Theo như Đức Phật đã dạy, tất cả mọi vật trong vũ trụ vật chất này đều được đánh dấu bởi Tam Pháp Ấn. Khi đã có đủ nhận thức và hiểu rõ về 3 dấu hiệu này chúng ta có thể đạt được sự giải thoát dễ dàng hơn. Mời các bạn cùng Giác Ngộ Tâm Linh tìm hiểu về 3 Pháp Ấn này nhé.
Nội Dung
Tam Pháp Ấn là gì?
Tam Pháp Ấn thường được nhắc tới trong nhiều kinh điển. Thật ra đây chính là sự tồn tại của ba dấu hiệu: Vô thường, khổ và vô ngã. Tất cả giáo lý của đạo Phật đều phải mang cả 3 pháp ấn, nếu thiếu một pháp ấn thì giáo lý ấy không phải là Chánh pháp. Các Phật tử dựa vào ba dấu ấn này làm thước đo cho quá trình tư duy, học hỏi và thực hành những lời Phật Thích Ca Mâu Ni dạy.
1. Pháp ấn thứ nhất: Vô thường
Pháp ấn đầu tiên là Vô thường (Anicca), được gọi tắt là Vô Thường Ấn. Pháp ấn vô thường mang ý nghĩa của sự biến chuyển, không cố định. Phật Giáo nhận định rằng tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều là vô thường. Bởi tất cả mọi thứ không bao giờ đứng yên, mà luôn di chuyển, thay đổi.
Ví dụ đơn giản như cái cây, ngọn cỏ, con sông, mặt trời, hạt cát,… cũng luôn biến đổi âm thầm chẳng qua chúng ta không quan sát thấy. Không chỉ thế giới vật chất mà thế giới vô hình như tâm con người cũng biến đổi, thay đổi liên tục, mà thậm chí chúng ta không hề nhận ra.
Theo quan điểm Phật Giáo thì con người là hợp thể của năm uẩn. Trong đó, thân thể vật chất tứ đại (sắc uẩn) thuộc về phần Sắc và tinh thần gồm cảm thọ, tri giác, tư duy và nhận thức thuộc về Danh. Năm uẩn này được gọi là danh sắc luôn biến đổi như một dòng sông, không bao giờ ngừng chảy.
Trong thân chúng ta mỗi ngày, mỗi giây đều có tế bào đang trao đổi chất, có tế bào chết đi cũng có tế bào mới sinh ra. Còn về tâm thức con người thì lại càng biến đổi với muôn ngàn ý niệm tuôn trào như thác lũ. Những cảm xúc như vui buồn, tha thứ, hận thù, yêu thương,… luôn hiện hữu trong ta.
Chúng ta thường nghe nói cũng như hay nói rằng: “Cuộc sống vô thường”, nhưng thực tế chẳng mấy ai hiểu được nó. Bởi vẫn đang còn nhiều chúng sinh bám víu vào những thứ vô giá trị nhưng lại tưởng như là vĩnh cửu. Khi đã hiểu về vô thường, chúng ta sẽ ít kỳ vọng, ít ham muốn hơn, dần dần vứt bỏ những thứ hư ảo như tình yêu, tiền tài, vật chất, quyền lực và danh vọng.
Giáo lý vô thường đem lại trí tuệ và nhận thức đúng về bản chất của các pháp, chúng ta sẽ có thêm niềm tin vào nỗ lực chuyển hóa, sáng tạo và phát triển của bản thân. Chỉ cần chúng ta cố gắng, chúng ta của ngày hôm nay đã khác chúng ta của ngày hôm qua.
2. Pháp ấn thứ hai: Khổ
Khổ trong tiếng Pali là Dukkha, có nghĩa là đắng, tức là chỉ sự đắng cay. Ngoài ý nghĩa này ra, khổ chính là cảm giác khổ đau, khó chịu, dày vò, day dứt khiến mình không thể yên ổn, mang ý nghĩa sự bất toàn. Do đó, nếu dịch chính xác thì khổ chính là sự “không như ý – không hoàn mỹ”.
Đau khổ do đâu? Đau khổ do cuộc sống vô thường, luôn biến đổi không như ý muốn của ta, những thứ ta đang bám víu biến đổi khiến ta không còn điểm tựa nên ta đau khổ. Trong đời sống thường ngày của con người rất nhiều cái khổ. Theo lời Đức Phật, có 8 loại khổ (bát khổ) là: sanh là khổ, bệnh là khổ, lão là khổ, chết là khổ, sống với người mình không thích là khổ, xa lìa người thân yêu là khổ, cầu mong mà không được là khổ, chính thân ngũ uẩn là khổ.
Nói tổng quát hơn, khổ được chia thành ba loại:
- Khổ khổ: là sự khổ đau xảy ra liên tiếp, chồng chất. Chúng sinh luôn khổ day dứt vì sự trái ý, bất an, mãi xảy ra, khổ này chưa vơi thì khổ kia lại đến như một vòng tròn.
- Hoại khổ: là sự thay đổi, biến động, hủy hoại gây ra khổ. Giống như cơ thể bị phá hủy bởi bệnh tật, tuổi tác chính là hoại khổ.
- Hành khổ: là sự tác động của chủ tâm trong các hành động. Do hành tạo ra thức, thúc đẩy thức tạo ra nghiệp. Cho nên trong các hành, các hiện tượng đều chứa sẵn mầm mống của khổ, gọi là hành khổ.
Tuy nhiên, suy cho cùng, căn nguyên sâu xa nhất của khổ là vô thường. Tất cả sự khổ đau cũng bắt đầu từ nội tâm bất an và sự vô minh, tham ái của chúng ta. Cho đến khi nào chúng ta biết vứt bỏ những dục vọng xấu xa, thấu được sự vô thường thì khi đó mới thoát được cái khổ.
Đạo Phật giúp các đệ tự nhận diện khổ, thúc đẩy tìm ra nguyên nhân gây khổ và sau cùng tìm thấy phương pháp diệt khổ. Chính vì lý do này, khổ đau chính là nội dung đầu tiên của Tứ diệu đế. Chỉ khi nào hiểu rõ bản chất chúng ta mới biết cách hết khổ. Chính những tham vọng, ảo tưởng về tiền bạc, danh vọng, nhan sắc,… khiến con người ngày càng chìm sâu vào sự đau khổ, không cách nào vượt lên trên con đường để đi tìm sự giải thoát.
3. Pháp ấn thứ ba: Vô ngã
Vô ngã (Anatma) là giáo lý cốt lõi của Phật giáo, cũng là giáo lý đang gây nhiều tranh cãi. Pháp ấn này là kết quả của quá trình quan sát, chiêm nghiệm một cách sâu sắc của nguyên lý duyên khởi. Vô ngã tức là “không có ta”, cũng có nghĩa là vô tự tính.
Vô Ngã được chia làm hai loại:
- Nhân vô ngã: Bản chất con người không có tự tướng. Con người chính là tập hợp của uẩn, giới, xứ. Điều này có nghĩa là con người do nhân duyên hình thành nên không mang tính ngã.
- Pháp vô ngã: Nghĩa là bản chất các Pháp cũng không có tự tướng. Nếu chúng ta hiểu được điều này thì sẽ phá trừ được Pháp chấp, đoạn diệt được Sở tri chướng.
Pháp ấn Vô thường cho ta thấy được sự vận động, thay đổi trong tự thân của sự vật và toàn thể. Còn nhìn sâu hơn qua duyên khởi, ngoài sự vận động thì bản chất của sự vật luôn mang tính không đồng nhất. Bởi mỗi sự vật, hiện tượng xuất hiện đều cần những điều kiện nhất định, có những nhân duyên kết hợp, tương tác lên đấy mà tạo thành. Vì thế, Phật dạy: “Các pháp vô ngã”.
Một chiếc lá vàng rơi nhìn đơn giản nhưng nếu nhìn sâu thì trong chiếc lá kia cũng là tập hợp của nhiều nhân duyên, là khoáng chất của đất, ánh sáng mặt trời, là nước từ mưa, từ lòng đất,… Như thế, chiếc lá nhỏ nhưng có thể chứa đầy đủ cả vũ trụ. Từ chiếc lá xanh chuyển qua lá vàng, đó là sự vận động vô thường, nhưng dù là lá xanh hay vàng thì xét về bản chất, chúng cũng được tạo thành do nhiều yếu tố (duyên khởi), chiếc lá cũng thuộc Vô ngã. Vì chúng sinh không nhận thức được tính vô ngã của vạn vật nên họ chấp thủ, tham ái từ đó sinh ra đau khổ, và phải trải qua bánh xe luân hồi.
Phật tử nhờ hiểu được Tam Pháp Ấn mà phá được ngã chấp và pháp chấp, là đoạn trừ được phiền não sau cùng sẽ đi đến sự tỉnh thức. Giác Ngộ Tâm Linh hy vọng bài viết trên sẽ giúp các bạn hiểu hơn về Phật Pháp, giúp cho việc tu học lại càng dễ dàng hơn.