Thiền định là gì? Công năng và lợi ích của việc thiền định

Thiền định là một phương pháp thực hành hướng đến việc tập trung tâm trí nhanh chóng để phát triển thể chất và tinh thần. Theo khoa học, phương pháp thiền định cũng mang lại rất nhiều những lợi ích cho sức khỏe. Hôm nay mời các bạn cùng Giác Ngộ Tâm Linh tìm hiểu thiền định là gì và những vấn đề liên quan nhé.

Thiền định là gì? Công năng và lợi ích của việc thiền định
Thiền định là gì? Công năng và lợi ích của việc thiền định

1. Thiền định là gì?

Thiền định dịch theo tiếng Phạn là Thiền na. Theo các Phật giả học thì Thiền định là sự kết hợp giữa 2 từ: Tĩnh lự (Thiền) và Tam muội (Ðịnh) của tiếng Phạn. Cụ thể:

  • Tĩnh lự: dùng tâm thể an yên, tĩnh lặng tuyệt đối để xem xét các vấn đề đạo pháp.
  • Tam muội: chính là định, nghĩa là tập trung hoàn toàn lý trí vào duy nhất một đối tượng. 

Kết hợp cả 2 nghĩa trên, ta sẽ tìm được câu trả lời cho “Thiền định là gì?”. Đó có nghĩa là tập trung chú ý duy nhất vào một đối tượng cụ thể để không bị phân tâm, tán loạn. Nhờ đó mà tâm vắng lặng, an trú được trong sự an yên.

Xem thêm: Tứ Thiền – Bát Định là gì?

2. Có bao nhiêu loại thiền?

Theo kinh Phật thì thiền định được chia thành 3 loại khác nhau. Đó là:

2.1. Thế gian thiền

Được gọi là thế gian thiền vì trước khi Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện, loại thiền này đã tồn tại. Pháp thiền này chia ra làm 2 loại: 

– Căn bản vị thiền: Gọi là căn bản vị thiền vì người tu hành ưa những lạc thọ của thiền đem lại, muốn an trú trong đó. Căn bản thị thiền có cả thảy 12 phẩm và chia thành 3 loại thành: Tứ Thiền, Tứ Vô Lượng và Tứ Không.

  • Tứ Thiền: Người nào thấy nhàm chán sự hỗn loạn Dục giới, chán sự hỗn loạn của thế gian hiện tại thì tu Tứ thiền.
  • Tứ Vô Lượng: Người muốn có nhiều phước đức thì tu Tứ Vô Lượng.
  • Tứ Không: Người chán ngán những cảnh sắc giới chật hẹp thù tu Tứ Không.

– Căn bản tịnh thiền: Gọi như vậy vì thiền giả có thể dựa vào pháp thiền này sinh ra vô lậu trí (nghĩa là không lậu tiết, không lậu lạc, tức là không còn phiền não nữa, trí tuệ tinh sạch như của bậc đắc quả thánh). Điều này trái với hữu lậu (vẫn còn muốn bám víu chấp thủ, ham muốn) của căn bản vị thiền. Pháp này chia thành 2 loại:

  • Lục diệu môn: Pháp tu dành cho ai muốn có huệ tánh.
  • Thập lục đặc thắng: dành cho ai muốn có định tánh nhiều.

Người muốn sở hữu cả huệ tánh và định tánh như nhau thì có thể tu cả hai loại.

Xem thêm: Nhập Định là gì?

Có bao nhiêu loại thiền?
Có bao nhiêu loại thiền?

2.2. Xuất thế gian thiền

Xuất thế gian thiền là pháp thiền của những bậc xuất thế. Theo Pháp giới thứ đệ quyển hạ, thì pháp thiền này dành cho các hàng Thinh Văn, Duyên Giác. bao gồm 4 loại thiền là:

  • Cửu tướng quán
  • Bát bối xả quán
  • Bát thắng xứ quán
  • Thập nhất thiết xứ quán

Tu pháp thiền này lấy pháp hữu vi làm đối tượng để nghiệm, nhưng có thể đạt được kết quả cắt đứt ái dục, loại bỏ tất cả phiền não, phát sinh vô lậu trí nên mới gọi là xuất thế gian.

Xem thêm: Tứ Niệm Xứ là gì?

2.3. Xuất thế gian thượng thượng thiền

Đây được xem là pháp Thiền định cao nhất, dành riêng cho các bậc đại nhân, các hàng Bồ Tát. Trong Xuất thế gian thượng thượng thiên bao gồm 9 đại thiền gọi là cửu chủng đại thiền, lần lượt là:

  • Tự tánh thiền: Quán sát thật tưởng của tâm mà không cần đối tượng bên ngoài để thiền.
  • Nhất thiết thiền: không chỉ tự mình thực hành Pháp mà còn có thể dạy Pháp cho người khác.
  • Nan thiền: Đây là cách Thiền khổ hạnh, khó tu và rất thâm diệu.
  • Nhất thiết môn thiền: Tất cả các pháp Thiền đều xuất phát từ môn này.
  • Thiện nhân thiền: dành cho những ai có đại thiện căn cùng nhau tu tập.
  • Nhất thiết hạnh thiền: Bao gồm tất cả hạnh pháp của Đại Thừa.
  • Trừ não thiền: Thiền diệt trừ phiền não, sầu bi và khổ đau của chúng sinh.
  • Thử thế tha thế lạc thiền: giúp cho chúng sinh an lạc trong hiện tại và vị lai.
  • Thanh tịnh tịnh thiền: Có tác dụng trừ hoàn toàn các nghiệp và chứng được tịnh báo đại bồ đề. Tu loại thiền này giúp tâm thanh tịnh hoàn toàn lại không còn thấy tướng thanh tịnh nữa, vì thế nên gọi là tịnh báo.
Xuất thế gian thượng thượng thiền
Xuất thế gian thượng thượng thiền

Xem thêm: Năm Triền Cái là gì?

3. Công năng của thiền định

Theo Bồ tát hạnh, người tu tập Thiền định sau cùng sẽ đạt được mười quả tốt lành như sau:

  • Một là được an trụ trong pháp thức uy nghi: Thiền định phải được hành trì theo pháp thức. Trải qua một thời gian dài, thì ngũ căn được tịch tịnh, khởi phát chánh định, được an trụ trong pháp thức oai nghi.
  • Hai là được thực hành cảnh giới từ bi: Hành giả thiền định thường xuyên sẽ giữ được tâm từ bi, yêu thương tất cả chúng sinh.
  • Ba là không còn phiền não: Nhờ thiền định mà không còn bị tham, sân, si quấy nhiều, không còn phiền não.
  • Bốn là gìn giữ được các giác quan: không còn bị lay động bởi sắc, thanh, hương, vị, xúc lay động.
  • Năm là vui vẻ lạc thú: Tận hưởng thiền định như một món ngon hơn mọi món ăn khác trong thế gian.
  • Sáu là xa lìa được ái dục: Tâm niệm được lắng yên thì ái dục sẽ không phát sinh và lây nhiễm vào mình nữa.
  • Bảy là chứng được chân không: nhưng không bị rơi vào những chấp đoạn diệt hư vô.
  • Tám là cởi mở hết thảy những dây trói buộc sự giải thoát.
  • Chín là khai phát được trí huệ vô lượng, được an trú trong cảnh giới của Phật.
  • Mười là được giải thoát thành thục.
Công năng của thiền định 
Công năng của thiền định

Xem thêm: Thiền Vipassana là gì?

4. Lợi ích của thiền định hàng ngày theo khoa học

Không chỉ trong Phật Giáo, ngày nay nhiều nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra thiền định đem lại vô số lợi ích cho cơ thể, không chỉ sức khỏe thể chất mà còn là sức khỏe tinh thần như sau:

  • Giảm căng thẳng, lo lắng: Thiền đã được khoa học chứng minh là có khả năng giảm mức độ căng thẳng, lo lắng. Người ta chứng minh thiền định làm giảm phản ứng viêm nhiễm do căng thẳng, giảm sự lo lắng. Đặc biệt, kể cả những người có mức độ lo lắng cao nhất thì thiền vẫn phát huy hiệu quả mạnh mẽ
  • Tăng cường sức khỏe tinh thần: Thiền định được công nhận như một liệu pháp cải thiện sức khỏe tinh thần. Phương pháp này giúp con người có cái nhìn tích cực và yêu đời hơn. Một đánh giá của Madhav Goyal với hơn 3.500 người trưởng thành cho thấy thiền giúp cải thiện các triệu chứng trầm cảm, giảm sự tiêu cực, bi ai về những vấn đề cuộc sống.
  • Cải thiện khả năng tập trung của não bộ: Thiền định thường xuyên giúp người đó cải thiện khả năng tập trung và chú ý, tư duy linh hoạt. Từ đó tăng năng suất và hiệu suất tốt trong công việc. 
  • Giúp cai nghiện: Điều này hơi mới mẻ nhưng hoàn toàn có thật. Một nghiên cứu trên 60 người nghiện rượu của Jan Gryczynski. Kết quả là họ đều giảm căng thẳng, các triệu chứng đau đớn do thèm rượu.
  • Giúp cải thiện giấc ngủ: Thiền rất tốt cho giấc ngủ. Người có thực hành thiền định sẽ ngủ lâu hơn và giảm tình trạng mất ngủ tốt hơn so với người thường.
  • Làm giảm huyết áp: Một phân tích tổng  hợp dựa trên 12 nghiên cứu với gần 1.000 người tham gia của Z Bai đã chứng minh rằng: “thiền giúp làm giảm huyết áp”. Hiệu quả rõ ràng ở cả những người lớn tuổi và người huyết áp cao.
Lợi ích của thiền định hàng ngày theo khoa học
Lợi ích của thiền định hàng ngày theo khoa học

Như vậy qua thiền định không chỉ sức khỏe tinh thần mà sức khỏe thể chất, các bệnh mãn tính cũng thuyên giảm đáng kể. Những người thiền định sẽ tìm thấy niềm vui, hạnh phúc đích thực giữa cuộc sống vô thường này. Chính vì thế, không chỉ ngày xưa, mà ngày nay, dù không phải là Phật tử cũng thực hành thiền như một môn thể dục, một liệu pháp sức khỏe. 

5. Một số lời khuyên khi thiền định

Cách thiền định sẽ phụ thuộc vào loại thiền mà mình thực hành, nhưng các bạn mới bắt đầu nên chú ý một số vấn đề sau:

  • Đối với những người mới nên tìm cho mình một người thầy hướng dẫn để dễ học hơn.
  • Tìm nơi yên tĩnh, thoải mái, thoáng mát để thiền định.
  • Nên thực hành thiền định mỗi ngày.
  • Nên chọn tư thế ngồi thoải mái nhất, ngồi khoanh chân, tập trung vào hơi thở hoặc một đối tượng nhất định (tùy cách thiền).
  • Giữ tâm thanh tịnh, tập trung, tránh phiền nhiễu, tạp niệm.
  • Mới bắt đầu thiền định thì tâm trí vẫn còn “hỗn loạn”, lúc đó cần kéo tâm trở lại đối tượng cần tập trung và tiếp tục thiền.
  • Bạn nên chuẩn bị tâm lý thiền định là một con đường tu học dài, cần kiên trì để được nhiều thành quả.
Một số lời khuyên khi thiền định
Một số lời khuyên khi thiền định

Thiền định là một phương pháp nghìn năm, là con đường để Đức Phật chứng quả. Dù có là Phật tử hay không thì những lợi ích của thiền cho sức khỏe cũng xứng đáng để chúng ta thực hành. Vậy nên, Giác Ngộ Tâm Linh hy vọng tất cả mọi người hãy nên tìm hiểu và học tập thiền để cảm nhận sự thay đổi mà nó đem lại nhé.