Bát Chánh Đạo là một nội dung mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nhắc đến khi thuyết giảng về Tứ Diệu Đế tại vườn Lộc Uyển. Đây được xem là 8 con đường chân chính giúp chúng sinh thoát khỏi luân hồi, được về Niết Bàn. Hãy cùng Giác Ngộ Tâm Linh tìm hiểu chi tiết về giáo lý này nhé.
Nội Dung
Bát Chánh Đạo là gì?
Bát chánh đạo là một cách tu mà cả đệ tử tại gia lẫn xuất gia đều nên hiểu và thực hành bởi đây là nền tảng của chánh giác, của sự giải thoát. Tu tập theo bát chánh đạo sẽ giúp khẩu – thân – ý được thanh tịnh, từ bỏ các nghiệp chướng. Trong Phật Giáo, Bát Chính Đạo được thể hiện bằng bánh xe có 8 nan hoa. Nội dung của bát chánh đạo bao gồm 8 con đường sau đây.
1. Chánh kiến
Chánh kiến là nội dung đầu tiên của con đường đưa chúng sinh giải thoát. “Chánh” ở đây là chính đáng, đúng đắn và ngay thẳng. “Kiến” ý nói nhận thức, cách nhìn nhận. Ghép lại chúng ta sẽ hiểu “Chánh kiến” chính là những nhận thức đúng đắn, hợp lý của chúng sinh, không còn bị tà kiến, mê muội, lầm tưởng.
Chánh kiến không chỉ là “biết” mà đòi hỏi ta phải “hiểu” đến tường tận, nhìn rõ được bản chất của sự vật, sự việc. Hiểu biết chân chánh bao gồm:
- Hiểu mọi sự vật xuất hiện trên thế gian này đều do nhân duyên sinh ra, không có thứ gì trường tồn và luôn luôn biến diệt.
- Hiểu rõ sự tồn tại của luật nhân quả – nghiệp báo để có hành động đúng đắn.
- Hiểu rõ giá trị hiện hữu của thân người và mọi vật xung quanh.
- Hiểu rõ Khổ – Vô thường – Vô ngã của vạn pháp.
- Hiểu rõ tất cả chúng sanh đều có cùng một bản thể thanh tịnh.
- Hiểu rõ Tứ đế – Thập nhị nhân duyên, không chấp.
Tương tự thế, người không có chánh kiến thường sẽ không tin nhân quả, phủ nhận sự vật hiện hữu là do nhân duyên, không tin vào mọi chúng sinh kể cả người và vật đều bình đẳng,… Chính như hiểu biết không đúng này sẽ khiến chúng sinh lâm vào đường ác, ngày càng cực khổ.
2. Chánh tư duy
Chánh tư duy là nội dung thứ hai của Bát chánh đạo, có nghĩa là suy nghĩ đúng đắn, chân chánh, thuận theo lẽ phải, có lợi cho cả mình và mọi người. Người có hiểu biết đúng đắn sẽ có suy nghĩ chuẩn mực, hiểu được cuộc đời mình, biết về những thứ hư ảo tồn tại xung quanh ta, tìm được mục đích tối thượng cho cuộc sống này.
Chánh tư duy sẽ giúp ta tìm được, xác định được nguồn cội gây khổ đau cho mình và chúng sinh. Nguyên nhân đau khổ là do chúng sinh vô minh, là tham – sân – si. Từ hiểu biết đó, ta suy nghĩ, hiểu thêm về Giới Định Tuệ để tu tập, giải thoát cho bản thân mình, đạt được Niết Bàn.
Người hiểu biết không chân chánh là người chỉ nghĩ đến những lợi ích, tiền tài, danh vọng, vì những thứ hư ảo này mà trăm phương ngàn kế tìm cách hại người, lợi mình. Hay như người này tính toán, sân hận, luôn tìm cách trả thù, trả đũa người khác chính là việc làm không có tư duy đúng đắn.
3. Chánh ngữ
Nội dung thứ ba của Bát chánh đạo là chánh ngữ có nghĩa là lời nói chân thật, ngay thẳng, đúng đắn. Chánh ngữ là không nói dối, không nói lời xu nịnh, không thêu dệt, bịa chuyện, cũng không nói lời đâm chọt người khác, không nói lời ác độc, không nói lời thô tục,…
Thay vào đó, ta nên nói lời thành thật, hòa nhã, lời nói giản dị, hòa ái, nói lời mang tính tuyên dương, an ủi và động viên mọi người. Chánh ngữ cũng có nghĩa là nói lời khuyến khích, giúp người khác được mở rộng tâm giác ngộ.
4. Chánh nghiệp
Chánh nghiệp tức là những hành động sáng suốt, đúng đắn, chân chánh. Điều này có nghĩa là chúng ta nên làm điều thiện, giúp đỡ mọi người, tôn trọng sự sống của mọi chúng sinh, hành động của ta phải giữ hạnh lành, không được làm ác. Chúng ta không được làm những việc gây hại đến người khác, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không trộm cắp.
Vì thế, khi thực tập làm điều thiện lương đúng đắn sẽ giúp ta không tạo nghiệp chướng mà tăng thêm phước thiện.
5. Chánh mạng
“Mạng” ở đây mang ý nghĩa của sinh mạng, sự sống. Phật giáo nhận định rằng tất cả mọi chúng sinh đều bình đẳng như nhau. Chánh mạng có nghĩa là những công việc kiếm sống lương thiện, chính đáng, không mê tín, không bóc lột, trục lợi, xâm hại đến lợi ích cộng đồng, lợi ích của người khác. Chánh mạng khuyến khích những nghề sống bằng tài năng của chính mình, sống thanh cao và trong sạch.
Trong Bát Chánh đạo, Đức Phật khuyến khích chúng ta nên giữ gìn đời sống trong sạch, tránh xa những nghề nghiệp bất lương sau như: Buôn bán vũ khí, buôn người, đồ tể, bán thuốc độc, sát sinh thú vật để ăn thịt,… Hay như những ngành nghề mê tín, luồn cúi, dùng miệng lưỡi để giao dịch thân thiện, làm rối loạn tâm trí của người khác.
6. Chánh tinh tấn
“Tinh tấn” ở đây chính là sự siêng năng, chú tâm, cần cù của chúng ta. Chánh tinh tấn là sự cố gắng liên tục, không khi nào ngừng lại, một lòng để đi đến lý tưởng đúng đắn mà Phật đã dạy bảo. Bất kỳ ai cũng cần kiên trì, làm việc hăng say để đạt được kết quả đảm bảo như mình mong muốn. Trên con đường đi tìm giác ngộ cũng thế, chúng ta cần quyết tâm loại bỏ những thói quen xấu, lười biếng, ngăn trừ những việc ác chưa sinh, làm những việc thiện để trau dồi trí tuệ và phước lực của mình.
Những người không chuyên cần sẽ bị cuốn theo tham vọng ái dục, khoái lạc, làm tổn người hại mình, không biết cách kiềm chế bản thân trước những mê hoặc của thế gian.
7. Chánh niệm
“Niệm” tức là ghi nhớ, suy nghĩ, nhớ đến. Chánh niệm được chia thành hai yếu tố gồm chánh ức niệm và chánh quán niệm. “Chánh ức niệm” là những suy nghĩ về quá khứ, chuyện đã từng xảy ra, còn “Chánh quán niệm” lại là những suy nghĩ, ý niệm liên quan đến hiện tại, bắt đầu tương lai.
Chánh ức niệm là chúng ta nên nhớ đến ân của người khác để trả, nhớ đến lỗi lầm để sám hối, không còn để mắc vào tội đó nữa. Còn những ai chỉ nhớ đến ân oán để báo thù, hay nhớ đến những khoảnh khắc hạnh phúc tạm bợ, những lúc oai hùng hay thủ đoạn của mình để tự đắc tự mãn thì đều là ức niệm sai trái, không chân chính.
Chánh quán niệm cũng được chia thành quán niệm từ bi và quán niệm trí tuệ. Từ bi ở chỗ nghĩ thấy cảnh khổ của chúng sinh, thương xót mà tìm cách giúp đỡ, cứu vớt họ, hay như thấy lỗi lầm của mình sẽ dẫn đến cái khổ cho mình và người từ đó ráng tu học theo lời Phật dạy để chấm dứt u minh. Còn Quán niệm trí tuệ là quán niệm về nguyên nhân xuất hiện vũ trụ, oán thâm, cái gì tốt – xấu, cao – thấp, quán niệm các pháp để vững tin trên con đường giải thoát.
“Chánh niệm” thường khuyến khích thực tập bản thân ý thức được khoảnh khắc trong hiện tại, ngay tại khoảnh khắc đó. Ví dụ, khi ta đang làm việc thì tập trung hoàn toàn cho công việc, khi ta ăn cơm thì tập trung ăn cơm,… chứ không để hành động và suy nghĩ xáo trộn, làm chuyện này nghĩ chuyện kia.
8. Chánh định
“Định” mà Phật Giáo nhắc tới chính là thiền định, tập trung tư tưởng để tu tập. “Chánh định” ý muốn nói sự tập trung tư tưởng vào chân lý, những vấn đề đúng đắn, chính nghĩa, có lợi có mình cũng có lợi cho người khác.
Người thiền định chân chánh phải hiểu và thực hành các nội dung về thiền như bất tịnh quán, từ bi quán, giới phân biệt quán, sổ tức quán,… Nhờ thiền định giúp quán tâm thanh tịnh để đạt trí tuệ chứ không phải là cầu thác sinh hay luyện bùa chú, thần thông, trường sinh bất tử.
Như vậy, 8 nội dung của Bát chánh đạo có mối liên quan mật thiết với nhau, đòi hỏi chúng ta phải thực hành song song cả 8 nội dung này. Giác Ngộ Tâm Linh hy vọng bài viết trên giúp bạn hiểu được phần nào ý nghĩa của Bát Chánh Đạo – con đường đi đến trí tuệ, giải thoát mà Đức Phật luôn nhấn mạnh.