Đại Sư Giám Chân là một tấm gương tiêu biểu cho những vị cao tăng “vì pháp quên thân”. Ông đã bỏ nhiều công sức, thậm chí là đôi mắt của mình để đổi lại sự nghiệp truyền bá Phật Giáo ở một đất nước mới. Hôm nay, mời các bạn tìm hiểu câu chuyện cảm động về vị sư này nhé.
1. Tiểu sử Đại sư Giám Chân
Đại sư Giám Chân quê ở Dương Châu, Trung Quốc. Ông sinh năm 688 và mất năm 763. Thuở nhỏ, ông đã chịu ảnh hưởng của gia đình và rất thích Phật Giáo. Khi vừa 14 tuổi, ông vào chùa thấy tượng Phật liền sinh lòng cảm động, lại say mê tranh, tượng, bích họa, kinh điển cùng y viện, nơi bào chế thuốc của chùa, nên cha ông gửi ông vào chùa Đại Vân, lấy danh là Giám Chân. Sư được nhiều người biết đến là người thông thạo Tam tạng, giữ nghiêm giới luật.
Năm 705, Giám Chân thụ giới với đại sư Đạo Ngạn – một vị đệ tử của cao tăng Văn Cương rất nổi tiếng lúc bấy giờ. Ngài tu khổ hạnh ở đây 2 năm thì được thầy đưa tới Lạc Dương, Trường An – vùng đất mà Phật giáo rất phát triển để học tập thêm. Năm 23 tuổi, Giám Chân được cao tăng Hoằng Cảnh thụ giới cụ túc. Do người thầy của mình là một đệ tửu của Luật Tông, cho nên Giám Chân nghiên cứu rất kỹ về giới luật và bắt đầu những buổi thuyết giảng.
Với tinh thần tuổi trẻ, Giám Chân đi khắp các nơi, tìm hiểu nhiều bộ sách kinh điển của Luật Tông. Trong quá trình này ông cũng diện kiến và tham vấn nhiều danh tăng có tiếng tăm. Nhờ đó, nên rất nhanh Giám Chân trở thành thế hệ thừa kế của những vị cao tăng hàng đầu của phái Luật Tông như Văn Cương, Đạo Ngạn và Hoằng Cảnh,… Bên cạnh đó, Giám Chân còn tìm hiểu thêm các lý luận các tông phái khác, để thấy được điểm yếu, điểm mạnh của các tông phái, kết hợp thêm Luật Tông và hình thành cách kiến giải riêng của ông.
Ngoài Phật Giáo, Giám Chân cũng rất đam mê các lĩnh vực khác, như Ngũ minh học (gồm ngôn ngữ văn tự, nghề thủ công, y học, tư duy logic và lý luận của các tông phái khác). Điều này cũng góp phần giúp ông trở nên thông thái và ngày càng được nhiều người biết đến.
Xem thêm: Xá lợi là gì?
Đặc biệt, Giám Chân cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu y học và kiến trúc. Về sau, điều này trở thành cơ sở phục vụ cho chuyến đi hoằng pháp của ông ở nước Nhật Bản sau này.
Năm 713, 26 tuổi khi đã kết thúc chuyến hành trình, Giám Chân trở về Dương Châu trở thành đại sư Chùa Đại Minh, nay gọi là Chùa Pháp Tịnh. Tại đây sư tích cực tham gia các hoạt động Phật Giáo tại Dương Châu. Chẳng lâu sau, tiếng tăm và uy tín của ông tại đây ngày một được tăng cao, nhờ tri thức uyên bác và phẩm cách cao thượng.
Tới năm 733, sau khi một đệ tử khác của Đạo Ngạn là Nghĩa Uy viên tịch, Giám Chân trở thành người đứng đầu tổ chức Phật Giáo tại Dương Châu.
Bắt đầu từ thời điểm này, Đại sư Giám Chân không chỉ giảng Phật viết kinh, thụ giới cho các tăng ni, xây dựng chùa chiền mà còn tham gia tích cực vào việc chữa bệnh và cứu tế dân nghèo. Nhờ danh tiếng ngày một lan rộng, số tín đồ kéo về Dương Châu xin theo Giám Chân tu học ngày một đông hơn. Số người được Giám Chân truyền giới lên tới hơn 40 ngàn người. Nhờ vậy, Giám Chân trở thành lãnh tụ Phật môn, cao tăng số một ở Dương Châu và các vùng lân cận lúc đó.
2. Chuyến vượt biển của Đại sư Giám Chân
Năm 732, giới luật của Phật Giáo Nhật Bản vẫn chưa hoàn bị, các nhà sư không thể thụ giới. Khi sứ đoàn Nhật Bản sắp ghé thăm Trung Quốc, hòa thượng Long Tôn đã đề nghị Thiên hoàng để hai vị sư trẻ là Vinh Duệ và Phổ Chiêu theo sứ đoàn cùng tới Trung Quốc để mời một danh tăng nhà Đường tới Nhật Bản truyền bá Phật học. Được sự đồng ý của Thiên hoàng, hai vị sư tiếp tục lặn lội đến Trung Quốc vào năm 733, để tìm kiếm cao tăng mời về Nhật Bản.
Mười năm ròng rã học tập tại Trung Quốc, Vinh Duệ và Phổ Chiêu luôn cố gắng tìm vị cao tăng thích hợp. Trong thời gian này, hòa thượng Đạo Toàn từng nhận lời đi Nhật Bản, tuy nhiên, do năng lực lẫn uy tín của Đạo Toàn chưa đủ để hai vị Vinh Duệ và Phổ Chiêu tin tưởng, nên họ lại tiếp tục tìm kiếm một vị cao tăng khác. Năm 742, sau mười năm tìm kiếm, Vinh Duệ và Phổ Chiêu trở về cùng các hòa thượng Đạo Hàng, Trừng Quan, Đức Thanh, Như Hải,…
Trên đường đi, có đi qua chùa Đại Minh của Giám Chân ở Dương Châu, Vinh Duệ và Phổ Chiêu muốn được nghe sự tham vấn của ông. Hai vị này kể cho đại sư Giám Chân nghe sự khó khăn trong quá trình truyền giáo ở Nhật Bản do không có người nắm rõ giới luật.
Cuối cùng, họ đã khẩn khoản mời Giám Chân tới Nhật Bản để hoằng pháp. Nghĩ về sự nghiệp hoằng pháp Phật giáo và sự chân thành của hai sư nên sư vẫn chấp nhận sang Nhật dù đường xa xôi, nguy hiểm và lúc đó ông đã 54 tuổi. Lúc ông sắp đi, mới hỏi những người đệ tử đang ngồi xung quanh: “Ai đồng ý cùng đi?”.
Không ai lên tiếng, trừ một đệ tử có tên là Tường Nhan đứng lên và nói: “Đi qua Nhật Bản, đường xa vời vợi, biển cả mênh mông, trăm phần không chắc được một!”. Lời ấy hoàn toàn đúng bởi đường vượt biển từ Trung Quốc tới Nhật Bản không chỉ xa xôi mà còn nguy hiểm. Ngoài ra, việc cá nhân rời sang nước khác ở xã hội bấy giờ cũng khó khăn và rất khắt khe, nếu tự ý xuất cảnh sẽ bị trừng phạt rất nghiêm khắc.
Đại sư Giám Chân cũng biết là thế, nhưng ông kiên định nói với các đệ tử của mình: “Đi giảng truyền Phật pháp thì tiếc gì đến thân!”. Nói đến đây cũng có các đệ tử tình nguyện xin đi theo ông. Thế là đại sư Giám Chân quyết tâm vượt biển tới Nhật Bản truyền pháp. Theo Giám Chân khi đó có Tường Nhan, Tư Thác, tổng cộng hơn 21 người.
Tuy nhiên, như đã nói hành trình tới Nhật Bản không hề đơn giản. Sau bốn lần vượt biển không thành, có lần do triều đình không cho phép, có lần do gặp sóng gió dữ dội ở biển khơi. Đến năm 748, khi Giám Chân đã 60 tuổi, ông tiếp tục lần vượt biển thứ năm. Lần này sau 14 ngày chống chọi với mưa bão, thuyền của ông lại trôi tấp vào phía Nam đảo Hải Nam. Ông tìm đường trở về Dương Châu bằng cách đi qua Quảng Đông, Quảng Tây và Giang Tây.
Qua mỗi nơi, ông đều học tiếng bản xứ và nghiên cứu y học, cây thuốc ở nơi đó. Trong chuyến trở về nay, một đệ tử của Giám Chân do ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt nơi đây, đã ngã bệnh và qua đời. Đại sư cực kỳ thương tiếc người học trò đó. Không lâu sau, nhà sư Nhật là Vinh Duệ cũng không qua khỏi vì bệnh nặng. Vì quá thương tâm, kèm theo vất vả của chuyến đi, Giám Chân bị bệnh đau mắt, rồi sau đó cũng bị mù luôn.
Như vậy, năm lần vượt biển Đông đều thất bại, lại còn thiệt mạng đến 36 người, mất đi đôi mắt, thế nhưng Giám Chân vẫn không bỏ cuộc, vẫn ôm trong lòng kế hoạch vượt biển hoằng pháp. Cho tới năm 753, một sứ giả Nhật khác lại tìm đến Dương Châu mời Đại sư Giám Chân sang Nhật. Lúc này dù đã cao tuổi, mắt mù lòa nhưng sư vẫn quyết định theo thuyền Nhật Bản vượt biển lần thứ sáu.
Ngày 10/11/753, Giám Chân xuất phát từ bến Tứ Phố Châu Hoàng sang Nhật cùng các đệ tử của mình. Ngày 2/3/754, sư mới đến kinh đô Nara của Nhật Bản. Nhật hoàng cùng người dân tổ chức nghi lễ nghênh đón và phong Giám Chân là pháp sư Truyền Đăng Đại. Trong năm 754, ở phía đông Thành Nara đại sư lập giới đàn lớn, để thụ giới cho 10 vị hòa thượng Nhật Bản. Đây là nghi lễ thụ giới chính thức đầu tiên được tổ chức tại Nhật. Nhật hoàng bổ nhiệm Giám Chân làm Đại Tăng Đô, đánh dấu sư chính thức trở thành Luật tông Thủy tổ Nhật Bản.
Năm 759, Đại sư Giám Chân xây dựng chùa Đường Chiêu Đề tại Nhật và làm sư trụ trì ở đây. Những người thuộc triều đình như Thánh Võ Thái Thượng Hoàng, Hoàng Thái Hậu, Hiếu Liêm Thiên Hoàng là người đầu tiên đăng đàn mời Giám Chân truyền giới. Sau đó, trong hoàng tộc cũng có khoảng 400 người xin thụ giới. Tiếp đó, các đệ tử Nhật cũng đến thụ giới ngày càng nhiều.
Trong cuộc hành trình này, Giám Chân cũng đem theo kinh Phật, tượng Phật, dược liệu, y thư,… Vì vậy, ngoài Phật giáo, Giám Chân cũng là người truyền bá một phần y học, kiến trúc của Trung Quốc vào Nhật Bản. Tới năm 763, Giám Chân đã viên tịch tại chùa Đường Chiêu Đề, kết thúc sự nghiệp hoằng hóa Phật Giáo tại Nhật Bản. Năm đó, ông 75 tuổi.
Điều khác biệt của nhà sư chính là Ngài đã mang văn hóa rực rỡ của Thịnh Đường đến với Nhật Bản, tạo ra một sự giao lưu hữu nghị giữa Dương Châu và Nhật Bản, là người sáng lập ra Luật Tông ở Nhật Bản.
Qua bài học của Đại sư Giám Chân, chúng ta thấy con đường hoằng hóa Phật Giáo không phải lúc nào cũng dễ dàng. Giác Ngộ Tâm Linh hy vọng mỗi bạn đọc được bài viết này sẽ thêm cố gắng phấn đấu tu học, truyền bá Phật Giáo đúng cách, chân chính để Phật Giáo luôn trường tồn nhé.