Đại sư Huệ Viễn là ai? Tìm hiểu cuộc đời của Đại sư Huệ Viễn

Đại sư Huệ Viễn được xem là người sáng lập của Tịnh Độ Tông – một môn phái lớn mạnh và được đông đảo Phật tử không chỉ ở Việt Nam mà toàn thế giới theo học. Hôm nay mời các bạn cùng Giác Ngộ Tâm Linh tìm hiểu về vị cao tăng này nhé.

Đại sư Huệ Viễn là ai? Tìm hiểu cuộc đời của Đại sư Huệ Viễn
Đại sư Huệ Viễn là ai? Tìm hiểu cuộc đời của Đại sư Huệ Viễn

1. Đại sư Huệ Viễn là ai?

Đại sư Huệ Viễn (334 – 416) thuộc dòng họ Giả, là người Đông Tấn, Nhạn Môn Lâu Phiền, (nay tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc). Tên hiệu đầy đủ của Ngài là “Lô Sơn Đông Lâm Tự Huệ Viễn Đại Sư”. Ông được miêu tả với dung mạo trang ngiêm, cương nghị, mặt to, vuông vắn, giọng êm dịu, ai trông thấy cũng kính sợ.

Ngay từ lúc bé, Ngài đã vô cùng hiếu học. Năm 13 tuổi, Ngài đến Lạc Dương cùng với cậu để học tập. Ban đầu, Ngài theo học đạo Nho, Lão, Trang. Đến năm 354, khi ấy ông đã 21 tuổi, Ngài định cùng danh nho Phạm Tuyên Tử đi ẩn cư, nhưng lại gặp cảnh chiến loạn Thạch Hồ, cướp bóc khắp nơi, đường xá không thông nên không thể đi được.

2. Quá trình xuất gia của Đại sư Huệ Viễn

Khi 21 tuổi, Huệ Viễn phát tâm xuất gia quy y cửa Phật. Lúc bấy giờ, Đại sư Đạo An đang lập chùa ở Thái Hành – Hằng Sơn để hoằng hóa chánh pháp. Vào thời bấy giờ, Đại sư Đạo An đang rất nổi tiếng, được người người kính trọng. Khi Huệ Viễn đến thăm viếng, tham vấn về Phật Giáo, Ngài nhận ra Đạo An quả thật là một bậc cao Tăng nên bái nhận sư làm thầy. Năm 365, Huệ Viễn theo Đại sư Đạo An đi đến Phàn Miến. Lúc này chiến tranh loạn lạc đang xảy ra khắp nơi, thầy trò cũng bị lạc nhau. Ngài Huệ Viễn đã dẫn đồ chúng đi lánh nạn ở phương Nam. Khi đến Tầm Dương (nay là TP. Cửu Giang thuộc Giang Tây, Trung Quốc), Ngài tìm được một nơi là Khuông Lô có rừng núi thanh tịnh, yên lặng nên đã cùng đồ chúng ở tạm tại Long Tuyền Tinh Xá. Về sau Ngài cũng xây dựng Đông Lâm Tự và ở lại đây để tu học.

Xem thêm: Xá lợi là gì?

Quá trình xuất gia của Đại sư Huệ Viễn
Quá trình xuất gia của Đại sư Huệ Viễn

Ngay từ lúc sơ học cùng thầy Đạo An, Ngài Huệ Viễn đã thể hiện rõ tinh thần ham học hỏi giáo pháp Đại Thừa. Ngài cho rằng trọng trách của hàng xuất gia là việc hoằng dương chánh pháp nên luôn phát triển dựa trên tinh thần này. Đại sư Huệ Viễn căn dặn đồ chúng, người xuất gia được xưng là Sa Môn, nghĩa là bản thân phải tự phá trừ tư tưởng hôn ám, vọng niệm, đối với chúng sanh thì luôn phải giúp đỡ, hướng dẫn họ tu học để trở về bờ giác. Ngài tự nhận thấy ở phương Nam này Phật Pháp còn chưa được hoàn bị, nên dặn đệ tử Pháp Tịnh – Pháp Lãnh tiếp tục đi tìm các vị cao Tăng cầu học hoặc sang các nước như Tây Vực thỉnh Kinh, Luật tiếng Phạn về.

Vào năm 391, Sa Môn Tăng Già Đề Bà (một vị sa môn nổi tiếng lúc bấy giờ) tới truyền giáo tại Tầm Dương, Huệ Viễn liền thỉnh vị này đến trú ngụ và thỉnh nhờ Ngài dịch bộ luận “A Tỳ Đàm Tâm”, “Tam Pháp Độ”. Đây chính là sự mở đầu cho quá trình phát triển của trường phái A Tỳ Đàm tại phương Nam sau này.

Vào năm 401 khi Ngài Sa Môn Cưu Ma La Thập đến Trường An dạy đạo, Đại sư Huệ Viễn liền đến thăm viếng và tham vấn Ngài ấy vấn đề thuộc lĩnh vực Đại thừa huyền nghĩa. Lúc này Ngài La Thập cũng tán dương và khen ngợi Huệ Viễn là người có lòng cầu học giáo pháp Đại thừa.

3. Sự nghiệp hoằng hóa Phật pháp của Đại sư Huệ Viễn

Kể từ ngày xuất gia, Ngài luôn nghĩ đến việc hoằng truyền chánh pháp. Ngài luôn đặt trên vai sứ mệnh hoằng pháp nên đã ngày đêm tu học nhằm lãnh ngộ đầy đủ kiến thức về Bát Nhã do ngài Đạo An truyền dạy. Vào mỗi dịp Ngài đăng đàn thuyết giảng Ngài luôn nhận được sự hoan nghênh và ủng hộ của đại chúng. Ngài Đạo An thấy vậy cũng khen ngợi Huệ Viễn là người đủ khả năng tiếp nhận sự nghiệp hoằng dương chánh pháp của thầy tổ, và sau này Ngài sẽ phó chúc cho Huệ Viễn kế thừa.

Đại Sư Huệ Viễn sau khi kế thừa thầy tổ, vừa nghiên cứu dịch thuật kinh điển, vừa hướng dẫn đồ chúng tu tập. Ngài còn chủ trương người tu hành cần phải hòa nhập vào xã hội, nhưng không được để tinh thần của mình bị dính vào tham vọng trần tục như danh lợi, tiền bạc,… làm ô nhiễm thân tâm.

Sự nghiệp hoằng hóa Phật pháp của Đại sư Huệ Viễn
Sự nghiệp hoằng hóa Phật pháp của Đại sư Huệ Viễn

Lúc ở Lô Sơn, Ngài cùng 123 vị đồng môn của mình là “Tây Lâm Tự Tuệ Vĩnh Sa Môn” và các Sa Môn khác đứng trước tượng Đức Phật A Di Đà, phát nguyện rộng sẽ tu học theo pháp môn Tịnh độ và nguyện vãng sanh về về giới Tây Phương Tịnh Độ. Nhờ ngộ được đạo từ pháp môn Thiền Quán Niệm Phật, mà Đại sư Huệ Viễn sáng lập Tịnh độ Tông và được xem là sư tổ của Tịnh Độ Tông.

Ngoài ra, cuộc đời Ngài còn gắn liền với sự nghiệp dịch thuật và trước tác bao gồm có “La Thập Đáp” (3 quyển), “Vấn Đại Thừa Trung Thâm Ý Thập Bát khoa”, “Pháp Tánh Luận “ (2 quyển), “Đại Trí Độ Luận Yếu Lược” (20 quyển), Du Lô Sơn Thi, Du Sơn Ký, Minh Báo Ứng Luận,… cùng nhiều tác phẩm khác. 

Đặc biệt, Ngài đã viết quyển “Sa Môn Bất Bái Vương Giả Luận” với mục đích phản kháng sự áp chế của triều đình với sa môn lúc bấy giờ. Nguyên nhân là vào năm 403 quan tể tướng tên là Hoàn Huyền đời vua An Đế cho rằng: “Thiên, Địa, Vương là ba ngôi chí tôn có trời đất để che chở, vua để trị vì trong thiên hạ, vậy Sa Môn cũng phải kính lễ đức lớn của nhà vua”. Về sau, Ngài Huệ Viễn dâng thư phản đối và viết cuốn “Sa Môn Bất Bái Vương Giả Luận” để nói lễ nghi của thế gian và người xuất thế gian khác nhau, cho nên Sa Môn không cần phải lạy vua.

Đại sư Huệ Viễn (334 – 416)
Đại sư Huệ Viễn (334 – 416)

Đại sư Huệ Viễn thị tịch năm 83 tuổi, vào năm 416 tại Đông Lâm Tự, sau hơn 30 trụ tích ở Lô sơn Hoằng dương tịnh độ. Trước đó trong quá trình tu đạo, Ngài đã ba lần được nhìn thấy thánh tướng nhưng không kể cho ai nghe. Mãi 39 năm sau, vào cuối tháng bảy, khi Ngài đang nhập định ở đài Bát Nhã, đúng lúc vừa xuất định thì nhìn thấy Đức Phật A Di Đà. Phật hiện lên giữa vầng hào quang sáng tròn rực rỡ bao trùm cả hư không cùng vô số các vị hóa Phật, mỗi vị đều có Bồ Tát Đại Thế ChíBồ Tát Quán Thế Âm đứng hầu hai bên. Lại thấy một dòng nước chảy phân thành 40 nhánh uốn lên lượn xuống, tỏa ra ánh sáng rực rỡ, phát ra âm thanh diễn thuyết pháp mầu.

Đức Phật A Di Đà dạy rằng:Ta dùng nguyện lực đến đây để giúp ông thêm tín tâm. Trong bảy ngày nữa, ông sẽ vãng sinh về Cực Lạc.” Khi ấy, ngài cũng nhìn thấy các vị Tuệ Vĩnh, Đà Da Xá, Tuệ Trì, Lưu Di Dân,… đứng hầu bên Phật. Lúc đó Ngài mới biết họ đã vãng sanh từ trước, các vị ấy thấy Ngài cũng  chắp tay mà nói: “Ngài phát nguyện trước, nhưng sao lại đến muộn thế?”. Hôm sau, Đại sư hoan hỷ nói với đồ chúng rằng:

“Ta từ khi đến tu tập ở đất này, đã ba lần nhìn thấy thánh tướng. Hôm nay lại nhìn thấy, nhất định sẽ sinh về Tịnh độ.” Như đã nói, bảy ngày sau quả nhiên Đại sư viên tịch trong tư thế tĩnh tọa. Nhà vua An Đế nhà Tấn lúc ấy hay tin đã vô cùng thương tiếc, truy tặng danh hiệu “Lô Sơn Tôn Giả, Hồng Lô Đại Khánh, Bạch Liên Xã Chủ” cho Ngài.

Giác Ngộ Tâm Linh vừa giúp bạn tìm hiểu về đại sư Huệ Viễn. Ngài là một nhân vật lịch sử có thật của Trung Quốc. Điều này đủ để thấy trong Phật Giáo thực sự có nhiều tấm gương, nhiều vị cao tăng đáng để chúng ta học hỏi và càng thêm tin tưởng.