Tứ Niệm Xứ là gì mà lại được Đức Phật nhắc trong Kinh Tứ Niệm Xứ, được so sánh là “con đường độc nhất đi đến thanh tịnh, chứng ngộ Niết Bàn”. Từ sự so sánh này có thể thấy giáo pháp này cực kỳ cao siêu, mà bất kỳ một người nào mong muốn giải thoát đều phải biết. Hôm nay hãy cùng Giác Ngộ Tâm Linh tìm hiểu chi tiết về từng nội dung trong Tứ Niệm Xứ nhé.
Nội Dung
1. Tứ Niệm Xứ là gì?
1.1. Định nghĩa về Tứ Niệm Xứ
Tứ Niệm Xứ là thuật ngữ phổ biến trong Phật Giáo, là phương pháp giúp Phật tử hình thành chánh niệm giác ngộ và thức tỉnh. Trong đó, “tứ” là bốn, “niệm” là suy nghĩ, ghi nhớ, “xứ” là địa điểm, nơi, vị trí. Vậy nên “Tứ Niệm Xứ” là bốn chỗ, bốn điều mà bất kỳ một người tu học Phật Giáo cần phải ghi nhớ, xem trọng. Đây được xem là con đường duy nhất đưa người tu hành đến với sự thanh tịnh, an yên, tránh xa sầu não, đau khổ và sau cùng chính là giác ngộ.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng đã nhiều lần nói về sự quan trọng và ý nghĩa của phương pháp tu tập này, thể hiện rõ nhất là qua Kinh Trường Bộ, Kinh Trung Bộ và Kinh Tương Ưng Bộ. Ngoài ra. Ngài cũng từng căn dặn việc thực hành thiền quán định cần tập trung vào bốn đối tượng chính là Thân (cơ thể), Thọ (cảm giác), Pháp và Tâm.
Nội dung của bốn điều này chính là:
- Quán Thân bất tịnh.
- Quán Tâm vô thường.
- Quán Pháp vô ngã.
- Quán Thọ thị khổ.
1.2. Ý nghĩa của Tứ Niệm Xứ trong Phật Giáo
Như đã nói trên, Đức Phật từng nhấn mạnh về Tứ Niệm Xứ trong kinh Đại Niệm Xứ rằng: “Này các tỳ – kheo, đây chính là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho tất cả chúng sanh, vượt khỏi ải sầu não, thành tựu chánh trí, diệt trừ khổ ưu, chứng ngộ niết bàn. Đó gọi là bốn Niệm Xứ.”
Ngài cũng dạy rằng, trước khi thực hành Tứ Niệm Xứ thì đệ tử phải giữ nghiêm giới luật. Có như thế thì thân tâm mới nhẹ nhàng, khoan thai để bắt đầu hành thiền và đạt được tiến bộ.
Lời nói của Đức Phật luôn ẩn chứa nhiều điều sâu xa, mà mãi đến nhiều thế kỷ, thiên niên kỷ sau vẫn đúng. Vậy nên, mãi cho đến tận ngày nay, phương pháp này vẫn được nhiều đệ tử theo học và áp dụng vào cuộc sống thực tại. Không chỉ người xuất gia mà ngay cả đệ tử tại gia cũng nên bám vào nội dung của “Tứ Niệm Xứ” để thiền đúng cách, có thành tựu, giúp chúng ta đi đứng nằm ngồi hay làm bất kỳ việc gì cũng được an trú trong chánh niệm.
2. Nội dung của Tứ Niệm Xứ
Để hiểu hơn về Tứ Niệm Xứ, mời các bạn cùng Giác Ngộ Tâm Linh tìm hiểu chi tiết về nội dung của từng Niệm Xứ sau đây:
2.1. Thân Quán Niệm Xứ (Quán niệm về Thân)
Thân Quán Niệm Xứ là thực hành thiền định về thân. Nhờ đó mà thiền giả nhận được sự an nhiên, thanh tịnh đến từ trong tâm hồn, trí tuệ. Người thực hành quán thân sẽ nhận được sự tỉnh giác trong hơi thở, trong mọi hoạt động, quán sát được 32 phần thân thể và từng bộ phận cấu thành. Người đó sẽ tỉnh ngộ trong bốn trạng thái cơ bản của con người bao gồm: đi, đứng, nằm, ngồi.
- Quán thân thông qua hơi thở: hay còn gọi là quán sổ tức (đếm hơi thở). Với phương pháp này thì người thiền phải tự nhận thức và nắm được sự quan trọng của từng hơi thở. Chúng ta có thể nhịn ăn, uống trong khoảng thời gian nhất định nhưng lại không thể nín thở. Hơi thở mất đi nghĩa là mạng sống của chúng ta cũng chấm dứt.
Do đó, Đức Phật dặn chúng ta phải ý thức và theo dõi được từng hơi thở của mình, nắm được hơi thở đó ngắn hay dài, nông hay sâu một cách rõ ràng và tỉnh táo.
- Quán niệm về thân thông qua hành động: Phương pháp này kiểm soát các hoạt động của cơ thể thông qua cử chỉ đi, đứng, nằm, ngồi. Chúng ta phải kiểm soát được mình đi đâu, đang đứng ở đâu, đang ngồi như thế nào,… Từ đó mình kiểm soát được hành động bản thân bằng chánh niệm, hành động đúng, sống cho thực tại, tránh bị cuốn vào những ảo tưởng viễn vông, xa hoa.
- Quán niệm về thân thông qua bộ phận cấu thành: Theo Phật Giáo, cơ thể con người được cấu thành do bốn yếu tố (Tứ Đại): nước, gió, đất, lửa. Thân của chúng ta chịu sự chi phối bánh xe sinh lão bệnh tử. Quán thân là bất tịnh cũng là vô thường nhưng chúng ta không được hủy diệt hay bỏ rơi nó, bởi nhờ quán thân ta sẽ trở về với thực tại, vượt qua khổ đau, phiền não.
2.2. Thọ Quán Niệm Xứ (Quán niệm về Thọ)
Thọ hay gọi chính xác hơn là cảm thọ, nghĩa là tâm lý, cảm xúc của con người. Phương pháp thọ quán Niệm Xứ chính là quan sát, nắm rõ tất cả cảm giác, tâm lý xuất hiện bên trong mình.
Thọ Lạc được chia thành tâm thọ và thân thọ, có 3 trạng thái sau:
- Thọ Lạc: Tâm lý, cảm giác dễ chịu, phấn khởi, hạnh phúc.
- Khổ Lạc: Cảm giác khó chịu, hay buồn chán, đau khổ.
- Bất khổ bất lạc: Cảm giác trung tính, không buồn cũng không vui.
Mỗi người cần có ý thức thì mới có thể cảm nhận được cảm thọ. Thọ càng nhiều thì càng thấy hạnh phúc, nhưng trong hạnh phúc luôn có mặt của khổ hạnh. Con người luôn muốn được giàu có, hưởng thụ, nhưng cũng luôn lo sợ một ngày nào đó mình nghèo đói, không còn mạng sống để hưởng. Vậy nên những sự hạnh phúc tạm thời mà chúng ta nhầm tưởng sẽ luôn đi kèm khổ đau. Đó không phải là hạnh phúc tuyệt đối.
Chính vì thế, tùy vào mức độ giác ngộ của mỗi người mà quyết định cảm thọ đưa chúng ta đến an lạc hay đau khổ. Giả như hai người cùng sở hữu một vật như nhau, người giác ngộ, biết đủ nên thấy tự tại, vui vẻ, người khác lại cảm thấy không đủ, lo sợ được mất, muốn nhiều hơn. Vậy nên Phật tử nào biết tu tập đúng cách sẽ có thể kiểm soát và làm chủ được bản thân trước cảm thọ.
2.3. Tâm Quán Niệm Xứ (Quán niệm về Tâm)
Quán niệm về tâm nghĩa là chúng ta phải kiểm soát được những gì đang hiện hành bên trong tâm trí. Những biểu hiện của tâm trong đời sống mà chúng ta vẫn hay nghe là tâm thiện, tâm từ bi, tâm ác, tâm tham, tâm si, tâm sân hận, tâm ganh ghét,…
Tâm cũng có cảm giác đau khổ và an tịnh, vì vậy nên có những người mang tâm bệnh trong lòng. Nguyên nhân của tâm bệnh này chính là do sự tham, sân, si, vọng tưởng, ham muốn của bản thân mà ra. Tham mà không có được nên sinh tính sân, rồi tự làm mình khổ, sinh ra bệnh, tâm. Có những người tham lại còn chẳng biết mình tham, tâm mình còn si mà cứ nghĩ mình đã bỏ rồi, sau cùng còn không biết vì sao mình khổ.
Vậy nên, chúng ta cần quán tâm để biết rõ tâm tham hay không tham, tâm si hay không si, tâm sân hay không sân, tâm tán loạn hay không tán loạn, tâm quảng đại hay không quảng đại, tâm vô thượng hay không vô thượng, tâm giải thoát hay không giải thoát, tâm định hay không định. Vậy nên các Phật tử cần tâm quán Niệm Xứ, biết mình như thế nào, để tránh đi vào đường lầm, đi xa tránh pháp.
2.4. Pháp Quán Niệm Xứ (Quán niệm về Pháp)
Đức Phật từng căn dặn, chữ Pháp mang ý nghĩa bao trùm cả vũ trụ và nhân sinh, vật chất của cải và tinh thần. Pháp được chia thành 2 loại chính đó là:
- Tâm pháp: Pháp này không thể nào nhìn thấy bằng mắt thường được nhưng tâm pháp lại có tri giác.
- Sắc pháp: Pháp có hình dáng cụ thể như nhánh hoa, cành cây, cái bàn, ly nước, bàn ghế,… nhưng pháp này lại không có tri giác.
Quán niệm Pháp cần quán niệm cả sắc pháp và tâm pháp. Cả hai pháp này đều được sinh ra do nhân duyên nên chúng là hư vọng. Pháp Quán Niệm Xứ giúp chúng ta hiểu rõ mọi pháp đều phụ thuộc lẫn nhau, và đều là vô ngã.
Ví dụ như chúng ta ngủ mơ, trong mơ thấy cảnh này cảnh kia tưởng là thật, nhưng thực ra chỉ là viễn cảnh giả dối, đến khi tỉnh lại mới nhận ra. Chỉ có pháp quán Niệm Xứ sẽ đưa cả thân lẫn tâm ta về thực tại, tránh đi nhầm theo những ảo tưởng, lầm mê mà lạc bước trong vòng luân hồi sinh tử.
Người thường không chịu học Phật, không biết về Tứ Niệm Xứ cho nên mới mãi quẩn quanh trong vòng luân hồi, khổ mãi chẳng thoát ra, hoặc thoát ra một chút lại vướng vào như cá mắc phải lưới. Giác Ngộ Tâm Linh chúc các bạn đồng tu sớm ngày thực hành được Tứ Niệm Xứ để đi thẳng đến giác ngộ, lìa khổ được vui, sớm ngày đắc quả.