Quán Thế Âm Bồ Tát là một trong những vị Bồ Tát gần gũi, quen thuộc nhất, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về vị Bồ Tát này. Hôm nay Giác Ngộ Tâm Linh sẽ chia sẻ thêm những thông tin để bạn đọc có thể biết thêm nhiều điều thú vị, linh nghiệm của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát và tại sao nên tụng niệm “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát“?.
Nội Dung
- 1. Mẹ Quán Thế Âm Bồ Tát là ai? Xuất thân của Phật Quán Thế Âm Bồ Tát
- 2. Ý nghĩa tên gọi của Phật Quán Thế Âm Bồ Tát
- 3. Truyền thuyết về Phật Quán Thế Âm Bồ Tát
- 4. Phật Quán Thế Âm Bồ Tát và 5 thứ quán
- 5. Phật Quán Thế Âm Bồ Tát là nam nhân hay nữ nhân?
- 6. Những hình tượng của Phật Quán Thế Âm Bồ Tát ít người biết
- 7. Ý nghĩa 3 ngày lễ vía Phật Quán Thế Âm Bồ Tát người thờ Phật cần biết
- 8. Tại sao nên tụng niệm “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát”?
1. Mẹ Quán Thế Âm Bồ Tát là ai? Xuất thân của Phật Quán Thế Âm Bồ Tát
Quán Thế Âm Bồ Tát hay còn gọi là Quán Âm Tự Tại, hay mẹ Quan Âm, là một trong 4 vị Đại Bồ Tát của Phật Giáo Đại Thừa (Quan Thế Âm Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát, và Văn Thù Bồ Tát).
1.1. Mẹ Quán Thế Âm Bồ Tát là ai?
Về hình tượng thì ngài Quán Âm được tạo hình là nữ, hay mặc áo trắng (do đó có tên gọi khác là Bạch Y Quan Âm), có phong thái ung dung, nhân hậu, là hiện thân của lòng từ bi, đại hạnh, cứu khổ cứu nạn tất cả chúng sanh. Hình tượng thân thuộc nhất về Quán Thế Âm Bồ Tát là hình ảnh Ngài ngồi trên tòa sen tay phải cầm nước Cam Lồ, tay trái bắt ấn hoặc hình tượng Ngài Quán Âm tay phải cầm bình nước Cam Lồ, tay trái cầm cành Dương Liễu. Ngài Quán Âm Tự Tại cũng được xây dựng với hình ảnh Nghìn Mắt Nghìn Tay (thiên thủ thiên nhãn) có thể nhìn thấu hết đau khổ, và cứu độ chúng sinh.
1.2. Xuất thân của Phật Quán Âm Bồ Tát
Nói về sự tích xuất thân của Ngài Quán Âm thì có rất nhiều dị bản, nhưng có chung một nguồn gốc đó là: Ngài Quán Thế Âm thuộc dòng dõi hoàng tộc, có xuất thân cao quý. Trong Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni hay còn được gọi là Chú Đại Bi thì Ngài Quán Thế Âm là quyến thuộc bồ đề của vô lượng Bồ Tát khác và Phật A Di Đà. Trước khi phát nguyện lớn, Ngài chính là con của vua Vô Tránh Niệm, có cuộc sống sung túc, hạnh phúc. Nhờ vua cha khuyến khích đồng thời nhìn thấy cảnh con dân có cuộc sống cơ cực, ai oán, bất hạnh, nghèo đói, Ngài đã quyết tâm tu thành Phật để cứu độ chúng sinh. Nhờ sức oai thần không thể nghĩ bàn, mắt có thể nhìn thấy, nghe thấy mọi cảnh khổ, bi ai của chúng sanh, thì sẽ hóa hiện trăm nghìn tay để giúp đỡ.
Xem thêm: Chú Đại Bi là gì?
2. Ý nghĩa tên gọi của Phật Quán Thế Âm Bồ Tát
Tên của Ngài Quán Thế Âm được phiên dịch từ tiếng Phạn – Avalokitesvara, phiên âm là “A bà lô kiết đế xá bà la” dịch nghĩa có là “Đại từ, Đại bi, cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát”. Như vậy có thể nói, tên gọi Quán Thế Âm Bồ Tát chính là tên phiên dịch từ tiếng Phạn mà có. Vậy nên gọi “Quan Âm Bồ Tát” hay “Quán Thế Âm Bồ Tát’?.
“Quán” ở đây là quan sát, quán tưởng dùng diệu quan, trí huệ để nghe thấy mọi âm thanh trên khắp các cõi. “Thế” ở đây là thế gian, còn “ Âm” là âm thanh. Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật lúc nói về ý nghĩa danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ Tát đã giải nghĩa rằng khi nghe âm thanh chúng sanh kêu niệm danh hiệu của mình thì tức thời sẽ dùng thần thông để cứu khổ cứu nạn chúng sanh ấy. Nếu những chúng sanh bị khổ ách, một lòng xưng niệm hồng danh của ngài, Quán Thế Âm sẽ quan sát được âm thanh ấy để khiến cho họ được giải thoát. Ngài Quán Âm được xem là một bồ tát trợ tuyên đắc lực của Phật A Di Đà, tiếp dẫn chúng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc, từ đó trong tên ngài có thêm chữ “Đại Bi”.
Ở Việt Nam, tên của người Quán Thế Âm Bồ Tát thường được gọi là Quan Âm Bồ Tát do đọc trại từ “Quán” thành “Quan”, bỏ chữ “Thế” vì phạm vào tên húy của vua Thế Dân (vua Đường Thái Dân). Bàn về tên gọi Quán Tự Tại Bồ Tát của Ngài thì theo Kinh Bát Nhã Ba La Mật là do ngài quán chiếu, tu tập mà được tự tại giải thoát.
3. Truyền thuyết về Phật Quán Thế Âm Bồ Tát
Trong kinh điển truyền lại, Ngài có 33 ứng thân tướng, lúc là thân nam lúc là thân nữ, lúc quyền quý, lúc nghèo hèn. Hai truyền thuyết về Ngài Quán Âm ở Việt Nam được nhiều người lưu truyền đó chính là sự tích về Quan Âm Thị Kính và bà Diệu Thiện.
3.1. Sự tích Quan Âm Thị Kính
Khi Ngài Quan Âm gần mãn kiếp thân nam nhi thứ 9, ngài Thích Ca Mâu Ni giáng thế thử lòng bằng cách hóa hiện thân nữ và ép Ngài Quán Âm kết duyên với mình. Lúc này Quán Âm mới nói rằng: “Có chăng họa may là kiếp sau, chớ kiếp này vì lời thề nguyện tu trì thì không thể nào đặng”. Vì lời nói đó, mà kiếp thứ 10 Ngài phải chịu thân nữ, suốt đời chịu trăm điều cay đắng về tình duyên để thử thách lòng thành.
Kiếp thứ 10, Bồ tát Quan Thế Âm đầu thai làm con gái nhà họ Sùng là Sùng Ông – gia đình giàu có lại là nhà từ tâm chưởng đức ở xứ Cao Ly. Hai ông bà sinh ra nàng Thị Kính, dung mạo đẹp đẽ, tướng mạo đoan trang. Khi nàng đến tuổi cập kê thì gần đó có chàng Thiện Sĩ, con nhà trâm anh nhờ mai mối đến hỏi, thì được gia đình Sùng Ông đồng ý. Đến ngày vu quy, Thị Kính buồn tủi muôn phần, vì thấy mình là con một, nếu xuất giá rồi thì không có ai chăm lo cho cha mẹ, bồi đáp công sinh thành. Cha mẹ nàng nghe vậy bèn lựa lời an ủi, nàng mới an lòng.
Từ khi về nhà chồng, nàng giữ lòng tôn kính, phụng sự nhà chồng, trong êm ngoài ấm, ai ai cũng hết lòng khen ngợi. Một ngày kia nàng đang ngồi may, chàng Thiện Sĩ sau khi đọc sách mỏi mệt mới ra gần chỗ nàng mà nằm nghỉ, nhân lúc chàng ngon giấc mà nhìn kỹ mặt đức lang quân, thấy dưới cằm chàng có mọc một sợi râu, biết coi tướng ít nhiều, nàng biết đây là sợi râu mang ý nghĩa xấu, lại đang cầm cây kéo trong tay nàng mới đưa kéo ra định cắt lấy. Ngay lúc ấy, chàng Thiện Sĩ giật mình thức dậy, thấy vợ kề kéo ngay cổ mình, vội la lên rằng: “Vợ tôi muốn giết tôi.” Lúc này, người nhà chồng chạy đến gạn hỏi, dù nàng có kể ra nhưng cha mẹ chồng nghiêm khắc cho rằng nàng ngoại tình và mưu giết chồng. Cha mẹ chồng bắt Thiện Sĩ viết giấy bỏ vợ, mời vợ chồng Sùng Ông đưa con về. Vợ chồng Sùng Ông đến nơi, kêu con ra hỏi, rầy la than trách một hồi rồi đưa Thị Kính về.
Chàng Thiện Sĩ lúc này vô cùng đau lòng, tưởng là việc nhỏ không dè lại phải rẽ thúy chia loan làm chàng ăn năn vô cùng.
Về nhà, Thị Kính vô cùng buồn cho số phận long đong, trắc trở của mình, cũng buồn cho cha mẹ phải phiền lòng vì mình. Nàng than rằng nếu nhà đông anh em thì nàng cũng đành nhắm mắt cho rồi để khỏi mang tiếng xấu. Nhưng vì gia đình chỉ có một con, nàng không nỡ, sợ tội bất hiếu, mà ở như vậy thật lại khổ tâm, cho nên nàng quyết chí xuất gia, nương nhờ cửa Phật, tu hành cho đắc đạo rồi trở về độ lại mẹ cha.
Một hôm, nàng lén cải trang rồi bỏ nhà trốn đi, cha mẹ nghĩ nàng vì buồn chuyện cũ mà nhẹ dạ và sai người đi khắp nơi tìm kiếm mà không gặp. Sau đó, nàng giả dạng nam tử, tìm được chân tu, bèn thọ pháp quy y, lấy pháp danh là Kính Tâm. Do có dung mạo khôi ngô, kiểu mỹ nên nàng Thị Mầu mê mệt, đưa tình trêu ghẹo Kính Tâm, nhưng nàng vẫn giả bộ không hay biết. Sau đó, Thị Mầu ăn ở với tôi tớ, có bầu rồi đổ cho Kính Tâm tư tình cùng mình, nên xin làng cho Kính Tâm hoàn tục cưới mình. Lúc này 2 thầy trò Kính Tâm bị đòi lên công đường đối chất, nhưng nàng một mực kêu oan chứ không nói thêm chi nữa. Lúc này, quan mới đem Kính Tâm tra tấn, đến khi thịt nát máu rơi bất tỉnh sư thầy không nỡ lòng mới xin bảo lãnh Kính Tâm về để khuyên nhủ, quan thương tình mới chấp thuận.
Sau đó, để tránh mang tiếng xấu cho chùa, Kính Tâm được đem ra ở một tự nhỏ bên ngoài chùa. Thị Mầu sau khi đẻ con xong thì đem qua cho Kính Tâm ăn vạ, Kính Tâm thấy đứa trẻ đáng thương nên ẵm vào, mượn vú nuôi cho ăn, nuôi con lắt léo qua ngày.
Cho đến ngày nàng cận kề cái chết, mới viết 2 bức tâm thư một gửi cho cha mẹ, một gửi cho sư thầy. Xem thư xong sư ông sai người tẩm liệm thì xác thực nàng là nữ nhi. Tin ấy, truyền khắp xóm Thị Mầu vì quá nhục nhã nên đã quyên sinh.
Khi an táng Kính Tâm thì xuất hiện Phật trên mây đến rước linh hồn nàng đi. Cha mẹ nàng cũng ăn năn, phát nguyện tu hành. Về sau Ngài cũng độ cho con của Thị Mầu đắc đạo về hầu gần bên Ngài.
3.2. Sự tích Diệu Thiện
Trong kiếp cuối cùng của Ngài Quan Thế Âm Bồ Tát, Ngài hạ phàm làm một công chúa Ấn Độ, con vua Linh Ưu, tên là Diệu Thiện.
Do đức vua và hoàng hậu đã đến tuổi tứ tuần mà vẫn chưa có con, nên cầu tự sinh được 3 cô con gái lần lượt là Diệu Thanh, Diệu Âm, Diệu Thiện. Do không có con trai, nên nhà vua quyết định sẽ truyền ngôi cho phò mã. Hai công chúa đầu đều lấy chồng làm quan lớn, duy chỉ có Diệu Thiện không chịu lấy chồng, một lòng muốn đi tu làm vua cha phẫn nộ, bắt nhốt nàng vào hậu viện chịu đói khổ. Nhưng nàng không hối hận cũng không oán trách, mà một lòng xin vào chùa Bạch Thước ẩn tu, và được vua cha đồng ý vì cho rằng nàng không chịu được lâu. Khi vào chùa nàng bị sắp đặt làm những công việc nặng nhọc nhất nhưng vẫn vâng chịu rồi hoàn thành. Thấy thế, vua bèn cho người phóng lửa đốt chùa, khiến các sư nãi bỏ chạy, suy chỉ có nàng Diệu Thiện điềm tĩnh cầu nguyện với Đức Phật đến giúp sức. Sau đó, nàng rút trâm đâm vào họng, máu tươi phun lên không trung tức thời mưa to kéo đến, ngọn lửa chả mấy mà dập tắt.
Vua cha bất lực đành bắt nàng về, rồi cho mở tiệc, hăm dọa tử hình nhưng không làm nàng lung lay. Đường cùng, nhà vua mới ra lệnh trảm nàng. Nhưng đến giờ hành hình như gươm gãy làm hai, dùng gáo thì gáo gãy đôi, nên chuyển qua treo cổ. Đến giờ hành hình thì một trận cuồng phong thổi tới, làm trời đất tối tăm, xung quanh thân nàng hào quang sáng rỡ, liền có 1 con hổ từ trong rừng chạy ra, cõng nàng chạy vô rừng. Vua cho rằng nàng bị trời phạt vì tội bất hiếu nên mới bị hổ tha đi.
Nhưng huyền diệu là nàng tuy chết nhưng xác còn nguyên, lại còn chiêm bao rằng được Diêm Chúa dắt đi viếng Diêm Cung để thấu rõ cảnh khổ chốn địa ngục. Nhờ sức thần thông và lòng từ bi, nàng đi đến đâu các hồn giam cầm đều đặng được cứu rỗi, rồi đưa nàng hồi dương.
Khi tỉnh lại, Đức Thế Tôn hiện mây ra dặn nàng đi về núi Phổ Đà để tu thêm, muốn đến đó phải đi qua 3000 dặm. Nhờ sự giúp đỡ của chư vị Phật sau 9 năm tu ở đây nàng đã có được thần thông mà chưa bị nào đạt được, đứng trên tất cả chư vị Bồ Tát, được gọi là Quan Âm Như Lai hay Quan Âm Như Hải.
4. Phật Quán Thế Âm Bồ Tát và 5 thứ quán
Theo điển tích Phật giáo, Phật Quán Thế Âm Bồ Tát là vị Phật có 5 thứ quán, hay chính là 5 thần lực. Đó là:
– Chân quán: Phát huy hết khả năng của 6 giác quan, có thể dung thông tất cả giác quan này, nên Ngài có thể cảm nhận và quán chiếu thấy sự thật mọi đau khổ hơn bất kỳ vị Bồ tát nào. Ngài có thể dùng mắt để nghe thấy tiếng khổ của dân gian.
– Thanh tịnh quán: Khả năng giữ tâm thanh tịnh. Dựa vào quán chiếu mà không còn bị vô minh, khát ái, chấp chước hay bị nghiệp lực làm cho vẩn đục.
– Quảng đại trí tuệ quán: Dùng trí tuệ rộng lớn để quán chiếu, dùng trí huệ để soi sáng cho chúng sinh khỏi mộng cảnh, tự tánh.
– Từ quán: Là phát hạnh nguyện thương yêu rộng lớn, dùng lòng từ mẫn đem lại sự an lạc, hạnh phúc.
– Bi quán: Là lòng từ bi rộng lớn dùng sức oai thần để khổ cứu nạn chúng sinh không ngừng nghỉ.
5. Phật Quán Thế Âm Bồ Tát là nam nhân hay nữ nhân?
Trong Phật Pháp các vị Phật, Bồ Tát vốn không phân biệt nam nữ. Tùy vào hoàn cảnh có khi các ngài hóa hiện thân nam, có khi hiện thân nữ để cứu độ chúng sinh.
Ở Việt Nam chúng thường thờ tượng Quán Âm ở hình dạng nữ, mặc đồ trắng, tuy nhiên ở một số quốc gia vẫn thờ hình ngài Quán Thế Âm Bồ Tát là nam. Trong nhiều kinh điển, truyền thuyết kể lại Ngài thường xuất hiện dưới tướng mạo nữ nhân hơn, lại thêm lòng từ mẫn, yêu thương như mẹ hiền, nên người ta cho rằng hình tượng nữ sẽ phù hợp và thân thuộc hơn.
Vì không có hình tượng nhất định, do đó quý phật tử cũng không cần đặt nặng vấn đề nam hay nữ, chỉ cần thành tâm thờ cúng, tưởng niệm là được.
6. Những hình tượng của Phật Quán Thế Âm Bồ Tát ít người biết
Nói về hình tượng của Quán Thế Âm Bồ Tát thì nhiều vô số kể khi nghe tiếng kêu cứu nguy bách Ngài thường hóa hiện trăm nghìn dáng vẻ khác nhau.
Trong đó, Quan Âm Thị Kính cũng là một hình tượng của Quán Thế Âm Bồ Tát mà ít người biết đến. Vị Bồ Tát này tương ứng với sự tích Thị Kính đã kể ở trên, mang biểu tượng cho lòng từ bi, yêu thương trẻ con của Ngài.
Hay hình tượng Quan Âm Nam Hải vượt biển đến động Hương Tích (chùa Hương) để tu tập. Hay hình tượng Quan Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn (nghìn mắt nghìn tay) có thể nhìn thấy trăm nghìn nỗi khổ của dân gian mà đưa tay cứu vớt kịp thời.
7. Ý nghĩa 3 ngày lễ vía Phật Quán Thế Âm Bồ Tát người thờ Phật cần biết
Các Phật tử nhất là những người tu theo hạnh nguyện của ngài Quán Thế Âm Bồ Tát cần nắm rõ 3 ngày vía của Ngài. Các ngày này đều được tính theo lịch âm, cụ thể như sau:
– Ngày 19/2: Ngày vía Quan Thế Âm Đản Sanh
– Ngày 19/6: Ngày vía Quan Thế Âm Thành Đạo
– Ngày 19/9: Ngày vía Quan Thế Âm Xuất gia
Những ngày lễ này gắn liền với 3 mốc quan trọng về hành trình tu hành của Phật Quán Thế Âm Bồ Tát. Từ đó Phật Tử càng một lòng hướng Phật, tin sâu Phật Pháp, tu thân tích đức theo Ngài.
8. Tại sao nên tụng niệm “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát”?
Để hiểu tại sao nên tụng niệm “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát” chúng ta cần hiểu ý nghĩa của câu này. “Nam Mô” là phiên âm tiếng Tiếng Phạn, có nghĩa là quy mạng, quy kính, tôn kính, ghép với “Quán Thế Âm Bồ Tát” chính là nghĩa quy y, quy mạng, quay về với vị Bồ Tát này.
Nói về lợi ích khi niệm “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát” thì đúng là không thể nghĩ bàn, như:
– Xóa được tính tham: những người này từ từ sẽ nuôi dưỡng tấm lòng từ bi, rộng lượng, biết cứu giúp người khác. Những người khi niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ thường cúng dường, bố thí tài vật, không tham lam của cải.
– Không còn sân hận: Tham sân si vốn là bản tính của con người, nhưng nếu bạn thường xuyên niệm pháp danh của vị Bồ TÁt này sẽ được Ngài ban cho trí huệ, nhìn thấu khổ ai, từ đó không còn sân hận, biết cảm thông, tâm tính nhẹ nhàng.
– Không còn si mê: Những người này sẽ nhìn rõ hợp tan, có không, không còn chấp chước, cố chấp nữa, từ đó có thể đi đến sự giải thoát.
– Giải trừ bệnh tật ốm đau, tai ách: Khi niệm hồng danh của Ngài thì người đó sẽ tránh được các bệnh tật, tai ách, hiểm nạn không thể tới gần, cả đời được bình yên trường thọ.
– Cầu con như ý: Trong kinh Phổ Môn có ghi lại rằng, Quán Thế Âm Bồ Tát đã phát nguyện sẽ hộ trì cho bất kỳ ai thành tâm trì niệm danh hiệu của Ngài. Người này sinh con trai thì thông minh, trí huệ, sinh con gái thì đoan trang xinh đẹp.
– Loại trừ đau khổ: Bất kỳ người nào đau khổ mà nghe danh hiệu của Ngài mà niệm theo thì đều được giải thoát khỏi đau khổ.
– Tiêu trừ nghiệp chứng: Nhờ vào bi nguyện độ sanh cũng như năng lực của ngài Bồ Tát thì mọi khổ ải và nghiệp chướng đó sẽ không còn nữa. Bạn sẽ có được một cuộc sống đủ đầy, dư giả, người đời yêu mến và kính trọng hơn.
Như vậy, sức thần thông cứu giải của câu “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát” là không thể bàn cãi. Người niệm danh hiệu này cần tinh tấn, thành tâm và duy trì đều đặn hàng ngày.
Xem thêm: Om Mani Padme Hum là gì?
Qua bài trên, Giác Ngộ Tâm Linh đã giúp bạn hiểu rõ hơn về Quán Thế Âm Bồ Tát cũng như hạnh nguyện sâu rộng, và những sự tích về Ngài. Chúc các bạn Phật tử ngày càng thêm tinh tấn, chăm chỉ tu tập, sớm được giác ngộ.