Lục đạo luân hồi là gì? Tìm hiểu về 6 cõi luân hồi trong Phật Giáo

Lục đạo luân hồi là sáu cõi mà sau khi chết con người sẽ tái sinh vào đó, tùy theo nghiệp lực của chúng sinh đó. Bất kỳ ai đã tin tưởng vào Phật Giáo, tin vào lời dạy của Đức Phật thì nhất định phải hiểu rõ về sáu cõi luân hồi này. Vì thế, Giác Ngộ Tâm Linh sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về vấn đề này ngay trong bài viết này nhé.

Lục đạo luân hồi là gì? Tìm hiểu về 6 cõi luân hồi trong Phật Giáo
Lục đạo luân hồi là gì? Tìm hiểu về 6 cõi luân hồi trong Phật Giáo

1. Lục đạo luân hồi là gì?

Chúng sinh sau khi chết, sẽ căn cứ vào phước nghiệp mình để tái sinh vào một trong 6 cõi luân hồi, gọi là sang một kiếp khác, một cuộc đời mới. Nguyên nhân của luân hồi là do chúng sinh vẫn còn nghiệp, vẫn còn tham sân si, cho nên phải luân hồi. Chúng sinh sau khi tái sinh sẽ không còn nhớ gì về tiền kiếp. Người ta có thể dự đoán cõi mà chúng sinh đó tái sinh vào bằng cách quan sát cận tử nghiệp của chúng sinh đó. Những chúng sinh đã nhập niết bàn thì không còn phải chịu cảnh luân hồi sau khi chết nữa, gọi là được vãng sinh.

Lục đạo luân hồi là gì và có thật không?
Lục đạo luân hồi là gì và có thật không?

2. Lục đạo luân hồi gồm những cõi nào? 

Lục đạo luân hồi được chia thành 3 đường lành (cõi trời, cõi Atula, cõi người) và 3 đường dữ (cõi địa ngục, cõi ngạ quỷ, cõi súc sinh).

2.1. Cõi trời

Cõi trời là nơi của những chúng sinh đã tích lũy được nhiều phước lành, họ sống trong vui sướng, giàu có, sống trường thọ nhưng vẫn sẽ già và chết đi. Đây được ví là cõi của hạnh phúc. Người ta xem cõi trời là những vị thần tiên có quyền năng, có khả năng ban phước hay trừng trị các chúng sinh ở cõi thấp hơn. Nhưng năng lực của họ cũng có giới hạn.

Mặt không tốt của cõi này là do sống sung sướng mà một số người chìm đắm trong đó, quên tu tập và rèn luyện thêm cho đến khi thoát hẳn khỏi luân hồi. Cho đến khi các phước phần này cạn dần đi, họ lại bị đọa xuống các cõi thấp hơn.

Cõi trời
Cõi trời

Cõi trời cũng được chia thành nhiều tầng, có nhiều quyền năng khác nhau và sự hạnh phúc khác nhau. Tùy vào phước lực, nghiệp báo của chúng sinh đó mà được phân xem ở tầng trời nào. Trong Phật Giáo, cõi trời được chia thành 3 giới lần lượt là Dục giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới với 33 tầng trời và 28 cõi trời. Một số cõi trời thường nhắc tới trong Phật Giáo như: cõi Tứ Thiên Vương, cõi trời Đao Lợi, cõi Tu Diệm Ma, Cõi Đâu Xuất Đà, cõi Phạm Chúng,…

2.2. Cõi thần (A-tu-la)

Cõi thần (A-tu-la) là cõi của những chúng sinh mạnh mẽ, tài năng nhưng tính cách của họ dễ nóng giận. Các vị này có phước báo ít hơn thiên chúng ở cõi trời. Dù cũng có nhiều phước lành nhưng tính tình họ còn hung dữ, nóng nảy, dễ ghen ghét với người giỏi hơn mình, không muốn ai hơn mình. Cõi này ưa thích chiến tranh và họ sẵn sàng chiến đấu.

Cõi thần
Cõi thần

Atula thường xuyên chống phá cõi Trời, được xem là kẻ thù của cõi này. Chúng sinh ở Atula nếu là nam thường có thần tướng dữ tợn, dữ dằn, còn nữ lại rất xinh đẹp. Ở cõi thần, chúng sinh được hưởng phước, niềm vui nhiều hơn ở cõi người và vẫn còn kém hơn cõi trời. Cõi Atula cũng được chia thành nhiều tầng khác nhau, phụ thuộc và phước nghiệp của chúng sinh.

2.3. Cõi người

Cõi người là cõi của con người, nơi chúng ta đang sinh sỗng. Người ta cho rằng, cõi này là cõi có lợi nhất trong lục đạo luân hồi về mặt tu hành giải thoát. Thuận lợi vì chúng sinh ở cõi người dễ nghe và làm theo chánh pháp do họ phải chịu cả những sự hạnh phúc và đau khổ trung bình so với những cõi khác. Cõi người ít phước hơn 2 cõi trên, cho nên được hưởng ít hạnh phúc hơn, họ cũng chịu ít đau đớn, đau khổ hơn 3 đường dữ. Do đó họ có động lực và ý thức hơn trong việc tu tập để đạt được sự giải thoát.

Cõi người
Cõi người

Việc tái sinh làm con người cũng không hề dễ dàng, Phật Thích Ca Mâu Ni ví cơ hội được làm người hiếm hoi như xác suất con rùa mù trăm năm mới nổi lên một lần mà nổi lên lại chui đầu đúng một lỗ thủng trên thân gỗ nổi lênh đênh trên biển. Ở các cõi thấp hơn như súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục, sẽ rất khó để tích tụ phước đức để trở lại kiếp người. Vậy nên mỗi chúng ta nên trân trọng lấy cơ hội làm người.

Được tái sinh vào cõi người vừa là cơ hội vừa là thách thức cho chúng sinh. Ai tinh tấn, sống lương thiện, làm thiện tích đức sẽ được giải thoát. Tuy nhiên ngược lại nhiều chúng sinh lại trầm mê trong những thứ hư danh, vọng tưởng quen thói làm ác thì rất nhanh sẽ bị đọa vào cõi dữ.

2.4. Cõi súc sinh

Cõi súc sinh trong lục đạo luân hồi bao gồm các động vật, gia súc, côn trùng, vi khuẩn,… Chúng sinh cõi này sống theo bản năng mà không có nhận thức, thiếu hiểu biết và thành kiến. Tất cả các chúng sinh đều có Phật tính và do đó đều có khả năng giải thoát, do đó súc sinh cũng có khả năng giải thoát dù rất thấp. Những động vật gia súc chúng ta nuôi trong kiếp này có thể là người thân từ vô lượng kiếp của chúng ta. Đó cũng là một trong những lý do mà con người không nên sát sinh.

Cõi súc sinh
Cõi súc sinh

2.5. Cõi ngạ quỷ (quỷ đói)

Trong cõi ngạ quỷ của lục đạo luân hồi thì chúng sinh hiện thân dưới dạng những quỷ đói. Họ cực kỳ đói và khát, nhưng lại không thể ăn hay uống.

Chúng sinh ở cõi ngạ quỷ vô hình, chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Người ta cho rằng, chúng sinh ở cõi ngạ quỷ có nhiều hình dạng khác nhau. Ngạ quỷ cũng có hình dạng như con người nhưng da thịt thối rữa, chân tay nhỏ, bụng to và dài, cổ nhỏ, hẹp. Hình tướng này thể hiện việc họ đói khát (bụng to) nhưng rất khó khăn để được ăn no, giải tỏa cơn đói khát (cổ hẹp).

Cõi ngạ quỷ (quỷ đói)
Cõi ngạ quỷ (quỷ đói)

Ngạ quỷ thường sống ở các bãi rác hoặc nơi hoang vắng, tối tăm tùy thuộc vào nghiệp quá khứ của họ. Một số quỷ đói có thể ăn, nhưng rất khó tìm đồ ăn thức uống. Số khác có thể tìm được đồ ăn, nhưng rất khó nuốt. Một số khác nữa lại không thể ăn, do đồ ăn khi đưa đến miệng sẽ biến thành than, lửa. Vì vậy ngạ quỷ luôn phải chịu cảnh đói rét.

Quỷ đói cũng có một số quyền năng nhỏ để chống đối, quậy phá con người. Chúng được xem là đại diện cho những người tham lam vô độ, không bao giờ biết đủ, vơ vét mọi thứ về cho mình để thỏa mãn tham vọng cá nhân.

2.6. Cõi địa ngục (Naraka)

Cõi địa ngục là cõi hoàn toàn đau khổ, là nơi khủng kiếp và đau khổ nhất trong lục đạo luân hồi, Chúng sinh ở đây sẽ chịu các cực hình đọa đày tùy theo những nghiệp trước khi chết đã gây ra. Theo Kinh điển thì các hình phạt ở địa ngục sẽ do chúng sinh khác trong địa ngục hoặc quỷ sứ thực hiện.

Cõi địa ngục (Naraka)
Cõi địa ngục (Naraka)

Địa ngục được phân thành nhiều tầng và các cực hình ở đây cũng khác nhau. Ở đó có các hình phạt về lửa, nước nóng, nước sắt, dao, chĩa nhọn, sói đói, rắn độc cắn,… để chúng sinh chịu đủ sự dày vò. Có những địa ngục chúng sinh sẽ chịu đau đớn liên tục, không lúc nào ngừng. Trong rất nhiều Kinh điển, Đức Phật đã mô tả về địa ngục như những lời răn dạy chúng sinh biết khổ mà chịu khó làm thiện, tránh xa nghiệp ác.

Bất kỳ ai may mắn có duyên biết đến Phật Pháp hãy nên đọc kỹ về lục đạo luân hồi, biết khó biết khổ mà ráng tu tập, rèn luyện tích thêm nhiều phúc đức. Giác Ngộ Tâm Linh hy vọng bài viết trên sẽ giúp các bạn tin sâu hơn vào nhân quả, cố gắng tu học theo con đường chánh đạo để đạt được giác ngộ.