Ngũ giới là gì? Tìm hiểu chi tiết về năm giới trong Phật giáo

Ngũ giới luôn là điều được các sư thầy căn dặn kỹ càng sau khi đệ tử quy y. Đây được xem là 5 lời dạy dành cho Phật tử tại gia, là nền tảng cơ bản của đạo Phật. Hôm nay mời các bạn cùng Giác Ngộ Tâm Linh tìm hiểu chi tiết hơn về ngũ giới là gì nhé.

Ngũ giới là gì? Tìm hiểu chi tiết về năm giới trong Phật giáo
Ngũ giới là gì? Tìm hiểu chi tiết về năm giới trong Phật giáo

Ngũ giới là 5 giới mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khuyến khích các đệ tử tu tại gia của mình thực hiện. Ngài hy vọng 5 giới này sẽ giúp cho các Phật tử tại gia đi đúng đường để được thọ hưởng những quả báo tốt đẹp. Phật tử đã quy y Tam Bảo là đã bước một nấc thang đầu tiên, gieo hạt giống với Phật Giáo. Nhưng nếu không giữ ngũ giới thì xem như chỉ dừng ở đó, không gieo được thêm việc tốt nào. Giữ vững ngũ giới chính là đang bước đi trên con đường giải thoát, ngoài ra cũng đem lại trật tự, an bình cho xã hội. Năm giới này chính là:

1. Không sát sinh

Phật Giáo xem tất cả chúng sinh đều bình đẳng, công bằng. Không chỉ con người mà đến cả loài vật cũng mong muốn có được sự sống. Không sát sinh có nghĩa là không giết hại, làm tổn thương, đau đớn cho con người hay kể các loài vật từ gia súc, đến các loài vật nhỏ như côn trùng. Để không sát sinh, quý vị nên lưu ý những việc sau:

  • Không giết hại hoặc gây thương tích cho con người, con vật. Nếu gia đình nào ăn chay thì tốt, còn ăn mặn thì không nên giết thịt những con còn sống. Đi chợ có thể mua con cá đã chết, đồ ăn có thể không tươi bằng, nhưng giúp quý vị tiết kiệm phước đức, tránh tạo nghiệp.
  • Không sử dụng vũ khí hay công cụ như cần câu, lưới, xâu, bẫy, cung tên,… để làm tổn thương đến con người và sinh vật.
  • Không làm các ngành nghề liên quan đến việc sát sinh, gây hại cho sức khỏe của con người, động vật.
  • Không khuyến khích hay ủng hộ người khác sát sinh hay có những hành động sát sinh. 

Xem thêm: Xá lợi là gì?

Không sát sinh
Không sát sinh

Việc giữ gìn giới không sát sinh sẽ giúp Phật tử phát triển được các hạnh lành. Người giữ được giới này sẽ học được hạnh từ bi, biết thương xót chúng sinh. Người đó sẽ thấu hiểu và nhận thấy xã hội cần sự công bằng, bình đẳng, biết tôn trọng đến cả từng loài vật nhỏ nhất nói chi là con người. Những người này nét mặt sẽ ngày càng hiền hòa, tâm tính nhẹ nhàng, an yên Nếu tất cả mọi người đều giữ được hạnh này thì thế giới sẽ không còn chiến tranh nữa.

2. Không trộm cướp

Không trộm cướp hiểu đơn giản chính là không lấy, chiếm đoạt tài sản của người khác từ các của cải lớn như nhà đất, đến các của cải nhỏ như mũi kim, sợi chỉ. Việc lấy trộm của cải của người khác chính là gây đau đớn cho họ, khiến người đó khổ sở, nổi tâm sân hận. Phật tử cần tránh những hành vi như:

  • Ăn cắp, lấy trộm, chiếm đoạt tài sản của người khác, tài sản của một người hay tập thể, nhà nước. 
  • Sử dụng các mưu kế lừa đảo, gian dối để đoạt của cải, sức lao động của người khác.
  • Tham nhũng hay lạm dụng quyền lực để chiếm đoạt, hưởng lợi bất chính.
  • Giật hụi, quỵt nợ, cân non đong thiếu hay buôn bán trốn thuế.
Không trộm cướp
Không trộm cướp

Lợi ích của việc không trộm cướp là xây dựng một xã hội bình an, công bằng giữa người với người. Có như thế thì xã hội mới tồn tại lâu dài được. Không trộm cắp cũng thể hiện lòng từ bi, bởi chúng ta cũng sẽ thấy thương người khác, thấu hiểu được nỗi khổ, sự vất vả của người khác để làm ra đồng tiền. Phật tử giữ được giới trộm cắp sẽ nuôi dưỡng cho mình nhiều đức tính tốt đẹp như trung thực, công bằng, tự trọng.

3. Không tà dâm

Không tà dâm nghĩa là bạn không vi phạm những quy phạm đạo đức về tình yêu, tình dục, hôn nhân, đề cao sự chung thủy, chân thật. Giới luật này để các Phật tử hiểu rõ sự ràng buộc về tình cảm và thân xác. Người Phật tử giữ giới không tà dâm cần tránh khỏi những hành vi sau:

  • Cố ý, cố tình qua lại, yêu đương với người đã có gia đình hoặc đã có bạn đời.
  • Quan hệ tình dục với người không tự nguyện, chưa đủ tuổi, người có quan hệ họ hàng.
  • Thủ dâm, xem hay truyền bá nội dung khiêu dâm, gợi cảm.
  • Buôn bán phụ nữ, tổ chức nhà chứa để che giấu những hành động ngoại tình, mua bán dâm.
  • Thân mật vợ chồng ở nơi không chính đáng, nơi không phải phòng ngủ của vợ chồng.
  • Khuyến khích, xúi bảo người khác làm chuyện tà dâm.
Không tà dâm
Không tà dâm

Người không hiểu ngũ giới là gì, sẽ nói Phật tử phải kiêng quan hệ với vợ chồng. Vợ chồng là chánh dâm, cho nên đệ tử tại gia, vợ chồng vẫn có thể thân mật bình thường nhưng cần tiết chế tần suất và các hành động thái quá đi kèm. Còn đối với người xuất gia thì phải diệt hẳn chuyện tình ái.

Không tà dâm là để bảo vệ sự công bằng, bình đẳng cho gia đình, nam hay nữ cũng chỉ có duy nhất một vợ một chồng, tránh những quả báo xấu xa. Không tà dâm giúp gia đình hạnh phúc, mà gia đình bền vững thì xã hội mới bền vững được. Qua đó chúng ta học được những đức tính tốt đẹp như chung thủy, trung thực, tâm lẫn thân được khỏe mạnh.

4. Không nói dối

Không nói dối là không nói ra những lời không đúng sự thật, lừa gạt người khác. Trong Phật Giáo, khẩu nghiệp – nghiệp từ miệng mà ra là một trong các nghiệp nặng nề. Phật từng nói trong kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân đã giải thích rõ việc họa từ miệng mà sinh ra, nhưng con người cần giữ miệng bởi một lời nói ác sẽ gây nghiệp trong vô số kiếp. Để thực hành giới này, người Phật tử cần chú ý những hành động cụ thể sau:

  • Không nói dối, bịa đặt, lừa gạt người khác.
  • Không nói xấu, vu khống, nói lời ác ý để hạ bệ, hãm hại người khác.
  • Không nói hai lời gây hiểu lầm, mâu thuẫn, chiến tranh cho người khác.
  • Không nói thêm bớt, xuyên tác, ăn không nói có, nói lời xu nịnh.
  • Không nói lời ác, thô tục, cọc cằn như nguyền rủa, mắng chửi làm người khác sợ hãi, lo lắng.
Không nói dối
Không nói dối

Phật Giáo tôn trọng sự thật, kể cả Đức Phật cũng không bao giờ nói dối. Những lời nói ác ý sẽ chỉ gây muộn phiền, đau khổ tổn thương cho người khác và cả sự hối hận cho bản thân người nói. Một xã hội không nói dối thì sẽ ngày càng đoàn kết, ổn định, việc nhỏ đến lớn đều dễ dàng thành công.

Xem thêm: Quy y Tam Bảo là gì?

5. Không uống rượu

Không uống rượu ở đây nghĩa là không uống các loại đồ uống có cồn hay các chất kích thích, gây nghiện. Giới luật này đặt ra liên quan tới tâm trí, giúp Phật tử giữ tâm trí minh mẫn và tỉnh táo. Ngay từ thời của Đức Phật, Ca Diếp đã vì uống rượu say mà phạm gian với vợ người khác, bắt trộm gà để làm thịt trong vô thức. Đến khi tỉnh dậy thì chối không làm gì cả. Như vậy chỉ vì rượu bia mà gây ra các nghiệp tà dâm, trộm cắp, nói dối và sát sinh. Vi phạm một giới mà dẫn đến vi phạm cả ngũ giới. Cho nên có thể thấy các chất này hại mình như thế nào. Để giữ giới không uống rượu, Phật tử chú ý những hành động sau:

  • Không uống rượu, bia, các chất kích thích như thuốc lá, á phiện, cần sa, ma túy,…
  • Làm các công việc có liên quan đến việc sản xuất, buôn bán, phân phối các sản phẩm gây nghiện, có cồn.
  • Khuyến khích hay rủ rê người khác uống rượu, sử dụng chất kích thích.

Các chất này không chỉ hại đến sức khỏe của bản thân mình, mà còn ảnh hưởng đến người xung quanh. Ví như uống rượu không được tác dụng gì, còn tốn tiền, hại sức khỏe, khiến gia đình mâu thuẫn, mất hòa khí ảnh hưởng đến trí tuệ và tuổi thọ của bản thân. Đời sống ngày nay chúng ta rất dễ bắt gặp những trường hợp mất mạng, gia đình ly tán, phá gia bại sản chỉ vì các chất như rượu, bia, thuốc phiện, cần sa, ma túy,…

Không uống rượu
Không uống rượu

Có thể nói nếu quy y Tam Bảo là nền tảng thì giữ gìn ngũ giới là bậc thang để Phật tử tại gia đi đến con đường giác ngộ, tu tập có thành tựu. Việc giữ gìn ngũ giới không hề dễ, nhưng cũng không quá khó. Cho nên, để xứng đáng là một Phật tử, chúng ta nên cố gắng giữ trọn ngũ giới, giúp kiếp sống này được thanh tịnh, khỏe mạnh. Riêng đối với người nào không theo Phật Giáo cũng nên cố gắng giữ được càng nhiều giới càng tốt, điều này chỉ có lợi chứ không có hại.

Trên đây, Giác Ngộ Tâm Linh đã chia sẻ với các bạn ngũ giới là gì, cũng như tầm quan trọng của ngũ giới. Không phải tự nhiên mà sau khi quy y các tăng sự thường căn dặn kỹ càng việc giữ giới. Chúc các bạn Phật tử tại gia tinh tấn, giữ trọn ngũ giới để sớm có được thành tựu trong tu tập.