Lễ Vu Lan Báo Hiếu là gì? Ý nghĩa ngày Lễ Vu Lan Rằm tháng 7

Lễ Vu Lan Báo Hiếu là một trong những đại lễ lớn và quan trọng của Phật Giáo được tổ chức vào Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu lễ Vu Lan Báo Hiếu là gì, nguồn gốc cũng như ý nghĩa của lễ này. Hôm nay, Giác Ngộ Tâm Linh sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đại lễ này nhé.

Lễ Vu Lan Báo Hiếu là gì? Ý nghĩa ngày Lễ Vu Lan Rằm tháng 7
Lễ Vu Lan Báo Hiếu là gì? Ý nghĩa ngày Lễ Vu Lan Rằm tháng 7

1. Lễ Vu Lan Báo Hiếu là gì?

Lễ Vu Lan là một trong những đại  lễ quan trọng nhất của Phật giáo, được tổ chức vào ngày rằm tháng Bảy âm lịch để tưởng nhớ ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và tổ tiên. Lễ Vu Lan trong Phật Giáo bắt nguồn từ sự tích Ngài Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát cứu mẹ mình ra khỏi địa ngục. Từ đó về sau, lễ Vu Lan trở thành ngày lễ để con cháu trong nhà tưởng nhớ công ơn của bố mẹ, tổ tiên, đồng thời làm nhiều việc thiện để hồi hướng lấy phước báu giúp đỡ cho những người thân đã mất sớm được siêu thoát. 

Lễ Vu Lan của Phật giáo cũng phù hợp với tinh thần uống nước nhớ nguồn và tín ngưỡng thờ tổ tiên của người dân Việt. Mỗi năm, cứ đến tháng 7 các chùa Phật Giáo sẽ tổ chức các hoạt động tôn vinh cha mẹ và tổ tiên như dâng hương hoa, pháp thoại thuyết giảng ý nghĩa Vu Lan báo hiếu và sự tích Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ để nhắc nhở các Phật tử. Ngoài ra, các chùa còn tổ chức lễ cầu siêu hay tổ chức các buổi tụng kinh Vu Lan để con cháu hồi hướng công đức cho gia tiên.

2. Nguồn gốc của Lễ Vu Lan Báo Hiếu

Nguồn gốc của Lễ Vu Lan Báo Hiếu
Nguồn gốc của Lễ Vu Lan Báo Hiếu

Lễ Vu Lan Báo Hiếu trong Phật Giáo xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên xuống địa ngục cứu mẹ. Ngài Mục Kiền Liên là một trong 10 vị đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni, đây là một nhân vật có thật trong lịch sử. 

Theo kinh “Vu Lan”, khi Ngài đã đạt được thần thông, Ngài nhớ đến mẹ của mình khi còn sống đã phạm nhiều ác nghiệp nên Ngài đã dùng tuệ nhãn tìm khắp nơi và thấy mẹ mình trong địa ngục. Thấy mẹ mình chịu cảnh làm quỷ đói nên Ngài bèn bưng cho mẹ một chén cơm. Tuy nhiên, do mẹ của Ngài còn quá nhiều ác nghiệp nên cơm vừa đưa đến miệng đã biến thành lửa nóng rực, khiến bà đau đớn. Nhận biết dù có sức thần thông cũng không thể cứu mẹ, Tôn giả Mục Kiền Liên đã quay về hỏi Đức Phật.

Đức Phật dạy rằng cho dù ông có sức thần thông thì cũng không thể tự cứu mẹ, chỉ duy có sự hợp lực của chư tăng khắp nơi, sau 3 tháng cùng tập trung chú nguyện, hồi hướng cho bà thì mẹ Ngài mới được hóa giải nghiệp chướng, thoát khỏi cảnh khổ. Mục Kiền Liên vâng lời, làm theo lời Đức Phật, cùng với chư tăng làm lễ cúng ngày Rằm tháng 7. Sau đó, mẹ của Ngài đã được giải thoát khỏi địa ngục. Đức Phật cũng dạy rằng những ai muốn báo hiếu cho cha mẹ, giúp cha mẹ được giải thoát hãy theo cách này, từ đó, Lễ Vu Lan ra đời vào tháng 7 hàng năm.

Xem thêm: Lễ cúng Rằm tháng 7 cần những gì?

3. Ý nghĩa của Lễ Vu Lan Báo Hiếu

Ý nghĩa của Lễ Vu Lan Báo Hiếu
Ý nghĩa của Lễ Vu Lan Báo Hiếu

Lễ Vu Lan Báo Hiếu là một ngày đại lễ trang nghiêm nhất của đạo Phật. Trong ngày này, các Phật tử thường đến chùa để cầu phúc cho cha mẹ và cầu nguyện cho những người ông bà, tổ tiên, những người đã khuất. Đặc biệt giữa cuộc sống bộn bề như ngày nay, đây cũng là dịp để con cháu gần gũi với bố mẹ, gia đình hơn. Đây là dịp để con cháu trong nhà, nhất là các Phật tử thể hiện lòng hiếu thảo tưởng nhớ đến những người thân.

Vào các buổi Lễ Vu Lan, người ta cài những bông hồng lên áo để tưởng nhớ công ơn của mẹ, hoa hồng đỏ tượng trưng cho những người con mẹ, hoa hồng trắng là những người mất mẹ. Thêm một dịp để mỗi đệ tử Phật Giáo thấm nhầm thêm về chữ “Hiếu” mà Đức Phật luôn nhắc tới. Hiếu đạo ở đây không chỉ là với người thân còn sống mà còn với những người đã khuất.

4. Những điều cần làm trong ngày Lễ Vu Lan Báo Hiếu

Những điều cần làm trong ngày Lễ Vu Lan Báo Hiếu
Những điều cần làm trong ngày Lễ Vu Lan Báo Hiếu

Để bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với người thân trong gia đình và gia tiên đã khuất, chúng ta nên làm những việc sau:

4.1. Dành nhiều thời gian hơn cho gia đình

Giữa cuộc sống bộn bề, hãy cố gắng dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Một bữa cơm tuy đơn giản, nhưng cũng đủ làm cho mình và gia đình kết nối gần hơn, bố mẹ, ông bà vui vẻ hơn. Nhất là những người đi xa, hãy cố gắng về nhà một hôm, thắp lên bàn thờ nén hương thơm thành kính và dành thời gian ăn cơm cùng gia đình. 

Đừng quên tặng những món quà đơn giản theo sở thích của bố mẹ, ông bà hay tặng những món quà để chăm sóc sức khỏe của gia đình mình. Những món quà nhỏ nhưng cũng sẽ tạo niềm vui và hạnh phúc to lớn cho gia đình. 

4.2. Đi chùa cầu bình an cho cha mẹ

Hàng năm, cứ vào Rằm tháng 7 các chùa đều tổ chức Lễ Vu Lan Báo Hiếu, là dịp để các Phật tử noi theo tấm gương của Bồ Tát Mục Kiền Liên hiếu thảo với cha mẹ. Nhân dịp này chúng ta có thể lên chùa để cầu an, cầu phúc cho cha mẹ được khỏe mạnh, trường thọ.

Đi chùa cầu bình an cho cha mẹ
Đi chùa cầu bình an cho cha mẹ

Đối với những người đã mất chúng ta sẽ đọc tụng kinh chú, làm lễ phóng sinh để hồi hướng công đức đó giúp “Cửu huyền thất tổ” những ai còn ở trong chốn khổ được siêu thoát. Vào tháng 7 các chùa cũng sẽ thường tổ chức đọc tụng kinh điển (ví dụ như: Kinh Vu Lan, Kinh Địa Tạng,..) để con cháu đến trì tụng cầu phước cho gia tiên. Các lễ thả đèn hoa đăng hay trao hoa hồng được tổ chức vào rằm tháng 7 hàng năm để gợi nhớ về công ơn của cha mẹ.

4.3. Làm mâm cơm cúng ngày Lễ Vu Lan Báo Hiếu

Vào rằm tháng 7 hàng năm đừng quên dâng lên bàn thờ gia tiên để nhớ về cửu huyền thất tổ của gia đình. Nhiều nơi bày các mâm cơm mặn theo những món yêu thích của ông bà, tổ tiên, tuy nhiên Giác Ngộ Tâm Linh vẫn khuyến khích các bạn nên làm mâm cúng chay, ngũ quả,… Bởi Đức Phật cũng đã từng nói, người chết đã không siêu thoát được vì còn vướng ác nghiệp, nếu sát sinh làm cơm cúng lại càng mang thêm nghiệp cho họ, khiến cho họ càng khó siêu thoát hơn.

Làm mâm cơm cúng ngày Lễ Vu Lan Báo Hiếu
Làm mâm cơm cúng ngày Lễ Vu Lan Báo Hiếu

Ngoài mâm cúng gia tiên, vào Lễ Vu Lan người ta còn làm thêm mâm cúng ngoài trời gọi là cúng chúng sinh, để cúng cho cô hồn dã quỷ lang thang không nơi nương tựa. Mâm cơm cúng này để tỏ lòng từ bi, nhân ái, giúp đỡ những vong linh đáng thương, nhờ thế mà gia chủ cũng có được phước báo.

Xem thêm: Hình ảnh đẹp về ngày Lễ Vu Lan

Giác Ngộ Tâm Linh đã giúp bạn hiểu rõ hơn về Lễ Vu Lan Báo Hiếu là gì? Hiểu được ý nghĩa của đại lễ, mỗi một Phật tử càng thêm tin sâu vào nhân quả, và luôn ghi nhớ về đạo hiếu, sự biết ơn để luôn sống đúng, sống đẹp. Mỗi người con phải có trách nhiệm báo hiếu, lo lắng cho hai vị Phật sống trong nhà, chính là cha và mẹ, người luôn hi sinh tất cả vì chúng ta.