Quy y Tam Bảo được xem là một nghi lễ quan trọng, một cột mốc đánh dấu chúng ta là một Phật tử thực thụ. Để hiểu rõ hơn trước khi thực hiện nghi thức này, mời các bạn cùng Giác Ngộ Tâm Linh tìm hiểu về định nghĩa quy y cũng như các vấn đề khác của quy y nhé.
Nội Dung
1. Quy y Tam Bảo là gì?
Quy y gọi đầy đủ chính là Quy y Tam Bảo, đây là một cụm từ thường dùng trong Phật giáo, dành cho các đệ tử, phật tử,… Quy mang ý nghĩa là quay về, một lòng tin theo. Trong câu xá luận quyển thứ 14 đã nói rằng: “Nghĩa của quy y là gì? Là cứu tế, vì nương vào đó mà người ta có thể vĩnh viễn thoát khỏi được mọi khổ ách”. Tam Bảo ở đây chính là 3 ngôi báu lớn trong Phật Giáo bao gồm: Phật, Pháp, Tăng.
- Quy y Phật: Phật là đại diện cho sự giác ngộ, Ngài giúp chúng sinh nhận ra Phật tính trong bản thân mình, hiểu được sự vô thường và vô ngã. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không thể trực tiếp giúp ta giác ngộ, nhưng dựa theo sự dẫn dắt của Ngài, học hỏi theo hành động, lời nói của Ngài để đi đến sự giác ngộ.
- Quy y Pháp: Pháp (Dhamma) là lời dạy của Đức Phật, các lời giảng của Ngài được ghi chép thành kinh sách, gồm ba dạng là: Giáo Pháp, Thực Hành và Chứng Ngộ. Bất kỳ ai khi đọc hiểu được nội dung của Pháp sẽ đi đến được giác ngộ.
- Quy y Tăng: Tăng đoàn là từ dùng để chỉ các sư ni, sư thầy của đạo Phật. Chúng sinh có thể nương tựa vào họ vì để thành tăng, ho đã loại bỏ một phần hoặc hoàn toàn phiền não. Khi Đức Phật không còn tại thế, tăng chính là tấm gương để các đệ tử có thể noi theo, là ánh nến sáng soi rõ cho chúng sinh.
Người quy y sẽ đem bản thân mình nương gửi nơi Phật, tu học theo Phật, làm theo những lời Đức Phật dạy, sự hướng dẫn của chư Tăng. Quy y không có nghĩa là xuống tóc, xuất gia mà là một dấu ấn xác nhận chúng ta đang bước trên con đường tu học, hướng thiện và tránh xa cái ác.
Xem thêm: Xá lợi là gì?
2. Thệ nguyện quy y Tam Bảo
Phật tử sau khi quy y Tam Bảo thì phải đặt mình vào con đường tu học của Phật, bởi bạn đã trở thành một Phật tử chân chính. Trước và sau khi làm lễ, các sư thầy sẽ luôn nhắc bạn kỹ một vấn đề đó là Phật tử đã quy y Tam Bảo thì phải giữ ngũ giới. Năm giới này chính là:
- Không trộm cắp: Phật Giáo khuyến khích sự giản dị, đơn giản, bởi tất cả những thứ như tiền bạc, sự nghiệp, danh vọng đều là vô thường. Chúng sinh nào bị cuốn theo những thứ này mà làm những hành động gian dối, đánh mất bản tính lương thiện, chân thật của mình là đang trái lời Phật dạy.
- Không sát sinh: Phật Giáo quan niệm rằng tất cả chúng sinh trên thế giới đều bình đẳng. Mình gieo nghiệp sát sinh thì đời khác chúng sinh ấy lại đến đòi mạng mình. Như vậy thì kiếp này đến kiếp khác cứ như một vòng luẩn quẩn, không thể nào thoát khỏi luân hồi được.
- Không tà dâm: Điều này có nghĩa là tuân thủ chuyện một vợ một chồng, không ngoại tình, không thủ dâm, vợ chồng thân mật ở nơi phù hợp và có tiết chế.
- Không nói dối: Người quy y Tam Bảo không nên nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói lời xu nịnh, tâng bốc,… Vì những điều này sẽ tạo thành khẩu nghiệp.
- Không uống rượu: Đạo Phật không cho đệ tử dính đến các chất gây nghiện như rượu, bia, chất kích thích,… Những điều này không chỉ gây tổn hại cho chúng sinh đó, mà con ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.
Với nhiều Phật tử, giữ gìn cả 5 giới cũng khá khó, nhưng các sư tăng thường khuyến khích Phật tử quy y giữ được ít nhất 2 trong 5 giới. Nếu quý vị nào tinh tấn, giữ được càng nhiều giới càng tốt.
3. Những lời khuyên khi quy y Tam Bảo
Sau khi làm nghi lễ quy y, để thật sự là một Phật tử đã quy y, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Quy y Phật thì đệ tử nên tiếp cận, tìm hiểu ngay về đức Phật – thầy của trời người.
- Quy y Pháp thì đệ tử nên bắt đầu học hỏi và thực hành theo pháp – lời dạy của Đức Phật, noi theo đó để có hành động phù hợp.
- Quy y Tăng thì đệ tử nên kính trọng chư tăng, tu học theo sự hướng dẫn, của Tăng-già. Việc gì không hiểu có thể hỏi chư Tăng.
Trong quá trình tu học, chúng ta nên xác định con đường đi đến giác ngộ không hề dễ dàng, chúng ta muốn có thành tựu thì cần nghiêm khắc với bản thân hơn nữa, làm cho thân tâm thanh tịnh, không còn bị sao nhãng bởi những ngoại cảnh. Để làm được điều đó chúng sinh cần lưu ý những điều sau:
- Hàng ngày đều phải xem xét, điều chỉnh thân, khẩu và ý của mình thay vì để các giác quan khống chế. Liệu chúng ta đã nghĩ đúng, nói đúng, đã làm đúng hay chưa. Cùng là một lời nói, một hành động cũng có thể giúp ta tạo thêm phúc thiện hoặc làm chúng ta mang theo nghiệp.
- Sống một cách hoà thuận và giữ giới
- Tôn trọng tất cả chúng sinh, nuôi dưỡng lòng từ bi trong bản thân. Gia súc, gia cầm hay kể cả một con kiến cũng đều là chúng sinh và bình đẳng với con người. Chúng ta tôn trọng, từ bi với chúng sinh cũng là một cách tu để đi đến giác ngộ.
- Đã là Phật tử quy y Tam Bảo, thì các ngày lễ chúng ta nên có mặt tại chùa để cùng tham gia nghi lễ, đặc biệt là các ngày như: Phật đản sinh, lễ Vu lan,… Tuy không ai bắt buộc, nhưng các sư tăng khuyến khích điều này, đây là một dịp để chúng ta thể hiện lòng tôn kính với chư Phật. Phật tử có thể quay trở về ngôi chùa mình đã quy y Tam Bảo để tham gia các lễ này, hoặc ở bất kỳ chùa nào thuận tiện cho quý vị.
Có người cho rằng, người quy y, nếu không giữ được giới, nếu mang tội sẽ nặng hơn người bình thường. Thật ra, điều này không đúng, bởi vì Phật Giáo xem tất cả chúng sinh đều bình đẳng, đều chịu sự chi phối của luật nhân quả.
4. Nguyên văn quy y Tam Bảo
Quá trình quy y khá đơn giản. Sau khi đăng ký quy y tại chùa, chúng ta sẽ có mặt tại chùa cùng các Phật tử khác để làm lễ quy y. Ðến giờ quy y, sư thầy sẽ hướng chúng ta, và mỗi Phật tử sẽ nhắc lại lời nguyện:
“Ðệ tử xin suốt đời quy y Phật.
Ðệ tử xin suốt đời quy y Pháp.
Ðệ tử xin suốt đời quy y Tăng.”
Phát nguyện quy y rồi, thì đệ tử đã được gieo hạt giống giải thoát, sẽ được thoát ly ba đường ác, cho nên chúng ta sẽ tiếp tục đọc:
“Ðệ tử quy y Phật rồi, khỏi đọa địa ngục.
Ðệ tử quy y Pháp rồi, khỏi đọa ngạ quỷ.
Ðệ tử quy y Tăng rồi, khỏi đọa súc sanh.”
Sau khi đọc xong những lời này, sư tăng sẽ dặn các bạn một số điều lưu ý nữa và bạn đã chính thức trở thành Phật tử.
Giác Ngộ Tâm Linh vừa giải đáp thắc mắc quy y là gì cho các bạn. Như vậy chúng ta thấy quy y Tam Bảo không chỉ là một thủ tục mà còn là mang ý nghĩa tâm linh, không chỉ có sư tăng hướng dẫn chúng ta mà chính bản thân ta cũng có sẽ có ý thức, tự giác hơn trong quá trình tu học.