Nghiệp và Luân Hồi là gì trong Phật Giáo?

Nghiệp và Luân Hồi là hai từ được nhắc đến rất nhiều trong Phật Giáo, mà hầu hết các Phật tử đều đã nghe qua. Hiểu rõ được hai điều này chúng ta sẽ hiểu hơn luật nhân quả cùng các giáo lý khác trong nhà Phật. Hãy cùng Giác Ngộ Tâm Linh tìm hiểu chi tiết hơn về nghiệp và luân hồi nhé.

Nghiệp và Luân Hồi là gì trong Phật Giáo?
Nghiệp và Luân Hồi là gì trong Phật Giáo?

1. Nghiệp

Nghiệp trong tiếng Phạn được phiên âm là Karma, nghĩa là hành động. Vào thời xưa, Phật Thích Ca Mâu Ni đã giải thích rằng: “Karma, hỡi các vị tỳ kheo, ta nói là, sự chủ tâm“. Karma không chỉ một hành động cụ thể nào, nó được đánh giá qua sự chủ tâm sau mỗi hành động. Nghiệp không chỉ trong hành động mà cả trong suy nghĩ, lời nói gọi là nghiệp thân, khẩu, ý.

Cùng một hành động nhưng có sự chủ tâm sẽ khác với hành động vô tâm. Ví dụ khi ta vô ý làm hại một con kiến, thì đó không phải là nghiệp sát sanh. Vì chính tâm ra không chủ ý giết nó, không có chủ tâm sau hành động đó. Nhưng nếu ta khởi tâm muốn giết nó bằng cách xịt thuốc lên ổ kiến, với mong muốn giết càng nhiều càng tốt, thì đó là nghiệp sát sanh. Tương tự nếu chúng ta mang các chủ ý lành thì sẽ tạo ra nghiệp quả thiện. Mọi hành động mang theo ý định, chủ tâm của mình đều mang lại nghiệp. Vì thế, hãy luôn kiểm soát, cảnh giác với mọi suy nghĩ của mình.

Hành động thiện cũng cần được làm có chủ đích, sự sáng suốt, người đó cần hiểu họ sẽ sống đau khổ nếu không làm thế. Một người muốn sống hạnh phúc, bình an thì điều tiên quyết chính là phải có tâm thiện. 

Đức Phật đang thuyết giảng
Đức Phật đang thuyết giảng

Tuy nhiên, cùng một hành động nhưng có thể dẫn đến những nghiệp quả khác nhau. Để dễ hiểu, Đức Phật đã lấy ví dụ việc tạo nghiệp ác của hai người so sánh với bỏ một muỗng muối vào ly nước, muỗng còn lại bỏ xuống sông Hằng. Ly nước đó sẽ không uống được, nhưng một thìa muối lại không ảnh hưởng đến nước sông Hằng. Tương tự thế, một người một lòng hướng thiện, trong một lúc nào đó nếu chỉ có một vài hành động sai quấy vẫn không sao. Nhưng còn kẻ chỉ có chút phước mỏng lại thêm một hành động sai quấy thì nỗi khổ càng chất đầy.

Nghiệp đâu chỉ ở kiếp này mà có từ vô lượng kiếp. Ta đâu thể biết phước mình đến đâu, do đó tốt nhất hãy luôn sống như mình chỉ có một “chiếc ly” phúc.

Có những người cũng thắc mắc rằng: “Tại sao người ta ở ác mà cuộc đời họ an nhàn quá, còn mình thì sống hướng thiện mà sao vẫn khổ”. Giải thích điều này thì thì có thể hiểu rằng họ đang có rất nhiều phước, họ đang được hưởng phước đó, cho nên nghiệp chưa đến ngay. Sau này họ vẫn quen thói làm ác, phước thiện đã cạn thì chắc chắn họ sẽ bị trừng phạt, nhận lấy nghiệp quả.

Phật Thích Ca Mâu Ni nói về nghiệp lực và thần thông của Mục Kiền Liên
Phật Thích Ca Mâu Ni nói về nghiệp lực và thần thông của Mục Kiền Liên

Nghiệp báo không thiên vị cho bất kỳ một ai, nó thuộc về nhân quả, chờ đến khi đúng lúc thì mới trổ. Do đó, mỗi người không nên than thở khi gặp khó khăn, làm gì cũng trắc trở, hãy hiểu đơn giản đó là một phần nghiệp quả của mình đã tạo ra từ vô lượng kiếp đến nay.

Thay vì than thân trách phận, hãy thấy bạn đã may mắn hiểu rõ về luật nhân quả, từ đó sống sao cho đúng, tạo các quả thiện, tránh các nghiệp ác. Hãy tin rằng, bất kỳ hành động khéo léo, tốt đẹp nào của hiện tại bạn sẽ nhận được kết quả tốt.

Đức Phật nói có người sinh ra từ ánh sáng và hướng tới ánh sáng, ngược lại cũng có người được sinh từ ánh sáng để đi về nơi bóng tối, có người được sinh ra trong bóng tối, lại dành cả đời đi về phía ánh sáng, cuối cùng cũng có người sinh ra trong bóng tối, và tiếp tục đi trong bóng tối. Điều đó có nghĩa là chúng ta không chắc có thể chọn nơi sinh ra nhưng chúng ta có quyền chọn cách sống, nơi mình hướng tới, thậm chí là đích đến sau cùng. Chúng ta sống tốt ở kiếp này chính là chọn nơi sinh ra tốt đẹp ở kiếp sau. 

nghiep karma 2

Một câu chuyện có thật về người phụ nữ tên là Helen Keller bị điếc, câm và mù. Nhưng bà vẫn cố gắng học hành, viết sách và thậm chí sau này bà còn chỉ dạy cho người khuyết tật khác sống tốt hơn. Rõ ràng là bà đã sanh ra trong bóng tối, vốn u ám, tiêu cực nhưng sau cùng bà lại có được sự hạnh phúc nhờ đi về phía ánh sáng. Điều chúng ta nên làm trong cuộc đời là trân trọng mọi cơ hội và cố gắng không ngừng nghỉ.

Đức Phật lấy một ví dụ so sánh nghiệp với ổ nhện giăng. Ổ nhện luôn được bện khéo léo, khó phát hiện, không thể biết đâu là sợi nhện đầu tiên, đâu là sợi cuối. Những điều tiêu cực mà chúng ta đang gặp là do từ đâu, do hành động của vài chục năm về trước hay mới đây thôi. Nhưng rõ ràng một khi đã sa vào ổ nhện chắc chắn sẽ rất khó thoát ra. Vậy nên, hãy luôn cẩn thận trong từng suy nghĩ, lời ăn tiếng nói và hành động của chính mình.

2. Luân Hồi

Luân hồi còn được gọi là Bánh xe luân hồi hay Vòng luân hồi. Là sự tái sinh của một cuộc sống hay một kiếp sống mới. Cho đến nay, có thực sự tồn tại luân hồi hay không thì còn rất nhiều tranh cãi, có tôn giáo bảo có, có tôn giáo bảo không. Riêng Đạo Phật thì công nhận sự tồn tại của luân hồi.

Một hôm, Cùng tử Vacchagotta đã hỏi Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, sau khi chết kẻ Giác Ngộ đi về đâu?” Đức Phật trả lời: “Này Cùng tử, hãy lượm những que củi nhỏ quanh đây và nhóm lửa lên”. Người đó làm theo sự hướng dẫn của Ngài. Đức Phật lại bảo: “Hãy bỏ thêm củi vào!” Người đó cũng ngoan ngoãn làm theo. Đức Phật hỏi: “Thế nào rồi?” Vacchagotta đáp: “Dạ, lửa cháy rất tốt”. Đức Phật lại bảo: “Thôi đừng bỏ thêm củi vào nữa”. Không có củi, từ từ đám lửa cũng lụi tàn. Đức Phật hỏi: “Thế nào rồi?” “Dạ, đám lửa đã tàn, thưa Ngài”. Đức Phật nói: “Vậy đám lửa đã đi đâu? Đi tới trước? Hay phía sau? Trái? Phải? Lên hay xuống?”. Người Cùng tử trả lời: “Dạ không đi đâu cả. Nó chỉ tắt”. Đức Phật nói: “Đúng thế. Đó cũng là điều sẽ xảy ra cho kẻ Giác Ngộ sau khi chết”.

Bánh xe luân hồi
Bánh xe luân hồi

Không chêm thêm củi vào ngọn lửa nghĩa là dẹp đi những ham muốn, tham ái, mong cầu cá nhân thì ngọn lửa sẽ tắt. Người đã giác ngộ không tạo ra nghiệp ác nữa, buông bỏ được những ý niệm, hành động ác thì họ sẽ không luân hồi. Chúng sinh càng có nhiều ham muốn thì mãi như ngọn lửa cho thêm củi vào, cứ cháy mãi, không bao giờ tắt, như thế sự tái sinh, luân hồi cứ quay vòng theo sự ham muốn, tham lam. Sự luân hồi cũng là một kết quả của nghiệp, chúng sinh luân hồi là để trả lại những nghiệp đã gây ra trong tiền kiếp. 

Cứ hễ chúng ta còn tham sân si, còn ham muốn tiền bạc, ái tình, danh vọng quyền lực, chưa buông bỏ được, vẫn quen thói làm chuyện ác, sống tư lợi thì còn luân hồi. Những người giác ngộ, thoát khỏi sinh tử luân hồi nghĩa là họ đã đạt được sự giải thoát trong tâm hồn, họ hiểu vãng sinh đến thế giới cực lạc mới là đích đến quan trọng nhất, còn những thứ như tiền bạc, tình yêu, quyền lực chỉ tồn tại trong một kiếp ngắn ngủi mà thôi.

Khi giảng về luân hồi, tái sinh, Đức Phật đã nói rằng suy nghĩ cuối cùng của ta trước khi chết như một đàn gia súc trong chuồng. Nếu không có con nào mạnh nhất, thì con đầu đàn sẽ ra khỏi chuồng đầu tiên. Nếu không thì con nào đứng cạnh cửa sẽ đi ra trước hoặc là cả đàn sẽ tranh nhau ùa ra.

Điều này cũng như lúc ta lâm chung, suy nghĩ của ta sẽ tạo thành lực đẩy cho luân hồi, tái sinh, làm ảnh hưởng đến hoàn cảnh tái sinh của ta bị ảnh hưởng. Vào thời khắc ta lâm chung, nghiệp nào nặng nhất sẽ hiện lên lúc đó và dẫn ta theo nó. Nếu không có, thì ta hay nghĩ cái gì sẽ hiện ra trong tâm ta vào lúc đó. Nếu trong tâm ta có lòng từ bi, thực hành và tin tưởng tuyệt đối vào Phật Pháp thì thời khắc mạng chung ta sẽ nghĩ về Phật, sẽ thấy các Ngài đến đón chúng ta. Nếu ta không hay suy nghĩ, thì điều gì sẽ xảy ra gần lúc chết, ví như người đang bệnh sẽ đau khổ vì bệnh tất giày vò. Thính giác là giác quan cuối cùng ra đi, khi bạn muốn giúp đỡ người đang hấp hối, ta nên nhắc lại những hành động tốt họ đã làm và nhắc họ niệm Phật. Những điều tốt đẹp sẽ dẫn dắt họ đến một nơi tái sinh mới tốt đẹp hơn, tùy thuộc vào phúc báo và nghiệp báo của họ.

Vòng luân hồi
Vòng luân hồi

Chúng ta không biết sẽ tái sinh vào đâu, có thể kiếp sau nếu đủ phước báu chúng ta vẫn có thể làm người, nếu không có thể làm súc vật, làm trâu làm ngựa, hay làm ngạ quỷ đói khổ,… Để tạo được một thân người phải trải qua rất nhiều khó khăn, cần bao nhiêu phước đức vậy tại sao chúng ta không trân trọng, cứ theo thói làm việc ác, không chịu tỉnh ngộ, để đến khi cận kề sinh tử mới sám hôi mong cầu đường lui.

Khi Đức Phật đi dạo với các đệ tử dọc theo bờ biển, Ngài đã nói rằng: “Này các đệ tử, nếu có con rùa mù bơi qua các biển của vũ trụ và một khúc gỗ trôi. Chú rùa mù chỉ trồi lên thở không khí mỗi một trăm năm, các đệ tử có nghĩ là chú rùa có thể đụng đầu vào khúc gỗ không?” Các đệ tử trả lời: “Không thể nào, thưa Ngài. Chúng không thể nào ở cùng một chỗ trong một khoảng thời gian, nếu như chúng cùng lội quanh các biển vũ trụ.” Đức Phật nói: “Không. Không phải là không thể nào. Mà là không có thể”. Rồi Đức Phật tiếp: “Cũng thế, cơ hội để được tái sinh làm người cũng khó khăn như thế.”

Từ đó có thể nói, được làm kiếp người thật khó. Chúng ta đây may mắn được hưởng kiếp làm người, may mắn có đầy đủ lục căn, có đầy đủ tay chân, có sức khỏe, may mắn được biết Pháp. Đó vốn là mộ điều may mắn, là được sinh ra ở nơi ánh sáng rồi, vậy nên hãy hướng về ánh sáng mà đi để không bao giờ bị lầm lạc vào chỗ tối. 

Tranh Thangka về Luân Hồi trong Phật Giáo Tây Tạng
Tranh Thangka về Luân Hồi trong Phật Giáo Tây Tạng

Đừng chỉ nghĩ cho kiếp này, ăn sung mặc sướng, tiền bạc rủng rinh, ngồi xe xịn, quần áo đẹp là được. Bởi đó chỉ là sự tồn tại ngắn ngủi trong một kiếp nhỏ bé mà thôi. Thay vì đó hãy dùng tiền bạc, thời gian, tâm sức ấy để làm nhiều việc thiện hơn, giúp đỡ nhiều người hơn, tu học Phật chăm chỉ hơn. Nếu đủ phước lực, trí tuệ chúng ta có được sự giác ngộ để vãng sanh, không còn phải luân hồi nữa, còn họa chăng chưa đủ phước báu, vẫn phải tái sinh nhưng được luân hồi vào chỗ tốt.

Nghiệp và luân hồi vốn như hai sợi dây song song, đan vào nhau. Người cầu vãng sinh thì nhiều nhưng mấy ai hiểu được sự liên kết của nghiệp và luân hồi. Giác Ngộ Tâm Linh hy vọng những chia sẻ trên giúp quý vị hiểu hơn về điều này, từ đó sớm đạt được sự giác ngộ lớn.