Đại sư Cưu Ma La Thập là một cao tăng đã phiên dịch rất nhiều kinh Phật từ Phạn văn ra Hán văn. Hòa Thượng Tuyên Hóa khi nói về Ngài cũng nói thực chất Ngài ấy chính là hóa thân của một vị Bồ Tát, dịch kinh điển để làm lợi ích cho chúng sinh. Hôm nay, Giác Ngộ Tâm Linh sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về cuộc đời của vị cao tăng này nhé.
1. Tiểu sử Đại sư Cưu Ma La Thập
Đại sư Cưu Ma La Thập tên tiếng Phạn là Kumārajīvasinh, sinh năm 344 và mất năm 413 CN. Là một vị cao tăng đời Đông Tấn. Ngài là một trong bốn nhà dịch kinh lớn của Trung Quốc. Cha là Cưu Ma La Viêm, mẹ là Kỳ Bà. Ngay từ trong bụng mẹ, Cưu Ma La Thập đã độ cho mẹ của mình. Kỳ Bà không biết tiếng Ấn Ðộ, nhưng khi mang thai Ngài, lại có thể nghe nói được tiếng Phạn, còn có tài năng biện tài vô ngại.
Một vị A La Hán thời bấy giờ đã nói với mọi người rằng: “Ðứa trẻ ở trong bụng của bà này chẳng phải tầm thường, là người có đại trí huệ. Trước kia, đệ tử của Đức Phật là Ngài Xá Lợi Phất ở trong bụng mẹ, thì mẹ của Ngài cũng có trí huệ biện tài vô ngại. Đại khái đứa trẻ này cũng như Xá Lợi Phất“.
Sau khi sinh Ngài ra, sau 3 năm mẹ của Ngài lại sinh thêm một người con nữa. Từ đó trở đi, Kỳ Bà thường xuyên đến Chùa nghe giảng kinh. Vì căn cơ của bà ta sâu dày, sau khi nghe sư thầy giảng giải về vô thường, vô ngã, khổ thì bà phát tâm muốn xuất gia. Nhưng phụ thân của Ngài là ông Cưu Ma La Viêm không cho bà xuất gia vì tham luyến vợ đẹp, tài sản và địa vị. Nhưng về sau khi bà quá kiên quyết còn tuyệt thực không ăn, ông đã phải để bà xuất gia.
Khi Ngài 7 tuổi cũng theo mẹ đi xuất gia, nhận Bàn Ðồ Bồ Ðạt Ða làm thầy, tu học theo Tiểu Thừa. Ngài được học các luận Tỳ Đàm, Lục Túc và học hỏi thêm các kinh luận ngoại đạo. Khi tu học theo Tiểu Thừa, dù mới 7 tuổi nhưng mỗi ngày học đến 36.000 chữ, có thể thấy trí tuệ này, chẳng phải người thường. Chẳng lâu sau Ngài đã học hết toàn bộ lý thuyết Tiểu Thừa, thấy được sự vi diệu trong đó. Ngoài ra, Ngài còn học các môn khác trên thế gian từ Y dược đến chiêm tinh, bói quẻ,…
Sau này, Ngài đến Ấn Ðộ học pháp Đại Thừa. Lúc bấy giờ có ngài Tu Da Lợi Tô Ma thành thạo kinh điển Đại Thừa, Ngài kính trọng, bái nhận làm thầy và xin thọ học giáo lý. Khi học Đại Thừa Ngài lại chiêm nghiệm thêm nhiều điều, thấy được pháp Đại Thừa là diệu trong diệu, chẳng thể nghĩ bàn. Không lâu sau, đạo đức của Ngài cũng lan đến Tây Vực, nổi tiếng khắp khu vực Đông Độ.
Năm 401 vua Tần sai người nghênh đón Ngài về kinh đô Trường An để tiếp đãi và tôn Ngài làm Quốc sư, sắp đặt lầu Tây Minh và vườn Tiêu Dao cho Ngài ở và dịch kinh. Lúc bấy giờ, có đến 3000 hàng Sa-môn ở khắp nơi theo học Ngài. Trong đó, có 8 vị tài năng, nổi tiếng là Đạo Sinh, Đạo Dung, Tuệ Quán, Tuệ Nghiêm, Tăng Duệ, Đạo Hằng, Tăng Ảnh, Tăng Triệu.
Đến năm 409 (Cao Tăng Dị Truyện lại ghi là năm 413), Ngài thị tịch ở Trường An Đại Tự, thọ 70 tuổi. Trước khi mất Ngài đã nói lời nguyện, nếu những bản kinh luật hay luận Ngã đã dịch ra, nghĩa lý đúng đắn, chẳng lầm, tương hợp với tâm Phật thì sau khi viên tịch, hỏa táng sẽ để lại cái lưỡi. Và sau khi thị tịch, thiêu thân xác Ngài xong lưỡi Ngài vẫn còn nguyên vẹn.
Xem thêm: Xá lợi là gì?
2. Kinh điển được dịch bởi Đại sư Cưu Ma La Thập
Theo Ngài Tuyên Hóa thì Đại sư Cưu Ma Thập La Thập chính là hóa thân của Bồ Tát, vị này đã phát nguyện đời đời phiên dịch Kinh làm lợi ích cho chúng sinh. Vào đời Ðường, có một vị tên là Ðạo Tuyên Luật Sư giới hạnh thanh tịnh, cảm ứng chư Thiên thường đem cơm cúng dường. Có lần, Ngài hỏi chư Thiên: “Tại sao người đời thích đọc Kinh điển do Ngài Cưu Ma La Thập dịch?”.
Chư Thiên trả lời: “Ngài Cưu Ma La Thập đời đời đều phát nguyện: Mỗi khi Phật xuất hiện ra đời, Ngài đều lãnh trách nhiệm phiên dịch Kinh điển. Bảy vị Phật trong quá khứ cho đến hiện tại, Kinh điển đều do Ngài phiên dịch ra, tuyệt đối chính xác”. Chính vì Ngài thông thạo Tam Tạng (Kinh, Luật, Luận) cho nên được xưng là “Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập”.
Đại sư Cưu Ma La Thập có công lao rất lớn trong quá trình thay đổi phương pháp phiên dịch. Chính Ngài là người nói được tiếng Trung Quốc, đồng thời các cộng sự viên khác cũng đều là người giỏi Phật Giáo và tiếng Phạn. Cách dịch kinh của Ngài cũng khác với trước kia. Ngài sẽ giảng kinh hai lần bằng tiếng Trung, lúc này các tăng sĩ Trung Quốc sẽ cùng nhau thảo luận và ghi chép lại bằng tiếng Hán. Sau đó Sư sẽ kiểm tra lại, so sánh cẩn thận nguyên bản và bản dịch rồi mới đưa ra bản chung quyết. Nếu như các nhà dịch thuật khác dịch từng chữ, thì Ngài đưa được nội dung sâu xa trong kinh sách vào chữ Hán. Nếu thấy cần thiết, Ngài có thể sẽ cắt bỏ một vài đoạn kinh không hợp và sử dụng ngôn từ dễ hiểu, tiếp cận đại chúng Trung Quốc.
Trong cuộc đời của Ngài đã dịch được nhiều bản kinh sách quan trọng, để lại giá trị to lớn cho Phật Giáo như:
- A-di-đà kinh (năm 402)
- Đại trí độ luận (năm 412)
- Diệu pháp liên hoa kinh (năm 406)
- Duy-ma-cật sở thuyết kinh (năm 406)
- Thập nhị môn luận (năm 409) của Long Thụ, người thành lập Trung Quán Tông.
- Bách luận (năm 404) của Thánh Thiên
- Trung quán luận tụng (năm 409)
- Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh
Đại sư Cưu Ma La Thập đã để lại nhiều bản dịch giá trị, góp phần to lớn trong việc đem kinh điển đến gần hơn với các Phật tử. Rất nhiều kinh điển của Việt Nam được dịch từ Tiếng Hán qua tiếng Việt. Hy vọng qua bài viết trên của Giác Ngộ Tâm Linh sẽ giúp các bạn biết thêm một vị cao tăng, tôn kính các vị ấy cũng như tôn kính kinh điển Đại Thừa.