Bất kỳ ai hay nghe giảng pháp đều sẽ nghe qua về ngũ uẩn hay ngũ ấm, nhất là câu “thân ta được tạo ra từ ngũ uẩn”. Nhưng thực tế rất ít ai hiểu về định nghĩa này. Vậy ngũ uẩn là gì? Năm uẩn gồm những nội dung gì? Mời các bạn cùng theo Giác Ngộ Tâm Linh tìm hiểu chi tiết về vấn đề này nhé.
Nội Dung
1. Ngũ Uẩn là gì?
Ngũ uẩn (trong tiếng Phạn là Panca-skandha) được hiểu là năm yếu tố tạo thành con người, cả thân lẫn tâm. Một số văn bản dịch là “ngũ ấm”, có nghĩa là 5 thứ chướng ngại ngăn cản, che đi Phật tính của chúng sinh, làm chúng sinh đó gặp chướng ngại trong quá trình giải thoát.
Trong Phật Giáo, 5 yếu tố này chính là:
- Hình thức (Sắc uẩn – Rupa)
- Cảm giác (Thọ uẩn – Vedana)
- Nhận thức (Tưởng uẩn – Sanna)
- Hình thành tinh thần (Hành uẩn – Sankhara)
- Ý thức (Thức uẩn – Vinnana)
Ngũ uẩn chính là yếu tố đặc thù để kết cấu nên con người, hình thành cho con người một nhân sinh quan toàn diện. Theo quan điểm Phật Giáo, thân thể con người gồm thân xác và tâm linh. Phần thân xác gọi là sắc uẩn và phần tâm linh sẽ là 4 uẩn còn lại, gồm có thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn.
Khi chúng ta bám víu vào ngũ uẩn tức là chúng ta xem thân xác này là Ta, của Ta, thân thể của Tôi, tâm của Tôi,… hình thành một cá nhân ích kỷ, chấp nhất rằng nhà của tôi, xe của tôi,… Chính vì thế, Ta có cái tâm vị kỷ, độc lập, điên cuồng, lo lắng, đau khổ gắn liền với tự ngã của chính mình. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói ngũ uẩn là nguồn gốc của khổ đau, là gánh nặng khiến cho chúng sinh không giải thoát được. Phật nói ra ngũ ẩm tức là để chúng sinh biết mà nhổ đi cái gốc của đau khổ là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức,… Nói về ngũ uẩn, trong kinh Tương Ưng Bộ tập 3 có chép rằng:
“Năm uẩn là gánh nặng,
Kẻ gánh nặng là người,
Cầm lấy gánh nặng lên,
Chính là khổ ở đời.
Còn bỏ gánh nặng xuống xong,
Tức là lạc không khổ,
Gánh nặng bỏ xuống xong,
Không mang theo gánh khác.
Nếu nhổ khát Ái lên,
Tận cùng đến gốc rễ,
Không còn đói và khát,
Được giải thoát tịnh lạc”.
2. Nội dung của Ngũ Uẩn
Ngũ uẩn chính là gánh nặng của con người, ai buông bỏ được thì chính là giải thoát, đắc được quả vị A La Hán, Phật quả. Để hiểu chi tiết hơn, mời các bạn cùng Giác Ngộ Tâm Linh tìm hiểu về từng uẩn.
2.1. Sắc Uẩn
Sắc chính là hình thái bên ngoài, chỉ thân và sáu giác quan của chúng ta gồm (mắt, mũi, miệng, thân và ý) do bốn yếu tố gồm đất, nước, gió, lửa tạo ra gọi là Tứ Đại Chủng. Sắc tạo nên các giác quan như: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân tương ứng với các đối tượng của nó như: hình sắc, âm thanh, mùi, vị, vật xúc chạm. Nếu chúng ta hiểu Phật Pháp sẽ thấy thân thể này là hư vô bởi nếu thân thể này chỉ nương tựa được nhờ những vật chất bên ngoài như không khí, nước, thức ăn, ánh sáng mặt trời,… Cho nên thân xác này là vô thường, cũng mang tính Không.
Chúng sinh nào u minh sẽ nhầm tưởng đây là thân của Ta, Ta làm chủ nó,… Ta tham lam, muốn này muốn kia để thân xác này được thỏa mãn, sung sướng, tham ái cho thân này được xinh đẹp, sang trọng. Nhưng mà thân ta vẫn già đi, vẫn bệnh tật, vốn dĩ chúng ta không thể làm chủ thân này. Do đó, thân này không phải thật, những bậc giác ngộ nhận thấy chân lý này cho nên không còn tham ái, không còn mắc vào đó nữa. Nhờ hiểu được thế mà bỏ đi tính tham sân si, mà đạt được sự giải thoát.
2.2. Thọ Uẩn
Thọ uẩn là những cảm giác, cảm nhận của chúng ta như khó chịu, dễ chịu hay trung lập. Thọ được chia ra thành sáu loại: mắt tiếp nhận hình sắc mà sinh cảm giác xấu đẹp, tương tự tai nghe âm thanh cảm thấy hay dở, mũi với mùi cảm thấy thơm thối, lưỡi với vị cho cảm giác ngon dở, thân với các yếu tố ngoại cảnh cảm thấy khoái cảm hay đau đớn. Trong Phật giáo, có ba loại thọ chính là:
- Lạc thọ là những cảm nhận vui vẻ, sung sướng ở thế gian này do sự tiếp xúc mà ra. Nếu thân thể được lạc thọ thuộc về thân thì gọi là “lạc”, thuộc về tâm gọi là “hỷ”. Ví dụ đơn giản là khi mắt ta thấy đồ đạc đẹp đẽ; tai nghe lời khen, thiện ý thân ta có cảm giác sung sướng, thoải mái tức là lạc thọ. Do đó nếu ta muốn có danh vọng, được sống trong nhà đẹp, đi xe sang chính là lạc thọ.
- Khổ thọ được hiểu là những cảm giác đau khổ, phiền não, lo lắng, bất hạnh mà chúng ta đã trải qua. Nếu thân khổ thọ thì gọi là “khổ” (dukkha) còn khổ thọ do tâm thì gọi là “ưu”. Ví như mắt ta khi thấy cảnh buồn rầu, tai nghe lời hung ác chửi rủa, thì ta cảm nhận khổ đau.
- Xả thọ hay vô ký thọ là cảm giác không vui cũng chẳng buồn, là trạng thái tâm dửng dưng, giống như ta hàng ngày đều thấy cùng một vật thì tâm đã nhàm chán, khi thấy nó vẫn lại thấy bình thường không có cảm xúc gì.
Thông thường con người sẽ bị vướng vào những lạc thú tạm thời, phù du, hư ảo, đến khi chúng mất đi thì lại đau khổ. Chỉ có Niết Bàn là nơi hạnh phúc tối thượng, an lạc thật sự từ trong tâm hồn thanh tịnh. Cho nên chỉ có đệ tử đi theo con đường chánh giác mới nhận ra những loại hạnh phúc này, phân biệt được đâu là thật, đâu là giả.
2.3. Tưởng Uẩn
Tưởng uẩn là những nhận thức, cảm nhận về cả vật chất lẫn tinh thần thông qua các giác quan. Khi ta nghĩ về quá khứ, hiện tại hay tương lai đều được gọi là tưởng. Mở mắt ra nhìn thế giới, tai cảm nhận các âm thanh là tưởng, đến khi ngủ mơ cũng là tưởng. Tại sao chúng ta tưởng? Vì tâm ta còn chấp, còn nghĩ, còn dao động, còn phiền não. Chúng ta không chấp nhận được hiện tại, chúng ta sống trong ảo tưởng về quá khứ hay tương lai, đó chính là tưởng. Từ những tưởng đó, tâm ta phát sinh các sự tham, sân, si.
2.4. Hành Uẩn
Hành có nghĩa là tác ý, là ý muốn xuất phát từ bộ não của ta sau đó chuyển thành tư tưởng, lời nói và hành động. Ví như khi trong đầu ta có tác ý muốn làm điều gì thì bộ não sẽ phát tín hiệu đến cơ thể để tay chân ta làm điều đó. Nói cách khác nhờ tác ý này mà các hoạt động của cơ thể có thể phối hợp nhịp nhàng. Tuy nhiên có những thứ tác ý không thể tác động được ví dụ như dù muốn hay không tim vẫn đập, máu trong cơ thể vẫn chảy.
Từ đó ta có thể thấy, một con người có những tư tưởng, lời nói hay hành động tàn ác, thất đức có nghĩa là trong tâm ta phải hiện hữu những tác ý bất thiện đó. Ngược lại nếu trong đầu ta chỉ có tác ý tốt, thì ta sẽ có những tư tưởng thiện lương, lời nói hòa ái, yêu thương, hành động tốt đẹp, chính nghĩa. Ở đây, Đức Phật muốn chỉ rõ nguồn gốc những tư tưởng, lời nói hay hành động của con người là do tác ý. Từ đó chúng ta hiểu để biết cách tỉnh thức chánh niệm mà kiểm soát nó. Con người phải luôn sống trong chánh niệm để kiểm soát những tư tưởng, hành động, lời nói của mình, thì cuộc đời sẽ nhẹ nhàng, hết khổ.
2.5. Thức Uẩn
Thức uẩn chính là thức quan trọng nhất của ngũ uẩn, bởi vì nó là nơi các yếu tố tinh thần kết thúc. Nếu không có ý thức có thể sẽ không có các yếu tố tinh thần bởi chúng liên quan và phụ thuộc vào nhau. Sáu thức đó chính là
- Nhãn thức: Cái biết của mắt.
- Nhĩ thức: Cái biết của lỗ tai.
- Tỷ thức: Cái biết của mũi.
- Thiệt thức: Cái biết của lưỡi.
- Thân thức: Cái biết của thân thể.
- Ý thức: Cái biết của tâm về tư tưởng và ý tưởng.
Thức giúp nhận biết sự tồn tại, hiện diện của đối tượng. Thức là một mắt xích trong 12 mắt xích duyên khởi, quyết định vòng tròn luân hồi. Phá vỡ được Thức, cũng chính là phá vỡ được vòng luân hồi, được giải thoát. Chúng ta nên hiểu, không có sắc, thọ, tưởng, hành thì cũng không có thức.
Tóm lại, ngũ uẩn được hiểu đơn giản và chính xác nhất là: Sắc là thể xác, Thọ là tình cảm, Tưởng là lý trí, Hành là tác ý tức là ý chí và cuối cùng Thức có nghĩa là nhận thức. Thế nên con người chúng ta không có gì ngoài năm uẩn. Một ngày nào đó, khi nhân duyên này hết, ngũ uẩn tan rã thì con người ta cũng sẽ chết. Sau đó, lại dựa vào các nghiệp của mình, con người lại tái sinh vào một kiếp mới theo vòng luân hồi.
Vì thế dù chúng sinh còn tạo nghiệp cho dù là thiện hay ác thì vẫn phải chịu tái sinh để thọ báo những kết quả khổ, vui do chính mình đã gieo. Hy vọng qua bài viết dưới đây, Giác Ngộ Tâm Linh đã giúp bạn hiểu hơn về ngũ uẩn, thấy rõ sự vô thường của thân tâm này, mà một lòng hướng về chánh đạo, tìm đường giải thoát.