Địa Tạng Vương Bồ Tát là ai? Lời nguyện của Bồ Tát Địa Tạng Vương

Địa Tạng Vương Bồ Tát chính là một trong sáu vị đại Bồ Tát quan trọng của Phật giáo Đại Thừa. Đây chính là một vị Bồ Tát có công đức vô lượng, là người cứu vớt những chúng sinh bị đọa vào địa ngục. Hôm nay, Giác Ngộ Tâm Linh xin hoan hỉ cùng các bạn đọc tìm hiểu về vị đại Bồ Tát này!

Địa Tạng Vương Bồ Tát là ai? Lời nguyện của Bồ Tát Địa Tạng Vương
Địa Tạng Vương Bồ Tát là ai? Lời nguyện của Bồ Tát Địa Tạng Vương

1. Địa Tạng Vương Bồ Tát là ai?

Địa Tạng Vương Bồ Tát chính là giáo chủ của cõi U Minh, là người phát nguyện rộng lớn rằng: ”Địa Ngục không trống, Thề không thành Phật”. Ngài đã nhiều đời nhiều kiếp nguyện cứu hết chúng sanh bị đọa vào địa ngục, độ cho chúng sinh ấy thoát hẳn địa ngục, chứng quả Bồ Đề, thì Ngài mới thành Phật. Quả là một đại nguyện sâu xa. 

Hầu hết các đền chùa thường bày trí tượng của Ngài Địa Tạng, nhất là ở các khu vực thờ vong. Các tranh, tượng thường gặp của Ngài là hình ảnh Địa Tạng Bồ Tát tay phải cầm quyền trượng, tay trái cầm minh châu, thân khoác áo cà sa. Nói về hình tượng này, người ta giải thích rằng quyền trượng để đập tan địa ngục, Minh Châu để soi sáng cho chúng sinh khỏi u minh, thoát khỏi. địa ngục. 

Bàn về danh hiệu thì Ngài có nhiều tên hiệu khác như U minh giáo chủ Bổn Tôn Địa Tạng Vương Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát,…

2. Sự tích về cuộc đời Địa Tạng Vương Bồ Tát

Trong lịch sử Phật Giáo Trung Quốc và Hàn Quốc có ghi lại sự tích về cuộc đời của Địa Tạng Vương Bồ Tát rằng:

Tục danh của ngài Địa Tạng Bồ Tát là Kim Kiều Giác, sinh vào năm 696 TL tại nước Silla, hiện nay là Nam Hàn. Ngài là một hoàng tử, từ nhỏ đã sống trong nhung lụa, giàu sang nhưng Ngài chỉ ưa thích sự đạm bạc, chăm lo học hỏi và đọc sách Thánh hiền.

Vào năm Vĩnh Huy đời Đường Cao Tông, sau khi đã học hết Tam giáo, Cửu lưu và Bách gia chư tử thì Ngài bèn buông lời cảm thán: “So với Lục kinh của Nho gia, Đạo thuật của Tiên gia, thì lý Đệ nhất Nghĩa đế của nhà Phật là thù thắng hơn hết, rất hợp với chí nguyện của ta”. Sau đó, lúc 24 tuổi Ngài quyết tâm xuất gia. 

Sau khi xuất gia, Ngài thường đến những chỗ vắng vẻ tu tập tham thiền nhập định và mong muốn tìm được một chỗ thanh vắng để tĩnh tu. Ngài chuẩn bị thuyền bè, lương thực, mang theo con chó trắng tên Thiện Thính, đã theo Ngài từ lúc xuất gia. 

Một người một chó cùng thuyền rời bến Nhân Xuyên (Incheon), giương buồm ra khơi, tùy theo hướng gió mà đi, sau nhiều ngày lênh đênh thì Ngài đã cập bến sông Dương Tử (Trung Hoa). Do không may thuyền bị mắc cạn, Ngài đã bỏ lại thuyền đi bộ lên bờ, cùng chú chó trắng tiếp tục cuộc hành trình. Cuối cùng, Ngài đến chân núi Cửu Tử ở huyện Thanh Dương, tỉnh An Huy sau nhiều ngày lang thang. Nơi đây phong cảnh hùng vĩ, cảnh đẹp thanh tịnh, Ngài quyết định ở lại đây để thanh tu. 

Địa Tạng Vương Bồ Tát đi dọc theo sườn núi lên phía trên cao, phát giác khoảng giữa các ngọn núi là một vùng đất bằng phẳng, cảnh đẹp nên thơ lại tĩnh mịch nên leo lên mỏm đá cạnh một khe nước suối. Một lần trong lúc đang ngồi thiền, thì bị một con rắn độc nhỏ cắn vào đùi, nhưng Ngài vẫn an nhiên bất động. Giây lát sau, một người phụ nữ xinh đẹp từ trên vách núi bay xuống, cúi lạy với Ngài rồi đưa thuốc và nói: “Đứa bé trong nhà rắn xúc phạm tôn nhan. Thiếp xin tạo một con suối mới để đền đáp lỗi lầm của cháu nhỏ.” nói xong liền biến mất. Chưa đầy một sát na (0,018 giây) một dòng suối cuồn cuộn từ trong núi chảy xuống (đây chính là suối Long Nữ Tuyền của núi Cửu Long). Từ đó, Địa Tạng Vương Bồ Tát không còn phải vất vả đi xa gánh nước về.

Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát đã khổ luyện ở núi Cửu Hoa Sơn trong suốt 75 năm, không trở về nước Đại Hàn một lần nào, thọ 99 tuổi. Ngày 30 tháng 7 năm Đường Khai Nguyên thứ 26 Ngài nhập Niết Bàn, từ đó ngày 30 tháng 7 hàng năm trở thành ngày vía của Ngài Địa Tạng. Ba năm sau khi Ngài viên tịch, thì tọa quan của Ngài tự động mở cửa, thi thể và dung mạo của Ngài y hệt như người chỉ đang ngủ say mà thôi. 

Cho đến ngày nay, nhục thân của Ngài Địa Tạng Bồ Tát vẫn còn được thờ cúng tại Cửu Hoa Sơn để cho chúng sinh đến chiêm ngưỡng.

Sự tích về cuộc đời Địa Tạng Vương Bồ Tát
Sự tích về cuộc đời Địa Tạng Vương Bồ Tát

3. Tìm hiểu chi tiết về tiền thân và đại nguyện của Địa Tạng Vương Bồ Tát

Ngài Địa Tạng Bồ Tát đã trải qua nghìn muôn ức số kiếp có lúc làm người giàu, có lúc làm người nghèo, có lúc là nữ cũng có lúc là nam,.. Nhưng dù kiếp nào đi nữa, Ngài cũng phát nguyện rộng vì chúng sinh, dùng trăm nghìn phương tiện để giúp đỡ, giáo hóa chúng sinh. Theo như Kinh Địa Tạng Bồ Tát đã ghi lại một số tiền thân của Ngài như sau:

3.1. Ngài là một Trưởng giả

Này Văn Thù Sư Lợi! Trải qua bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp lâu xa về trước, tiền thân của Ngài Địa Tạng Bồ Tát làm một vị Trưởng giả tử. Lúc đó, trong đời có đức Phật hiệu là: Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai. Trưởng giả tử thấy đức Phật tướng mạo tốt đẹp nghìn phước trang nghiêm, mới bạch hỏi đức Phật tu hạnh nguyện gì mà đặng tốt đẹp như thế?

Khi ấy, đức Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai bảo Trưởng giả tử rằng: “Muốn chứng được thân tướng tốt đẹp này, cần phải trải qua trong một thời gian lâu xa độ thoát tất cả chúng sanh bị khốn khổ”.

Này Văn Thù Sư Lợi! Trưởng giả tử nghe xong liền phát nguyện rằng: “Từ nay đến tột số chẳng thể kể xiết ở đời sau, tôi vì những chúng sanh tội khổ trong sáu đường mà giảng bày nhiều phương tiện làm cho chúng đó được giải thoát hết cả, rồi tự thân tôi mới chứng thành Phật Đạo”.

Bởi ở trước đức Phật Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai, Ngài lập nguyện rộng đó, nên đến nay đã trải qua trăm nghìn muôn ức vô số bất khả thuyết kiếp, mà Ngài vẫn còn làm vị Bồ Tát!

3.2. Ngài là một nữ nhân (Bà La Môn Cứu Mẹ)

Lại thuở bất khả tư nghị vô số kiếp về trước, lúc đó có đức Phật hiệu là: Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, Đức Phật ấy thọ đến bốn trăm nghìn muôn ức vô số kiếp. Trong thời tượng pháp, có một người con gái dòng Bà La Môn, người này nhiều đời chứa phước sâu dày, mọi người đều kính nể, khi đi đứng lúc nằm ngồi, chư Thiên thường theo hộ vệ. Bà mẹ của người mê tín tà đạo, thường khinh khi ngôi Tam Bảo. Thuở ấy, mặc dầu Thánh nữ đem nhiều lời phương tiện khuyên nhủ bà mẹ người, hầu làm cho bà mẹ người sanh chánh kiến, nhưng mà bà mẹ người chưa tin hẳn. Chẳng bao lâu bà ấy chết, thần hồn sa đọa vào Vô Gián địa ngục.

Lúc đó, Thánh Nữ biết rằng người mẹ khi còn sống không tin nhân quả, liệu chắc phải theo nghiệp quấy mà sanh vào đường ác. Thánh Nữ bèn bán nhà, đất, sắm nhiều hương hoa cùng những đồ lễ cúng, rồi đem cúng dường tại các chùa tháp thờ đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương. Trong một ngôi chùa kia thấy hình tượng của đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương đắp vẽ oai dung đủ cách tôn nghiêm. Thánh Nữ chiêm bái tượng của đức Phật lại càng sanh lòng kính ngưỡng, tự nghĩ thầm rằng : “Đức Phật là đấng Đại Giác đủ tất cả trí huệ, nếu đức Phật còn trụ ở đời, thì khi mẹ tôi khuất, tôi đến bạch hỏi Phật, chắc thế nào cũng rõ mẹ tôi sanh vào chốn nào”.

Nghĩ đến đó, Thánh Nữ buồn tủi rơi lệ chăm nhìn tượng Như Lai mà lòng quyến luyến mãi.

Bỗng nghe trên hư không có tiếng bảo rằng: “Thánh Nữ đương khóc kia, thôi đừng có bi ai quá lắm! Nay ta sẽ bảo cho ngươi biết chỗ của mẹ ngươi”.

Thánh Nữ chắp tay hướng lên hư không mà vái rằng: “Đức thần nào đó mà giải bớt lòng sầu lo của tôi như thế? Từ khi mẹ tôi mất đến nay, tôi thương nhớ ngày đêm, không biết đâu để hỏi cho rõ mẹ tôi thác sanh vào chốn nào?”.

Trên hư không lại có tiếng bảo Thánh Nữ rằng: “Ta là đức Phật quá khứ Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mà ngươi đương chiêm bái đó. Thấy ngươi thương nhớ mẹ trội hơn thường tình của chúng sanh nên ta đến chỉ bảo”.

Thánh Nữ nghe nói xong liền té xỉu xuống, tay chân mình mẩy đều bị tổn thương. Những người đứng bên vội vàng đỡ dậy, một lát sau Thánh Nữ mới tỉnh lại rồi bạch cùng trên hư không rằng: “Cúi xin đức Phật xót thương bảo ngay cho rõ chỗ thác sanh của mẹ con, nay thân tâm của con sắp chết mất!”.

Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai bảo Thánh Nữ rằng: “Cúng dường xong, ngươi mau mau trở về nhà, rồi ngồi ngay thẳng nghĩ tưởng danh hiệu của Ta, thời ngươi sẽ biết chỗ thác sanh của mẹ ngươi”.

Lễ Phật xong, Thánh Nữ liền trở về nhà. Vì thương nhớ mẹ, nên Thánh Nữ ngồi ngay thẳng niệm danh hiệu của Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai trải suốt một ngày một đêm, bỗng thấy thân mình đến một bờ biển kia. Nước trong biển đó sôi sùng sục, có rất nhiều thú dữ thân thể toàn bằng sắt bay nhảy trên mặt biển, chạy rảo bên này, xua đuổi bên kia.

Thấy những trai cùng gái số nhiều đến nghìn muôn thoạt chìm thoạt nổi ở trong biển, bị các thú dữ giành nhau ăn thịt.Lại thấy Quỷ Dạ Xoa hình thù đều lạ lùng: Hoặc nhiều tay, nhiều mắt, nhiều chân, nhiều đầu… răng nanh chĩa ra ngoài miệng bén nhọn dường gươm, lùa những người tội gần thú dữ. Rồi Quỷ lại chụp bắt người tội, túm quắp đầu chân người tội lại, hình trạng muôn thứ chẳng dám nhìn lâu.

Khi ấy, Thánh Nữ nhờ nương sức niệm Phật nên tự nhiên không kinh sợ.

Có một Quỷ Vương tên là Vô Độc, đến cúi đầu nghinh tiếp, hỏi Thánh Nữ rằng: “Hay thay Bồ Tát! Ngài có duyên sự gì đến chốn này?”.

Thánh Nữ hỏi Quỷ Vương rằng: “Đây là chốn nào?”.

Quỷ Vương Vô Độc đáp rằng: “Đây là từng biển thứ nhứt ở phía Tây núi đại Thiết Vi”.

Thánh Nữ hỏi rằng: “Tôi nghe trong núi Thiết Vi có địa ngục, việc ấy có thiệt như thế chăng?”.

Vô Độc đáp rằng: “Thiệt có địa ngục”.

Thánh Nữ hỏi rằng: “Nay tôi làm sao để được đến chốn địa ngục đó?”.

Vô Độc đáp rằng: “Nếu không phải sức oai thần, cần phải do nghiệp lực. Ngoài hai điều này ra ắt không bao giờ có thể đến đó được”.

Thánh Nữ lại hỏi: “Duyên cớ vì sao mà nước trong biển này sôi sùng sục như thế, và có những người tội cùng với các thú dữ?”.

Vô Độc đáp rằng: “Những người tội trong biển này là những kẻ tạo ác ở cõi Diêm Phù Đề mới chết, trong khoảng bốn mươi chín ngày không người kế tự để làm công đức hầu cứu vớt khổ nạn cho; lúc sống, kẻ đó lại không làm được nhân lành nào cả.

Vì thế nên cứ theo nghiệp ác của họ đã gây tạo mà cảm lấy báo khổ ở địa ngục, tự nhiên họ phải lội qua biển này.

Cách biển này mười muôn do tuần về phía Đông lại có một cái biển, những sự thống khổ trong biển đó gắp bội hơn biển này.

Phía Đông của biển đó lại có một cái biển nữa, sự thống khổ trong đó càng trội hơn.

Đó đều là do những nghiệp nhân xấu xa của ba nghiệp mà cảm vời ra, đồng gọi là biển nghiệp, chính là ba cái biển này vậy”.

Thánh Nữ lại hỏi Quỷ Vương Vô Độc rằng: “Địa ngục ở đâu?”.

Vô Độc đáp rằng: “Trong ba cái biển đó đều là địa ngục, nhiều đến số trăm nghìn, mỗi ngục đều khác nhau. Về địa ngục lớn thời có 18 chỗ, bậc kế đó có 500 chỗ đủ không lường sự khổ sở, bậc kế nữa có đến nghìn trăm cũng đầy không lường sự thống khổ”.

Thánh Nữ lại hỏi Quỷ Vương rằng: “Thân Mẫu của tôi mới khuất gần đây, không rõ thần hồn của người phải sa vào chốn nào?”.

Quỷ Vương hỏi Thánh Nữ rằng: “Thân mẫu của Bồ Tát khi còn sống, quen làm những nghiệp gì?”.

Thánh Nữ đáp rằng: “Thân mẫu của tôi mê tín tà đạo, khinh chê ngôi Tam Bảo, hoặc có lúc tạm thời tin chánh pháp, xong rồi chẳng kính. Dầu khuất không bao lâu, mà chưa rõ đọa lạc vào đâu?”. Vô Độc hỏi rằng: “Thân mẫu của Bồ Tát tên họ là gì?”.

Thánh Nữ đáp rằng: “Thân phụ và thân mẫu của tôi đều dòng dõi Bà La Môn. Thân phụ tôi hiệu là Thi La Thiện Kiến. Thân mẫu tôi hiệu là Duyệt Đế Lợi”.

Vô Độc chắp tay thưa Thánh Nữ rằng: “Xin Thánh Nữ hãy trở về, chớ đem lòng thương nhớ buồn rầu quá lắm nữa. Tội nữ Duyệt Đế Lợi được sanh lên cõi Trời đến nay đã ba ngày rồi.

Nghe nói nhờ con gái của người có lòng hiếu thuận, vì mẹ mà sắm sửa lễ vật, tu tạo phước lành, cúng dường chùa tháp, thờ đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Chẳng phải chỉ riêng thân mẫu của Bồ Tát đặng thoát khỏi địa ngục, mà ngày đó, những tội nhân Vô Gián cũng đều được vui vẻ, đồng đặng thác sanh cả”.

Nói xong, Quỷ Vương chắp tay chào Thánh Nữ mà cáo lui.

Bấy giờ, Thánh Nữ dường chiêm bao chợt tỉnh, rõ biết việc đó rồi, bèn đối trước tháp tượng của đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mà phát thệ nguyện rộng lớn rằng:

“Tôi nguyện từ nay nhẫn đến đời vị lai những chúng sanh mắc phải tội khổ, thì tôi lập ra nhiều phương chước làm cho chúng đó được giải thoát”. Đức Phật bảo Ngài Văn Thù Sư Lợi rằng: “Quỷ Vương Vô Độc trước đó nay chính là ông Tài Thủ Bồ Tát. Còn Thánh Nữ Bà La Môn đó, nay là Địa Tạng Bồ Tát vậy”.

dia tang vuong bo tat 4

3.3. Ngài là một thiếu nữ Quang Mục

Lại vô lượng vô số kiếp về thuở trước, có đức Phật ra đời, hiệu là Liên Hoa Mục Như Lai. Đức Phật đó thọ bốn mươi kiếp.

Trong thời mạt pháp, có một vị La Hán phước đức cứu độ chúng sanh. Nhân vì đi tuần tự giáo hóa mọi người, La Hán gặp một người nữ tên là Quang Mục, nàng này sắm sửa đồ ăn cúng dường La Hán.

La Hán thọ cúng rồi hỏi: “Nàng muốn những gì?”

Quang Mục thưa rằng: “Ngày thân mẫu tôi khuất, tôi làm việc phước thiện để nhờ đó mà cứu vớt thân mẫu tôi, chẳng rõ thân mẫu tôi thác sanh vào đường nào?”

La Hán nghe nói cảm thương bèn nhập định quan sát, thời thấy bà mẹ của Quang Mục đọa vào chốn địa ngục rất là khổ sở.

La Hán hỏi Quang Mục rằng: “Thân mẫu người lúc sanh tiền đã làm những hạnh nghiệp gì, mà nay phải đọa vào chốn địa ngục rất khổ sở như thế?”

Quang Mục thưa rằng: “Ngày còn sống, thân mẫu tôi chỉ ưa ăn thịt loài cá trạnh, phần nhiều là hay ăn cá con và trạnh con, hoặc chiên, hoặc nấu, tha hồ mà ăn cho thỏa mãn.

Nếu tính đếm số cá trạnh của người đã ăn thời đến hơn nghìn muôn. Xin Tôn Giả thương xót chỉ dạy phải làm cách nào để cứu thân mẫu tôi?”

La Hán xót thương bèn dạy phương chước, ngài khuyên Quang Mục rằng: “Ngươi phải đem lòng chí thành mà niệm đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai, và vẽ đắp hình tượng đức Phật, thời kẻ còn cùng người mất đều được phước lợi!”

Quang Mục nghe xong, liền xuất tiền của, họa tượng Phật mà thờ cúng. Nàng lại đem lòng cung kính, khóc than chiêm ngưỡng đảnh lễ tượng Phật.

Đêm đó, nàng chiêm bao thấy thân của đức Phật sắc vàng sáng chói như hòn núi Tu Di. Đức Phật phóng ánh sáng mà bảo Quang Mục rằng: “Chẳng bao lâu đây thân mẫu ngươi sẽ thác sanh vào trong nhà của ngươi, khi vừa biết đói lạnh thời liền biết nói”.

Sau đó, đứa tớ gái trong nhà sanh một đứa con trai, chưa đầy ba ngày đã biết nói. Trẻ đó buồn khóc mà nói với Quang Mục rằng:

“Nghiệp duyên trong vòng sanh tử phải tự lãnh lấy quả báo. Tôi là mẹ của người, lâu nay ở chốn tối tăm. Từ khi vĩnh biệt người, tôi phải đọa vào đại địa ngục.

Nhờ phước lực của người, nên nay được thọ sanh làm kẻ hạ tiện, lại thêm số mạng ngắn ngủi, năm mười ba tuổi đây sẽ bị đọa vào địa ngục nữa. Người có phương thế gì làm cho tôi được thoát khỏi nỗi khổ sở?”

Nghe đứa trẻ nói, Quang Mục biết chắc là mẹ mình. Nàng nghẹn ngào khóc lóc mà nói với đứa trẻ rằng: “Đã là mẹ của tôi, thời phải tự biết tội của mình, đã gây tạo hạnh nghiệp chi mà bị đọa vào địa ngục như thế?”

Đứa trẻ đáp rằng: “Do hai nghiệp: giết hại sanh vật và chê bai mắng nhiếc, mà thọ báo khổ. Nếu không nhờ phước đức của người cứu nạn cho tôi, thời cứ theo tội nghiệp đó vẫn còn chưa được thoát khổ”.

Quang Mục hỏi rằng: “Những việc tội báo trong địa ngục ra làm sao?”

Đứa trẻ đáp rằng: “Những việc tội khổ nói ra càng bất nhẫn, dầu đến trăm nghìn năm cũng không thuật hết được.

Quang Mục nghe xong, than khóc rơi lệ mà bạch cùng giữa hư không rằng:

“Nguyện cho thân mẫu tôi khỏi hẳn địa ngục khi mãn mười ba tuổi không còn có trọng tội cùng không còn đọa vào ác đạo nữa.

Xin chư Phật trong mười phương thương xót chứng minh cho tôi, vì mẹ mà tôi phát nguyện rộng lớn như vầy:

Như thân mẫu tôi khỏi hẳn chốn tam đồ và hạng hạ tiện cùng thân gái, cùng kiếp không còn thọ những quả báo xấu đó nữa, tôi đối trước tượng của đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai mà phát lời nguyện rằng: Từ ngày nay nhẫn về sau đến trăm nghìn muôn ức kiếp trong những thế giới nào mà các hàng chúng sanh bị tội khổ nơi địa ngục cùng ba ác đạo, tôi nguyện cứu vớt chúng đó làm cho tất cả đều thoát khỏi chốn ác đạo: địa ngục, súc sanh, và ngạ quỷ v.v…

Những kẻ mắc phải tội báo như thế thành Phật cả rồi, vậy sau tôi mới thành bậc Chánh Giác”.

Quang Mục phát nguyện đó xong, liền nghe tiếng của đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai dạy rằng: “Này Quang Mục! Nhà ngươi rất có lòng từ mẫn, vì mẹ mà phát ra lời thệ nguyện rộng lớn như thế, thật là hay lắm!

Ta quan sát thấy mẹ nhà ngươi lúc mãn mười ba tuổi, khi bỏ báo thân này sẽ thác sanh làm người Phạm Chí sống lâu trăm tuổi.

Sau đó vãng sanh về cõi nước Vô Ưu sống lâu đến số không thể tính kể.Sau rốt sẽ thành Phật độ nhiều hạng người, Trời, số đông như số cát sông Hằng”.

Đức Phật bảo ngài Định Tự Tại Vương Bồ Tát rằng: “Vị La Hán phước lành độ Quang Mục thuở đó, chính là Vô Tận Ý Bồ Tát. Thân mẫu của Quang Mục là ngài Giải Thoát Bồ Tát.

Còn Quang Mục thời là Ngài Địa Tạng Bồ Tát đây vậy. Trong nhiều kiếp lâu xa về trước Ngài có lòng từ mẫn, phát ra hằng hà sa số lời thệ nguyện độ khắp chúng sanh như thế.

Trong đời sau, như có chúng sanh không làm lành, mà làm ác, nhẫn đến kẻ chẳng tin luật nhân quả, kẻ tà dâm, vọng ngữ, kẻ lưỡng thiệt, ác khẩu, kẻ hủy báng Đại Thừa. Những chúng sanh có tội nghiệp như thế chắc phải bị đọa vào ác đạo.

Nếu gặp được hàng thiện tri thức khuyên bảo quy y với Ngài Địa Tạng Bồ Tát chừng trong khoảng khảy móng tay, những chúng sanh đó liền đặng thoát khỏi báo khổ nơi ba ác đạo.

Nếu người nào có thể quy kính và chiêm ngưỡng đảnh lễ ngợi khen, cùng dưng cúng những y phục, đồ ăn vật uống, các thứ trân bảo…. Thời người đó, trong trăm nghìn muôn ức kiếp sau, thường ở cõi trời hưởng thọ sự vui thắng diệu.

Hoặc lúc phước trời hết, sanh xuống chốn nhơn gian, vẫn còn thường làm vị Đế Vương trong trăm nghìn kiếp; lại nhớ được cội ngành nhơn quả trong các đời trước của mình.

Này Định-Tự-Tại-Vương! Ngài Địa-Tạng Bồ Tát có sức oai thần rất lớn không thể nghĩ bàn, nhiều sự lợi ích cho chúng sanh như thế. Các ông, những bực Bồ Tát, phải ghi nhớ kinh này hầu tuyên truyền lưu bố rộng ra’.

Ngài Định-Tự-Tại-Vương bạch Đức Phật rằng: ‘Bạch đức Thế-Tôn! xin Phật chớ lo! Nghìn muôn ức đại Bồ Tát chúng con đều có thể nương oai thần của Phật mà tuyên lưu rộng kinh này nơi cõi Diêm-Phù-Đề để cho lợi ích chúng sanh’.

Ngài Định-Tự-Tại-Vương Bồ Tát bạch với Đức Phật xong, bèn cung kính chắp tay lễ Phật mà lui ra.”

dia tang vuong bo tat 3

3.4. Ngài là một vị vua

Vô lượng vô số na do tha bất khả thuyết kiếp về thuở trước. Lúc đó, có đức Phật ra đời hiệu là Nhứt Thiết Trí Thành Tựu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.

Đức Phật đó thọ sáu muôn kiếp. Khi Ngài chưa xuất gia, thời Ngài làm Vua một nước nhỏ kia, kết bạn cùng với Vua nước lân cận; hai Vua đồng thật hành mười hạnh lành làm lợi ích cho nhân dân.

Nhân dân trong nước lân cận đó phần nhiều tạo những việc ác. Hai Vua cùng nhau bàn tính tìm những phương chước để dắt dìu dân chúng ấy.

Một ông phát nguyện: “Tôi nguyện sớm thành Phật sẽ độ dân

chúng ấy làm cho đều được giải thoát không còn thừa”.

Một ông phát nguyện: “Như tôi chẳng trước độ những kẻ tội khổ làm cho đều đặng an vui chứng quả Bồ Đề, thời tôi nguyện chưa chịu thành Phật”.

Đức Phật bảo Ngài Định Tự Tại Vương Bồ tát rằng: “Ông Vua phát nguyện sớm thành Phật đó, chính là đức Nhứt Thiết Trí Thành Tựu Như Lai. Còn ông vua phát nguyện độ chưa hết những chúng sanh tội khổ thời chưa nguyện thành Phật đó, chính là Ngài Địa Tạng Bồ tát đây vậy.

4. Địa Tạng Vương Bồ Tát cưỡi trên linh thú nào?

Địa Tạng Vương Bồ Tát cưỡi Đế Thính
Địa Tạng Vương Bồ Tát cưỡi Đế Thính

Linh thú của Địa Tạng Bồ Tát Vương là một linh khuyển tên là Đế Thính (hay Thiện Thính), linh thú này có khả năng phân biệt đúng sai thật giả, lại có thể nghe thấy mọi thứ trong tam giới. Trong Kinh sử cũng ghi lại rằng linh khuyển đã cùng Địa Tạng Bồ Tát đi khắp nơi trên con đường tu tập, từ lúc Ngài mới tu tập, đến khi thành Phật lại theo Ngài cứu độ chúng sinh. Linh thú này được mô tả theo hình dạng kỳ lân một sừng hoặc hình giống sư tử tuyết Tây tạng với màu xanh lam. Ngày nay khi khắc họa các tranh, tượng người ta cũng vẽ hình ảnh người ngồi hoặc đứng tên Đế Thính.

5. Thần chú Địa Tạng Vương Bồ Tát

Phiên bản dài:

CHHIM BHO CHHIM BHO CHIM CHHIM BHO / AKASHA CHHIM BHO / VAKARA CHHIM BHO / AMAVARA CHHIM BHO / VARA CHHIM BHO / VACHIRA CHHIM BHO / AROGA CHHIM BHO / DHARMA CHHIM BHO / SATEVA CHHIM BHO / SATENI HALA CHHIM BHO / VIVA ROKA SHAVA CHHIM BHO / UVA SHAMA CHHIM BHO / NAYANA CHHIM BHO / PRAJÑA SAMA MONI RATNA CHHIM BHO / KSHANA CHHIM BHO / VISHEMA VARIYA CHHIM BHO / SHASI TALA MAVA CHHIM BHO / VI AH DRASO TAMA HELE / DAM VE YAM VE / CHAKRASE / CHAKRA VASILE / KSHILI PHILE KARAVA / VARA VARITE / MADERE PRARAVE / PARECHARA BHANDHANE / ARADANE / PHAN CHI CHA CHA / HILE MILE AKHATA THAGEKHE / THAGAKHI LO / THHARE THHARE MILE MADHE / NANTE KULE MILE / ANG KU CHITABHE / ARAI GYIRE VARA GYIRE / KUTA SHAMAMALE / TONAGYE TONAGYE / TONAGULE / HURU HURU HURU / KULO STO MILE / MORITO / MIRITA / BHANDHATA / KARA KHAM REM / HURU HURU.

Phiên bản ngắn:

Oṃ Ha Ha Ha Vismaye Svāhā – Om Ha Ha Ha Win Sam Mo Ti So Ha.

Om / Namo Ksitigarbha Bodhisattva hoặc Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Om Pramardane Svaha.

Namo Di Zhang Wang Pu sa.

Om Ah Kshiti Garbha Thaleng Hum.

Xem thêm: Kinh Địa Tạng Bồ Tát

Giác Ngộ Tâm Linh đã chia sẻ nhiều điều thú vị về Địa Tạng Vương Bồ Tát giúp các bạn hiểu rõ hơn về vị Bồ Tát này cũng như là các tiền thân của Ngài để thấy được sự vĩ đại, thần thông của Ngài như thế nào. Chúc các bạn đồng tu ngày một tinh tấn, nguyện cho mỗi bạn đọc được bài viết này thấy được sự linh ứng, nhiệm mà của Ngài, đời đời kiếp kiếp đều được kết duyên lành với Ngài Địa Tạng Bồ Tát.