần này rất phù hợp người Trung Hoa, nên dựa vào bộ luật này để lập ra Luật Tông. Tên khác của Luật Tông là Chung Nam Sơn Tông do Ngài Đạo Tuyên xuất thân là người Chung Nam Sơn để phân biệt với các Luật Tông khác. Dù có rất nhiều tông phái ra đời dựa trên Luật tạng nhưng chỉ có Luật Tông của Ngài Đạo Tuyên thịnh hành hơn cả và tồn tại cho đến ngày nay. 

3. Học thuyết của Luật Tông

Sau khi Đức Phật nhập diệt, các đệ tử vẫn ghi nhớ di huấn của Phật là chư tỳ-kheo nhất định phải lấy giới luật làm thầy. Luật Tông cũng dựa vào quan điểm ấy để phát triển, cho nên các đệ tử phải giữ giới luật nghiêm ngặt, thì mới có thể nhờ đó mà có được thân tâm an tịnh rồi mới phát huy trí huệ. 

Theo Phật Giáo, nghiệp có 3 loại là nghiệp từ Thân (hành động), Khẩu (lời nói), Ý (ý nghĩ). Nếu những nghiệp này được thanh tịnh thì chúng sinh không còn phải lăn lộn trong đường sinh tử nữa. Và muốn có được sự thanh tịnh này thì phải nghiêm giữ giới luật. Ngoài ra, tất cả các tông phái khác nhau, dù không phải là Luật Tông nhưng cũng đều xem trọng giới luật. Ngũ giới luật đó chính là: Không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.

Học thuyết của Luật Tông
Học thuyết của Luật Tông

Tổng quát mà nói thì khi giữ một giới là ngăn ngừa được một nghiệp, và thêm được một điều lành; tăng ni hay các Phật tử giữ nhiều giới là ngăn ngừa được nhiều điều nghiệp chướng, thêm được nhiều điều lành. Vì vậy, Đây là phương pháp tu thực tế, gần gũi và rất cần thiết cho các Phật tử.

Giới luật vốn là một phần quan trọng trong Phật giáo, tuy nhiên, nếu xét một cách độc lập thì Luật Tông lại không gây được sức ảnh hưởng lớn, vì không thể xem đây là một học thuyết, giáo lý riêng biệt, duy nhất để đạt được giác ngộ. Đại chúng cần những phương thức tu tập cụ thể hơn để thực hành song song cùng với việc giữ giới thì mới có thể giữ được sự tinh tấn. Do đó, Luật Tông cũng không thu hút nhiều đệ tử và tồn tại lâu dài.

Qua những học thuyết của Luật Tông chúng ta càng thêm thấy tầm quan trọng của giới luật, và càng nhấn mạnh lời dạy của Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni: “Sau khi ta nhập diệt, giới luật sẽ là thầy của các người”. Giác Ngộ Tâm Linh hy vọng rằng mỗi bạn đọc bài viết này sẽ hiểu được sự quan trọng của giới luận mà từ đó giữ nghiêm giới luật trên con đường tu học Phật Giáo.