Phật Di Lặc là một trong những Phật được thờ cúng nhiều nhất trong Phật Giáo. Ngài là biểu tượng cho sự vui vẻ, hạnh phúc, vô tư, vô lo nên được rất nhiều người thờ cúng. Phật Di Lặc khi nào xuất hiện trên cõi đời này? Hôm nay, Giác Ngộ Tâm Linh sẽ cùng các bạn tìm hiểu về sự tích và thần chú Phật Di Lặc này nhé.
Nội Dung
1. Đức Phật Di Lặc là ai?
Đức Phật Di Lặc còn gọi là Maitreya Buddha trong tiếng Phạn hoặc Metteyya trong tiếng Pali, tên của Ngài còn mang ý nghĩa tình thương hay lòng tốt. Ngài là một vị bồ tát sẽ hạ phàm trên trần gian này, Ngài đã giác ngộ viên mãn và được sự đoán sẽ xuất hiện để thuyết pháp cho chúng sinh và đạt quả Phật. Ông được sự đoán là vị Phật kế tiếp Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong một số kinh của Đạo Phật, chẳng hạn như Kinh A Di Đà và Kinh Pháp Hoa, Ngài còn được gọi là Bồ Tát Ajita.
Đức Phật Di Lặc mang ý nghĩa niềm vui và hạnh phúc tuyệt đối gắn liền với hình tượng luôn cười tươi, vui vẻ của Ngài. Đó là lý do các đệ tử Phật Giáo gọi Ngài là “Phật Cười”. Nét mặt, ánh mắt và nụ cười của Phật Di Lặc sẽ hóa giải, xoa dịu những nỗi buồn, đau đớn, giận hờn, của bất kỳ chúng sinh nằm trông thấy Ngài. Nhiều người đặc biệt là các đệ tử Phật môn đều tin rằng nơi nào có tượng Phật Di Lặc hay kể cả khi được xoa tượng hoặc bụng tượng thì nơi đó, người đó sẽ luôn xuất hiện niềm vui, hạnh phúc, may mắn.
Trong các kinh Phật giáo từ Tiểu Thừa, Đại Thừa, Kim Cang Thừa cũng luôn có lời tiên tri về sự xuất hiện của Phật Di Lặc và điều này các Phật Tử tin tưởng. Trong tiếng Phạn, người ta cũng ghi chép lại lời tiên tri Di Lặc (văn bản Maitreyavyākaraṇa) về sự xuất hiện của Đức Phật Di Lặc. Kinh điển nói rằng chư thiên, loài người và tất cả mọi chúng sinh khác phải nghe theo lời dạy của Đức Phật Di Lặc: “Nghi ngờ của họ biến mất, ảo tưởng tan vỡ, mọi thứ gây khổ đau đều biến mất. Họ cố gắng sống hạnh phúc, thịnh vượng và vui vẻ, một cuộc sống hạnh phúc nhờ những lời dạy của Đức Phật Di Lặc”.
Xem thêm: Hình ảnh Phật Di Lặc đẹp nhất
Tại Trung Quốc, thế kỷ thứ 10, một nhà sư tên là Bồ Đại Hòa thượng được coi là hóa thân của Bồ tát Di Lặc. Một số người khác cũng tự xưng mình là hóa thân của Phật Di Lặc nhưng không có đủ bằng chứng để chư tăng và các Phật Tử tin nhận. Bởi để được công nhận là hóa thân của Phật thì người đó phải phù hợp với những tiên đoán khá cụ thể của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về những sự kiện xảy ra trước khi Đức Phật Di Lặc xuất hiện.
2. Sự tích về Đức Phật Di Lặc
Những sự xuất hiện của Đức Phật Di Lặc được đề cập sớm nhất trong kinh Chuyển Luân (Kinh Cakavatti Sutta). Trong Tiếng Hán, “Di Lặc” được Hán dịch là Từ Thị (Thị là họ, Từ là từ bi). Truyền thuyết ghi lại rằng, lúc, mẹ của Ngài mang thai Ngài, luôn khởi lòng từ bi không nỡ giết hại bất kỳ chúng sanh nào, kể cả thịt cá cũng không ăn cho nên gọi là “Từ”. Vì thế tên Ngài cũng được dịch là Từ Thị. Nhưng có thuyết khác rằng thuở xưa Ngài tu hạnh từ bi tam muội cho nên mới có tên gọi là Từ Thị.
Trong Kinh A-hàm có nói tóm tắt ý thế này: Đức Phật đã nói rằng cõi Ta-bà về sau tâm chúng sinh càng ngày càng ác, họ bỏ qua 10 nghiệp thiện chỉ chăm chăm tạo nhiều nghiệp ác. Dần dần đến khi họ quý 10 nghiệp ác cũng như thuở xưa các đệ tử quý trọng 10 nghiệp thiện, tuổi thọ chúng sanh ngày một giảm xuống đến cuối cùng còn 10 tuổi thì đức Phật Di Lặc sẽ ra đời.
2.1. Đức Phật Di Lặc sẽ ra đời khi nào?
Theo kinh sách Phật thì khi Phật Thích Ca nhập diệt lúc này Phật Di Lặc cũng sẽ nhập niết bàn. Ngài được sinh lên cung trời Đâu-suất (Tusita), sống 4.000 năm tuổi ở trong nội điện, rồi mới xuất hiện trong thế giới Ta-bà sau khoảng 30.000 năm nữa theo theo thời gian trên cõi trời Đâu-suất, tức là khoảng 5.760.000.000 năm (5,76 tỷ năm) tính theo thời gian ở cõi Ta-bà, thành đạo dưới cội cây Long Hoa, kế tiếp đức Phật Thích Ca giáo hóa cho chúng sinh. Hiểu một cách đơn giản thì sau khi Trái Đất nói riêng và Hệ Mặt Trời nói chung của chúng ta bị hủy diệt sau hàng tỷ năm nữa thì sẽ có một hệ hành tinh khác xuất hiện thì lúc đó Phật Di Lặc mới hạ phàm.
2.2. Hình tượng của Đức Phật Di Lặc
Nói về hình tượng Phật Di Lặc với chiếc bụng to, gương mặt phúc hậu người ta cho rằng hình tượng này xuất phát từ Trung Quốc chứ không phải từ Ấn Độ. Như đã nói Ngài Bố Đại Hòa Thượng được cho là hóa thân của Phật Di Lặc, ông có gương mặt to tròn, miệng cười, bụng phệ, mặc áo phanh ngực. Ngài đi khắp thế gian gặp gì xin đó. Khi đến tỉnh Minh Châu, có một vị Hòa Thượng tên là Thảo Đường hỏi Ngài: “Đại ý Phật Pháp ra sao?”. Đang xách túi trên vai Ngài liền để xuống. Vị Hòa thượng lại hỏi rằng: “Chỉ có thế thôi hay có con đường tiến lên?”. Ngài mang cái túi để lên vai và đi. Đó là câu trả lời của Ngài. Thật ra nhiều người vẫn chưa hiểu câu trả lời của Ngài.
Cho đến lúc sắp viên tịch Ngài mới trở về chùa, ngồi bên bàn đá, làm một bài kệ rồi viên tịch. Bài kệ đó như sau:
“Di Lặc chân Di Lặc
Phân thân thiên bách ức
Thời thời thị thời nhân
Thời nhân tự bất thức”.
Dịch nghĩa:
“Di Lặc thật Di Lặc.
Phân thân trong muôn ức.
Thường thường chỉ dạy người đời.
Người đời tự không biết”.
Đọc được bài kệ đó, người ta mới biết Bố Đại Hòa thượng là hóa thân của đức Di Lặc. Chính vì thế, người ta liền dựa vào hình ảnh Bố Đại Hòa Thượng để khắc Phật Di Lặc. Vậy nên, hình Phật chúng ta đang thờ ngày nay có nguồn gốc từ Trung Quốc.
3. Ý nghĩa của Đức Phật Di Lặc trong phong thuỷ
Ngày nay, rất nhiều đền chùa thờ cúng Phật Di Lặc. Xét về mặt phong thủy, tượng Phật Di Lặc mang biểu tượng cho sự hạnh phúc, vui vẻ tuyệt đối. Hình ảnh Phật Di Lặc luôn gắn liền với nụ cười đôn hậu trên môi sẽ hóa giải mọi sự nóng giận, áp lực, căng thẳng trong cuộc sống của gia chủ. Phật Di Lặc mang biểu tượng của sự vô tư, vô ưu, luôn vui vẻ, hòa thuận, có sức mạnh lay động và lan tỏa. Người ta quan niệm rằng ở đâu có Phật Di Lặc, ở đó sẽ có hạnh phúc.
Nhiều người còn tin khi xoa bụng Phật có thể đem lại may mắn và tài lộc vì Phật Di Lặc còn mang ý nghĩa phú quý trong phong thủy. Tượng Phật Di Lặc gắn liền với sự giàu có như đồng xu, tiền vàng, túi vải, cây quyền trượng, gậy như ý,… Khi thờ tụng Đức Phật Di Lặc ngồi dưới gốc cây thì gia chủ sẽ được phù hộ có sức mạnh tinh thần, vững vàng, giàu nghị lực, sức sống và lòng quyết tâm.
4. Ý nghĩa các hình dáng của tượng Đức Phật Di Lặc
Trong dân gian, có nhiều hình tượng của Phật Di Lặc khác nhau cũng mang những ý nghĩa khác nhau.
4.1. Tượng Phật Di Lặc Ngũ Phúc
Tượng gỗ Phật Di Lặc Ngũ Phúc khắc họa đang cười vui vẻ chơi cùng hình ảnh năm đứa bé đang quây quần xung quanh Phật Di Lặc. Năm đứa trẻ này tượng trưng cho ngũ căn (gồm mắt, mũi, tai, lưỡi, thân). Trong đó, mỗi đứa trẻ sẽ có một dáng vẻ khác nhau, đứa kéo tai, đứa nghịch mắt, đứa đứng trên vai, đứa ngồi dưới chân.
Tượng Phật Di Lặc Ngũ Phúc là biểu tượng của sự hòa bình, hạnh phúc và tự do. Đức Phật Thích Ca đã dạy rằng khi ngũ căn bị ngoại cảnh tác động sinh ra tham, sân, si, nóng giận,… như mây đen che khuất mất Phật tánh, từ bi, an lạc trong mỗi người. Do đó, nếu đặt tượng Di Lặc Ngũ Phúc trong nhà sẽ mang đến sự vô tư, vô lo, hạnh phúc. Ngoài ra, bộ tượng này cũng mang đến sự sum vầy, hạnh phúc của gia đình trọn vẹn và ước vọng về những thành viên mới.
4.2. Tượng Phật Di Lặc ngồi gốc đào hoặc cầm cành đào
Khác với bộ tượng trên, Phật Di Lặc bên cây đào hoặc ôm cành đào mang đến sức khỏe và sự trường thọ cho gia chủ. Cành đào trong phong thủy có tác dụng trấn áp tà khí, xua đuổi những thứ không sạch sẽ, thu hút tài lộc cho gia đình.
Kết hợp với tượng Phật Di Lặc với nụ cười phúc hậu sẽ mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi gia đình.
4.3. Tượng Phật Di Lặc ngồi dưới gốc tùng
Cây tùng là một trong tứ quý của phong thủy bao gồm: “Tùng – Cúc – Trúc – Mai”. Tùng là biểu tượng của mùa xuân, sự phồn thịnh cùng sức sống mạnh mẽ, kiên cường, vững vàng. Trong thi ca ngày xưa, người ta thường lấy hình tượng cây Tùng để ví như nam.
Bộ tượng Phật Di Lặc ngồi bên gốc tùng thể hiện gia chủ là người mạnh mẽ, kiên cường, không bao giờ bỏ cuộc, đầu hàng trước khó khăn, số phận. Những người này sẽ luôn tránh được bệnh tật, tai ương, mạnh khỏe, công việc kinh doanh thuận lợi.
4.4. Tượng Phật Di Lặc với dây tiền vàng
Tượng Phật Di Lặc mang ý nghĩa của sự vô tư, vô lo cùng giàu sang, phú quý khi kết hợp hơn với dây tiền vàng lại càng được các doanh nhân ưa chuộng. Với hình ảnh này, gia chủ khi thờ tượng này sẽ đem lại cho họ một cuộc sống giàu sang, phú quý, sung túc và thịnh vượng.
4.5. Tượng Phật Di Lặc vác cây gậy như ý
Cây trượng chính là biểu tượng của sự quyền lực tối cao. Vì vậy, những người mong muốn thăng quan tiến chức, có địa vị trong sự nghiệp thường chọn thờ cúng tượng Phật Di Lặc cầm trượng tại gia hoặc bàn làm việc. Bởi người ta quan niệm Phật Di Lặc sẽ phù hộ cho gia chủ thăng tiến, thuận buồm xuôi gió.
5. Thần chú Phật Di Lặc
Thần chú của Ngài Di Lặc Bồ Tát sẽ có 2 phiên bản ngắn và dài theo phiên âm tiếng Phạn.
Phiên bản dài:
Namo Ratna Trayaya
Namo Bhagavate Shakyamuni Yay
Tathagataya Arhate Samyak Sambuddhaya Tadyatha
Om Ajitay Ajitay Aparajita Ajitanchaya
Hara Hara Maitri Avalokite
Kara Kara Maha Samaya Siddhi
Bara Bara Maha Bodhi Menda Bidza
Mara Mara Ayma Kam Samaya
Bodhi Bodhi Maha Bodhi Soha
Phiên bản ngắn:
Om maitri maitreya maha karuna ye
Oṃ maitri mahāmaitri maitriye svāhā
Giác Ngộ Tâm Linh vừa chia sẻ với các bạn những thông tin thú vị để giúp các bạn hiểu rõ hơn Phật Di Lặc là ai. Chúc tất cả các bạn đọc sẽ luôn tinh tấn tu tập, để đạt được giác ngộ.