Pháp khí là gì? Tìm hiểu về các pháp khí trong Phật Giáo

Trong đạo Phật, các sư thầy hay các đệ tử Phật Giáo thường có những pháp khí riêng trong quá trình tu tập. Tuy nhiên mỗi người, mỗi pháp môn có khi lại có những món đồ với những ý nghĩa và công năng khác nhau. Mời các bạn cùng Giác Ngộ Tâm Linh tìm hiểu chi tiết về các pháp khí trong Phật Giáo ngay sau đây nhé.

Pháp khí là gì? Tìm hiểu về các pháp khí trong Phật Giáo
Pháp khí là gì? Tìm hiểu về các pháp khí trong Phật Giáo

1. Pháp khí là gì?

Pháp khí hiểu đơn giản chính là những dụng cụ thường được người tu hành thực hành trong lúc tu tập, hay lúc làm pháp sự, để dâng cúng lên chư Phật hoặc các đạo tràng nghiêm trang hay làm dụng cụ trợ ích trong tu tập. Các pháp khí trong Phật Giáo sẽ có công năng khác nhau nhưng đều thể hiện sự từ bi, trí tuệ trong Đạo Phật.

2. Các pháp khí trong Phật Giáo

Tuy có nhiều loại pháp khí, nhưng thường có 9 loại pháp khí linh thiêng hay được sử dụng nhất như sau:

2.1. Tràng hạt

Tràng hạt là chắc đã quá quen thuộc, bởi ngày nay nhiều người không phải Phật tử cũng thường đeo chúng như những món đồ trang trí. Ngày nay tràng hạt được làm từ nhiều nguồn vật liệu khác nhau, như đá, ngọc trai nhưng nhiều nhất vẫn là các loại gỗ như đàn hương, hạt bồ đề, gỗ bồ đề, dâu tằm. Về nguồn gốc xuất xứ trong Kinh Mộc quán tử có chép lại như sau:

Ngày xưa có một vị Quốc Vương tên là Ba-lưu lê đến bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, nước của tôi tuy nhỏ hẹp nhưng thường không được yên ổn. Tôi phiền não lắm, tôi muốn theo lời Phật dạy để tự sửa mình và để trị an xứ sở, nhưng nghiệt vì giáo pháp của Phật rộng rãi vô biên, tôi không biết làm sao tu tập cho hết được, vậy nên tôi đến đây, cúi mong Đức Phật đem lòng từ bi chỉ giáo cho tôi một pháp yếu để tu hành.

Phật dạy: Nếu nhà vua muốn diệt trừ phiền não, không gì hơn nhà vua hãy trở về lấy gỗ tiện thành 108 hạt, xâu lại thành chuỗi, dùng làm vật tùy thân. Thế rồi nhà vua nên thường trí tâm niệm “Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng”, niệm mỗi câu lần một hột, niệm 108 câu nhà vua lần qua 108 hạt chuỗi. Nhà vua hãy gắng niệm cho thường trong một thời gian, phiền não của nhà vua sẽ tự khắc được tiêu trừ, tai biến trong quốc độ của nhà vua cũng sẽ nhờ công tu niệm đó mà được tinh giảm. Vua Ba – Lưu – lê theo lời Phật dạy, trở về lấy gỗ tiện thành tràng hạt, không những tự mình tinh tấn tu niệm nhà vua còn khuyến khích dân chúng cũng gắng công tu niệm, nên chẳng bao lâu tai ương trong nước giảm bớt dần, dân chúng cũng trở nên hiền lành. Sống một đời sống thái bình an lạc.

Về sau, phương pháp tu niệm lần tràng hạt mà nay được gọi là “phương pháp sổ châu” và lan truyền khắp nơi, rất nhiều đệ tử dùng pháp khí này trong khi tu niệm.

Tràng hạt
Tràng hạt

Ý nghĩa của tràng hạt sẽ tùy vào số hạt của tràng. Tràng hạt gồm có 3 loại: có 108 hạt, có 54 hạt, và có 18 hạt. Loại 108 hạt là loại phổ biến nhất, 108 hạt này tượng trưng cho 108 phiền não. Chúng sinh vốn dĩ có nhiều phiền não nhưng được tóm tắt thành 108 phiền não căn bản này. Người kỳ công tu niệm theo phương pháp này sẽ diệt hẳn được 108 phiền não.

108 loại phiền não này được lược kể sau: đó là 88 kiến hoặc của tam giới (lục sắc và vô sắc giới), thêm 10 tư hoặc ở dục giới và sau cùng là 10 món triền phược phiền não như: vô tàm, vô quý, tật, xan, hối, thùy miên, trạo cử, hôn trầm, sân hận, phú. 

Tiếp theo là loại 18 hạt cũng khá phổ biến. Không có nhiều tài liệu giải thích về con số 18 này, nhưng người ta cho rằng 18 hạt tượng trưng cho 18 vị La hán hoặc 18 vị vương tử trong kinh Pháp Hoa. Loại 54 hạt thì ít phổ biến hơn, vì không có nhiều ý nghĩa, người ta chỉ dùng vì số 54 này nhỏ hơn, tiện đeo, và bằng một nửa 108 phục vụ cho việc đếm số thôi.

2.2. Chuông

Chuông là một trong các pháp khí trong Phật Giáo, nó đã trở nên quá quen thuộc vì thường được thấy ở nhiều đền chùa. Không ai nhớ rõ chuông có từ bao giờ, trong Kinh Tăng Nhất A Hàm có đoạn như sau: “Mỗi khi tiếng chuông chùa ngân vang thì những hình phạt trong ác đạo được tạm thời dừng nghỉ, chúng sanh chịu hình phạt được tạm thời an vui”.

Ngoài ra truyện cổ về Phật giáo cũng có chép lại rằng: “Ngày xưa Đức Phật Câu – lưu – tôn ở tại viện Tu – đa – la xứ Càn Trúc, đã tạo một quả chuông bằng đá xanh đánh vào những lúc mặt trời mọc. Khi chuông ngân thì trong ánh sáng mặt trời có các vị hóa Phật hiện ra, diễn thuyết 12 bộ kinh, làm cho người nghe chứng được chánh quả không thể kể xiết”.

Hay như trong kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng dạy ngài La Hầu La đánh chuông để giảng lý viên thường cho A – nan tôn giả nghe. Dần dân, chuông là dụng cụ không thể thiếu trong các Phật sự cũng như trong quá trình tu hành hàng ngày của đa số Phật tử.

Chuông
Chuông

Ý nghĩa của chuông: Có 3 loại chuông thường dùng trong các tự viện là:

  • Đại hồng chung: Đây là loại chuông lớn, thường được đặt ở chùa, bên trên thường được khắc nhiều hoa văn, chữ Hán, Việt. Người ta gọi đây là chuông u minh, vì thường đánh vào thời khắc đầu đêm và cuối đêm. Tiếng chuông vào đầu đêm là nhắc nhở cơn vô thường nhanh chóng đến cho tất cả mọi người. Tiếng chuông cu lúc cuối đêm là thông báo thức tỉnh mọi người đã đến lúc tinh tấn tu hành. 
  • Báo chúng chung: Loại chuông này nhỏ hơn Đại Hồng Chung, thường chỉ có kích thước bằng 1/2 mà thôi. Chuông này dùng để báo tin trong lúc họp cho các chư tăng, hay báo giờ thọ trai, chấp tác, giờ sám hối, cúng bái,… cho nên cũng gọi là Tăng đường chung.
  • Gia trì chung: là loại chuông dùng trong các buổi tụng kinh, lễ Phật để ra hiệu sắp hết đoạn kinh hay chuẩn bị tung đoạn nào đó. Điều này giúp các chư tăng điều hành buổi lễ được nhịp nhàng đều đặn.

Tại Việt Nam, chuông thường được đánh vào 2 buổi sáng và tối trong ngày vào khoảng 5h sáng hoặc trước thời công phu buổi sáng, tùy vào quy định của từng chùa. Theo như kinh điển, tiếng chuông vang lên sẽ thấu đến cõi địa ngục. Người ta thường sẽ đánh 108 tiếng lần, mang ý nghĩa đoạn trừ 108 phiền não căn bản của chúng sanh. Còn đánh 18 tiếng chuông sẽ tượng trưng cho sự thanh lọc 6 căn, 6 trần và 6 thức.

2.3. Mõ

Nhắc tới các pháp khí trong Phật Giáo không thể không nói đến . Chúng được làm từ gỗ, thường được khắc hình con cá ở ngoài, rỗng bên trong, khi gõ sẽ phát ra tiếng, thường Phật tử dùng khi tán tụng kinh chú. Giải thích về loại mõ này, trong sách Sắc Tứ Thanh Quy Pháp Khí giải thích là do loại cá không bao giờ ngủ, mà luôn thức, nên chạm khắc hình hình cá với niềm tin một tiếng mõ sẽ đánh thức được linh hồn, làm mọi người thức tỉnh. Ngoài ra, người ta cũng dùng tiếng mõ như một dụng cụ để tụ họp đại chúng nên được gọi là kiền chùy.

Sách Chích ngôn đời Đường có chép: “Có một người bạch y hỏi một vị trưởng lão người Thiên Trúc rằng: Vì sao ở các Tăng xá đều có treo mõ? Vị trưởng lão trả lời: Vì để cảnh tỉnh chúng Tăng ở tại Tăng xá. Người bạch y hỏi tiếp: Nhưng tại sao lại tạc hình cá? Vị trưởng lão không trả lời được. Người bạch y liền đến hỏi ngài Ngộ Biện, ngài giải thích: “Cá là một loài không bao giờ nhắm mắt, cũng vì muốn người tu hành ngày đêm quên ngủ, gắng công tu tập, mau chứng quả nên treo và đánh mõ hình cá là có ý như vậy”.

Mõ
Mõ

Mõ cũng có hai loại mõ:

  • Mõ hình bầu dục: được khắc chạm hình con cá, có vảy cuộn tròn. Mỏ bầu dục được dùng khi tụng kinh, được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia Châu Á như: Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên. Mục đích là giúp cho quá trình tụng niệm được đều đặn, nhịp nhàng, không bị lộn xộn, lại giữ phần trang nghiêm của một buổi tụng niệm. Đặc biệt, khi dùng mõ, tiếng mõ vang lên giúp tâm trí mình được thanh tịnh, tránh vọng tưởng, hôn trầm.
  • Mõ hình điếu: được chạm nguyên hình con cá nằm dài. Loại mõ này thường được treo ở trai đường, nhà ăn, để báo hiệu cho mọi người đã đến giờ thọ trai, chấp tác. Loại mõ này phổ biến ở Trung Quốc nhưng ở Việt Nam thì ít dùng.

2.4. Trống

Trống không chỉ là nhạc cụ, mà còn là một trong các pháp khí của Phật Giáo, thường được làm từ nhiều chất liệu như đá, đồng, cây,… Thời xưa, ở Ấn Độ người ta dùng Trống để tập hợp chư tăng đến nghe pháp. 

Trong Kinh Kim Quang Minh nói về trống như sau: “Một hôm ngài Tín Tướng Bồ tát nằm mộng thấy một cái trống lớn bằng vàng. Trống có hào quang sáng như mặt trời. Trong hào quang có rất nhiều các Đức Phật ngồi trên tòa sen lưu ly đặt dưới các gốc cây báu. Chung quanh các Đức Phật đều có trăm ngàn các vị đệ tử ngồi nghe pháp. Bấy giờ có một người giống như giáo sĩ Bà la môn, cầm dùi trống đánh mạnh vào chiếc trống vàng nói trên, tiếng trống vang rền nghe như lời kinh sám hối. Khi đã tỉnh mộng, ngài Tín Tướng Bồ tát liền đem những điều mình được thấy được nghe trong giấc mộng trình lên đức Thế Tôn…”

Ngoài ra, trong Kinh Lăng nghiêm có ghi rằng: “A nan! Ngươi hãy nghe tiếng trống mỗi khi dọn cơm xong, và tiếng chuông mỗi khi nhóm chúng trong tịnh xá Kỳ Đà này. Tiếng chuông hoặc tiếng trống trước sau nối tiếp nhau. Vậy theo ý ngươi nghe được các thứ tiếng ấy là vì nó tự bay đến bên tai ngươi, hay tai của ngươi đến nơi những chỗ phát tiếng?”.

Trống
Trống

Trống có hai loại:

  • Trống Đại là loại trống lớn, thường được đánh trước khi đánh chuông u minh vào đầu đêm và cuối đêm. Ngoài ra, trống này cũng được dùng trong những khi thuyết pháp, các lễ lớn của nhà Phật. Trước khi thuyết pháp, người ta sẽ đánh 3 hồi để triệu tập đại chúng, còn các lễ lớn như thỉnh Tam bảo, khai kinh,… thì đánh theo thể thức bài Bát nhã hội, được gọi là “chuông trống bát nhã”.
  • Trống Tiểu là loại trống nhỏ còn gọi là trống kinh, dùng đánh trong những khi tụng kinh, lạy sám hối,… Đánh trống này không có quy luật nhất định, chỉ đánh theo nhịp, sự trầm bổng của các bài kinh mà thôi, giúp tăng sự trang nghiêm. Ngoài ra loại trống này cũng được dùng trong các buổi tang lễ, tế cô hồn,…

2.5. Bảng khánh

Bảng Khánh trong tiếng Phạn là Kiền Chùy, là một loại pháp khí có hình bát giác, thường làm bằng gỗ, một số loại khác có hình bát nguyện được đúc bằng đồng, đá cẩm thạch. Ngày nay, trong các chùa, khánh thường được đúc bằng đồng, kích thước bằng một cái đĩa lớn, treo trong một cái giá gỗ.

Bảng khánh
Bảng khánh

Sách tượng khí tiêu quyển thứ 18 có chép về khánh như sau: “Ngài Vân Chương nói: hình của bảng giống như đám mây, nên người ta cũng thường gọi tên của bảng là Vân bảng.” Ngài Tục sự lão cũng có thuật: “Vua Tống thái Tổ cho rằng, tiếng trống hay giật mình người ngủ, nên thay vì dùng trống vua Tống Thái Tổ chế dùng thiết khánh (khánh bảng thiết).”

Nói về ý nghĩa, khánh được dùng thay thế cho trống, và dùng trong phạm vi nhỏ như dùng để tập hợp chư tăng trong chùa khi đến giờ thọ trai, giờ học tập, lúc nhóm họp nghị bàn Phật sự,… Khánh có tác dụng rất lớn đối với những người tu thiền. Những vị Tăng Ni khi nhập định, người ta cũng dùng khánh khi muốn báo cho vị ấy xuất định.

2.6. Bát

Chữ Bát trong Phạn Ngữ là Bát – da – la, dịch là Ứng lượng khí, là một trong các pháp khí trong Phật Giáo đã có từ thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đây là một dụng cụ để đựng thức ăn, kích thước chỉ đựng vừa đồ ăn cần cho 1 người ăn. Khi các sư đi khất thực, được cho thực phẩm, họ sẽ dùng bát để nhận lấy đồ ăn được địa chúng cúng dường. Bình bát này không giống những chiếc bát bình thường, phải đọc niệm thần chú trước khi dùng, sau khi dùng và cả chú để thanh tẩy bình. Sau này, khi các vị sư dùng đã đắc giới, thì có thể truyền lại bát đó cho các đệ tử. Bát thường được làm trổ bằng đá, bằng đất sét đã được nung hoặc phết bằng sành mà thôi. Các hàng Bà La Môn sẽ dùng bát bằng gỗ. Với các bậc xuất gia, sống theo hạnh tiết kiệm, giản dị, cho nên không được làm bát bằng vàng, bạc, ngọc ngà.

Bát
Bát

Sự tích về Bát, trong Kinh Phật bổn hạnh có ghi lại như sau: “Ngày xưa, khi Đức Phật còn tại thế, có hai thương gia một người tên là Đế – ly Phú – bà và một người tên là Bạt – ly – ca đều ở tại Bắc Ấn-Độ. Một hôm, hai thương gia này phát tâm đem sửa cúng dường Phật, nhưng Đức Phật không có gì để đựng sữa. Bấy giờ có 4 vị Thiên vương đem 4 cái bát bằng vàng cúng Phật để đựng sữa, Đức Phật không nhận, bốn vị Thiên vương lại đem 4 cái bát khác đủ các loại quý giá như ngọc, ngà,… Đức Phật cũng không nhận, sau cùng có 4 vị Thiên vương đem cúng dường Phật 4 cái bát bằng đá, Đức Phật hoan hỷ nhận, không từ chối.

Ngày xưa, ở các nước Phật Giáo Tiểu Thừa, chư Tăng đi khất thực sẽ mang theo bình bát, còn ở các nước tu theo Đại Thừa ít đi khất thực nên hình ảnh này ở Việt Nam không có nhiều. Ngày nay ở một số nước như Thái Lan, Campuchia,… chư Tăng thường đi khất thực, nên thường dùng Bát. Trước khi dùng bình bát, thường vị sư sẽ niệm câu sau: “Chấp trì ứng khí, đương nguyện chúng sanh, thành tựu pháp khí, thọ thiên nhơn cúng” và tiếp đọc câu chú Án chỉ rị chỉ, rị phạ nhật ra hồng, phấn tra”.

2.7. Tích trượng

Nói về xuất xứ của Tích trượng, trong Kinh trích trượng chép: “Phật dạy: Này các Tỳ kheo, các người nên thọ trì Tích trượng, vì Tích trượng là một pháp khí mà 3 đời Đức Phật đều có thọ trì”.

Tích trượng là cái gậy của các vị Tỳ kheo thường chống khi đi đường, đi khất thực,… Tích trượng còn có nhiều tên gọi khác như khí trượng, đức trượng, nghĩa là cây nhờ gậy trí tuệ và phước đức này mà những người tu hành vững tiến trên con đường tu tập, con đường đi tìm giác ngộ. Trong nhiều hình tượng Phật, Bồ Tát có nhiều vị trên tay cũng cầm tích trượng. Ví dụ như một vị đại Bồ tát cực kỳ thân thuộc là Địa Tạng Vương Bồ Tát trên tay cũng cầm tích trượng, với ý nghĩa dùng trượng để đập tan địa ngục.

Tích trượng
Tích trượng

Đường kính của tích trượng vừa đủ để tay người cầm. Tích trượng do Phật Thích Ca Mâu Ni thiết kế trên đầu của Tích trượng có 4 cái vòng tượng trưng cho 4 đế và kèm theo 12 cái khâu nhỏ mang biểu tượng của 12 nhân duyên. Một kiểu Tích trượng khác do Đức Phật Ca Diếp tạo nên, trên đầu chỉ có 2 cái vòng tượng trưng cho tục nhị đế và 6 cái khâu biểu tượng cho lục độ. Điểm chung của cả 2 tích trượng là cao không quá đầu người. 

2.8. Thủ lư

Thủ lư thực chất là một cái lư hương có cán để cầm, vào nhà Ðường được gọi là Thủ lô. Người ta thường đúc thủ lư bằng đồng thau, mạ vàng hoặc làm bằng gỗ,… Sách Pháp Uyển: Thiên Nhân Hoàng Quỳnh nói về lư hương của Ðức Phật Ca Diếp đại để như sau: Phía trước có 16 con sư tử và voi trắng, trên đầu hai loại thú đó nổi lên hai đài sen làm lư. Phía sau có sư tử ngồi, trên đỉnh có 9 con rồng quấn nâng hoa vàng, hoa đó để làm lư. Trong có Kim Ðài Bảo Tử để đựng hương lúc Phật thuyết pháp thường cầm lư này. Ngày nay các Thủ Lư cũng được chế tác giống một phần phép đó.

Thủ lư
Thủ lư

Thủ lư được sử dụng nhiều trong các buổi lễ Phật Giáo ngay từ thời Đức Phật còn tại thế và chính Ngài là người dùng khí cụ đốt hương này. Các nghi lễ cúng dường như khi Phật thuyết pháp, thế độ xuất gia, cúng dường kinh điển, sám hối pháp, pháp hội, truyền giới,… Phật đã dạy bốn vị Thiên Vương rằng hương thơm bao trùm khắp cung điện Quang Minh, nhưng lại không phải xuất phát từ cung điện của Tứ Thiên Vương. Nguyên nhân là do lúc các vị thiên nhân, trên tay cầm thủ lư cúng dường Kinh, nên hương thơm lan tỏa khắp nơi.

Phật Giáo Bắc Truyền có tục dùng thủ lư trong các nghi thức Phật Giáo có từ rất sớm, bằng chứng là trên các tranh họa đời Đường ở Đôn Hoàng vẽ các vị Bồ tát chư Thiên, các vị Tăng, Phật tử cúng dường đều cầm thủ lư. Ở Việt Nam nhiều pháp hội, đàn tràng đám sám cũng có hành các nghi lễ sử dụng thủ lư.

2.9. Đãy lọc nước

Ngày khi đức Phật chứng thành đạo quả, ngài dùng huệ nhãn, xem thấy trong nước có vô số chúng sanh mà về sau khoa học nghiên cứu gọi là vi khuẩn. Ngài thấy điều đó và truyền dạy cho hàng đệ tử, nên có một cái túi bằng vải để lọc trước khi uống nước.

Nói về ý nghĩa của đãy lọc nước, trước hết chúng ta nên nhớ rằng Đạo Phật là đạo từ bi, Đức Phật tôn trọng mạng sống của tất cả chúng sinh. Khi uống nước mà không có đãy lọc nước thì rất dễ ăn thịt chúng sanh. Các chúng sanh này dù bé nhỏ, mắt thường không thấy được nhưng cũng cần phải tôn trọng chúng như loài người, chứ không nên sát hại. Do đó, thời xưa, các hàng xuất gia đã được thọ giới thì cần phải có đãy lọc nước.

Đãy lọc nước
Đãy lọc nước

Khi nhận thọ thì thầm nguyện:

Thiên tài lự thủy nan.

Hộ sanh hành tự cụ.

Xuất nhập thường đới dụng.

Phương hợp Bồ tát đạo.

Án, phạ tất ba ra ma ni tóa ha. (3 lần)

Giác Ngộ Tâm Linh vừa trình bày về các pháp khí trong Phật Giáo để các bạn đệ tử hiểu hơn về công năng và ý nghĩa của chúng. Những pháp khí này thực sự linh thiêng và có ý nghĩa tâm linh quan trọng trong Phật Giáo. Các bạn cảm thấy cảm thiết cũng có thể thỉnh các pháp khí thích hợp để tiện cho việc tu tập tại gia.