Tứ Diệu Đế được xem là một trong những chân lý cốt lõi của hệ thống Phật Giáo. Đây là giáo lý được nhà Phật mà bất kỳ đệ tử nào cũng nên hiểu để quyết tâm hơn trong con đường đi tìm giác ngộ. Mời các bạn theo chân Giác Ngộ Tâm Linh tìm hiểu chi tiết hơn nội dung của Tứ Diệu Đế.
Nội Dung
1. Tứ Diệu Đế có nghĩa là gì?
Ngay khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đắc đạo ngay dưới gốc cây Bồ Đề, Ngài đã nhớ tới 5 anh em Kiều Trần Như đã cùng mình tu khổ hạnh năm ấy. Sau đó, Ngài đã đến vườn Nai để thuyết pháp cho 5 anh em này về Tứ Diệu Đế và nhận họ làm những vị đệ tử đầu tiên của mình. Từ đó, Tứ Diệu Đế đã trở thành giáo lý cơ bản nhất nhưng lại vô cùng quan trọng.
Dịch nghĩa, Tứ ở đây là bốn, Diệu chính là sự màu nhiệm, kỳ diệu vô cùng và Đế chính là các chân lý, sự thật. Như vậy, Tứ Diệu Đế chính là bốn chân lý màu nhiệm chính là:
- Khổ đế: Sự thật, thực trạng về những đau khổ của chúng sinh.
- Tập đế: Nguyên nhân cơ bản nhất gây ra những sự đau khổ.
- Diệt đế: Chấm dứt, kết thúc sự đau khổ của chúng sinh.
- Đạo đế: Nói về những con đường để giải thoát chúng sinh khỏi sự đau khổ ở trên cuộc đời này.
Giáo lý Tứ Diệu Đế hay còn được gọi là Tứ Thánh Đế được nhắc tới trong nhiều kinh điển như Kinh Phân Biệt Thành Đế, Kinh Chuyển Pháp Luân,… cùng nhiều kinh điển Phật Giáo khác.
2. Tìm hiểu ý nghĩa của từng giáo lý trong Tứ Diệu Đế
Trong Tứ Diệu Đế với 4 nội dung nhỏ, sẽ giúp chúng ta hiểu chi tiết về khổ, con đường hết khổ.
2.1. Khổ đế
Khi Đức Phật còn là thái tử Tất Đạt Đa, trong một lần xuất cung đi dạo, Ngài nhìn thấy một người già, một người bệnh, một xác chết. Ngài đã dần nhận ra những nỗi khổ của chúng sinh: sinh ra là khổ, ốm đau bệnh tật là đau khổ, già đi cũng khổ. Ba cái khổ này tương đương với những gì Ngài đã nhìn thấy được trong chuyến tham quan ấy.
Tất nhiên trong cuộc sống còn nhiều cái khổ khác, về sau trong quá trình giảng pháp Đức Phật cũng nói thêm về nhiều cái khổ khác của chúng sinh. Con người sinh ra bệnh tật, già đi làm mình đau khổ, đau đớn giày vò. Chúng ta đau khổ vì nghèo đói, ăn không no, không có mặc cũng khổ. Chúng ta đau khổ vì vì tình cảm, vì gia đình,… Chúng sinh không chỉ khổ thân mà còn khổ tâm, chìm sâu trong đó không cách nào ra được cho nên ngày càng khổ.
2.2. Tập đế
Tập đế là nội dung thứ hai được Ngài nhắc đến trong Tứ Diệu Đế. Phần này nói về nguyên nhân, sự thật gây ra đau khổ cho tất cả chúng sanh ở trên cuộc đời này.
Chúng sinh có nhiều vấn đề gây đau khổ như tiền, tình, danh vọng, gia đình, sức khỏe,… Tuy nhiên tất cả nguyên nhân đó chỉ là bề nổi mà thôi. Trong giáo lý nhà Phật nguyên nhân sâu xa gây đau khổ đã cho chúng sinh xuất phát từ tâm, từ sự vô minh cho nên bị cuốn theo nhu cầu và ham muốn được hưởng thụ của mình nên mới khổ.
- Sự tham lam và sự khao khát của chúng sinh được thể hiện thông qua hình tượng của con gà.
- Sự thiếu hiểu biết, gây ra những ảo tưởng, mê lầm được thể hiện qua hình tượng của con lợn.
- Sự hận thù, ghen tị được thể hiện cho hình tượng con rắn.
Chúng sinh dễ có tư tưởng bám víu vào những thứ hư ảo, tạm thời với lầm tưởng rằng điều đó sẽ làm cho bản thân được hạnh phúc. Nhưng thực tế cuộc đời luôn thay đổi, kể cả thân lẫn tâm của chúng ta vẫn đang thay đổi từng phút từng giây, cho nên không có gì là mãi mãi. Khi mọi thứ không được như ta kỳ vọng, ta sẽ động tâm, buồn tủi, không an lòng, thậm chí là sân hận, chán ghét. Tất cả những điều đó đều xuất phát từ vô minh của chúng sinh.
Những thứ mà cuộc sống con người đang xoay quanh thường là tiền tài, danh vọng, tình yêu,… khiến chúng ta mụ mị đầu óc, bất chấp tất cả để đạt được. Nhưng sau cùng khi có được tất cả chúng ta lại thấy bản thân trống rỗng, không vui vẻ, hạnh phúc như ta tưởng. Có những người cả đời đấu tranh cực khổ nhưng đến khi có được thì bệnh tật miên man, chẳng được hưởng thụ chút gì, lúc này lại oán trời oán đất. Thật ra tất cả những thứ ấy chỉ là tạm thời mà thôi, chính cả kiếp sống này của ta cũng là tạm bợ, chúng ta không xác định được mục tiêu, ý nghĩa sống chính đáng thì rất dễ chìm trong đau khổ.
2.3. Diệt đế
Diệt đế chính là cách chấm dứt, diệt trừ hoàn toàn những đau khổ này. Nếu chúng sinh muốn dập tắt được những đau khổ này thì phải cần phải có sự giác ngộ, để đạt được giải thoát.
Theo Phật dạy, nếu chúng sinh được giải thoát, được về cõi Niết Bàn thì sẽ chấm dứt khỏi vòng luân hồi, cũng chấm dứt những đau khổ, phiền não này. Niết Bàn có nghĩa như sự dập tắt, tại nơi đây ba ngọn lửa tham lam, ảo tưởng và thù hận sẽ bị triệt tiêu hoàn toàn. Niết Bàn cũng được xem là trạng thái chúng sinh chỉ còn vui vẻ hạnh phúc, mà không còn những cảm xúc tiêu cực, sợ hãi nữa.
2.4. Đạo đế
Đạo Phật được gọi là đạo giải thoát, không phải vì Phật giúp chúng sinh giải thoát, mà là chỉ ra con đường cho chúng sinh giải thoát. Nội dung cuối cùng của Tứ Diệu Đế là Đạo đế, nghĩa là con đường, cách thức để chấm dứt nỗi khổ. Đạo Đế được chia thành 37 pháp, trong đó Bát Chánh Đạo được xem là tiêu biểu và cơ bản nhất. Cụ thể, được 8 con đường này chính là:
- Chánh kiến: có nghĩa là có nhận thức, hiểu biết đúng đắn về nhân sinh, cái nào đúng cái nào sai, đâu là thiện, đâu là ác, hiểu rõ bản chất của vô thường, vô ngã.
- Chánh tư duy: Chúng sinh cần có suy nghĩ đúng đắn, đừng để những suy nghĩ ác, tham, sân, si nổi lên trong tâm mình, nên dẫn dắt mình đến những suy tư tích cực và thiện lành trong đời sống.
- Chánh ngữ: Hãy luôn nói những từ ngữ đúng đắn, yêu thương, lợi ích, không nói lời ác, lời gây chia rẽ, xích mích dẫn đến đau khổ.
- Chánh nghiệp: Làm những hành vi đúng đắn, không làm những việc bất thiện, giết hại, hành dâm phi pháp, trộm cướp,…
- Chánh mạng: Nghĩa là đời sống đúng đắn, làm những nghề mưu sinh chân chính, tránh xa các nghề ác nhân, phi pháp, gian xảo,…
- Chánh niệm: Hãy luôn ghi nhớ những điều đúng đắn, lương thiện, dẫn dắt mình đi trong những ý niệm chân chính, thiện pháp.
- Chánh định: Tập trung những tư tưởng đúng đắn, không để tư tưởng rối loạn, dao động theo ngoại cảnh.
Trong Bát Chánh Đạo không phân chia, không có trước sau mà trong cái này có cái kia, tất cả 8 chánh này đồng hành, bổ trợ cho nhau. Đây chính là con đường giải thoát được Đức Phật nhắc tới rất nhiều lần. Chúng sinh dựa vào Bát Chánh Đạo, nương theo đó, vận dụng vào đời sống thực tại thì sẽ thoát được những sự đau khổ.
3. Tầm quan trọng của Tứ Diệu Đế
Không phải tự nhiên mà Tứ Diệu Đế được xem như một giáo lý căn bản nhất của Phật Giáo. Các đệ tử không nên nhầm tưởng hay xem nhẹ rằng đây chỉ là một học thuyết, bởi tất cả những ai muốn giải thoát thì phải vận dụng giáo lý này vào cuộc sống. Cho nên Tứ Diệu Đế chính là một công trình, quá trình tu tập của chúng sinh.
Tất nhiên nếu chỉ tu theo Tứ Diệu Đế chúng ta không thể thành Phật ngay, nhưng nó sẽ đưa người tu hành đến với quả vị A La Hán, rồi sau đó tiếp tục đến các quả vị cao hơn. Tứ Diệu Đế được Đức Phật giảng thuyết ngay từ rất sớm không chỉ vì nó quan trọng mà còn dễ hiểu. Bất kỳ ai dù có trí tuệ sáng suốt hay u tối, chỉ cần quyết tâm kiên trì đều có thể tu học theo được. Đặc biệt, Tứ Diệu Đế được xem là trung đạo, vì không bắt đệ tử tu quá khổ hạnh và cũng không được sống quá hưởng thụ, cả đệ tử xuất gia hay tại gia đều có thể thực hiện được. Chính vì lý do này Tứ Diệu Đế đã trở thành pháp môn phổ thông được cả Tiểu Thừa và Đại Thừa công nhận.
Giáo lý Tứ Diệu Đế luôn đúng trong mọi thời đại, là chân lý sáng suốt soi đường cho các đệ tử Phật Giáo tu học đúng đắn, tránh lạc vào u mê. Giác Ngộ Tâm Linh hy vọng qua bài viết trên các bạn hiểu rõ thêm về sự khổ đau của cõi trần này càng thêm lòng tin vào chánh đạo.