Thiên Long Bát Bộ Chúng là ai? Tìm hiểu về Bát Bộ Chúng

Trong kinh điển thường được nhắc đến Thiên Long Bát Bộ Chúng, ví như người thường xuyên trì tụng kinh chú, tôn kính Tam Bảo sẽ có Thiên Long Bát Bộ đi theo hộ vệ. Vậy Thiên Long Bát Bộ là gì, gồm những ai, tại sao lại bảo hộ cho người tu học Phật Giáo? Mời các bạn cùng Giác Ngộ Tâm Linh tìm hiểu về vấn đề này nhé.

Thiên Long Bát Bộ Chúng là ai? Tìm hiểu về Bát Bộ Chúng
Thiên Long Bát Bộ Chúng là ai? Tìm hiểu về Bát Bộ Chúng

Thiên Long Bát Bộ (Tám Bộ Trời Rồng) gọi tắt là Bát Bộ Chúng có nghĩa là 8 loài Thần thủ hộ bảo vệ, giữ gìn và  hộ trì Phật Pháp. Thiên Long Bát Bộ gồm 8 loài sau:

1. Trời (Deva)

Trời (Thiên) và Rồng là hai giới thượng thủ. Thiên chúng gồm 6 cõi trời dục giới, bốn cõi trời vô sắc giới và 4 cõi trời sắc giới, xung quanh thân họ có ánh sáng tỏa ra. Trong các kinh điển, Thiên hay được xưng là Thiên chúng, chư Thiên, Thiên nhân,.. chủ yếu cư trú ở nơi Dục Giới Lục (6 tầng trời cõi dục) và cõi trời sắc giới.

Cõi Trời (Deva - Thiên)
Cõi Trời (Deva – Thiên)

Các hàng thuộc Thiên giới như Phạm Thiên, Đế Thích Thiên, Tứ Thiên Vương. Họ có ánh sáng thanh tịnh, có quả báo thù thắng, thường thích xưng thán Phật, rải hương, hoa, châu báu khi Phật thuyết giảng xong. Thiên trong các tranh, tượng Phật Giáo khắc họa cũng thường thấy các thiên nhân bay xung quanh Phật, Bồ Tát. 

2. Rồng (Naga)

Rồng chúng có Bát Đại Long Vương – 8 vị vua rồng. Rồng trong Phật Giáo cũng có ngoại hình tương tự với truyền thuyết Trung Quốc nhưng khác là rồng này có thân mình dài, trên đầu có mào hoặc có sừng, có khả năng hô mưa gọi gió. Trong Kinh Phật thường nhắc tới Ngũ Long Vương, Thất Long Vương, Bát Long Vương,… 

Theo như kinh sách (Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ) ghi lại Long cũng chia làm thiện và ác. Thiện Long là Hành Pháp Long Vương luôn hô mưa gọi gió đúng lúc để giúp mùa màng ngũ cốc được bội thu. Ác Long là Phi Hành Pháp Long Vương gây ra mưa xấu khiến mùa màng thất bát.

Rồng (Nāga)
Rồng (Nāga)

Theo “Đại Trí Độ Luận”, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng là Đại Lực Độc Long – một ác long có sức mạnh to lớn. Sau khi được thọ giới, ác long này đã một mình vào rừng tu hành. Một người thợ săn tham lam muốn chiếm lớp da của rồng, liền lột lấy. Vốn Độc Long có thể giết chết tên thợ săn dễ dàng, nhưng vì trì giới, không còn luyến tiếc tấm thân này, đã để cho hắn ta lột đi. Sau khi mất da, Độc Long bò xuống nước, mặc cho đau đớn vì bị sâu bọ ăn gặm nhấm. Lúc ấy, Độc Long đã phát nguyện sẽ độ hóa hết thảy chúng sinh, sau khi trở thành Phật. Cuối cùng, sau khi chết, Độc Long đã được vãng sinh lên cõi trời Đao Lợi.

3. Dạ Xoa (Yaksa) 

Dạ Xoa chúng là các vị yêu thần, quỷ thần phi hành trong Thiên Long Bát Bộ Chúng. Đa số các loài Dạ Xoa cư ngụ ở trên Trời, hoặc tại núi sâu, nơi hoang vắng, đi như bay trong không trung. Hàng Dạ Xoa do Tỳ Sa Môn Thiên Vương trong bốn vị Thiên Vương lãnh đạo. Dạ Xoa cũng có cả thiện lẫn tà, có Dạ Xoa gây hại cho chúng sinh cũng có Dạ Xoa tham gia bảo hộ Chánh Pháp. Những Dạ Xoa xấu xa thường biến hóa thành các bộ dạng xấu xí, khiến người nhìn run sợ, làm thần trí họ mê man rồi hút tinh khí, ăn thịt, uống máu nạn nhân.

Dạ Xoa (Yakṣa) 
Dạ Xoa (Yakṣa)

Theo Kinh Chú Duy Ma Cật, Dạ Xoa có ba loại:

  1. Không Hành Dạ Xoa (Hư Không Dạ Xoa): Loại Dạ Xoa này có Thần Thông rộng lớn, đi lại nhanh như gió, bay lượn trong không trung, không để lại âm thanh.
  2. Thiên Hành Dạ Xoa: Là những yêu thần ở cõi Trời.
  3. Địa Hành Dạ Xoa: là những yêu thần hoạt động tại mặt đất, chuyển động với tốc độ phi thường, ban ngày thì trú ẩn, ban đêm đi ra ngoài. Loài này rất thích ẩn cư ở huyệt động trong lòng núi.

Dạ Xoa được xưng là Đại Tướng hoặc Thần Tướng là do chúng này có đủ quả vị của Kim Cương Bồ Tát, Dạ Xoa gia hộ cho người hành Đạo, cũng có tâm Đại Từ Bi và tinh thần Đại Vô Úy, đủ đầy các công đức, có uy nghiêm tự tại.

Dựa trên năng lực thì Dạ Xoa có năm loại tên gọi riêng như sau:

  1. Quý Nhân: Dược Xoa hay tự mình được phú quý, giúp cho con người có sự phú quý, khiến cho người được hiển đạt, ở giai cấp trên. Do đó, trong dân gian, nhiều người thờ cúng Dạ Xoa vì tin rằng như vậy sẽ được hiển đạt.
  2. Già Trì: Thần Chú của Dạ Xoa cũng có tác dụng tăng thiện, giảm ác hay tránh xa mọi sự ác, độc, tăng cường những điều thiện lành  cho nên có tên gọi là Già Trì.
  3. Tật Phong: Dạ Xoa có khả năng di chuyển rất nhanh, cho nên được giao phụng sự việc Phật, đáp ứng những mong cầu của chúng sinh.
  4. Dũng Kiện: Dạ Xoa có sức lực cường tráng không bị Ngoại Lực khuất phục mà lại có khả năng chế phục tất cả, cho nên được Phật, Bồ Tát dùng Tâm Đại Bi thường hiện thân Kim Cương Lực Sĩ để cứu độ chúng sinh.
  5. Bí Mật: Do Dạ Xoa cũng là một hiện thân của chư Phật, Bồ Tát. Do hành tung bí mật và Bản Thệ bí mật nên còn được gọi là Bí Mật.

4. Càn Thát Bà (Gandharva)

Càn Thát Bà là quỷ thần âm nhạc ở cõi trời, dịch theo nghĩa tiếng Phạn có nghĩa là sự biến hóa khôn lường. Chúng này gồm các hàng thường được nhắc tới như là Hương Ẩm Thần, Tầm Hương Thần, Hương Thần, Dược Thần…. Cát Thát Bà không ưa rượu thịt mà chỉ thích dùng mùi thơm làm thức ăn. Họ là Nhạc Thần của Trời Đế Thích, phục vụ âm nhạc cho Trời Đế Thích nghe.

Càn Thát Bà (Gandharva)
Càn Thát Bà (Gandharva)

Có thuyết cho rằng Cát Thát Bà có hình dáng nửa người nửa thú, cũng có thuyết nói Cát Thát Bà rất xinh đẹp. Trong “Bổ-đà-lạc Hải hội quỹ” ghi lại rằng: “Càn Thát Bà thân lộ màu da thịt, to lớn như trâu chúa, tay trái cầm sáo trúc, tay phải cầm bảo kiếm, đầy đủ tướng đại oai lực, trên đầu đội mũ tỏa ra ánh lửa”. Có kinh văn lại cho biết thêm: “Càn Thát Bà đầu đội mũ bát giác, thân thể màu đỏ…”

Trong tranh ảnh về Thiên Long Bát Bộ Chúng, Cát Thát Bà thường được khắc họa cùng với 12 con giáp, trên tay họ cầm đinh ba, tay còn lại cầm phất trần, trên đầu là ánh hào quang phát ra từ lửa. Cát Thát Bà cũng là một trong ba mươi ba tướng pháp của Bồ Tát Quan.

5. A Tu La (Asura)

A Tu La được dịch là Phi Thiên hay Vô Thiện Đẳng, đây vốn dĩ là những ác thần nóng tính, hung dữ. A Tu La nam thường có ngoại hình dữ tợn, hung ác, còn nữ thì lại rất xinh đẹp. A Tu La có mỹ nữ mà không thích ăn, ngược lại chư Thiên lại thích ăn uống nhưng không có mỹ nữ. Chính điều này đã gây ra những cuộc chiến A Tu La và chư Thiên. A Tu La có thần thông biến hóa nhưng nóng tính hơn và phước đức không bằng chư Thiên. Hàng Thần này ưa thích đấu tranh, sẵn sàng chiến đấu bất kỳ lúc nào.

A Tu La (Asura)
A Tu La (Asura)

6. Kim Sí Điểu (Garuda)

Kim Sí Điểu dich nghĩa là chim cánh vàng, còn được gọi là Ca Lưu La. Loài chim này có thân hình to lớn, tính hung dữ, cũng có thần thông biến hóa, chuyên ăn thịt loài Rồng. Khi hiện thân người, Kim Sí Điểu hiện ra dáng vẻ thân người, đầu chim có cánh.

Kim Sí Điếu rất thích ăn thịt rồng, kể cả là long vương. Khi sinh ra trên người thường sẽ có ánh hào quang lóa mắt, nên từng có chư thiên nhận nhầm là Thiên Thần Lửa mà lễ bái.

Kim Sí Điểu (Garuḍa)
Kim Sí Điểu (Garuḍa)

Trong Phật Giáo, Kim Sí Điểu làm Bản Tôn để hành Pháp cầu mưa, trị bệnh, giải trừ oan nghiệp. Ngoài ra chúng này cũng nhai nuốt hết thảy phiền não, u minh, ma chướng và dùng Đại Phước Lợi độ hóa, giúp đỡ cho chúng sinh.

7. Khẩn-na-la (Kinnara)

Khẩn Na La (Kiṃnara) là Nghi Thần, Thiên Kỹ Thần, Ca Thần hay Âm Nhạc Thiên. Hàng Thần này tuy giống người nhưng trên đầu có sừng. Đôi khi Nam Thần có thân người đầu ngựa, riêng Nữ Thần thì đoan chính thích ca múa và thường làm vợ của hàng Càn Đạt Bà. Hàng Thần này thường ca múa và tấu Pháp Nhạc cho Trời Đế Thích thưởng thức.

Đây vốn dĩ là thần ca hát của trời Đế Thích, Khẩn Na La chẳng phải người cũng chẳng phải thần, còn có tên gọi khác là Khẩn Nại Lạc, Chân Đà La, dịch nghĩa là Nhạc Thần, Thần Ca Nhạc, Âm Nhạc Thiên. Ngoại hình Khẩn Na La cũng tương tự con người nhưng trên đầu lại có sừng, nó xuất phát từ thần thoại Ấn Độ.

Khẩn-na-la (kinnara)
Khẩn-na-la (kinnara)

Trong kinh Phật, Khẩn Na La có âm thanh mỹ diệu, họ múa hát rất hay, thường xuất hiện trong Pháp hội thuyết giảng Phật Pháp của Phật để cúng dường tiếng hát. Trong kinh Phật nói, Khẩn Na La nam thì mình người, đầu ngựa giỏi ca hát, nữ thì múa đẹp, đoan trang. Chúng này thường là kết hôn với Càn Thát Bà, cùng với Cát Thát Bà hầu âm nhạc cho trời Đế Thích.

8. Ma Hầu La Già (Mahoraga)

Theo tiếng Phạn, Mahoraga được dịch là Đại Mãng Xà, Đại Phúc Hành Thần, Địa Long, tức là Thần Rắn. Đây cũng là vị Thần Âm Nhạc có mình người đầu rắn, Ma Hầu La Già có thân thể như loài người, đầu rắn nên gọi là hàng Phu Nhân. Kinh Phật khi nói về hàng này có nói là “Ma Hầu La Già là thần rắn, mình người đầu rắn”. Kinh Lăng Nghiêm lại nói thêm rằng: “Ma Hầu La Già, còn gọi là Đại Long hay Thần rắn; thuộc loài bò sát; vì ngu si độc ác nên tự chiêu mời rắc rối, đần độn vô tri, muốn thoát luân hồi nên đã tu luyện từ bi trí huệ, vãn hồi hậu quả gây ra, thoát được luân hồi”.

Có nghĩa rằng, Ma Hầu La Già là Địa Long dưới đất đối ứng với hàng Thiên Long trên trời trong Thiên Long Bát Bộ Chúng. Vì là loài bò sát  “đần độn vô tri” nhờ chịu tu tập theo chánh đạo mới “thoát khỏi luân hồi, tu luyện từ bi trí huệ”, cuối cùng cứu được tiền căn, thoát khỏi kiếp làm xác thân bò sát, thay da đổi thịt.

Ma Hầu La Già (Mahoraga)
Ma Hầu La Già (Mahoraga)

Thiên Long Bát Bộ này thật ra đều có mối quan hệ với quyến thuộc của Đức Phật, do họ thọ nhận Uy Đức Sở Hóa của Đức Phật mà hộ trì Phật Giáo. Do đó, trong Kinh Điển Phật Giáo Đại Thừa thường nhắc đến nhóm ấy, mỗi lần Phật Đà giảng Pháp thì các chúng này cũng thường ưa thích đến nghe.

Ví như trong Kinh Pháp Hoa, quyển 2, phẩm Thí Dụ có đoạn nói: “Đại Chúng của các hàng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già thấy Xá Lợi Phất ở trước mặt Đức Phật thọ nhận A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề Ký thì Tâm rất vui vẻ, hớn hở vô lượng”.

Giác Ngộ Tâm Linh vừa giới thiệu đến các bạn những điều thú vị về Thiên Long Bát Bộ Chúng. Đây vốn là tám loài hữu tình trong Phật Giáo, đã phát nguyện hộ trì cho Phật Pháp và cả những người tu tập theo Chánh Đẳng Chánh Giác. Do đó, hiểu được về Thiên Long Bát Bộ, mỗi một đệ tử lại càng tin thêm về Phật Pháp nhiệm màu, bởi đâu đó xung quanh luôn có các vị thần hộ vệ cho quý vị.