Năm Triền Cái chính là 5 chướng ngại gây cản trở khiến các thiền giả không thể nhập định được. Điều này chính là khó khăn mà bất kì người tu thiền nào cũng phải trải qua. Hôm nay, Giác Ngộ Tâm Linh sẽ giúp các bạn tìm hiểu về Năm Triền Cái cũng như cách đối trị với 5 Triền Cái nhé.
Nội Dung
1. Tìm hiểu qua về Năm Triền Cái
Như đã nói Năm Triền Cái là năm thứ làm trói buộc, làm trì trệ quá trình tu tập của hành giả, khiến họ không đến được với giác ngộ, giải thoát. Đầu tiên, chúng ta cần thấy rõ thật kỹ và nhận ra chỗ ẩn nấp của chúng, để ta có phương pháp loại trừ. Hành giả muốn tu tập có kết quả thì cần hiểu rõ sự nguy hại của năm thứ này để tìm cách đối trị, nhấn chìm và chấm dứt chúng.
Năm Triền Cái là tiêu chuẩn do chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni quy định, sau khi Ngài chứng được Chánh niệm tỉnh giác một thời gian. Hành giả nào diệt trừ được năm thứ này sẽ được chuẩn bị để chứng nhập Sơ thiền.
Trong kinh “Ngăn Chặn”, Đức Phật đã nói về sự nguy hiểm của Năm Triền Cái như sau:
“Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy không đoạn tận năm chướng ngại Triền Cái này bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Không có sức mạnh, và trí tuệ yếu kém, sẽ biết lợi ích của mình, hay sẽ biết lợi ích của người, hay có thể biết lợi ích của cả hai, hay sẽ biết lợi ích của người, hay có thể biết lợi ích của cả hai, hay sẽ chứng ngộ được pháp Thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh; sự kiện này không xảy ra.
…Này các Tỳ-kheo, vị Tỳ-kheo ấy, sau khi đoạn tận năm chướng ngại Triền Cái này bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Có sức mạnh và có trí tuệ, sẽ biết được lợi ích của mình, hay sẽ biết lợi ích của người, hay sẽ biết được lợi ích cả hai, sẽ chứng ngộ được pháp Thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh; sự kiện này có xảy ra” (TC V;51, tr.408-409 = [I.5.51])”
Cho nên có thể nói, năm thứ này cực kỳ nguy hiểm, mà muốn đoạn trừ được chúng cần hiểu thấu đáo về từng thứ một.”
2. Năm Triền Cái gồm những gì?
2.1. Tham dục Triền Cái
Tham là trạng thái mong cầu, ước muốn được vui thú, dục lạc qua 5 giác quan từ sắc, âm thanh, mùi hương, vị, cảm xúc. Ở chúng sinh, có 2 cái tham rõ ràng nhất mà hầu như ai cũng có đó là tham vật chất tài sản và tham ái dục. Loại Triền Cái này như một bản năng của con người, luôn thường trực ở mọi lúc, mọi nơi chứ không phải chỉ là thoáng qua trong giây lát.
Trong cuộc sống, có những khi ta không khởi lên tâm tham, nhưng không có nghĩa là không tham hay hết tham, bởi vì cái tham vẫn ở sâu bên trong ta. Cho đến khi gặp duyên kích thích liền xuất hiện để xúi giục ta làm những điều không chính đáng. Khi ta nhìn thấy tiền bạc, xe cộ, tiền bạc, ta sẽ động tâm muốn có nó, thấy người xinh đẹp ta cũng sinh tâm tham muốn được đẹp, muốn yêu người đẹp. Con người càng nhiều cái tham thì cuộc đời càng khổ, nhưng lại ít ai nhận ra điều đó, khiến cả cuộc đời mình đau khổ, quẩn quanh trong vòng sinh tử luân hồi.
Xem thêm: Lục Đạo Luân Hồi là gì?
Người tu hành là người muốn được tỉnh ngộ, giải thoát thì thiền định chính là phương pháp để họ cảm nhận được nhẹ nhàng thanh thản từ trong tâm, không bận tâm ham muốn, tham vọng. Ta sẽ tự thấy được cái tham của mình, cái khổ của mình. Khi chưa phá được Triền Cái tham, ta thấy niềm vui của ta là có vật chất hay sắc tính, khi phá được rồi, ta lại thấy tất cả đều là vô thường.
Thường người mới bước vào thiền rất dễ bị tham dục gây cản trở, vì tâm họ đã quen với dục lạc. Trước đó, tâm ta không ngừng tiếp xúc với dục trần từ phim ảnh, ca nhạc, thức ăn ngon,… khiến ai cũng thích thú, vui vẻ. Nhưng bây giờ không có nữa, chỉ có hơi thở quen thuộc, bình thường đồng hành cùng họ, chẳng khác gì con cá đã quen bơi lội trong nước, bị đem lên bờ.
Trong Tương Ưng Kinh, Đức Phật đã lấy ví dụ về tham dục như sau:
“Nếu nước trong một cái lu bị hoà lẫn với màu đỏ, màu vàng, màu xanh, hay màu cam, một người với thị lực bình thường, nhìn vào nước ấy, không thể nào nhận ra và thấy được hình ảnh của mặt mình. Cũng vậy, khi tâm một người bị tham dục ám ảnh, bị tham dục áp đảo, người ấy không thể nào thấy đúng được lối thoát khỏi tham dục đã khởi lên; do vậy người đó không hiểu và thấy đúng lợi ích của mình, không hiểu và thấy đúng lợi ích của người, không hiểu và thấy đúng lợi ích của cả hai; cũng thế, những bài pháp đã thuộc lòng trước đây không còn đi vào tâm người ấy (không còn nhớ được), nói gì đến những bài pháp không thuộc.”
2.2. Sân
Sân có nghĩa là tâm nóng nảy, chấp nhất, bực bội, tức giận, nặng hơn chính là lòng thù hận. Sân hận bắt nguồn từ chính sự ích kỷ, ganh ghét, muốn chống đối, gây gổ, tàn phá người khác. Sân hận có nhiều trạng thái, biểu hiện khác nhau từ chán ghét, phiền hà, bực tức, nổi nóng, giận hờn, căm thù. Sân biểu hiện qua thân, khẩu, ý (hành động, lời nói, suy nghĩ). Đó là nét mặt khó chịu, nhăn mặt, nghiến răng; là lời nói như la hét, quát tháo, chửi bới, là hành động như quăng đồ, đánh đập, hành hạ, sát thương, hay sân từ trong chính suy nghĩ chẳng cần nói ra.
Sân là trạng thái luôn tồn tại sâu trong mỗi con người, nhưng chúng sẽ bộc phát khi gặp nhân duyên kích động. Đức Phật gọi tham, sân, si là 3 loại độc tàn phá cả thân và tâm con người, không chỉ đời này mà còn cả những đời sau. Đức Phật từng so sánh sân hận còn nguy hiểm hơn lửa dữ, giặc cướp, rắn độc, khi tâm sân nổi lên sẽ đốt cháy cả rừng công đức.
Tất cả tính chất của Triền Cái Sân đều trái ngược với tính chất của Giải thoát nên bất kỳ ai muốn chứng quả tu hành cũng cần vượt qua được thứ này. Nếu bất kỳ lúc nào ta còn khởi lên sự sân thì phải biết là do mình tu chưa tới, không được đổ lỗi cho hoàn cảnh, người khác.
Người phá trừ được Triền Cái này bất kể tâm tính, cư xử, nét mặt của họ cũng khác hẳn người thường. Người đó sẽ im lặng trước sự sai lầm của người, hoặc nói để họ thấy sai mà sửa, chứ không phải nói để thỏa mãn cái tôi hơn hay nói để cười chê người sai. Nhưng dù vì mục đích gì, hành xử theo cách nào đi nữa, tâm họ vẫn bình thản, nhẹ nhàng. Đối với người tu thiền, Triền Cái sân chính là sự chán ghét thiền, quá trình tu thiền, muốn bỏ không làm nữa, muốn làm cái này cái kia, muốn chuyển tâm qua làm cái khác.
Trong Tương Ưng Kinh, Đức Phật đã ví sân hận như sau:
“Nếu có một bình nước đun nóng trên lửa, nước sẽ sủi bọt và sôi lên, một người với thị lực bình thường, nhìn vào bình nước ấy, không thể nhận ra và thấy được hình ảnh của khuôn mặt mình một cách đúng đắn. Cũng tương tự như vậy, khi tâm một người bị sân hận ám ảnh, bị sân hận áp đảo, họ không thể thấy được lối thoát khỏi sân hận đã khởi lên một cách đúng đắn; từ đó họ cũng không thể hiểu và thấy một cách đúng đắn lợi ích của mình, không thể hiểu và thấy một cách đúng đắn lợi ích của người, không thể hiểu và thấy một cách đúng đắn lợi ích của cả hai; những bài pháp đã học thuộc lòng trước đây không đi vào tâm họ (không nhớ được), nói gì đến những bài pháp không thuộc.”
2.3. Hôn trầm và thụy miên
Hôn trầm là trở ngại mà bất kỳ một thiền giả nào cũng phải đối phó. Đây chính là sự mệt mỏi của thân và sự mơ màng của tâm thức. Trạng thái đầu tiên xuất hiện khi hôn trầm là khi tâm ta lơ là, phóng tâm đi lang thang rồi nhanh chóng rơi vào trạng thái nửa mê nửa tỉnh.
Thiền là một quá trình rèn luyện tâm vững vàng, thanh tịnh. Khi thân uể oải, tâm ngầy ngật thì tất nhiên ta không thể chú tâm làm bất kỳ việc gì, nói gì đến việc tập trung cao như thiền. Không đủ nghị lực và sự chú tâm để thiền, tâm không ngủ cũng không tỉnh táo hoàn toàn thì gọi là hôn trầm. Đến khi ta rơi vào trạng thái ngủ gục lúc thiền mà chẳng hay biết gọi là thụy miên. Theo tiêu chuẩn của Đức Phật hành giả khi thiền định phải luôn an trú trong Chánh niệm để phá tan Triền Cái hôn trầm, thụy miên.
Trong Tăng Chi Kinh Đức Phật có nói như này:
“Này các Tỳ-kheo, Ta không biết một pháp nào khác có sức mạnh khiến cho hôn trầm và thuỵ miên chưa sanh, sanh khởi, hoặc, nếu đã sanh, khiến cho mạnh mẽ và tăng trưởng, như không hăng hái, lơ đãng, biếng nhác dài thây, buồn ngủ sau khi ăn và tâm trí thụ động. Nơi người nào tâm trí thụ động, hôn trầm và thuỵ miên nếu chưa sanh, sẽ sanh khởi, hoặc nếu đã sanh, được mạnh mẽ và tăng trưởng.
Này các Tỳ-kheo, Ta không biết một pháp nào khác có sức mạnh ngăn hôn trầm và thuỵ miên, nếu chưa sanh, không cho sanh khởi, hoặc, nếu đã sanh, khiến cho được đoạn trừ, như yếu tố khơi dạy nghị lực của một người (tinh cần giới), yếu tố khơi dậy sự nỗ lực (tinh tấn giơí), yếu tố khơi dậy sự nỗ lực liên tục của một người (dõng mãnh giới). Nơi người nào phấn dấu một cách đầy nghị lực, hôn trầm và thuỵ miên chưa sanh, sẽ không sanh, hoặc hôn trầm và thuỵ miên nếu đã sanh, được đoạn trừ.”
2.4. Trạo cử và hối hận
Trạo cử được chia lại thành 2 loại: trạo cử nơi tâm và trạo cử nơi thân. Thân ta không thể ngồi yên, cứ nhúc nhích, lắc qua lắc lại, thay đổi tư thế, mắt liếc, mày lườm. Trạo cử nơi tâm là trạng thái tâm lăng xăng, thay đổi, nghĩ cái này cái kia trong lúc thiền. Cái thay đổi đó có khi không thể thấy bằng mắt thường, người ngoài nhìn vào thấy ta ngồi yên bất động, nhưng tâm đang lay động.
Dù cho thân có cứng rắn, bất động đến đâu mà tâm có sự lay động, phóng tâm sang cái khác thì đều là sai lệch. Tâm không yên, nhưng cố gồng thân thể để tránh trạo cử thân nhưng thực tế điều này chỉ khiến thân ta cảm giác cứng lại, mệt mỏi chứ không hề yên bình như khi an trú trong chánh niệm, lâu ngày còn thể gây ra chứng bệnh tâm lý cho người hành thiền. Hoặc người ngồi thiền có khi cảm thấy cắn rứt vì nghĩ đến lỗi lầm trong quá khứ. Người ta phân tích rằng hiện tượng này là do nghiệp quả của những hành động bất thiện mà ta đã gây ra trong vô lượng kiếp.
Trong Tương Ưng Kinh (Samyutta Nikaya) Đức Phật đưa ra một hình ảnh để minh hoạ cho trạo cử và hối hận như sau:
“Nếu có một bình nước, bị gió quấy động, lao xao, đung đưa và tạo ra các gợn sóng, một người với thị lực bình thường, nhìn vào bình nước, không thể nhận ra và thấy đúng được hình ảnh của khuôn mặt mình. Cũng thế, khi tâm bị ám ảnh bởi trạo cử và hối hận, bị áp đảo bởi trạo cử và hối hận, người ta không thể nào thấy đúng được lối thoát khỏi trạo cử và hối hận đã khởi lên ấy; và như vậy họ cũng không thể hiểu đúng và thấy đúng được sự lợi ích của bản thân, lợi ích của người khác, và lợi ích của cả hai; những pháp họ đã thuộc lòng trước đây còn không đi vào tâm (không còn nhớ được) nói gì đến những pháp không thuộc.”
Vậy nên, bất kỳ hành giả nào muốn được giác ngộ thì đều cần phải đập tan được Triền Cái trạo cử, nếu không dù thiền trăm năm cũng không có tiến bộ.
2.5. Nghi ngờ
Nghi ngờ là trạng thái tâm luôn do dự, nửa tin nữa không, chẳng biết điều đó có thực sự đúng đắn hay không. Người ta cho rằng nghi ngờ là một trạng thái khác của trạo cử khi trong đầu có quá nhiều kiến thức, khái niệm. Người hành thiền có thể không tin vào tam bảo, không tin vào người thầy của mình hay không tin vào chính bản thân mình. Không phá được Triền Cái Nghi, thì dù hành giả có tinh tấn, chăm chỉ tu tập thì cũng có khi bị lạc đường, không xác định được mục tiêu và ý nghĩa của việc tu.
Trong Tăng Chi Kinh có lấy một ví dụ để so sánh sự hoài nghi như sau:
“Nếu có một bình nước bị vẩn đục, bị khuấy động và đầy bùn, cái bình này được đặt ở chỗ tối tăm, rồi một người có thị lực bình thường, nhìn vào bình, không thể nào nhận ra và thấy đúng được khuôn mặt của mình trong nước bùn đó. Cũng vậy, khi tâm bị ám ảnh bởi hoài nghi, bị áp đảo bởi hoài nghi, người ta không thể nào thấy đúng được lối thoát khỏi hoài nghi đã khởi lên ấy; và như vậy họ cũng không thể hiểu đúng và thấy đúng được sự lợi ích của bản thân, lợi ích của người khác, và lợi ích của cả hai; những pháp họ đã thuộc lòng trước đây còn không đi vào tâm (không còn nhớ được) nói gì đến những pháp không thuộc.”
Xem thêm: Tứ Niệm Xứ là gì?
3. Cách đối trị, ngăn chặn Năm Triền Cái
Việc ngăn cản Năm Triền Cái không hề dễ, bởi có những người tu tập cả đời cũng không vượt qua được những chướng ngại này. Cùng xem Đức Phật dạy cách đối trị năm điều này như thế nào nhé.
3.1. Tham
Để chặn Triền Cái Tham, trong chú giải bài kinh Đại Niệm Xứ có nhắc đến 6 pháp đoạn trừ tham dục, đó là:
- Học cách hành thiền bất tịnh
- Dành hết nỗ lực cho việc hành thiền bất tịnh
- Phòng hộ các căn
- Tiết độ trong ăn uống
- Thiện bạn hữu (làm bạn với thiện)
- Nói chuyện thích hợp
3.2. Sân
Nói về ngăn chặn Triền Cái sân, chú giải Tứ Niệm Xứ nói rằng có 6 pháp chế ngự sân hận như sau:
- Học cách thiền tâm từ
- Dành hết nỗ lực cho việc hành thiền tâm từ
- Suy xét rằng ta là chủ nhân và kẻ thừa tự của nghiệp
- Thường xuyên tác ý đến nó
- Thiện bạn hữu
- Nói chuyện thích hợp
3.3. Hôn trầm và thụy miên
Chú giải Kinh Đại Niệm Xứ tuyên rằng nói 6 pháp đoạn trừ của hôn trầm và thụy miên:
- Biết rằng ăn quá no là một nguyên nhân gây ra hôn trầm và thụy miên
- Thay đổi oai nghi
- Nghĩ về tưởng ánh sáng
- Ở nơi thoáng khí
- Bạn lành
- Nói chuyện thích hợp
3.4. Trạo cử
Chú giải Kinh Đại Niệm Xứ có 6 pháp giúp đoạn trừ của trạo cử và hối hận:
- Tri kiến
- Đặt câu hỏi
- Hiểu biết giới luật
- Thân cận với những bậc niên trưởng và có nhiều kinh nghiệm hơn mình để thực hành những pháp như giới luật
- Bạn lành
- Nói chuyện thích hợp
3.5. Nghi ngờ
Sau pháp đoạn trừ nghi ngờ cũng tương tự như đoạn diệt hôn trầm, chỉ khác pháp thứ 4. Pháp này chính là: Có niềm tin vững chắc nơi Đức Phật, Giáo Pháp và Chư Tăng.
Xem thêm: Thiền Vipassana là gì?
Năm Triền Cái là một thử thách lớn đối với tất cả thiền giả. Cho nên bất kỳ một ai khi tu học cũng cần xác định, tìm hiểu kỹ và đặt niềm tin tuyệt đối vào nó. Giác Ngộ Tâm Linh chúc cho các bạn luôn kiên trì trên con đường tu học, phá bỏ được Năm Triền Cái để đạt được quả lành.