Đại sư Đạo An được xem là người sáng lập ra tín ngưỡng thờ Phật Di Lặc tại Trung Quốc. Điều này đủ để thấy Ngài là một nhân vật có sức ảnh hưởng đến Phật Giáo Trung Quốc. Mời các bạn cùng Giác Ngộ Tâm Linh tìm hiểu chi tiết về xuất thân và những câu chuyện kỳ bí về đại sư này nhé.
1. Đại sư Đạo An là ai?
Đại sư Ðạo An (312–385) thuộc dòng họ Vệ – Danh Tăng, ông sinh vào thời Ðông Tấn – người ở Phủ Thường Sơn (nay là tỉnh Hà Bắc – Trung Quốc). Cha mẹ Ngài qua đời từ sớm, khi ông còn rất nhỏ, được một người họ Khổng nhận làm làm con nuôi. Năm ông 7 tuổi được nghĩa phụ cho đi học chữ, theo sự tích kể lại thuở ấy Đạo An chỉ cần đọc 2, 3 lần là có thể đọc thuộc lòng quyển sách ấy mà không sai chữ nào. Mọi người đều gọi ông là “thần đồng”.
Khi 12 tuổi, Ðạo An phát tâm xuất gia theo học Phật, tuy bẩm chất thông minh, nhanh nhẹn, nhưng tướng vừa gầy vừa đen, nên Thầy chỉ cho Ðạo An đi làm ruộng cùng vài vị Tăng lớn tuổi trong chùa mấy năm liền. Tuy có chút buồn khi bị Thầy cho đi làm công việc này nhưng mỗi ngày ông đều thức khuya dậy sớm làm lụng chăm chỉ, dưỡng tính, giữ giới, không cho tâm phóng túng. Tiếp đó vài năm sau, Ðạo An được giao cho làm vườn quanh chùa.
Một lần Ðạo An xin Sư phụ mượn kinh thư để đọc, sư bèn trao cho ông bộ “Biện Ý Kinh” (khoảng 5.000 chữ). Mượn được kinh, Ðạo An đến ngồi ngay ngắn dưới gốc cây trong vườn chùa chăm chú đọc sách. Ðến tối, Ðạo An đã đọc xong ông cung kính quỳ xuống mà gửi lại kinh sách cho Sư và xin mượn bộ khác. Sư phụ thấy thế bèn cười nói: “Sáng nay mượn kinh đọc còn chưa xong, huống gì nói đến việc học thuộc. Giờ mượn nữa để làm gì?”. Ðạo An kính cẩn thưa rằng: “Bộ “Biện Ý Kinh” con đã đọc hết rồi và cũng đã thuộc”.
Tuy có chút nghi ngờ nhưng Sư nghe nói thế cũng trao cho Ðạo An một bộ khác tên là “Thành Cụ Quang Minh Kinh” (khoảng 10.000 chữ). Ngày hôm sau, lại y như lần đầu Đạo An cũng gửi lại kinh cho Sư phụ và lại hỏi mượn tiếp quyển khác. Khi Sư phụ tiếp nhận bộ kinh rồi, Ðạo An giữ nguyên tư thế cung kính mà đọc không sót chữ nào trong kinh.
Xem thêm: Xá lợi là gì?
Chẳng lâu sau, Ðạo An thọ Cụ túc giới và được sư thầy cho đi du học khắp nơi. Cuối cùng, Ngài được diện kiến và theo học cùng Phật Ðồ Trừng, được Phật Ðồ Trừng hết sức coi trọng, cùng nhau trao đổi sở học, luận bàn kinh điển. Thấy vậy, nhiều người trong chùa cười chê Ðạo An. Biết được tâm niệm đó của họ, Phật Ðồ Trừng nhóm chúng đó lại mà nói rằng: “Ðạo An tuy diện mạo không đẹp, nhưng kiến thức thì uyên bác vô cùng, trong chúng không ai sánh bằng, các ông không nên coi thường mà chế nhạo”. Sau đó, Phật đăng đàn thuyết pháp, nhờ Ðạo An vì chúng Tăng thuật lại. Không phụ sự tin tưởng, Ngài Ðạo An thuật lại trọn vẹn, không sót một câu nào, còn giúp đại chúng giải thích những nghi vấn. Bấy giờ, mọi người mới thực sự tâm phục khẩu phục, viết một hàng chữ lớn trước chùa: “Thế Tăng Nhân, Kinh Tứ Lân” (Tạm dịch: Vị Tăng chăm chú bậc nhất, làm kinh động các nước láng giềng) để ca ngợi Ðạo An Ðại Sư.
Đến khi chiến loạn ở nước Tấn xảy ra, mọi người bỏ nhà đi lánh nạn, Ðạo An hai lần chia đại chúng cùng mình đi đến những vùng đất khác để hoằng dương chánh pháp. Các chuyến đi này đã tạo nên sức ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Phật Giáo Trung Quốc sau này.
2. Những câu chuyện về Đại sư Đạo An
Tương truyền, trong một lần Ðạo An cùng Huệ Viễn dẫn dắt 400 đệ tử vượt sông, đi mãi vẫn không tìm được nhà dân, cuối cùng mới gặp một ngôi nhà. Trước nhà đó trồng 2 cây Mã Liễu, giữa hai cây treo một cái nón ngựa, trong đó có chứa một cái hộc đựng đầy lương thực. Ðạo An bèn gọi với vào trong: “Lâm Bá Thăng thí chủ”. Chủ nhà nghe thấy tiếng lạ, đi từ trong nhà ra; Ðạo An Ðại Sư lại gọi thêm một tiếng: “Lâm Bá Thăng thí chủ”. Chủ nhà vô cùng ngạc nhiên, tự nghĩ sao chưa bao giờ gặp mặt nhau bao giờ mang người này lạ biết chính xác tên mình. Ông cho rằng mình gặp được Thần Tăng, bèn thỉnh Ðạo An cùng chúng Tăng vào nhà tiếp đãi nồng nhiệt đến khi Ðạo An ra đi.
Sau việc này, đồ chúng hỏi Đại sư Ðạo An tại sao lại biết đích danh thí chủ kia, Ngài bèn cưới mà đáp: “Trước cổng nhà kia có trồng hai cây tức là hai chữ “Mộc”, hợp hai chữ “Mộc” lại tức thành chữ “Lâm”, ở giữa có treo cái hộc, một hộc là mười đấu, mười đấu là 100 thăng (một trăm thăng tức bá thăng) nên góp lại gọi là Lâm Bá Thăng”. Mọi người nghe vậy đều vui cười, càng thêm kính phục.
Đại sư Ðạo An tính tình thông đĩnh, nghe rộng nhớ lâu, lại được Danh sư (Phật Đồ Trừng) dạy dỗ, chăm chỉ, không quản ngại việc tụng học, nghiên cứu kinh điển nhà Phật. Về sau, Ngài đến chùa Ngũ Trùng ở Trường An phó kinh, vì chúng Tăng mà truyền dạy, diễn giải những nghĩa lý thâm thúy về Phật Giáo. Ðồng thời Ngài cũng tham gia chủ trì phiên dịch kinh Phật, cùng sư đệ Pháp Hòa giúp ghi chép. Một số bản kinh Ngài tham gia phiên dịch như: “A Hàm Kinh”, “Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ”,… Và đọc tất cả các bộ kinh, luận thư, viết chú thích: “Ðạo Hạnh Phẩm Kinh”, “An Ban Thủ Ý Kinh”, “Nhân Bản Dục Sanh Kinh”,… Tất cả gồm 24 quyển, những lời chú thích vô cùng phong phú mà văn phong lại dễ hiểu, mộc mạc, chân phương. Hai mươi tư quyển kinh, luận Phật giáo này được tập hợp thành bộ “Kinh Ðiển Mục Lục”.
Trong quá trình tu tập của Ngài, Ðạo An đã thu nhận đệ tử xuất gia, quy y cửa Phật. Trong đó có Đại sư Huệ Viễn, người được xem là Sơ tổ của Tịnh Độ Tông. Ngài chủ trương xóa bỏ tên đời thường của họ, lấy họ “THÍCH” của Phật Tổ (Phật Thích Ca Mâu Ni) để gọi cho hàng xuất gia. Chủ trương này nhanh chóng lan rộng và ảnh hưởng sâu rộng không chỉ ở Trung Quốc mà còn với các nước theo Phật Giáo Ðại Thừa và duy trì đến tận ngày nay.
Ngoài ra, Ngài cũng hết mực để tâm đến việc tạc tượng Phật. Khi được Thứ Sử Lương Châu – Dương Hoằng Trung tặng một vạn ký đồng đỏ để làm trục thuyền và mui thuyền, Đại Sư Ðạo An đã kiến nghị hãy dùng số đồng này đúc tượng Phật. Người ta đã dùng lượng đồng ấy đúc một tượng Phật cao lớn 1 trượng 6 thước. Lúc này, Ðại Sư vui mừng nói: “Tượng Phật sớm thành, Ðạo An tịch cũng được rồi”. Sau đó, Ngài còn cho đúc thêm tượng Phật Di Lặc cao 7 thước đặt trước phủ Tần Vương và sai đệ tử sang Tây Trúc thỉnh xá lợi Phật Tổ về tôn thờ, lễ bái.
Đại sư Ðạo An không chỉ có kiến thức thâm sâu về Phật Giáo, ông còn dịch kinh viết luận, học hỏi về sử học, văn vật. Thời ấy, tại huyện Lam Ðiền xuất hiện một cái đĩnh lớn, có thể chứa được 27 hộc, trên đĩnh có ghi một bài minh văn cổ, không ai hiểu được. Người ta bèn thỉnh Ðạo An Ðại Sư đến xem. Ðại Sư xem kỹ rồi nói: “Ðây là một bài minh viết bằng chữ triện cổ, bài minh nói rằng cái đĩnh này thuộc thời nhà Lỗ, được đặt tại nơi công sở để thu thuế mỗi năm” và đọc một mạch bài minh ấy.
Một lần khác, có người bán ra một cái hộc đồng rất đẹp mắt, có các hoa văn được điêu khắc tinh xảo. Trên đó cũng có khắc một bài minh văn mà không ai đọc được, lại thỉnh Ðạo An đến giảng giải. Ông xem xong bèn nói: “Bài minh này ghi rằng: đây là dụng cụ thống nhất để cân đong, mọi cái hộc khác phải tuân theo chuẩn này”. Mọi người thời bấy giờ ai ai cũng kính phục cho đến các học sĩ trong triều cũng đến gặp Ngài để hỏi thêm các vấn đề học thuật. Chính vì thế, Kinh đô Trường An xuất hiện câu truyền tụng: “Học bất sư An, nghĩa bất trung nan”. Nghĩa là về học thuật, nếu không thỉnh giáo Ðạo An Ðại Sư, làm sao có thể mở mang tri kiến, nắm bắt tinh túy.
Mồng 8 tháng 2 năm 385, đại sư Thích Ðạo An nhập diệt. Lúc sanh tiền Ðạo An hết mực tôn sùng, học hỏi phẩm đức của ngài Cưu Ma La Thập, nhưng chính Ngài Cưu Ma La Thập cũng vô cùng kính trọng Ðạo An Ðại Sư gọi ông là “Ðông Phương Thánh Nhân”.
Đại sư Đạo An được biết đến là một nhận vật quan trọng trong Phật Giáo Trung Quốc nói riêng và Phật Giáo Đại Thừa nói chung. Hy vọng qua bài viết trên Giác Ngộ Tâm Linh đã giúp bạn biết thêm một tấm gương sáng trong con đường đi tìm giác ngộ.