Bồ Tát Giới là điều luật được đặt ra cho cả đệ tử xuất gia và người tu tại gia. Người ta cho rằng đây là giới luật cao nhất của cư sĩ tại gia. Vậy thực tế, Bồ Tát Giới là gì mà lại được nhiều người đề cao như vậy? Mời quý Phật tử cùng Giác Ngộ Tâm Linh tìm hiểu chi tiết hơn vấn đề này nhé.
Nội Dung
1. Bồ Tát Giới là gì?
Giới Bồ Tát được xem là cái nôi nuôi dưỡng Phật. Muốn làm Bồ Tát thì đều phải thọ Bồ Tát Giới, không thực hành giới này thì vĩnh viễn không thể thành Phật. Bồ Tát Giới chính là những quy tắc, giới luật, sự cam kết mà người tu hành phải làm để trở thành Bồ tát, Phật. Các quy tắc này liên quan đến việc giữ tuệ giới, thực phẩm giới và hạnh giới. Trong đó, tất cả chúng sinh từ cõi trời đến cõi người, tám bộ quỷ thần súc sanh đều có thể làm.
Xem thêm: Bạch Y Thần Chú
2. Nội dung của Bồ Tát Giới
Theo Kinh Phạm Võng, Bồ Tát Giới gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh. Giác Ngộ Tâm Linh xin được tóm lược như sau:
2.1. Mười giới trọng
Mười giới trọng này được phân ra thuộc vào 3 loại Thân, khẩu, ý. Bồ Tát Giới bao gồm 10 giới trọng, cụ thể chính là:
- Giới sát sinh: Không được sát sinh, giết hại sinh vật, hoặc rủ rê, khuyến khích người khác giết hại thì đều là sai trái. Phật tử nên nuôi dưỡng lòng từ bi, đối đãi công bằng, thương xót với tất cả chúng sinh.
- Giới trộm cắp: tự mình lấy trộm, hay rủ rê, chỉ cho người khác trộm, cách thức trộm là sai trái. Dẫu cho đó là đồ có giá trị lớn như nhà, đất, vàng hay đến thứ nhỏ như sợi chỉ, mũi kim cũng không được phép.
- Giới dâm dục: Là Phật tử nhưng tự mình dâm dục, sai bảo người khác hay ép buộc người khác dâm dục cũng là vi phạm Bồ Tát Giới.
- Giới vọng: Phật tử nào nói vọng ngữ, ăn không nói có, thân vọng ngữ, tâm vọng ngữ, nói lời hiểm ác thì đều mang tội. Là Phật tử nên nói chính ngữ, chính kiến, nói lời hòa nhã, động viên, an ủi chúng sinh khác.
- Giới uống rượu, chất gây nghiện: Rượu được xem là nhân duyên sinh ra tội ác, khiến trí tuệ u mê. Do đó, Phật tử nên tránh xa những thứ này để giữ đầu óc thanh tịnh.
- Giới rao lỗi của chúng sinh: Là Phật Tử nhưng miệng lại thường rêu rao bắt lỗi của Bồ tát xuất gia, Bồ tát tại gia, các sư tăng, ni thì đều là mang tội. Nếu nghe kẻ khác nói sai, phi pháp, trái giáo luật thì nên dùng lòng từ bi giáo hóa chúng sinh ấy, khiến họ tin vào Phật Giáo, Tam Bảo.
- Giới tự khen mình, chê người: Người Phật tử nào thường chê người, khen mình, rủ bảo người khác làm theo thì đều là vi phạm giới luật. Là Phật tử chân chính thì nên nhận lỗi sai về mình, nhường việc tốt cho người, đừng phô diễn tài đức của mình nhằm mục đích dìm, hạ bệ người khác.
- Giới bỏn xẻn, đuổi mắng: Phật tử tự mình tính toán, bỏn xẻn, thường đem lòng ghét bỏ, tức giận với người khác, cho đến xua đuổi, mắng chửi người ta đều vi phạm giới Bồ Tát. Thay vào đó nên giúp đỡ, thương xót cho họ, chỉ cho người đó cách thức, phương tiện để thoát nỗi khổ đó.
- Giới giận hờn không nguôi: Phật tử nào tính tình hay giận dỗi, nói lời lăng mạ, cho đến dùng gậy đánh đập vẫn chưa hả dạ, bắt nạn nhân xin lỗi, sám hối vẫn còn tức giận hoặc rủ rê, gây mâu thuẫn để người khác giận dỗi thì là sai trái. Đã là Phật tử thì nên giúp chúng sinh hòa nhã, không còn gây gổ, có lòng từ bi, hiếu thuận.
- Giới phỉ báng Tam Bảo: Nếu Phật tử tự mình phỉ báng Tam Bảo, tuyên truyền để mọi người cùng làm theo mình thì nghiệp tội nhiều vô kể. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng dạy, một lời phỉ báng cũng như ba trăm kim nhọn đâm vào tim, cho nên không được tự mình nói ra hay rủ người khác nói cùng.
Xem thêm: Phật Giáo Đại Thừa là gì?
2.2. Bốn mươi tám giới khinh
- Giới không kính thầy bạn: Là Phật tử dù đã đắc giới rồi, cũng nên có lòng hiếu thuận và cung kính. Gặp những sư thầy, bạn bè, đồng tu đến nhà phải đứng dậy tiếp đón, chào hỏi. Theo pháp đã dạy mà cúng dường, tiếp đãi các vị ấy. Nếu người Phật tử nào sinh lòng kiêu mạn, sĩ diện mà không chịu làm như pháp thì là sai trái.
- Giới uống rượu: Phật tử nào cố tình uống rượu, tự tay trao chén rượu cho người uống, sẽ mang ác báo trong 500 đời không có đôi tay, huống chi là tự uống. Phật tử không được uống tất cả các thứ rượu.
- Giới ăn thịt: Nếu Phật tử cố ăn thịt, sẽ bị mất lòng đại từ bi, dứt hẳn Phật tính,…
- Giới ăn ngũ tân: Phật tử không chẳng được ăn 5 gia vị là hành, hẹ, tỏi, nén và hưng cừ.
- Giới không dạy người sám tội: Phật tử khi thấy người phạm giới, có hành động sai trái thì dùng lời lẽ, phương tiện để khuyên nhủ người ấy sám hối.
- Giới không cúng dường thỉnh pháp: Là Phật tử nếu có dịp gặp các sư đại thừa hay những bậc đồng tu từ trăm dặm, nghìn dặm đến chơi thì phải đứng dậy rước vào, lễ bái, cúng dường. Cung cấp giường ghế, đồ ăn, thuốc men cho vị ấy bằng tâm lành chứ không được sân hận, tiếc rẻ.
- Giới không đi nghe pháp: Phật tử học hạnh Bồ Tát thì nên đi đến tất cả chỗ thuyết pháp để nghe học, thưa hỏi.
- Giới có tâm trái bỏ đại thừa: Là Phật tử phải xem trọng, tuân theo các luật Ðại thừa thường trụ, không được tà kiến mà phỉ báng Đại thừa.
- Giới không khám bệnh: Là Phật tử, gặp chư tăng ốm đau cho đến người bình thường bị bệnh tật phải tận tâm cúng dường, săn sóc, giúp đỡ họ.
- Giới chứa khí cụ sát sinh: Là Phật tử, không được cất chứa, buôn bán các dụng cụ sát sinh như lưới, cung tên, nỏ, búa, dao, rìu,…
- Giới đi sứ: Là Phật tử không được vì quyền lợi và ác tâm mà đi thông sứ mạng làm cho hai nước đánh nhau làm cho vô lượng chúng sinh bị giết hại.
- Giới buôn bán phi pháp: Là Phật tử không được làm ngành nghề kinh doanh như buôn bán người, gia súc, buôn bán quan tài, đồ đựng thây chết như hòm, tiểu,…
- Giới phỉ báng: Là Phật tử không được ác tâm, phỉ báng, vu khống người thiện lành là vi phạm mười giới trọng.
- Giới phóng hỏa: Là Phật tử không được vì ác tâm, lợi ích của mình mà đốt núi, rừng, đồng nội, làm chảy nhà cửa, thành ấp, mất của cải của quỷ thần thì tội càng thêm nặng.
- Giới dạy giáo lý ngoài đại thừa: Là Phật tử nên khuyên giảng cho tất cả mọi người từ người thân, kẻ lành đến người ác để họ hiểu nghĩa lý đại thừa, khiến phát tâm thành, tôn kính tam bảo.
- Giới vì lợi mà giảng pháp lộn lạo: Là Phật tử nên học kinh luật oai nghi đại thừa, hiểu pháp. Gặp hàng Bồ Tát từ đến cầu học kinh luật đại thừa, giảng giải tùy theo căn cơ của mỗi người sao họ hiểu được. Phật tử không được vì lợi ích mà không dạy hoặc dạy lộn xộn, không rõ ràng, mang tính hủy báng Tam Bảo.
- Giới cậy thế lực quyên tởi: Nếu Phật tử nào cậy mình có tiền của, danh chức, cậy quyền cậy thế bức người, cướp của thì đều vi phạm giới này.
- Giới không thông hiểu mà làm thầy truyền giới: Phật tử nào không hiểu giới luật nhưng dối gạt rằng mình hiểu, lại còn đi làm thầy truyền giới cho người là sai trái.
- Giới lưỡng thiệt: Là Phật tử không được dùng lời nói gây mâu thuẫn, xung đột giữa người hiền là đang tạo nhiều tội ác.
- Giới không phóng sinh: Là Phật tử nên vì tâm từ bi mà phóng sinh, cứu độ chúng sinh. Nhìn thấy chúng sinh sắp bị hại, nên tìm cách cứu cho họ thoát khỏi nạn khổ. Nếu không làm được như vậy làm vi phạm giới này.
- Giới đem sân báo sân, đem đánh trả đánh: Là Phật tử không được lấy oán báo oán, ai đối xử với mình tệ ra sao thì mình tệ với người như thế. Đó là trái với lòng từ bi của nhà Phật.
- Giới kiêu mạn không thỉnh pháp: Phật tử mới xuất gia chưa hiểu kinh luật, mà ỷ mình thông minh, học rộng, cao quý, lớn tuổi, phước lơn, giàu lớn,… mà không chịu tìm hiểu, học hành kinh luật với các sư thầy học đạo trước mình. Dù cho các vị ấy có trẻ tuổi, nghèo hèn hơn mình thì vẫn nên lắng nghe, học hỏi.
- Giới khinh mạn không tận tâm dạy: Nếu Phật tử phát tâm muốn thọ giới Bồ Tát, thời đối trước tượng Phật, Bồ Tát để phát nguyện thọ giới. Phật tử đó nếu đứng sám hối trước tượng Phật, Bồ Tát trong bảy ngày. Nếu người đó thấy được hảo tướng là đắc giới, còn chưa thấy hảo tướng thì phải sám hối tiếp trong 14 ngày, 21 ngày hay đến cả năm cho đến khi có được hảo tướng. Khi được thấy hảo tướng rồi, thời được đối trước tượng Phật Bồ Tát mà thọ giới. Chưa có hảo tướng dù đứng trước tượng Phật thọ giới vẫn không được đắc giới. Còn Phật tử đối trước sư tăng đã thọ giới Bồ Tát mà thọ giới, thì không cần thấy hảo tướng, vẫn có thể đắc giới.
- Giới không học tập đại thừa: Phật tử nào có kinh đại thừa, chính kiến, chính tính, chấp pháp thân của Phật, nhưng lại không chịu tinh tấn tu học theo chánh đạo mà lại đọc những sách luận tà kiến đó là làm mất giống Phật, là nhân duyên chướng đạo.
- Giới tri chúng vụng về: Là Phật tử nếu làm sư thầy, thiền sư, thủ tọa, giảng sư, luật sư, tri sự, tri khách, phải giữ gìn lòng từ bi, khéo léo hòa giải cho mọi người, không để họ gây gổ, kình chống nhau.
- Giới riêng thọ lợi dưỡng: Nếu Phật tử thấy có chư tăng phải rước đến đưa đi, lo lắng đồ ăn, chỗ ngủ, đồ dùng vật dụng cho quý vị ấy. Khi mời thỉnh chư Tăng thọ trai, phỉ mời theo thứ tự cao đến thấp, trước sau.
- Giới thọ biệt thỉnh: Là Phật tử không được nhận của cúng dường làm của riêng mình. Kể cả tài sản trong tám phước điền: Chư Phật, Thánh nhân, các Sư Tăng, cha, mẹ, và người bệnh, nếu nhận là của riêng mình là vi phạm giới luật.
- Giới bệnh thỉnh tăng: Là Phật tử phát tâm cúng dường thì phải theo thứ tự của chúng tăng, không được vì vọng tâm mà phân biệt, cúng dường vị mình ưa thích, bỏ qua các vị khác. Lỗi này bất kỳ Phật tử nào cũng có thể vi phạm.
- Giới tà mạng nuôi sống: Là Phật tử nên làm những nghề nghiệp chính đáng như dạy học, làm thợ, làm ruộng,… Ngược lại không được làm các nghề như buôn bán nam sắc, nữ sắc, xem tướng, đoán sẽ sinh trai hay gái, bùa chú, pháp thuật, nghề nghiệp sát sinh.
- Giới quản lý cho bạch y: Phật tử nào sinh ác tâm, phỉ báng Tam Bảo, miệng thì nói kính yêu mà tâm và hành vi không có, lại còn mai mối cho nam nữ mua bán sắc, gây nghiệp kết phược. Ngày thập trai Phật tử cũng không được phạm giới luật: sát sinh, tà dâm, uống rượu,…
- Giới không mua chuộc: Là Phật tử, nếu thấy người ác đem bán hình tượng, tranh ảnh Phật, Bồ Tát, bán kinh luật, các vị Tỳ Kheo, Tỳ kheo Ni, những người thực hành hạnh Bồ Tát, kẻ phát tâm Bồ đề, để làm tôi tớ, giúp việc thì mình nên cứu giúp hộ. Nếu không đủ kinh tế phải đi vay mượn tiền, tổ chức quyên góp để giúp các vị ấy.
- Giới tổn hại chúng sanh: Là Phật tử không được kinh doanh các loại vũ khí, dụng cụ sát sinh như dao, rìu, cung, tên,… Trong kinh doanh cần chân thật, không được buôn gian, bán thiếu, phá hoại công việc làm ăn của người khác.
- Giới tà nghiệp giác quán: Là Phật tử không được đi xem đánh nhau, cướp, chiến đấu, cãi nhau,… cũng không được đi xem hát, nghe nhạc, chơi cờ, đá cầu, đánh bạc, đá bóng, xem bói.
- Giới tạm bỏ bồ đề tâm: Phật tử nên đọc tụng Bồ Tát Giới mỗi ngày, thực hành kể cả khi đi đứng, nằm, ngồi, vững chắc không bao giờ bị lung lay, luôn giữ vững tâm lành, tin tưởng với Phật Giáo.
- Giới không phát nguyện: Là Phật tử nên dùng tâm lành phát nguyện rộng lớn như nguyện ở hiếu thuận với cha mẹ, nguyện giữ vững giới của Phật – thà chết chứ nhất định không chịu thay lòng đổi dạ.
- Giới không phát thệ: Giới không phát nguyện ở trên là phương diện thuận, còn giới này là phương diện nghịch. Phật tử đã phát nguyện lớn rồi thì phải phát thệ kiên cố để giữ vững chí hưởng của mình. Muốn cho giới hạnh của mình được thanh tinh, không bị ô uế, dao động thì phải phát lời thệ nguyện. Trong kinh Tăng Nhất A Hàm, quyển ba mươi tám nói: “Nếu tỳ kheo không phát thệ chắc chắn khó thành Phật đạo được. Phước đức của thệ nguyện không thể so lường, tính kể vì nó có năng lực giúp cho hành giả đi đến cảnh giới Cam Lồ Tịch Diệt (Niết Bàn)”. Một số lời thệ nguyện như: thà chịu nuốt hòn sắt cháy đỏ và uống nước đồng sôi mãi đến trăm nghìn kiếp, quyết không để miệng này phá giới mà ăn các thứ thực phẩm của tín tâm đàn việt. Thà nằm trên đống lửa lớn, trên tấm sắt nóng, quyết không để thân này phá giới mà nhận lấy các thứ giường ghế của tín tâm đàn việt. Thà trong một, hai kiếp chịu cả trăm nghìn gươm giáo đâm vào mình, quyết không để thân này phá giới mà thọ các thứ thuốc men của tín tâm đàn việt. Thà nhảy vào vạc dầu sôi trong trăm nghìn kiếp, quyết không để thân này phá giới mà lãnh những phòng nhà, ruộng, vườn, đất đai của tín tâm đàn việt. Lại phát thệ rằng: Thà dùng cài sắt đập vào thân này từ đầu tới chân nát như tro bụi, quyết không để thân này phá giới mà thọ sự cung kính lễ bái của tín tâm đàn việt. Lại phát thệ rằng: Thà lấy trăm nghìn lưỡi gươm giáo khoét đôi mắt mình quyết không đem tâm phá giới mà nhìn sắc đẹp của người. Thà lấy trăm nghìn dùi sắt đâm thủng lỗ tai mình trải qua một, hai kiếp quyết không đem thân này phá giới mà nghe tiếng tốt giọng hay. Thà lấy trăm nghìn lưỡi dao cắt bỏ lỗ mũi mình, quyết không đem tâm phá giới này, mà ngửi các mùi thơm. Thà lấy trăm nghìn lưỡi dao cắt lưỡi mình, quyết không đem tâm phá giới này mà ăn các thứ tịnh thực của người. Thà lấy búa bén, chặt chém thân thể mình, quyết không đem thân phá giới này mà tham mặc đồ tốt. Lại phát nguyện, nguyện cho tất cả chúng sanh đều thành Phật. Nếu Phật tử không phát các điều thệ này, thì phạm khinh cấu tội.
- Giới vào chỗ hiểm nạn: Là Phật tử muốn tu theo Bồ Tát Giới, giữ hạnh thanh tịnh trọn vẹn phải sẵn sàng chịu thọ những đau khổ nước sôi, lò lửa,… Đấy là điều giới trước đã chỉ dạy. Đức Phật dạy rằng: “Nếu là một Phật tử đã thọ Bồ Tát Giới, phải mỗi năm hai kỳ hành Đầu Đà hạnh. Mùa Đông và mùa Hạ đều ngồi thiền, kiết hạ, an cư”. Lúc hành hạnh này cũng như khi kiết hạ an cư cũng không được đi đến những chỗ nguy hiểm, nhiều tai nạn, nơi nước hiểm ác, gập ghềnh, cỏ cây rậm rạp, chỗ có những ác thú: sư tử, cọp, sói, nơi có lụt, bão, giặc cướp,…
- Giới trái thứ tự tôn ty: Là Phật tử, phải giữ gìn tôn ti, theo thứ tự đúng pháp để ngồi: người thọ giới trước sẽ ngồi trước còn người nào thọ giới sau thời ngồi sau, không phân biệt già, trẻ, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni. Người sang hay kẻ hèn, đều phải theo thứ tự.
- Giới không tu phước huệ: Là Phật tử phải khuyến khích mọi người xây dựng tăng phường, chùa tháp, nơi hành thiện. Bên cạnh đó Phật tử phải tụng đọc, giảng thuyết kinh đại thừa cho tất cả chúng sanh. Lúc gặp người bị nạn, đau ốm, người tù tội, hàng la sát, súc sinh cũng nên đọc tụng kinh ấy.
- Giới không bình đẳng truyền giới: Là Phật tử, lúc có người thọ giới không được sinh tâm phân biệt, lựa chọn. Từ hàng Quốc Vương, thân thích, quan lại, tăng ni, nam nữ, người thiếu căn, kẻ làm tôi tớ, hay như Phạm Thiên trong 18 cõi sắc, Thiên vương trên sáu cõi dục, hay quỷ thần cũng đều được thọ giới.
- Giới vì lợi mà làm thầy: Là Phật tử nên giáo hóa, giảng pháp để mọi người tin tưởng Phật Giáo. Ngược lại Phật tử nào tất cả pháp hạnh không thông hiểu, nhưng vì danh tiếng, tài lợi, tham có nhiều đệ tử, mà tuyên nói là mình thông hiểu tất cả kinh, luật chính là tự dối mình và cũng dối người khác, này là vi phạm giới luật.
- Giới vì người ác giảng nói: Là Phật tử không được vì tài lợi mà nói đại giới chư Phật nói cho người chưa hành Bồ Tát Giới hoặc tà ma ngoại đạo, người tà kiến. Người không thọ giới của Phật được gọi là súc sinh, về sau đời đời sinh ra không gặp Tam Bảo, giống như cái cây, hòn đá, không có tâm thứ.
- Giới cố móng tâm phạm giới: Cũng có người gọi giới này là “không hổ thẹn khi nhận bố thí”. Vì hành giả xuất gia học Phật, vì đức tin mà xuất gia được cho phép thọ nhận cúng dường của thí chủ, và ban phước lại cho họ. Tuy nhiên sau này, nếu vị Phật tử nay tâm chán nản, không giữ tịnh giới, khởi niệm ác thì không được thọ nhận những đồ cúng dường ấy nữa.
- Giới không cúng dường kinh luật: Là Phật tử phải trân trọng. siêng năng đọc tụng, thọ trì kinh luật đại thừa hoặc dùng các nguyên liệu từ giấy, vải, lụa, thẻ tre,… để biên chép kinh luật, dùng các trang sức, vàng bạc, hương hoa vô giá làm hộp, rương để đựng quyển kinh luật.
- Giới không giao hòa chúng sinh: Là Phật tử nên có lòng đại bi Bồ Tát nếu không hóa độ, cứu giúp chúng sanh, nghĩa là làm sai ngược với Bồ Đề tâm đã phát.
- Giới thuyết pháp không đúng pháp: Là Phật tử tự minh phải tôn trọng, cung kính pháp bảo, vì chúng sinh mà nói pháp. Tuy nhiên đã thuyết pháp là phải đúng nghi lễ. Ví dụ người nghe pháp ngồi thì người thuyết pháp không được đứng, nếu trái ngược thì không được thuyết pháp, nếu không sẽ mang tội. Điều này không phải là do người này có tâm ngạo mạn, mà làm vậy để chứng tỏ sự tôn trọng tam bảo.
- Giới chế hạn phi pháp: Là Phật tử nếu thuộc hàng Quốc vương, Hoàng tử, quan lại có chức quyền,… ỷ mình có thế lực cao quý mà không giữ giới luật Phật pháp, lập ra các điều luật hạn chế Phật tử, không cho xuất gia hành đạo, không cho xây tượng Phật và Bồ Tát, chùa tháp, kinh điển… Làm trái với các điều luật nhà Phật dạy thì là sai phạm.
- Giới phá diệt phật pháp: Nếu Phật tử phát tâm thiện xuất gia, nhưng về sau lại vì danh tiếng, tiền bạc mà giảng thuyết giới của Phật cho Quốc vương và các quan, đặt ra những điều làm gông trói, hạn chế các vị Tỳ kheo, Tỳ Kheo Ni, người theo hạnh Bồ Tát như cách của ngục tù và binh nô đều là sai phạm. Phật tử đã thọ giới của Phật, nên ủng hộ, hộ trì các giới luật nhà Phật như người mẹ yêu con một, như người con kính thờ, hiếu thuận với cha mẹ, không được hủy phá.
Xem thêm: Chú Đại Bi Tiếng Phạn
Điều thứ 41 trong Kinh Phạm Võng có ghi rằng: “Bồ Tát Giới là Đại giới của ngàn Phật”, ý muốn nói thời quá khứ ngàn vị Phật ở trong kiếp Trang Nghiêm nhờ thọ trì Bồ Tát Giới mà được thành Phật. Cho nên có thể thấy giá trị, ý nghĩa to lớn của việc giữ gìn giới này. Giác Ngộ Tâm Linh hy vọng qua bài viết trên giúp bạn hiểu về Bồ Tát là gì, cũng như một lòng tin tưởng mà hành trì.