Hoa Nghiêm Tông là một nhánh thuộc Phật Giáo Đại Thừa, còn được biết đến với tên gọi khác là Hiền Thủ Tông. Đây là một môn phía phổ biến ở Trung Quốc. Hôm nay hãy cùng Giác Ngộ Tâm Linh tìm hiểu về quá trình hình thành và học thuyết của Hoa Nghiêm Tông nhé.
1. Lịch sử hình thành Hoa Nghiêm Tông
Sau khi thành đạo, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thuyết giảng kinh này nhưng khi kết tập kinh điển thì kinh này bị thất truyền. 700 năm sau, khi Bồ Tát Long Thụ ra đời, sau khi Ngài chứng ngộ mới dùng thần thông và tìm thấy nơi ấy có cất giữ ba bản kinh Hoa nghiêm.
Trong đó, có 2 bản mang nghĩa lý quá sâu xa huyền diệu, trí huệ của người đời không thể nhận hiểu nổi. Ngài liền xem quyển thứ ba, thấy có một trăm ngàn bài kệ, chia làm 48 phẩm (có thuyết nói là 38), nghĩa lý phù hợp người đời liền mang về Ấn Độ. Tuy nhiên, một thuyết khác lại cho rằng trước đó, Bồ Tát Mã Minh là người truyền bá kinh này trước khi Ngài Long Thụ xuất hiện.
Vào năm 418 (đời Đông Tấn), ngài Phật-đà-bạt-đà-la là một tăng sĩ từ Ấn Độ sang Trung Hoa, Ông đã dịch kinh Hoa nghiêm sang tiếng Hán. Bản dịch này có 60 quyển được gọi là Cựu Hoa Nghiêm Kinh. Năm 699 (đến đời Đường), ngài Thật-xoa-nan-đà dịch lại kinh Hoa nghiêm sang tiếng Hán. Bản dịch lần này có đến 80 quyển, được gọi là Tân Hoa nghiêm kinh.
Tuy nhiên Hoa nghiêm tông chính thức được khai sáng, trở thành một trong các tông phái lớn của Trung Hoa khi Đỗ Thuận xuất hiện. Người đương thời tôn xưng là Đôn Hoàng Bồ Tát. Ngài tư chất thông minh, đạo hạnh cao cả, được mọi người tin tưởng ông là Bồ Tát Văn-thù giáng thế.
Ông xuất gia tại chùa Nhân Thánh khi 18 tuổi, theo học Ngài Tăng Trân. Về sau, ngài ẩn cư ở núi Chung Nam, xiển dương giáo lý Hoa nghiêm, rất nhiều đệ tử tìm Ngài để tu học Đạo, có cả đệ tử xuất gia và tại gia. Khi cuối đời ngài đi khắp mọi nơi, khuyên chúng sinh nên niệm Phật A-di-đà và xưng tán giới Tịnh độ.
Sau khi ngài Đỗ Thuận qua đời, Hoa nghiêm tông tiếp tục được truyền nối và phổ biến. Ngài Hiền Thủ Pháp Tạng – người có công lớn trong việc hoàn chỉnh phần giáo lý Hoa nghiêm tông do 2 vị Tổ sư đời trước là Đỗ Thuận và Trí Nghiêm truyền lại. Do đó, tông phái này còn có tên gọi khác là Hiền Thủ Tông. Truyền nối về sau, Hoa nghiêm tông tiếp tục có rất nhiều bậc tăng sĩ đức cao vọng trọng phát triển.
Tại Nhật Bản, Hoa Nghiêm Tông do ngài Đạo Tuyền khai lập – một danh tăng của Trung Hoa. Ngài xuất gia từ sớm, thọ Cụ túc giới và theo học Luật tạng với ngài Định Tân, sau này khi theo học ngài Phổ Tịch, ông đã được truyền dạy giáo lý Hoa nghiêm và Thiền học.
Đến tháng 7 năm 736,Thiên Hoàng Nhật Bản sau khi cho sao chép Tân Hoa Nghiêm Kinh đã thỉnh ngài Đạo Tuyền sang Nhật Bản để thuyết giảng. Ngài mang theo rất nhiều bản chú giải kinh Hoa nghiêm sang Nhật Bản và được đông đảo đệ tử đón nhận. Ông có công rất lớn trong quá trình hoằng truyền Phật giáo ở Nhật Bản. Ngài không chỉ khai sáng, mở rộng Hoa nghiêm tông ở Nhật Bản, mà còn là vị tổ sư đời thứ hai của Thiền tông tại Nhật Bản.
Mãi đến ngày nay, tại Nhật Bản vẫn còn nhiều cao tăng tinh tấn tu học theo giáo lý Hoa nghiêm tông. Ở Nhật hiện đang có 27 ngôi chùa thuộc tông này, 48 vị tăng, 200 vị cư sĩ tu tập tại gia và hơn 20.000 tín đồ thường lui tới lễ bái.
2. Học thuyết và giáo lý của Hoa Nghiêm Tông
Nền tảng của tông phái này là lấy bộ kinh Hoa nghiêm làm chủ đạo, nên gọi tên là Hoa nghiêm tông. Tên gọi đầy đủ của kinh Hoa Nghiêm là Đại Phương Quảng Phật Hoa nghiêm Kinh. Nội dung của kinh điển này rất uyên bác, sâu xa. Chủ trương của Hoa Nghiêm Tông là tất cả mọi vật trong vũ trụ này đều có mối liên quan mật thiết, đều chung một thể tính căn bản, tuyệt đối là tánh Phật.
Điểm cốt yếu nhất của Hoa Nghiêm Tông là nhấn mạnh nguyên lý tương sinh tương khởi, dựa trên khái niệm về thể tánh nhất như của vạn pháp như vừa nói trên. Hết thảy vạn vật đều có quan hệ mật thiết với nhau, không có bất cứ một hiện tượng tinh thần hay thể chất nào lại tự nhiên sinh ra và tồn tại, ngay cả một hạt bụi cũng có lý do tồn tại của nó. Vì thế, sự sinh ra của một vật, hiện tượng sẽ mang theo mối liên quan đến sự vật khác, và chúng cũng chịu sự chi phối lẫn nhau.
Sự tương sinh tương khởi này trong Phật Giáo gọi là “y tha khởi”. Nhiều người khi mới tiếp xúc với giáo lý này, thường sẽ thấy rằng mơ hồ, khó hiểu. Tuy nhiên, đây lại chính là chân lý bao trùm cả vũ trụ này, luôn diễn ra quanh ta trong cuộc sống của chúng ta.
Giống như khi nói lời hung ác, lời nói đó làm người khác tổn thương, gây đau khổ cho họ, và có thể điều này sẽ khiển họ khổ sở, hay sống tiêu cực, sân hận và họ lại gây tổn thương lên những người xung quanh. Tương tự như vậy, sự sinh khởi hay mất đi của bất cứ sự vật, hiện tượng nào cũng có liên quan đến sự kiện khác.
Chính vì thế, có thể nói khi Phật giác ngộ sẽ gây ảnh hưởng, liên quan đến tất cả chúng sinh; và ngược lại, sự mê muội, nghiệp chướng của mỗi chúng sinh cũng đều có liên quan đến tất cả chư Phật. Không chỉ vậy, những sự vật này còn có mối tương quan về không gian và thời gian. Mỗi một sự vật đang hiện hữu đều có cả quá khứ và tương lai. Một cây lúa đã từng là một hạt lúa, cây mạ; và tương lai có thể trở thành một cây lúa chín cho ra những hạt lúa. Tất cả vạn vật trong vũ trụ này đều như vậy cả. Chư Phật cũng có Phật quá khứ, Phật hiện tại, và sẽ có chư Phật vị lai.
Nguyên lý này giúp các Phật tử nhìn một cách bao quát và đúng nhất về thực tại. Nhờ đó mà đi đúng con đường giải thoát theo hướng của giáo nghĩa Đại thừa. Nhờ mối tương quan này chúng ta thấy chư Phật cũng không thể có sự giải thoát rốt ráo khi chúng sinh còn mê lầm, chìm trong nẻo khổ, luân hồi. Chính vì phát các đại nguyện phổ độ chúng sinh cho nên các vị Bồ Tát mới vất vả vì chúng sinh, giúp các chúng sinh ấy độ hóa, giải thoát. Điều này khác với tư tưởng của Tiểu thừa luôn hướng đệ tử phải tự giải thoát cho bản thân.
Cụ thể hơn, giáo lý của Hoa nghiêm tông được chia ra là năm phần giáo, với các mức tu tập, giác ngộ từ thấp lên cao.
Bậc thấp nhất là Tiểu thừa giáo, bậc này sẽ tiếp nhận những người sơ cơ, căn trí thấp kém, chỉ cần có đức tin thì ai cũng có thể theo học. Ở bậc này chỉ dạy những điều dễ hiểu nhất, giúp tất cả đều có thể tiếp nhận, dựa vào các kinh A – hàm. Mục đích chủ yếu là giúp chúng sinh xa dần các tu tưởng, việc làm xấu xa, hướng tới sự tốt đẹp.
Bậc thứ hai là Đại thừa Thủy giáo. Bậc này nói về tánh không của các pháp, mở rộng các Pháp sang giáo lý Đại thừa, bỏ lìa những tư tưởng còn nhỏ hẹp của Tiểu Thừa.
Bậc thứ ba là Chung giáo. Phần này sẽ nhấn mạnh rằng tất cả các chúng sinh đều có tánh Phật do đó mà bất kỳ một ai chỉ cần giác ngộ cũng có thể thành Phật. Qua đây, chúng ta sẽ hiểu vì sao chúng sinh trầm luân trong sinh tử, luân hồi nhưng tánh Phật vẫn không bao giờ mất đi và vì sao tất cả chúng sinh đều có thể làm Phật trong tương lai. Điều này cũng giúp tiếp thêm sức mạnh cho tất cả các đệ tử tu tập.
Bậc thứ tư là Đốn giáo. Đốn giáo sẽ dạy về khả năng giác ngộ tức thời. Giáo lý này dạy các Phật tử chỉ cần bỏ đi mọi phiền não, tham sân si thì giác ngộ sẽ tự nhiên hiển bày. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào trực nhận, tính giác của mỗi người chứ không phải do sự khổ tu mà có. Vì vậy, chỉ cần trực nhận thì ngay tức thời đã có thể đồng nhất với chư Phật, còn không thể trực nhận thì dù có tu hành muôn kiếp cũng không thể giải thoát. Đây là giáo lý cao siêu do đó chỉ các bậc thượng căn thượng trí mới có thể tiếp nhận, nếu người căn cơ thấp mà nghe thì có thể dẫn đến những lầm lạc, sai đường. Phần này cũng giống với những giáo lý, trình độ của Thiền Tông.
Bậc thứ năm là Viên giáo. Phần giáo lý này chính là phần trọn vẹn nhất của Hoa Nghiêm Tông. Tính chất tròn đầy này thể hiện qua việc các tăng sĩ chỉ cần tu tập trọn vẹn một phần công hạnh nào đó thì tất cả những công hạnh còn lại tự nhiên cũng sẽ tròn đầy. Khi ta dứt sạch được một sự mê lầm thì tất cả mọi sự mê lầm còn lại cũng tự nhiên tan biến. Giống như người ngủ mê nhìn thấy tất thảy hiện tượng, sự vật trong giấc mộng. Chỉ cần họ thức tỉnh thì tất cả sẽ hóa hư không, mất hết. Chẳng cần biết tỉnh thức là nhờ vào lý do gì, thì những điều trong mộng cũng sẽ biến mất.
Đặc biệt, phần giáo lý này còn chỉ ra những sai lầm trong nhận thức về không gian lẫn thời gian của chúng sinh tạo thành. Vì thế, chỉ cần giác ngộ thì có thể thấy được vô lượng kiếp từ quá khứ đến hiện tại và cả tương lai.
Giác Ngộ Tâm Linh vừa giới thiệu đến các bạn Hoa Nghiêm Tông – một tông của Đại Thừa có những giáo lý rất hay và sâu xa, mà không phải ai cũng có thể hiểu được. Thật ra, tu tập theo tông nào cũng tốt, do đó Giác Ngộ Tâm Linh chúc các bạn đồng tu mỗi ngày một tinh tấn, để đạt được sự giác ngộ.