Lục Độ Ba La Mật là pháp tu của hàng Bồ Tát, cũng được biết đến là phương tiện để đưa chúng sinh qua bờ giác ngộ. Đây là mật hạnh và cũng là đại hạnh của các vị Bồ Tát. Mời các bạn cùng Giác Ngộ Tâm Linh tìm hiểu chi tiết về vấn đề này nhé.
Lục Độ Ba La Mật Đa là pháp đối trị cho những chướng ngại tinh thần như: giận dữ, tham lam, ganh tị, lười biếng,… giúp chúng sinh nhận ra bản tính thanh tịnh, Phật tính, chân tâm của mình. Nhờ thế mà hướng tới con đường giác ngộ chân chính và trọn vẹn. Cụ thể, Lục Độ Ba La Mật bao gồm:
Nội Dung
1. Bố thí ba la mật
Bố thí là lòng sẵn sàng cống hiến, chia sẻ, cho đi những thứ mà người khác đang cần. Bố thí được chia làm 3 kiểu là:
- Tài thí: bố thí tài sản, tiền bạc, vật chất.
- Pháp thí: dùng lời nói để giúp đỡ, giáo hóa cho người đó trí tuệ, đạo đức, hướng tới cái thiện, bỏ đi cái ác.
- Vô úy thí: là giúp đỡ người khác bằng lời nói hoặc việc làm để họ không còn sợ hãi, có được cảm giác bình an. Ví dụ như người đang gặp khó khăn, người sợ hãi vì bệnh tật thì chúng ta nên an ủi, động viên họ thì đó chính là bố thí.
Cho nên có thể nói, bố thí chính là buông xả, vừa đem lại lợi cho người khác vừa đem lợi cho chính mình. Đối với chúng ta, bố thí chính là một cách để lan tỏa tình thương, giúp mình có thêm giá trị và ý nghĩa giữa xã hội này, đem lại nhiều niềm vui. Nếu chúng ta bố thí bằng chính cái tâm của mình, ta sẽ cảm nhận được rất nhiều niềm vui, sự an nhiên tự tại lạ thường.
2. Trì giới ba la mật
Trì giới là nội dung thứ 2 trong Lục Độ Ba La Mật, trì giới gồm có 3 mức độ là:
- Nhiếp luật nghi giới: nghĩa là giữ nghiêm giới luật, giữ gìn oai nghi, khiến mọi người sinh lòng kính trọng, quý mến, từ đó sẽ cảm hóa, thu phục họ.
- Nhiếp thiện pháp giới: nghĩa là dùng nhiều phương thức để giúp đỡ những người đang gặp khó khăn, thu phục tâm lý của người đó. Đây được xem là lợi tha, muốn làm được thế Bồ Tát phải có kiến thức trên nhiều phương tiện.
- Nhiêu ích hữu tình giới: được xem là đỉnh cao của Trì giới vì Bồ tát phát nguyện sẽ hóa độ tất cả chúng sinh trong pháp giới. Vì sao làm được điều này? Vì tất cả chúng sinh đều có Phật tính, đều có chủng tử của giác ngộ, chẳng qua chúng sinh đang bị sự vô minh che lấp. Bồ Tát sẽ dùng các phương thức khác nhau để khơi dậy hạt giống này, tạo điều kiện để chúng sinh được giác ngộ.
Xem thêm: Bồ Tát Quán Thế Âm là ai?
3. Nhẫn nhục ba la mật
Nhẫn nhục nói theo ý nghĩa của người bình thường là khả năng chịu đựng, chống chịu mọi sự nhục nhã, mọi sự khó khăn. Nhẫn nhục trong đạo Phật là không khởi tâm niệm khi tiếp xúc với duyên xúc cảnh. Tâm Bồ Tát dù nghe hiểu, dù thấy hết mọi sự nhưng lại chẳng dao động, cũng chẳng chấp trước.
Ngày xưa, các vị tổ sư còn tạo ra các nghịch cảnh, nghịch duyên để thử thách các đệ tử của mình, đi vào rừng thiêng nước độc để khổ tu. Có một quan điểm nghe hơi trái ngược của các nhà thiền hành đó là không sợ thất bại, mà lại sợ thành công. Bởi cây cối mọc trên đất đai cằn cỗi thì rễ lại đâm sâu, nên gốc cây chắc chắn, ngược lại đất đai màu mỡ cây lớn nhanh nhưng chưa chắc rễ đã phát triển. Do đó có thể nói, nhẫn nhục ba la mật giúp ta vững tin, mạnh mẽ hơn, khi vượt qua thử thách mà tâm thành không lung lay thì đó mới là công phu.
Người có được nhẫn nhục ba la mật, sẽ biết cách khắc phục và kiềm chế bản thân khỏi sự tham, sân, si, kiên nhẫn và khoan dung hơn. Trong cuộc sống, họ sẽ càng thêm vững vàng, dũng cảm. Họ dám đương đầu với khó khăn, biết cách vượt qua trở ngại.
4. Tinh tấn ba la mật
Tinh là sự chuyên tâm, không xen tạp những thứ khác, tấn là sự tiến tới, siêng năng. Việc tu tập, thực hành hạnh Bồ Tát phải chuyên tâm, chăm chỉ và đòi hỏi sự tập trung đó gọi là tinh tấn. Nhưng thế nào là tinh tấn ba la mật?
Thiền sư Huyền Giác đã nói rằng: “Sá gì tinh tấn hướng ngoài khoe”. Nghĩa là việc tu tập là cho bản thân, chứ không phải là mục đích hướng ra ngoài để khoe khoang cho người ta thấy. Không phải cứ thấy đông người là mình tỏ vẻ chăm chỉ tu tập, còn không có ai thì mình chểnh mảng, như vậy là chấp tướng, giả dạng, chứ không phải là tinh tấn. Chúng ta vốn có trí tuệ, nhưng phải tinh tấn rèn luyện thì trí tuệ mới phát sinh, tăng thêm, một chút lười biếng sẽ đi đến sự ngu dốt.
Muốn được tinh tấn ba la mật, tinh tấn thường xuyên thì đòi hỏi người tu phải có ý chí và nghị lực cực kỳ mạnh mẽ và vững vàng. Chúng ta tu càng tiến bộ, thì ngũ uẩn, lục trần lại càng công phá mạnh mẽ, các ma vương đến quấy nhiễu người tu, nếu không có ý chí, có sự tinh tấn sẽ rất dễ đi nhầm đường hay bỏ cuộc. Vậy nên, trong Lục Độ Ba La Mật, sự tinh tấn cũng vô cùng quan trọng.
5. Thiền định ba la mật
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trước khi thành đạo, Ngài đã thiền định suốt 49 ngày đêm dưới gốc cây bồ đề. Nhờ thiền mà Ngài dứt sạch được sinh tử, chứng được quả Bồ Đề Vô Thượng. Sau này, các đệ tử của Ngài cũng nhờ thiền mà chứng được nhiều quả lành khác nhau, không còn chịu sự luân hồi nữa. Cho nên Phật Giáo luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của thiền định.
Thiền là bên ngoài không còn dính vào các pháp, định là ổn định tâm mình, không để xáo trộn, dao động. Thiền định không chỉ là khi ngồi thiền, mà còn là sự tự tại, an bình tại mọi nơi, kể cả là phong ba bão táp, nghịch cảnh. Trong xã hội này, con người thường bị xoay quanh những thứ như tiền tài, danh vọng,… khiến bản thân dễ bị bệnh về tinh thần. Thì thiền định chính là phương pháp cực kỳ hữu hiệu để giúp chúng ta thoát khỏi cảnh này.
Trong thiền, nhà sư đã nói rằng: “Gặp Phật giết Phật, gặp ma giết ma” để nhắc nhở các hành giả không chấp trước vào cảnh giới sở chúng, bởi đó là do tâm ta biến hiện ra. Học theo hạnh Bồ Tát là tu theo tinh thần vô sở cầu, vô sở đắc, không ưa thích niết bàn, cũng không chán ghét địa ngục.
6. Trí tuệ ba la mật
Đạo Phật là đạo giác ngộ, do đó chúng ta nên xem giác ngộ là sự nghiệp, đích đến cuối cùng. Người tu theo pháp môn nào cũng nên đặt trí tuệ lên hàng đầu.
Trí tuệ ba la mật hay còn được gọi là Bát Nhã Ba La Mật là trí tuệ của các hàng Bồ Tát đã hiểu được chân tướng của vạn pháp. Nhờ trí tuệ rộng lớn, các vị ấy có thể thiết kế, bày biện trăm nghìn phương chước để cứu vớt, giáo hóa theo căn cơ, sở thích của chúng sinh. Trí tuệ được chia làm ba cấp bậc gồm:
- Văn tự Bát nhã: Đây là giai đoạn đầu, căn bản dành cho người sơ cơ. Chúng ta nên học kinh, hiểu lời Phật dạy, sau đó ngẫm nghĩ, đối chiếu với bản thân và xã hội thực tại để hiểu những lời giáo hóa ấy. Trí tuệ này phát sinh từ việc nghe hiểu, sau đó tự mình phân tích.
- Quán chiếu Bát Nhã: Bồ Tát Quán Âm khi thực hành Bát Nhã Ba La Mật, ngài nhận thấy ngũ uẩn đều không, nên vượt qua hết tất cả khổ nạn. Do đó, đệ tử tu theo Ngài cần hiểu thân tâm này là do các nhân duyên hợp lại nên tạm có, đủ duyên thì thành, hết duyên thì thành không. Không chỉ thân tâm mà tất cả vạn pháp trên thế gian đều như thế.
- Thực tướng Bát Nhã: Bồ Tát thấu rõ tính không của vạn pháp không phải do tư duy, suy luận mà vì Ngài có trí tuệ bát nhã. Ngài nhận thấy các chân lý này không phải ở một thế giới xa xôi hay ở khoảnh khắc nào xa xôi mà ngay chính tại trần gian này.
Có thể nói Lục Độ Ba La Mật không chỉ là đi đến giác ngộ, bởi Bồ Tát không chỉ là an vị tại bờ giác mà trong quá trình hoàn thiện bản thân, Bồ Tát còn giúp đỡ và cứu độ chúng sinh. Kính ngưỡng, tin tưởng các hàng Bồ Tát, học theo hạnh nguyện của các vị thì chúng ta càng nên cố gắng thực hành Lục Độ Ba La Mật. Giác Ngộ Tâm Linh chúc các bạn đồng tu sẽ vững bước trên con đường tu học Phật Giáo.