Đại sư Huyền Trang được nhiều người biết đến qua bộ phim “Tây Du Ký” nhưng ít ai biết rằng ông thực sự là một nhân vật có thật. Hôm nay mời các bạn cùng theo chân Giác Ngộ Tâm Linh tìm hiểu chi tiết về nhân vật lịch sử có sức ảnh hưởng quan trọng tới Phật Giáo Trung Quốc này nhé.
1. Tiểu sử Đại sư Huyền Trang
Đại sư Huyền Trang (Xuanzang) sinh năm 602 và mất năm 664, thường được biết đến với tên gọi là Đường Tam Tạng, Đường Tăng. Ông là một học giả và là Giáo thọ sư Phật học được nhiều người biết đến vào thế kỷ thứ VII tại Trung Hoa. Ông ta sinh tại Lạc Dương tỉnh Hồ Nam, trong một gia đình có truyền thống quan lại. Theo các kỳ truyện kể lại từ bé ông đã thông minh, đỉnh ngộ, được cha dạy cho những nghi thức Nho giáo.
Từ năm 13 tuổi, Huyền Trang bắt đầu học về giáo lý nhà Phật tại chùa của Ngài Tsing-tu trong thành Lạc Dương. Lúc bấy giờ cũng đã có nhiều Kinh điển Phật Giáo dịch từ tiếng Ấn Độ và trung tâm Châu Á được dịch sang tiếng Trung Quốc. Phật giáo Trung Hoa cũng nghiên cứu và luận giải trên những bộ kinh đó nhưng lại có sự luận giải khác nhau, không rõ ràng. Điều này cũng thôi thúc đại sư Huyền Trang đi Thiên Trúc thỉnh kinh để tự mình tìm hiểu.
Lúc này Đường Thái Tông có lệnh cấm đi sang các nước Ấn Độ, nhưng ông đã liều mình để đi hành hương về quê Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để tìm kiếm những kinh điển mà Trung Quốc chưa có. Năm 629, Huyền Trang bắt đầu chuyến đi. Chặng đường đi cực kỳ gian nan, ông đã đi khắp nơi và học ở Ấn Độ suốt hơn 15 năm về sau được chính nhà vua yêu cầu viết một tập sách để vinh danh ông, có tên là Đại Đường Tây Vực Ký.
Khi ở Ấn Độ ông đã được học tập và đàm đạo với những vị thầy nổi tiếng hàng đầu lúc bấy giờ. Ông cũng chiêm bái những thành tựu, tham gia các cuộc tranh luận, tọa đàm của cộng đồng Phật tử và cả ngoại đạo. Dần dần, ông trở thành một nhà tranh luận cứng rắn với tư duy logic và lập luận sắc bén. Tại đây ông cũng nhận thấy nhiều sự khác biệt trong Phật Giáo Trung Quốc và Ấn Độ. Đó không đơn giản chỉ là sự thiếu sót của một vài bộ luận. Những gì có trong các cuộc tranh luận, diễn dịch còn rộng lớn hơn rất nhiều so với những tài liệu Phật Giáo ở Trung Quốc. Có nhiều quan điểm, từ ngữ, khái niệm mà trước giờ ở Trung Quốc không hề có. Ngược lại nhiều nội dung của Phật Giáo như Phật Tính hay các kinh điển như Đại Thừa Khởi Tín Luận lại không được Ấn Độ biết đến.
Sau đó, Ngài trở về Trung Quốc, với hơn 600 bộ kinh luận Phạn Ngữ. Nhờ trình độ uyên bác cùng tiếng tăm vang dội của mình lúc này, hoàng đế Trung Quốc cũng tạo điều kiện, cho dựng nơi ở và lập một đội biên dịch, hỗ trợ Đại Sư Huyền Trang trong quá trình dịch thuật. Trong đó, mục đích chính của nhà vua là để lấy được thông tin chiến trận của các nơi nhà sư đã đi qua, tất nhiên ông đã từ chối và viết một tập du ký miêu tả những nơi đã từng đi qua, những thánh tích Phật giáo mà ông đã đã đến chiêm bái. Tác phẩm này cũng giúp hậu thế về sau có một cái nhìn bao quát về xã hội, phong tục, địa dư và điều kiện phát triển của đạo Phật trong thế kỉ thứ bảy tại Trung và Nam châu Á.
Vào ngày 5 tháng 2 năm 664, Đại sư Huyền Trang vì bệnh tật và già yếu đã qua đời tại chùa Ngọc Hoa, thọ 62 tuổi. Được tôn vinh là vị sư có một không hai của Phật Giáo Trung Hoa.
2. Những thành tựu của Đại sư Huyền Trang
Danh tiếng của ông nhanh chóng lan khắp nơi, người ta truyền rằng Ngài đến tận Ấn Độ để học từ gốc đến ngọn của Phật Giáo, là người duy nhất được vua nước Đường đỡ đầu, là người dịch những bản thảo Phật Giáo chính gốc mà ít ai biết. Học viên của ông cũng đến từ khắp Trung Quốc và thậm chí là nước ngoài như Triều Tiên, Nhật Bản, các nước Trung Á, đồng thời rất nhiều tăng sĩ từ Ấn Độ đến để bày tỏ lòng hâm mộ. Ngoài việc truyền bá kinh sách và những tư tưởng mới mẻ vào Trung Quốc, Ngài cũng đã góp phần thay đổi nền nghệ thuật và kiến trúc Trung Quốc với những vật dụng và thiết kế độc đáo do Ngài mang về. Đại sư Huyền Trang cũng thiết kế một nơi đựng kinh sách ở Trường An (ngày nay là Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc), cho đến nay nơi ấy vẫn còn và là một dấu ấn đặc biệt tại vùng đất này.
Huyền Trang được xem là một trong những nhà dịch giả vĩ đại nhất, mang lại nhiều tác phẩm kinh điển có giá trị cho nền Phật Giáo Trung Quốc. Nhiều tác phẩm của ông như: Tâm Kinh, Kim Cương Kinh, Thí Dụ Kinh, Đại Thừa Kinh, Phương Đẳng Kinh, Đà La Ni,… hay các bộ luận về Ngài Dược Sư Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát,…
Bên cạnh đó ông cũng dịch nhiều bộ kinh luật liên quan về Duy Thức Tông, Trung Quán Tông, Tịnh Độ Tông, Mật Tông. Điều này giải quyết vấn đề về sự khác biệt giữa các kinh điển có thể do dịch nhầm hoặc dịch không đầy đủ mà trước đây Phật Giáo Trung Quốc gặp phải.
Công trình dịch thuật này có thể nói là khổng lồ với 74 bộ kinh luận trong 19 năm. Trong đó có những quyển kinh dài như Ma-ha-bát-nhã-ba-la-mật-đa đã nhắc đến dài hàng nghìn trang. Những tác phẩm này đã tạo thành dấu ấn sâu sắc chứng minh sự xâm nhập của tư tưởng Phật giáo Ấn Độ vào miền Đông Á. Cho đến ngày nay, những kinh luật này vẫn còn nhiều giá trị, đóng một vai trò quan trọng trong nghi lễ Phật giáo hàng ngày.
Giác Ngộ Tâm Linh vừa giới thiệu đến các bạn về Đại sư Huyền Trang. Đọc về nhân vật này, chúng ta mới hiểu tại sao phim truyện Trung Quốc lại khen ngợi và viết nhiều về ông như thế.