Phật Giáo Đại Thừa chính là nhánh Phật Giáo phổ biến và có đông đệ tử nhất ở Việt Nam. Nhánh này được chia thành nhiều tông phái khác nhau, do đó nhiều Phật tử còn chưa hiểu hết về Đại Thừa. Hôm nay hãy cùng Giác Ngộ Tâm Linh tìm hiểu về Phật Giáo Đại Thừa nhé.
Nội Dung
1. Phật Giáo Đại Thừa là gì?
Phật Giáo Đại Thừa có thuật ngữ là Mahayana, phiên âm tiếng Hán Việt là Ma-ha-diễn-na, có nghĩa là ”con đường cứu vớt lớn” hay “cỗ xe lớn”. Đây là một trong ba nhánh của đạo Phật (3 nhánh bao gồm Phật Giáo Tiểu Thừa, Đại Thừa, Kim Cang Thừa). Đại Thừa được truyền bá phổ biến ở các nước ở phía Bắc của Ấn Độ như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc và Triều Tiên, nên được gọi là Bắc Tông.
Phật Giáo Đại Thừa chấp nhận các giáo lý cũng như kinh điển của Phật Giáo sơ kỳ nhưng lại bổ sung thêm các học thuyết, kiến thức mới. Nếu Tiểu Thừa đề cao thiền định, đòi hỏi sự tập trung, chuyên sâu, mang tính bảo thủ, lấy Niết Bàn là mục tiêu tối cao thì Phật Giáo Đại Thừa lại thiên về tính tự do, mục tiêu tối thượng không phải đạt Niết Bàn mà đưa tất cả chúng sinh đạt Niết Bàn.
Đây được xem là giáo phái cách tân của Phật giáo Nguyên thủy. Người ta cho rằng từ Đại Thừa được dùng trong bản Sanskrit của Kinh Pháp Hoa, Phật Giáo Đại Thừa phát triển các đặc điểm sau:
- Phổ biến: Mọi chúng sinh đều có Phật tánh, nếu tu tập nỗ lực thì chắc chắn sẽ thành Phật. Trong Kinh tạng Bắc Tông (Đại chính, tập 24, số 1484) Đức Phật đã nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”, có nghĩa là tất cả chúng sinh tương lai sẽ thành Phật.
- Tâm bồ đề: Chúng sinh nỗ lực để phát triển trí tuệ cho đến khi có được trí tuệ trọn vẹn, viên mãn.
- Từ bi: Lý tưởng của Phật, Bồ Tát là mở rộng, lan tỏa tình yêu thương tới tất cả chúng sinh.
- Tình thương siêu việt: Các vị Phật, Bồ Tát ở mọi phương, có mặt mọi lúc để cứu độ chúng sinh.
Kinh điển Đại Thừa rất đồ sộ, cũng có thể nói nhiều nhất so với các kinh điển xưa nay. Các kinh điển xuất hiện khoảng 400 – 500 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, có rất nhiều bộ nổi tiếng như: Kinh bát nhã, Lăng già, Đại Niết Bàn, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm…
Xem thêm: Hình ảnh Phật Giáo Đại Thừa
2. Nguồn gốc của Phật Giáo Đại Thừa
Phật Giáo Đại Thừa có nguồn gốc từ Miền Bắc Ấn Độ, khoảng 100 năm sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập diệt. Lúc này các giáo đoàn Phật giáo xuất hiện tranh cãi về những quy tắc cũng như một số khía cạnh trong Phật Giáo tại hội đồng thứ 2 Vaishali. Cuộc mâu thuẫn đã xảy ra 2 luồng ý kiến. Một nhóm Tỳ kheo, đa số là những vị lớn tuổi, họ không chấp nhận những điều thay đổi ấy. Nhóm còn lại thì gồm các vị Tỳ kheo trẻ cùng nhiều cư sĩ thì lại chấp những nhiều điều mới đó.
Từ đó, giáo đoàn Phật giáo bị chia thành hai nhánh chính là phái Thượng tọa bộ – Theravada (theo lối cũ) và phái Đại chúng bộ – Mahasanghika (theo hướng cách tân). Phật Giáo Đại Chúng Bộ vẫn thừa nhận những giáo lý cơ bản của Phật Giáo như Luật nhân quả, Tứ Đế Diệu, Bát Chánh Đạo, Vô Ngã,… Chính nhánh Mahasanghika đã trở thành nền tảng để phát triển Phật Giáo Đại Thừa (Mahayana), mang theo một sắc thái mới vào Phật Giáo.
Xem thêm: Phân biệt Phật Giáo Tiểu Thừa và Phật Giáo Đại Thừa
3. Phật Giáo Đại Thừa thờ cúng ai?
Phật Giáo Đại Thừa là tôn giáo có sự cải cách từ Phật Giáo Nguyên Thủy. Đại Thừa đã chỉ ra được rằng mục đích cuối cùng của tu học Phật Giáo không phải là giải thoát được cho bản thân mà còn để giải thoát, cứu độ cho rất chúng sinh.
Đại Thừa cung thờ các vị Phật, Bồ Tát như Tiểu thừa, họ công nhận Đức Thích Ca là Phật và rất nhiều vị phật khác như là: Phật A Di Đà, Phật Di Lặc. Bên cạnh đó, các vị Bồ Tát như Quán Thế Âm Bồ Tát, Mục Kiền Liên Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát…cũng là những vị Bồ Tát được nhiều đệ tử Đại Thừa biết đến và thờ cúng.
4. Các tông phái trong Phật Giáo Đại Thừa
Theo dòng thời gian, Phật Giáo Đại Thừa đã truyền bá rộng trên khắp thế qua nhiều đất nước, đặc biệt là ở các nước Châu Á như Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Quốc,Nhật Bản, Việt Nam,…Cũng chính sự truyền bá rộng rãi này này đã khiến Bắc Tông hình thành nhiều tông phái, bao gồm:
4.1. Tịnh Độ Tông
Tịnh Độ Tông chính là pháp môn quyền khai của Phật giáo là pháp môn dựa trên đại nguyện của Phật A Di Đà, đưa chúng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc. Những người Tịnh Độ Tông sẽ phải phát đại nguyện, tu tập theo hạnh nguyện của Phật A Di Đà, hồi hướng công đức cho tất cả chúng sinh đều được vãng sinh về cõi này. Do đó, Phật tử theo Tịnh độ tông chủ yếu sẽ trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà và quán tưởng đến thế giới Cực Lạc. Pháp môn Tịnh độ cũng có kinh điển riêng, gồm 8 bộ kinh quan trọng là: Vô lượng thọ kinh, Đại Phật A Di Đà kinh, Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ kinh, Cổ Âm Thanh Tán Đà La Ni kinh, Tịnh Độ Vãng Sinh luận.
Niệm Phật là một phương pháp quán niệm để đưa tâm vào chánh niệm, có suy nghĩ đúng đắn, chân chính, niệm danh hiệu Phật chính là để chế ngự tâm. Thông thường mọi người sẽ niệm Phật, trì chú theo số lần như 7,9, 21, 108, 1080,..Phương pháp niệm Phật thường có 4 cách :
- Trì danh niệm Phật: có nghĩa là niệm “Nam Mô A DI Đà Phật” thầm hay phát ra tiếng
- Quán tượng niệm Phật: Vừa niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” vừa ngắm nhìn tượng Phật, chiêm ngưỡng tướng tốt của Đức Phật.
- Quán Tưởng niệm Phật: Vừa niệm Nam Mô A Di Đà Phật vừa quán tưởng hình ảnh của Ngài mà không sử dụng tượng hay tranh ảnh gì hết
- Thật tướng niệm Phật: Niệm Phật đạt đến chỗ vô niệm, không còn chủ thể, đối tượng nữa. phương pháp này hơi giống Thiền nên ít phổ biến hơn
4.2. Thiền Tông
Thiền Tông còn được biết đến là Phật Tâm Tông, được khai sinh từ một tông phái Phật giáo Đại Thừa được truyền bá từ Ấn Độ, phổ biến ở Trung Quốc. Nhiều người cho rằng Thiền chính là cội gạo của Phật, mục đích của thiền sư chính là một phương pháp tu luyện tâm thức để ngộ Phật tính, nhìn rõ tâm mình, xóa bỏ những đau khổ. Đức Phật đã dạy bài đầu tiên về thiền định trong kinh Tứ Niệm Xứ và được coi như con đường duy nhất để giải thoát. Thiền tông không phế bỏ kinh sách nhưng không chú trọng nhiều.
Thiền là phải làm sao dứt hết tâm duyên theo ngoại cảnh, giữ tâm tĩnh lặng, kiên định. Khi sáu căn gồm (mắt, tai, thân, ý, mũi, lưỡi) tiếp xúc với sáu trần bên ngoài là gồm (sắc, thanh, vị, hương, xúc, pháp) mà tâm không dính không nhiễm, đó chính là an tâm.
4.3. Thiên Thai Tông
Thiên Thai Tông được xuất phát từ Trung Quốc, trụ sở chính của pháp môn này là ở núi Thiên Thai, thuộc tỉnh Triết Giang, Trung Quốc nên được gọi là Thiên Thai Tông. Tông này dựa vào kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nên có tên gọi khác là Pháp Hoa Tông. Pháp môn này cho rằng tất cả mọi hiện tượng đều dựa vào nhau và bản chất của chúng là tính không. Thiên Thai Tông có 3 chân lý đó là:
- Sự thật về tánh không (quán không): có nghĩa là tất cả mọi thứ trong vũ trụ này đều không tồn tại bản chất, do đó tính không thể hiện trong bản chất của chúng.
- Sự thật về tạm thời là thật có: nghĩa là, tất cả mọi thứ là kết quả của những quá trình nhân quả, từ đó tạo cho chúng một thực tế có nguồn gốc từ nhân quả.
- Sự thật về phương tiện: có nghĩa là, mọi thứ trên thế giới này không có thật, nhưng cũng không phải không thật có, mà chỉ là tạm thời hiện hữu.
Cả 3 giáo lý này bao hãm lẫn nhau, sự thật này ở trong sự thật kia,
4.4. Hoa Nghiêm Tông
Nguồn gốc tên gọi tông phái này là do tông này lấy kinh Hoa Nghiêm làm nền tảng, do pháp sư Hiền Thủ Tạng Pháp sáng lập, cho nên còn biết đến tên gọi khác là Hiền thủ tông. Học thuyết và giáo lý của Hoa Nghiêm Tông rất sâu xa, huyền diệu do đó khó có thể diễn đạt hết thành lời.
Theo tông phái này tất cả vạn vật từ vật vô tình, súc sinh, con người cho đến chư Phật cũng đều chung một tính căn bản, gọi là Phật tính hay còn gọi là Chân Như. Cùng một tính Phật nhưng hoàn cảnh nhân duyên khác nhau mà có biểu hiện khác nhau. Ví như dòng sông có lúc hiền hòa có lúc cuồn cuộn nhưng kỳ thật vẫn cùng chung một thể tính.
Pháp tông này chủ trương rằng mọi vật sẽ gồm Tứ pháp giới và lục tướng. Với Hoa Nghiêm Tông, điều quan trọng nhất trong quá trình tu tập chính là phân biệt chân lý, dứt sạch một lầm mê, thì mọi lầm mê khác cũng dần tan biến như người ngủ mê được tỉnh dậy, phát hiện mọi sự chỉ là hư vô.
4.5. Pháp Tướng Tông
Pháp Tướng Tông xuất phát từ Ấn Độ, lấy Duy thức luận và Thành Duy Thức Luận làm giáo lý. Nhà sư Huyền Trang của đời Đường Thái Tông đã dịch hai bộ này từ Tiếng Phạn sang tiếng Hán và phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc. Theo pháp môn này, vạn vật hiện tượng đều thể hiện của Thức mà có, do đó mà không hề có thực. Tám thức đó bao gồm: Nhãn thức, Thân Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức, Nhĩ Thức, Mạt Na Thức, Ý Thức, Mạt Na thức, A Lại Da Thức, trong đó 3 thức cuối là 3 thức quan trọng nhất, điều hành các thức còn lại.
Dựa trên học thuyết này chúng ta sẽ hiểu vì sao tiền bạc, danh vọng, sự giàu có, vợ đẹp con khôn, quý báu,.. không có ý nghĩa gì đối với những nhà tu hành chân chính. Bởi trong tâm thức của các vị ấy không hiện hữu những thứ này, do đó chẳng ham muốn, ưa thích.
4.6. Tam Luận Tông
Gọi là Tam Luận Tông vì tông phái này lấy ba bộ luận căn bản, bao gồm: Trung quán luận, Thập nhị môn luận và Bách luận làm giáo lý. Tam Luận Tông nhấn mạnh và phát triển dựa vào giáo lý trung đạo chứ không thiên về một bến nào, phá bỏ những tư tưởng, ý kiến về chấp có hay chấp không. Do đó, khi đã hiểu về những giáo lý này chúng ta sẽ tường tận được tính không của vạn pháp.
Tông phái này khác hẳn với Tiểu Thừa, nhưng cũng không hẳn thuộc về Đại Thừa, nhưng học thuyết của Tam Luận Tông rất gần gũi với Đại Thừa. Điều này giúp các đệ tử Tam Luận Tông nhận thấy được thiếu sót của Tiểu Thừa mà lại học Đại Thừa một cách dễ dàng hơn.
Như vậy chúng ta có thể thấy việc hình thành nhiều tông phái là dựa vào cách tu tập, giáo lý và học thuyết khác nhau. Tu theo tông phái nào cũng được quan trọng nhất là sự tinh tấn, giác ngộ được nhiều hay ít. Do đó, chúng ta không nên có sự so sánh hơn thua, giỏi kém đối với bất kì một tông phái nào.
Những kiến thức liên quan về Phật giáo Đại thừa thì đồ sợ, rộng lớn vô kể. Giác Ngộ Tâm Linh vừa cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản và thú vị nhất về Phật Giáo Đại Thừa. Tu học theo Đạo Phật là một giáo trình dài, cần sự kiên trì, mong rằng mỗi bạn đọc sẽ tinh tấn học hỏi trên con đường ấy.