Phật Mẫu Chuẩn Đề là ai? Hình tượng của Bồ Tát Chuẩn Đề

Phật Mẫu Chuẩn Đề hay còn gọi tắt là Phật Mẫu vốn là nhân vật thường xuất hiện trong các kinh điển khi Đức Phật nói về các vị Phật. Tuy nhiên không phải ai cũng biết về vị Bồ Tát này. Hôm nay Giác Ngộ Tâm Linh sẽ giới thiệu cho bạn về Phật Mẫu Chuẩn Đề Bồ Tát là ai và hình tượng của Ngài nhé.

Phật Mẫu Chuẩn Đề là ai? Hình tượng của Bồ Tát Chuẩn Đề
Phật Mẫu Chuẩn Đề là ai? Hình tượng của Bồ Tát Chuẩn Đề

1. Phật Mẫu Chuẩn Đề là ai?

Bồ Tát Phật Mẫu Chuẩn Đề theo phiên âm tiếng Phạn là Cundi, dịch nghĩa là Thanh tịnh, Thành thực hay Năng hành. Danh hiệu đầy đủ của Bồ Tát Phật Mẫu là Thất Câu Chi Phật Mẫu Chuẩn Đề hay còn có các tên như Thất Câu Đê Phật Mẫu, Thất Câu Chi Phật Mẫu. Ngài được xem là mẹ của những vị Phật, được Phật Giáo Đại Thừa đặc biệt là Mật Tông Kim Cang Thừa thành kính thờ cúng. 

Trong Mật Tông Kim Cang Thừa, Phật Mẫu Chuẩn Đề được tôn sùng và xếp ngang hàng với Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài là vị Bồ tát từ bi, luôn giúp đỡ và giáo hóa cho chúng sinh.

Bồ Tát Chuẩn Đề là một trong ba vị Phật Mẫu của Biến Tri Viện. Ngài biểu thị cho sự thanh tịnh không gì có thể làm lung lay, nhiễm bụi lòng Ngài. Trong Kim Cương Giới Mạn Đà La, Phật Mẫu Chuẩn Đề có danh hiệu khác là Kim Cương Hộ Bồ Tát, ngoài ra Ngài là một thị giả thân cận của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nói về Phật Mẫu Chuẩn Đề Ngài còn được biết đến qua những chức vụ sau: 

  • Chuẩn Đề thuộc Quán Âm Bộ (hay còn gọi là Liên Hoa Bộ): Bộ này biểu thị tâm bồ đề thanh tịnh sẵn có của chúng sinh, cũng mang biểu tượng tam muội đại bi của Phật, Như Lai. Quán Âm Bộ gồm có 6 vị và chia vào 6 nẻ để hóa độ chúng sanh. 
  • Chuẩn Đề thuộc Phật Bộ: theo Hiện Đồ Thai Tạng Giới Mạn Đà La thì Bồ Tát Chuẩn Đề tượng trưng cho đức Năng Sinh của chư Phật, cũng mang đặc tính Tâm Thanh Tịnh – yếu tố quan trọng để sinh ra các vị Phật. Chính vì điều này nên Bồ Tát Chuẩn Đề được tôn là Phật Mẫu. 

2. Hình tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề

Hình tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề
Hình tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề

Theo các Kinh sử ghi lại, Phật Mẫu Chuẩn Đề ở Trời Sắc Cứu Cánh thuộc tầng trời cao nhất trong Tứ thiền thiên thuộc cõi Sắc. Tôn tượng của Phật Mẫu Chuẩn Đề gồm nhiều dạng từ Phật Mẫu 4 tay, 6 tay, 14 tay cho đến 18 tay,… Tuy nhiên tôn tượng phổ biến và được thờ phụng nhiều nhất là tôn tượng Bồ Tát Chuẩn Đề với 18 tay. 

Theo quan niệm Trung Hoa tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề có 4 cánh tay, đầu đội Định Ấn. Phía bên trái tay thứ nhất Ngài đặt eo, tay thứ hai của Ngài cầm Bảo châu. Phía bên phải, tay thứ nhất của Ngài cầm chày Độc Cổ, tay thứ hai thì ngón cái và ngón vô danh vịn vào nhau. Ngực Ngài lộ ra ngoài, biểu tượng cho hình ảnh Phật Mẫu.

Còn trong Phật Giáo Tây Tạng, tôn tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề có 4 tay ngồi kiết già trên toà sen. Bên trái, một tay Ngài đặt ngang rốn và cầm Bình Bát, tay còn lại co trước ngực, trên tay cầm hoa sen, an trí một rương Kinh Phạn. Bên Phải, tay phải thứ nhất cũng cầm Bình Bát, trong khi phải thứ 2 thì rũ xuống, bắt Thí Vô Uý Ấn.

Tranh Thangka Phật Mẫu Chuẩn Đề
Tranh Thangka Phật Mẫu Chuẩn Đề

Tuy nhiên, phổ biến hơn cả vẫn là tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề với 18 tay. Theo Kinh Quỹ và kinh “Thất Câu Chi Phật Mẫu Sở Thuyết Chuẩn Đề Đà La Ni”, tôn tượng Ngài được mô tả như sau:

  • Toàn thân của Ngài có màu vàng trắng, ngồi kiết già trên toà sen, xung quanh hào quang tỏa sáng. Màu trắng trên thân Ngài là biểu tượng của Kim Cương Giới, còn màu vàng là biểu tượng của cho Thai Tạng Giới. Hai màu này cũng mang ý nghĩa “Lý Trí chẳng hai, Định Tuệ một thể” và Đức Năng Sinh của chư Phật. 
  • Tượng của Ngài có 3 mắt gồm Phật Nhãn, Pháp Nhãn và Tuệ Nhãn, 3 con mắt sẽ quán chiếu khắp mười phương, thấy được cảnh khổ của chúng sinh. 
  • Trên đầu Phật Mẫu Chuẩn Đề đội mão Hoa quang, trên mão của Ngài có hoá hiện 5 vị Như Lai. Thân tượng trang nghiêm, tỏa ra ánh hào quang tròn sáng rực. Ánh sáng ấy biểu thị cho Tâm Pháp của Kim Cương Thừa, là Trí tuệ, phá đi mọi sự u minh, Tâm hư vọng của chúng sinh.

Toàn thân Ngài có 18 cánh tay, trên mỗi cánh tay được đeo vòng xuyến khảm xà cừ với nhiều pháp khí biểu thị cho các Tam Muội Gia. Trong đó có hai tay trên cùng đang bắt ấn Chuẩn Đề, như lúc thuyết pháp. Sau đây là 16 cánh tay còn lại chia đều cho hai bên phải và trái.

Phật Mẫu Chuẩn Đề với 18 cánh tay
Phật Mẫu Chuẩn Đề với 18 cánh tay

Hình tượng cánh tay bên phải:

  • Tay thứ 2 ở tư thế bắt ấn thí Vô Úy, 5 ngón tay của Ngài biểu tượng cho 5 trí, cánh tay này là biểu thị cho Tâm Đại Từ Bi. 
  • Tay thứ 3 cầm Kiếm mang ý nghĩa Trí Tuệ dùng để tiêu trừ 3 Nghiệp Chướng, giáng 4 loại Ma, hại 3 loại Độc và dứt sạch 5 Dục. 
  • Tay thứ 4 cầm tràng hạt là biểu tượng của Trí Tuệ. 
  • Tay thứ 5 Ngài cầm Tử Mãn Quả – hạt giống hiển thị cho công đức viên mãn của Phật Quả. 
  • Tay thứ 6 cầm cây búa – thứ có thể phá tất cả, phá sạch tất cả Vô Minh, Hoặc Chướng. 
  • Tay thứ 7 cầm móc câu – biểu tượng của Vua, do Ngài là vua của các Tôn nên được gọi là Phật Mẫu
  • Tay thứ 8 cầm Bạt Chiết La hay còn gọi là Chày Kim Cương. 
  • Tay thứ 9 cầm vòng hoa báu tượng trưng cho Vạn Đức Trang Nghiêm, hay chính là công đức của Ngài. 

Hình tượng cánh tay bên trái:

  • Tay thứ 2 cầm Cây Như Ý là phướng báu của Tâm Bồ Đề, có địa vị cao lớn, là gốc rễ của mọi thiện và là nguồn của vạn hạnh.
  • Tay thứ 3 cầm hoa sen biểu thị cho tự tính thanh tĩnh của tất cả các Pháp.
  • Tay thứ 4 cầm bình Táo Quán – bình này chứa được mọi vật.
  • Tay thứ 5 cầm sợi dây phục giáng Ác Ma. Dây này đẻ trói buộc kẻ khó phục, để dẫn chúng đó vào Pháp Giới vốn có.
  • Tay thứ 6 cầm bánh xe Chuyển Luận, biểu tượng cho sự sinh tử luân hồi, khi nào hết luân hồi thì bánh xe mới dùng lại. 
  • Tay thứ 7 cầm Loa bằng vỏ ốc, ý nói tĩnh như Pháp, lại là biểu tượng của tiếng sư tử rống, chỉ cần chúa sơn lâm cất tiếng thì tất cả dã thú đều quy phục. 
  • Tay thứ 8 cầm Hiền Bình biểu tượng cho sự chứa đầy của 4 Trí Cam Lộ, dùng để ban phát cho chúng sinh.
  • Tay thứ 9 cầm Rương Kinh Bát Nhã, biểu tượng cho trí tuệ. Mười phương chư Phật đều dựa vào Kinh này để thành Chánh Giác.

phat mau chuan de 4

Nói về ý nghĩa hình tượng của Bồ Tát Chuẩn Đề ở trong Phật Giáo thì Ngài được xem như sự biến đổi của sức mạnh tâm linh, là tượng trưng của không gian Đại dương rộng lớn. Hình tượng Ngài mang sự tinh khiết nhất, do đó Ngài mới là mẹ của tất cả các vị thần của Liên Hoa Bộ, là khuôn mẫu để sinh ra chư Phật và Bồ tát.

Những pháp khí mà Phật Mẫu Chuẩn Đề cầm đều là những pháp dùng để giáo hóa chúng sinh. Những pháp khí ở tay phải như móc câu, búa, chày,… là những khí vật hung dữ, mạnh mẽ có thể áp dụng lên những chúng sinh cang cường, khó bảo để họ quy phục Chánh pháp. Bên trái Ngài lại là những vật nhẹ nhàng, mềm mỏng như dải lụa, hoa sen, kinh,… để ban phát cho chúng sinh sau khi hàng phục để giúp họ giải thoát. Những pháp khí khác nhau có cả mềm lẫn rắn song tất cả đều thể hiện uy lực, có cả cứng lẫn mềm của Ngài.

Xem thêm: Chú Chuẩn Đề là gì?

Nếu chúng sinh nào phát tâm đảnh lễ, cúng dường, tụng niệm thần chú và hồng danh của Phật Mẫu Chuẩn Đề sẽ được tiêu trừ nghiệp chướng, có được trí tuệ như Bồ tát Chuẩn Đề. Bằng các vật báu, bảo pháp Ngài sẽ giúp chúng sinh ấy có được sức khỏe, không lo đói nghèo, bệnh tật, trí tuệ sáng suốt. Từ đó, mọi việc hanh thông như ý, sau cùng là có được sự Giác Ngộ.

Tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề
Tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề

Giác Ngộ Tâm Linh vừa cùng bạn tìm hiểu về Phật Mẫu Chuẩn Đề. Có lẽ những bạn nào theo Kim Cương Thừa sẽ quen thuộc với hình tượng của Ngài hơn, nhưng đây cũng là một vị Bồ Tát có công đức viên mãn, mà các bạn nên tìm hiểu. Nếu đã có duyên đọc bài này, các bạn cũng nên tìm hiểu cả về chú Chuẩn Đề của Ngài nữa nhé.