Hôm nay Giác Ngộ Tâm Linh sẽ giới thiệu các bạn ngài Phổ Hiền Bồ Tát là một trong hai thị giả kề cận của Phật Thích Ca Mâu Ni, cũng một trong tứ đại Bồ Phát quan trọng của Phật Giáo Đại Thừa. Những điều này cũng đủ để chúng ta thấy sự thù thắng và oai lực to lớn của Ngài.
Nội Dung
1. Phổ Hiền Bồ Tát là ai?
Ngài Phổ Hiền Bồ Tát là vị Bồ Tát đại diện cho sự chiến thắng của 6 giác quan (tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý), Ngài chính là đại biểu cho lý, định, hạnh của chư Phật, là một vị Bồ Tát có nhân duyên rất sâu nặng với chúng sinh. Ngài đã phát nguyện rộng luôn hộ trì cho những ai phát tâm trì tụng kinh Pháp Hoa hay tuyên giảng đạo pháp. Ngày vía của Ngài rơi vào 21 tháng 2 âm lịch và ngày 23 tháng 4 âm lịch hàng năm.
Tên của Ngài Phổ Hiền Bồ Tát được dịch nghĩa từ tiếng Phạn là Samantabhadra hoặc Vishvabhadra dịch âm đọc là Tản Mạn Đà Bồ Tát, còn được dịch là Biến Cát. Giải nghĩa tên của Ngài, “Phổ” có nghĩa là khắp nơi, biến khắp, “Hiền” là Đẳng Giác Bồ Tát. Do đó, Phổ Hiền Bồ Tát chính là Bồ Tát đẳng giác có năng lực hóa hiện ở khắp mười phương để hóa độ chúng sinh. Trong Mật Tông, Ngài còn được gọi là Thiện Nhiếp Kim Cương, Như Ý Kim Cương, Chân Như Kim Cương.
Xem thêm: Mật Chú Chuẩn Đề
2. Sự tích cuộc đời của Phổ Hiền Bồ Tát
Ngài Phổ Hiền tên là Năng – đà – nô, Ngài là hoàng tử thứ tư của vua Vô Tránh Niệm. Sau khi được vua Tránh Niệm khuyên nhủ, Ngài đã cùng cha cúng dường Phật Bảo Tạng trong suốt 3 tháng liền. Thấy vậy, đại thần Bảo Hải mới khuyên bảo nên đem công đức này hồi hướng về Đạo Vô thượng để cầu thành Phật, hơn là cầu phước báu về cõi Trời, Người vì như vậy vẫn phải vào đạo Luân Hồi.
Hoàng tử Năng-đà-nô bạch với Phật Bảo Tạng rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi có món công đức cúng dường Ngài và đại chúng trong 3 tháng, xin hồi hướng về đạo Vô Thượng Chánh Giác, nguyện phát tâm Bồ Đề, tu hạnh Bồ Tát mà giáo hóa mọi loài chúng sanh được thành Phật đạo; và nguyện được cõi Phật rất thanh tịnh trang nghiêm, bao nhiêu những sự tốt đẹp và sự giáo hóa chúng sanh đều y như thế giới của Đức Phổ Hiền Như Lai vậy”.
Đức Bảo Tạng Như Lai nghe Năng-đà-nô thái tử phát nguyện như vậy liền thọ ký rằng: “Hay thay! Hay thay! Người phát thệ nguyện rộng lớn, muốn độ hết thảy chúng sanh đều thành Phật đạo. Trong khi tu Bồ Tát đạo, dùng trí kim cang mà phá nát các núi phiền não của mọi loài chúng sanh, vì vậy nên ta đặt hiệu ngươi là Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Công Đức, trãi hằng sa kiếp làm nhiều công việc Phật sự rất lớn, rồi đến thế giới Bất Huyền ở phương Đông mà thành Phật, hiệu là Phổ Hiền Như Lai, chừng đó những sự tốt đẹp trang nghiêm của người đã cầu nguyện thảy đều như ý”.
Xem thêm: Chú Dược Sư Chữa Bệnh
Khi đức Bảo Tạng Như Lai thọ ký rồi, tự nhiên giữa hư không có nhiều vị Thiên Tử ở các cõi Trời đem đủ thứ bông thơm đẹp đến mà cúng dường và đồng thinh khen ngợi.
Thái tử Năng-đà-nô thưa với Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Nếu những sự ao ước của tôi ngày sau quả nhiên được như lời Ngài thọ ký, nay tôi kính lễ Ngài và Chư Phật mà xin làm sao hằng sa thế giới có đủ món hương rất tốt, rất thơm, mùi bay khắp trong các cõi; và mọi chúng sanh, hoặc ở trong địa ngục, ngạ quỷ cùng súc sanh, cho đến các người ở cõi Thiên Thượng nhân gian đương mắc phải nghiệp báo gì, nếu ngửi được món hương thơm ấy, tức thì đều được thoát khổ và lại hưởng sự an vui”.
Thái tử Năng-đà-nô thưa rồi đang cúi đầu mà lễ Phật, thì trong các thế giới mười phương tự nhiên có mùi hương thơm bay khắp cả. Lúc đó mọi loài chúng sanh ngửi được mùi hương ấy, lòng dạ hớn hở, các phiền não thảy đều tiêu trừ. Năng-đà-nô thái tử nhờ Phật thọ ký như vậy, thân tâm vui mừng, bèn đảnh lễ Phật, rồi ngồi xuống nghe Ngài thuyết pháp
Hoàng tử Năng Đa Đô nhờ công đức này mà trải qua nhiều đời nhiều kiếp vẫn luôn ghi nhớ lời nguyện của mình, hết lòng thờ Phật, hóa độ chúng sanh, về sau chính là Phổ Hiền Bồ Tát. Còn cha Ngài là vua Vô Tránh Niệm về sau trở thành Phật A Di Đà, và vị đại thần Bảo Hải người khuyên hoàng tử chính là Phật Thích Ca Mâu Ni.
Xem thêm: Chú Đại Bi 84 Biến
3. Hình tượng của Phổ Hiền Bồ Tát
Tượng Ngài Phổ Hiền thường được thờ nhiều ở các đền chùa, và thờ chung với Phật Thích ca. Bộ ba gồm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng Phổ Hiền Bồ tát và Văn Thù Bồ Tát được gọi là Hoa Nghiêm Tam Thánh. Trong đó, tượng của Phổ Hiền Bồ Tát ở bên phải Phật Thích Ca Mâu Ni, còn Ngài Văn Thù Sư Lợi ở bên trái. Bồ Tát Phổ Hiền thường được miêu tả với những tranh ảnh, tượng có màu xanh đậm – màu sắc biểu tượng cho tính không.
Ngài Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi voi trắng 6 ngà – voi trắng tượng trưng cho trí tuệ vượt bậc, 6 ngà. Tại sao lại là voi trắng? Người ta cho rằng, dù Ngài dùng nhiều phương chước đi khắp nơi để cứu độ chúng sinh, nhưng không vướng bụi trần, thân tâm trong sạch. Sáu Ngà Voi tượng trưng cho lục căn, 6 chiếc răng này cũng là 6 độ cũng ý chỉ Ngài vận dụng 6 phương pháp này linh hoạt để giác ngộ chúng sinh. Lục độ chính là Trì Giới, Thiền Định, Bố Thí, Tinh Tấn, Trí Huệ và Nhẫn Nhục. Voi có 4 chân tượng trưng cho 4 loại thiền định. Hình tượng thường biết đến của Ngài là tay trái cầm hoặc tay phải cầm hoa sen trên đó có pháp khí là viên bảo châu, tay còn lại bắt ấn giáo hóa (ngón trỏ và ngón cái chạm nhau tạo thành một hình tam giác). Cũng có những hình ảnh tay Ngài cầm cuốn kinh hoặc kim cương chử ở tay trái.
Xem thêm: Cách Đọc Chú Vãng Sanh
4. Phổ Hiền Bồ Tát là nam hay nữ?
Khi quan sát các hình tượng của Ngài Phổ Hiền Bồ Tát, có nhiều Phật tử thắc mắc không biết Phổ Hiền Bồ Tát là nam hay nữ. Thật sự rất khó nhận biết Ngài Phổ Hiền là nam hay nữ. Trước khi hóa độ thành Bồ Tát, Ngài đã trải qua hàng trăm nghìn kiếp thì mới có thể trở thành Bồ Tát, có lúc là nam có lúc là nữ, có lúc thuộc hàng hoàng tộc, lúc là dân nghèo, tuy nhiên dù là kiếp nào Ngài cũng luôn giữ hạnh nguyện mình đã nói, luôn phát tâm Bồ Đề hết lòng vì chúng sinh..
Theo Phật Giáo, nếu ngắm nhìn các hình tượng của Phổ Hiền Bồ Tát chúng ta sẽ thấy hình tượng mang vẻ của nữ tính nhiều hơn, có nét giống như Quan Thế Âm Bồ Tát. Hình tượng này được nhận định là rất phù hợp với danh hiệu của Ngài, mang tấm lòng từ mẫn, trí huệ của người.
Xem thêm: Tụng Kinh Địa Tạng Có Chữ
5. Phổ Hiền Bồ Tát và 10 hạnh nguyện
Mười Hạnh Nguyện của ngài Phổ Hiền Bồ Tát được nhắc đến trong Kinh Hoa Nghiêm. Nói về ý nghĩa hạnh nguyện thì rộng lớn vô cùng. Mười hạnh nguyện đó là:
5.1. Lễ Kính Chư Phật:
Hạnh nguyện này của Bồ Tát Phổ Hiền muốn nói về việc tin sâu vào mười phương chư Phật, kính lễ các vị Phật ở quá khứ, hiện tại và tương lai. Phật tổ đã dạy rằng mỗi chúng sanh tương lai đều sẽ thành Phật, do đó mỗi người dù đi đến đâu, gặp già trẻ, lớn bé giàu nghèo thì đều phải lễ kính như làm với chư Phật. Từ đó mỗi chúng sinh nên tự thanh tịnh về 3 nghiệp thân – khẩu – ý để có thể tự lễ kính mỗi người như kính lễ chư Phật.
5.2. Xưng Tán Như Lai
Nguyện này có nghĩa là ca ngợi Như Lai, là hạnh nguyện sử dụng các loại âm thanh cũng như câu ca để có thể xưng tán công đức sâu dày của các Như Lai, chư Phật Bồ Tát trong mười phương. Mõi người nuôi lòng tán thán Như Lai sẽ giúp khởi lên Phật tâm ở trong chân tâm giúp chúng ta sống biết ơn, trong sạch, thanh thản.
5.3. Quảng Tu Cúng Dường
Hạnh Nguyện này có nghĩa là phát nguyện cúng dường rộng lớn, sử dụng thêm nhiều phương chước để cúng dường. Nhưng rộng lớn ở đây không phải là số lượng nhiều mà cốt ở tâm cúng dường. Ví như người nghèo cả gia tài có 2 đồng nhưng đều đem phát nguyện cả 2 đồng ấy làm lợi ích cho chúng sinh, phát tâm Bồ Đề mong mọi chúng sinh đều vui vẻ, hạnh phúc… đó chính là quảng tu cúng dường. Trong các loại cúng dường như âm nhạc, hương hoa, tiền vàng, đồ ăn, thức uống thì dùng pháp để cúng dường được xem là thù thắng nhất.
Xem thêm: Kinh Tụng Chú Lăng Nghiêm
5.4. Sám Hối Nghiệp Chướng
Đây là hạnh nguyện để thanh tịnh cho 3 nghiệp Tham – Sân – Si, nghiệp từ Thân Khẩu Ý gây ra, đã có từ vô thủy kiếp quá khứ cho đến kiếp hiện tại. Hạnh nguyện này chính là dùng thân, tâm, ý mà thành tâm sám hối hết thảy các lỗi sai, ác nghiệp do vô tình hay cố ý gây ra.
5.5. Tùy Hỷ Công Đức
Hạnh nguyện thứ 5 này có nội dung là hoan hỷ và tán thán công đức của hết thảy chư Phật, và công đức của chúng sinh khác bất kể là Người, Trời, Rồng hay lục thú. Chúng ta thường ít tưởng niệm, ghi nhớ công đức của người khác, chỉ cần người khác làm được chút chuyện lợi ích cho chúng sinh thì chúng ta nên vui vẻ, thật lòng thật dạ biết ơn người ấy.
5.6. Thỉnh Chuyển Pháp Luân
Ý muốn nói đến việc ân cần, và lòng thành kính trong sử dụng mọi phương thức từ lời nói, hành động, ý nghĩ để có thể thỉnh người đến thuyết diệu pháp cho chúng sinh nghe. Trong tất cả việc bố thí cúng dường thì không gì bằng bố thí, cúng dường Pháp, vì tất cả những thứ tiền bạc, quần áo, y phục,.. chỉ có thể giúp chúng sinh đó trong phút giây, một đời, chỉ có Pháp mới giúp chúng sinh giải thoát hoàn toàn. Những người biết Thỉnh Pháp là những người có công đức rất lớn, tha thiết thỉnh các vị sư thầy đến nói pháp cho mình và các chúng sinh khác đến nghe thì công đức vô cùng to lớn.
5.7. Thỉnh Phật Trụ Thế
Hạnh nguyện này có nghĩa là muốn khuyên bảo tất cả các vị Phật, các vị Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác cùng với những vị Thiện tri thức trụ thế thật lâu dài vì lợi ích của chúng sinh. Mỗi chúng sinh hãy nguyện rằng sinh ra ở thế giới nào có Phật thì các Ngài hãy trụ thế thật lâu. Ngày nay không có Phật thì hãy phát tâm cho các sư thầy, hòa thượng được trường thọ với đời để cứu giúp chúng sinh.
5.8. Thường Tùy Phật Học
Hạnh nguyện này muốn khuyên chúng sinh nên học theo Phật, không chỉ nghe lời các vị Phật giáo hóa, mà còn thực hành, tu tập theo hạnh nguyện của các Ngài. Không chỉ nghe giảng Pháp, niệm Phật mà còn vận dụng vào tiếng nói, hành động, tâm thức để thực hành theo lời Chư Phật, Bồ Tát đã dạy.
5.9. Hằng thuận chúng sinh
Tính tình chúng sinh cang cường, có nhiều ác nghiệp, tâm tính dễ nóng giận, tham, sân, si do đó người theo Phật cũng nên học các Ngài, tùy thuận chúng sinh mà có phương tiện giáo hóa, độ hóa cho phù hợp. Với chúng sinh cang cường, lì lợm, nóng giận thì nên lập ra nhiều phương chước để giáo hóa từ từ. Với chúng sinh tham lam, bỏn xẻn thì nên dùng bài học về nhân quả, làm gương, nhường nhịn để họ thấu hiểu.
5.10. Phổ giai hồi hướng
Hạnh nguyện này có nghĩa là hồi hướng cho khắp tất cả chúng sinh, hồi hướng cho mười phương pháp giới chứ không phải hồi hướng cho mình và người thân. Giống như Ngài Phổ Hiền khi còn là một vị hoàng tử có công đức cúng dường Phật Bảo Tạng và đại chúng trong 3 tháng đã phát nguyện hồi hướng công đức cho Đạo Vô Thượng, đem công đức trang nghiêm Tịnh Độ.
Theo như 10 hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát, chúng sinh cần học hỏi và vận dụng vào cuộc sống, nhất là thời mạt pháp ngày nay, chúng sinh phúc mỏng nghiệp dày.
6. Thần chú Phổ Hiền Bồ Tát là gì?
Đối với các vị Phật nguyên thủy, thần chú của Phổ Hiền Bồ Tát là một trong những câu thần chú linh thiêng nhất. Câu thần chú này mang ý nghĩa, đại diện cho khát vọng thức tỉnh mạnh mẽ, mong muốn có thể hiểu rõ hơn về bản chất của mọi thứ trong vũ trụ này. Thần chú của Ngài Phổ Hiền được diễn tả các hình thức khác nhau, qua đó sẽ giúp chúng sinh nhận ra các góc cạnh khác, phát hiện chúng ta đang bị mây mờ che mắt nên có có cách nhìn nhận khác so với thực thể ban đầu. Câu thần chú như sau
Phiên bản tiếng Phạn:
adaṇḍe daṇḍapati daṇḍa-āvartani daṇḍa-kušale daṇḍa-sudhāri
sudhārapati buddhapaśyane sarvadhāraṇi
āvartani saṁvartani saṅgha-parīkṣite saṅgha-nirghātani
dharma-parīkṣite sarva-sattva ruta kauśalyā-nugate
siṁha-vikrīḍite anuvarte vartani vartāli svāhā
Phiên bản tiếng Việt:
A đàn địa, đàn đà bà địa, đàn đà bà đế, đàn đà cưu xá lệ, đàn đà tu đà lệ, tu đà lệ,
tu đà la bà để, phật đà ba thiên nỉ, tát bà đà la ni, a bà đa ni, tát bà bà sa,
a bà đa ni, tu a bà đa ni, tăng già bà lý xoa ni, tăng già niết già đà ni, a tăng kì,
tăng già ba già địa, đế lệ a nọa tăng già đâu lược, a la đế bà la đế, tát bà tăng già tam ma địa già lan địa,
tát bà đạt ma tu ba lợi sát đế, tát bà tát đỏa, a nậu lâu đà kiều xá lược, a (Nậu) già địa, tân a tỳ cát lợi địa đế.
7. Phổ Hiền Bồ Tát là vị Phật bản mệnh của người tuổi nào?
Ngài Phổ Hiền Bồ Tát vốn thuộc hàng Phật, Bồ Tát tất nhiên Ngài sẽ phù hộ cho bất kỳ một người nào thành tâm, tinh tấn tu tập. Tuy người ta cho rằng, Phổ Hiền Bồ Tát phù hợp với bản mệnh của người tuổi Thìn và tuổi Tỵ hơn. Những người này sẽ dễ cảm ứng với Ngài hơn, từ đó giúp mọi người có thể nhìn thấy được lý tưởng, chân lý, tránh xa ảo mộng, vô vọng, tham sân si để có thể nhìn thẳng vào sự thật, đạt đến giác ngộ.
Những người sinh năm Thìn: 1940, 1952, 1964, 1976, 1988, 2000. 2012, 2024
Những người sinh năm Tỵ: 1941, 1953, 1965, 1977,1989, 2001, 2013, 2025
Như vậy, qua bài viết này, Giác Ngộ Tâm Linh đã giúp các bạn tìm hiểu thêm về một vị đại Bồ Tát nữa. Những hạnh nguyện và to lớn của Phổ Hiền Bồ Tát dù kiếp nào đi nữa cũng luôn đáng để mỗi chúng ta học hỏi.