Thời Mạt Pháp là gì? Đức Phật nói gì về thời kỳ Mạt Pháp?

Thời Mạt Pháp là một cụm từ mà nhiều người thường nhắc đến trong những năm trở lại đây. Vậy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói gì về giai đoạn này? Hãy cùng Giác Ngộ Tâm Linh tìm hiểu vấn đề này nhé.

Thời Mạt Pháp là gì? Những điều Đức Phật nói về Thời Mạt Pháp
Thời Mạt Pháp là gì? Những điều Đức Phật nói về Thời Mạt Pháp

1. Thời Mạt Pháp là gì?

Theo Phật Giáo Đại Thừa của Đông Nam Á thì Mạt Pháp chính là giai đoạn những giáo lý của Đức Phật dạy (được gọi là Pháp) bị mai một, suy giảm dần gọi là Mạt. Không chỉ các Phật tử tại gia mà chính các tăng ni cũng không hiểu được các giáo lý mà Phật đã dạy, tất cả chỉ còn dưới dạng hình thức. Ở giai đoạn này rất nhiều người hiểu sai về Phật Giáo.

Theo các chuyên gia thì thời kỳ Mạt Pháp bắt đầu xuất hiện từ 1.500 năm sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bài. Đây chính là giai đoạn thứ 3 của Phật Giáo, tiếp sau 2 giai đoạn sau Chính Pháp và Tượng Pháp.

Trong nhiều kinh điển, thời kỳ Mạt Pháp được nhắc tới nhiều tại, chẳng hạn đó là Đại Tập Kinh. Tại đây giải thích Thời Mạt Pháp là lúc các xung đột trong Phật Giáo thường xuyên xảy ra. Người tu theo Chánh Pháp thì ít, người u mê, tu theo tà kiến thì nhiều, bị che khuất và dần mất đi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của Phật Giáo mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển, an sinh xã hội.

Thời Mạt Pháp là gì?
Thời Mạt Pháp là gì?

2. Những gì sẽ xuất hiện trong thời Mạt Pháp?

Thời Mạt Pháp xuất hiện dự đoán sẽ làm xảy ra nhiều điều xấu xa, trái với quy tắc đạo đức. Lúc này chính các đệ tử của Phật Pháp cũng xuất hiện nhiều cuộc đấu đá, xung đột. Điều này khiến họ không thể thực hành theo các hạnh của Phật, không học được các điều lành, mà chỉ còn khổ đau. Các đệ tử khó kiên trì trên con đường tu học, mà ý chí lại rất mỏng manh, dễ thay đổi bỏ chính theo tà.

Đồng thời trong Thời Mạt Pháp chúng sinh khó có được giác ngộ thông qua việc tu hành, thiền định như những gì Phật đã dạy. Kể cả những người chăm chỉ nhưng cũng rất dễ nhầm đường trong quá trình đi tìm sự giác ngộ. Đức Phật dự đoán thời buổi này có rất nhiều phương tiện truyền bá kinh sách, biện luận đạo đức, nhưng rất ít người cầu đạo thực sự, nói chi là chứng quả.

Ngoài ra trong thời kỳ Mạt Pháp, đa số chúng sinh đều khổ vì không còn nhiều bậc cao tăng chánh đạo dẫn dắt, người ta dễ lạc đường, không nhận định được đâu là chân lý, đích đến, cái gì sẽ tốt cho họ. 

Người ta thường nói chúng sinh Thời Mạt Pháp phúc mỏng nghiệp dày, đạo căn cạn cợt. Có thể nói đúng là như thế, vì phúc mỏng nên phải lăn lộn mãi trong cõi luân hồi không cách nào thoát ra được hoặc thoát ra khỏi cảnh khổ trong phút chốc lại lăn trôi vào địa ngục. Con người dễ biến chất, chạy theo những thứ vốn chỉ là hư ảo. Trăm nghìn người tu chỉ được đôi ba người đắc đạo.

Những gì sẽ xuất hiện trong thời kỳ Mạt Pháp?
Những gì sẽ xuất hiện trong thời kỳ Mạt Pháp?

3. Những điều Đức Phật nói về thời Mạt Pháp

Thời kỳ Mạt Pháp đã được Đức Phật nhắc đến ở nhiều quyển kinh khác nhau. Đây là sự dự đoán cũng là lời cảnh tỉnh gửi đến tất cả chúng sinh trong cõi Diêm Phù Đề.

3.1. Đức Phật nói về thời Mạt Pháp trong kinh Đại Bi

Ở kinh Đại Bi Đức Phật Thích Ca đã nói sau:

“Này A-Nan! Khi ta niết-bàn rồi. Trong thời gian 500 năm rốt sau, nhóm người giữ giới, y theo chánh-pháp, lần lần tiêu giảm; Các bè đảng phá giới, làm điều phi pháp, ngày tăng thêm nhiều. Do chúng-sanh phỉ báng chánh-pháp, gây nhiều ác hạnh, nên phước thọ bị tổn giảm, các tai nạn đáng kinh khiếp nổi lên.

Bấy giờ có nhiều Tỷ-khưu đắm mê danh lợi, không tu thân, tâm, giới, huệ. Họ tham trước những y, bát, thức ăn, sàng tòa, phòng xá, thuốc men. Rồi ganh ghét tranh giành phỉ báng lẫn nhau, thậm chí đem nhau đến quan ty, lời nói như đao kiếm. Cho nên, A-Nan! Đối với những vị xuất-gia tu phạm hạnh, thân khẩu ý thực hành đạo từ bi. Ông nên cung cấp những thức cúng dường cho đầy đủ.

Vị nào đối với các phạm hạnh hoặc thấy, hoặc nghe, hoặc tin, hoặc làm, hoặc nhiều, hoặc ít…Ông nên làm thế nào cho họ không khởi lòng não loạn, nên vâng giữ điều này! Tại sao thế? Vì trong cõi ngũ trược vào thời mạt kiếp, có nhiều sự khổ nạn như: Đói, khát, giặc, cướp, nắng hạn, bão lụt, các loài trùng phá hại mùa màng. Tóm lại có nhiều nhân duyên làm cho chúng-sanh bị xúc não.

A-Nan! Lúc bấy giờ có các hàng trưởng-giả, cư-sĩ, tuy bị nhiều sự khổ não bức thiết. Song vẫn xanh lòng tịnh tín, cung kính tôn trọng ngôi Tam-bảo: Bố thí, giữ giới, tụng kinh, tu các công đức, khuyên người y theo Phật-pháp làm lành. Do thiện căn đó, khi mạng chung họ được sanh về Thiên-đạo, hưởng các điều vui. Còn các Tỳ-khưu ác kia, ban sơ dùng đức tin, tâm lành, bỏ tục xuất-gia; Nhưng sau khi xuất-gia, họ lại tham trước danh lợi. Không cố gắng tu hành, nên kết cuộc bị đọa vào ác đạo”.

Những điều Đức Phật nói về thời Mạt Pháp
Những điều Đức Phật nói về thời Mạt Pháp

3.2. Đức Phật nói về thời Mạt Pháp ở kinh Ma Ha Ma Gia

Trong Kinh Ma Ha Ma Gia nói về thời Mạt Pháp có đoạn như sau:

“Lúc mà đấng Nhất Thiết Trí đã vào Niết Bàn thì sau 100 năm có Tỷ Khưu Ưu Ba Cúc Đa có đủ tài biện thuyết, độ vô lượng chúng. Sau 200 năm sẽ có Tỷ Khưu Thi La Nan Đà là những người khéo nói về pháp yếu… Sau 300 năm có Tỷ Khưu Thanh Liên Hoa Nhãn là những thuyết pháp độ được một nửa ức người. Sau 400 năm có Tỷ Khưu Ngưu Khẩu thuyết pháp độ được tới 1 vạn người. Sau 500 năm sẽ có Tỳ Khưu Bảo Thiên thuyết pháp độ được tới 2 vạn người và sẽ khiến cho chúng sinh có thể phát tâm vô thượng bồ đề. Thời kỳ Chánh Pháp lúc này đã chung mãn…”.

Cứ như thế trở về sau lần lần các hàng xuất gia sẽ phá huỷ về giới luật. Họ sẽ sát sinh, uống rượu, đem bán đồ vật tại Tam Bảo, làm hạnh bất tịnh, gái làm ni, trai làm tăng… Chỉ còn lại một số ít người biết giữ gìn về giới hạnh… Áo cà sa của Tăng ni lúc này cũng sẽ biến thành sắc trắng, đây sẽ là một trong những dấu hiệu cho thấy Phật Pháp sắp bị huỷ diệt.

Đức Phật nói về thời Kỳ Mạt Pháp ở kinh Ma Ha Ma Gia
Đức Phật nói về thời Kỳ Mạt Pháp ở kinh Ma Ha Ma Gia

3.3. Đức Phật nói về thời Mạt Pháp ở kinh Pháp Diệt Tận

Theo kinh Pháp Diệt Tận, thời kỳ Mạt Pháp được Đức Phật giảng giải như sau: 

“Về sau, khi pháp của ta sắp diệt, nơi cõi ngũ trược này tà đạo nổi lên rất thạnh. Lúc ấy có những quyến thuộc ma vào làm Sa-môn để phá rối đạo pháp của ta. Họ mặc y phục như thế gian, ưa thích áo cà-sa năm sắc, ăn thịt uống rượu, sát sanh, tham trước mùi vị; Không có từ tâm tương trợ, lại ganh ghét lẫn nhau.

Bấy giờ có các vị Bồ-Tát, Bích-Chi, La-Hán vì bản nguyện hộ trì Phật-pháp, hiện thân làm Sa-môn. Tu hành tinh tấn, đạo hạnh trang nghiêm, được mọi người kính trọng. Các bậc ấy có đức thuần hậu, từ ái, nhẫn nhục, ôn hòa, giúp đỡ kẻ già yếu cô cùng. Hằng đem kinh tượng khuyên người phụng thờ đọc tụng, giáo hóa chúng-sanh một cách bình đẳng; Tu nhiều công đức, không nệ tổn mình lợi người.

Khi có những vị Sa-môn đạo đức như thế, các Tỷ-khưu ma kia ganh ghét phỉ báng, vu cho những điều xấu; Dùng đủ cách lấn áp, xua đuổi, hạ nhục, khiến cho không được ở yên. Từ đó các Tỳ-khưu ác càng lộng hành, không tu đạo hạnh, bỏ chùa chiền điêu tàn hư phế. Chỉ lo tích tụ tài sản riêng, làm các nghề không hợp pháp để sinh sống; Đốt phá rừng núi làm tổn hại chúng-sanh không có chút từ tâm. Lúc ấy có nhiều kẻ nô tỳ hạ tiện xuất-gia làm tăng ni. Họ thiếu đạo đức, dâm dật tham nhiễm, nam nữ sống lẫn lộn, Phật-pháp suy vi chính là do bọn này”.

4. Thời Mạt Pháp nên làm gì để thoát khỏi sinh tử luân hồi?

Trong Kinh Đại Tập, Đức Phật Thích Ca đã căn dặn rằng: “Trong đời mạt pháp, ức ức người tu hành, ít có kẻ nào đắc đạo, chỉ nương theo pháp môn Niệm Phật mà thoát luân hồi.”

Pháp sư Ấn Quang – bậc cao tăng đắc đạo vào thời kỳ cận đại ở Trung Hoa, khi nói về Thời Mạt Pháp cũng đã khuyên bảo rằng: “Thời kỳ mạt pháp đời nay, chúng sanh nghiệp nặng tâm tạp. Nếu ngoài môn Niệm Phật mà tu các pháp khác, nơi phần gieo trí huệ phước đức căn lành thì có, nơi phần liễu thoát luân hồi trong hiện thế thì không. Tuy có một vài vị cao đức hiện những kỳ tích phi thường, song đó đều là những bậc Bồ Tát nương theo bản nguyện mà làm mô phạm để dẫn dắt chúng sanh đời mạt pháp, như trong Kinh Lăng Nghiêm đã nói”.

Nhưng các vị ấy cũng chỉ vừa theo trình độ chúng sanh mà thị hiện ngộ đạo chớ không phải chứng đạo. Chỉ riêng pháp môn Tịnh Độ, tuy ít người tu chứng được Niệm Phật Tam Muội như khi xưa, nhưng có thể nương theo nguyện lực của mình và bản nguyện của Phật A Di Đà mà đới nghiệp vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc. Khi về cõi ấy rồi thì không còn luân hồi, không bị thối chuyển, lần lần tu tập cho đến lúc chứng quả Vô Sanh”.

Cõi Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà
Cõi Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà

Nói một cách dễ hiểu thì Thời Mạt Pháp người ngộ đạo còn ít, nói gì đến được chứng quả, đa số chúng sinh rồi sẽ lăn lộn trong đường luân hồi. Muốn giải quyết vấn đề này thì chúng sinh cần tinh tấn niệm Phật, cầu được vãng sanh về cõi Tịnh Độ.

Ngoài ra, theo như quyển 49 của Thập Tụng Luật, chúng sinh một lòng muốn duy trì, bảo vệ Chánh Pháp phải hiểu được 5 điều sau: 

  • Tôn trọng về chánh pháp, hiểu về giáo lý chân chính. Tránh xa tạp niệm, vọng tưởng, suy nghĩ lệch lạc, giữ vững tâm kiên định. 
  • Loại bỏ sự nóng giận và độc ác trong con người mình. Sống nhẫn nhịn và bao dung hơn. 
  • Kính trọng các bậc trưởng thượng, những vị đại đức ở hạng thượng toạ.
  • Trân quý chánh pháp, cần lắng nghe và tuân theo những lời Phật dạy để có thể giác ngộ.
  • Nắm rõ pháp để truyền đạt lại đúng đắn cho người sơ học, làm sao để diễn giải khéo léo nhất để giúp cho đại chúng dễ dàng tiếp cận hơn với Chánh Đạo.

Thời Mạt Pháp vốn là điều đã được dự đoán trước và chính chúng ta cũng đang sống trong thời kỳ này. Do đó, Giác Ngộ Tâm Linh thật sự hy vọng quý Phật tử sẽ luôn giữ vững tâm lành, một lòng quy học Chánh Giác, chứ không chạy theo những điều hư ảo.