Tìm hiểu các cảnh giới trong Phật Giáo – Cõi giới là gì?

Là Phật tử, chúng ta đều từng nghe nói cõi người này là tạm bợ, không chỉ có mỗi cõi giới ta bà này, mà còn có nhiều cõi giới khác. Những thế giới này được gọi chính xác là các cảnh giới trong Phật Giáo. Hôm nay, Giác Ngộ Tâm Linh sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về các cảnh giới này nhé.

Tìm hiểu các cảnh giới trong Phật Giáo - Cõi giới là gì?
Tìm hiểu các cảnh giới trong Phật Giáo – Cõi giới là gì?

I. Cõi Dục Giới

1. Cảnh giới khổ

Tùy theo nghiệp thiện ác, mà chúng sinh có thể sinh vào các cảnh giới khác nhau trong Phật Giáo. Có cả thảy 31 cảnh giới nhưng có 4 cảnh giới khổ, mà không một ai muốn đến chính là:

1.1. Cảnh Địa Ngục (Niraya)

Gọi là Niraya vì “Ni” là không có, “Aya” nghĩa là hạnh phúc. Chính vì vậy, địa ngục là nơi không có hạnh phúc, mà hoàn toàn là đau khổ. Vì sao những chúng sinh phải chịu những cảnh ấy? Đó chính là các nghiệp bất thiện mà chúng sinh đã gây ra nên giờ họ phải trả quả báo.

Cảnh Địa Ngục (Niraya)
Cảnh Địa Ngục (Niraya)

Địa ngục không phải trường cửu mà chúng sanh khi trả hết nghiệp xấu xong, kẻ đó có thể tái sanh vào một cảnh giới khác, tùy vào nghiệp thiện mà chúng sinh đó đã gây ra trong nhiều kiếp trước.

1.2.  Cảnh Thú (Tiracchana-yoni)

“Tira” là xuyên qua, còn “Acchana” là đi, cho nên Tiracchana-yoni là cảnh giới của loại cầm thú, súc sinh. Trong Phật Đạo, nếu chúng sinh nào gây ra nghiệp xấu có thể thác sinh vào cảnh giới thú như làm lợn, bò, trâu, chim, cua, rắn,… 

Tuy nhiên, nếu những chúng sinh này có tích trữ thiện nghiệp phù hợp, sau khi từ cảnh này chết đi sẽ được tái sanh vào cảnh người. Và ngược lại, nếu các cảnh giới khác có các nghiệp ác thì cũng có thể bị thác sinh vào cõi thú.

Cảnh Thú (Tiracchana-yoni)
Cảnh Thú (Tiracchana-yoni)

Tuy nhiên, cuộc sống ngày nay chúng ta cũng thấy những con thú như mèo, chó có cuộc sống còn no đủ, sung sướng hơn cả người. Những điều này cũng do duyên và nghiệp trong tiền kiếp. Vậy nên chúng ta nên hiểu nghiệp tạo ra tính chất của sắc tướng. Hình dạng của chúng sinh như thế nào là do các nghiệp thiện, bất thiện mà ra.

1.3. Cảnh Ngạ Quỷ (Peta-joni)

“Peta” là người đã ra đi, hay người tuyệt đối không hạnh phúc. Cảnh ngạ quỷ này chúng ta không thể thấy bằng mắt thường, các chúng sinh ở cảnh này có nhiều hình dạng xấu xa. Họ không có cảnh giới riêng biệt mà sống trên thế giới này, ở những nơi u tối, rừng bụi, nhà hoang,… Trong Samyatta (Tạp A Hàm) và một số kinh điển Phật Giáo cũng có nhắc đến cảnh ngạ quỷ.

Cảnh Ngạ Quỷ (Peta-joni)
Cảnh Ngạ Quỷ (Peta-joni)

Mục Kiền Liên Bồ Tát miêu tả trạng thái đau khổ của chúng sinh ở cảnh này như sau:

“Vừa rồi, đi từ đồi kên kên xuống, tôi có thấy một đám diều, quạ và kền kền tranh nhau xô đẩy và mổ cắn một chúng sanh chỉ còn bộ xương, đang bay lơ lửng trên không trung và kêu la rên siết. Này đạo hữu, lúc đó tôi có ý nghĩ như sau: Thật là quái lạ! Vì sao chúng sanh có thể đến đỗi ký hình dị thể, tàn tệ như thế, thật là kinh dị.”

“Khi bạch với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài dạy rằng người ấy trước kia là một tên đồ tể, do nghiệp đã tạo trong quá khứ, phải lâm vào trạng thái ấy trong hiện tại.

Theo sách Milinda Vấn Đạo, có bốn hạng ngạ quỷ:

  • Hạng Vantasika: thức ăn chính là thứ kẻ khác ói mửa.
  • Hạng Khuppipasino: ngạ quỷ này phải chịu cảnh đói khát, không thể nào ăn no được.
  • Hạng Nijjhamatanhika: phải chịu khát đến tiều tụy, hao mòn.
  • Hạng Paradattupajivino: sống được nhờ thực vật của người khác cho.

Trong kinh Tiểu bộ có ghi lại rằng các hàng ngạ quỷ vẫn có thể hưởng phước báu do thân quyến của họ từ các đời trước tạo nên và hồi hướng đến họ. Nếu được thế, họ có thể được tái sanh sang một cảnh giới khác, đỡ đau khổ hơn.

1.4. Cảnh Giới A Tu La (Asura-yoni)

Là cảnh giới của chúng sinh không bao giờ vui tươi và không có giải trí, thư giãn. Họ cũng chịu cảnh đau khổ tương tự như ngạ quỷ. Lưu ý, cần phân biệt rõ hạng này với hạng hữu phúc là Asuras (cũng gọi là A Tu La) –  thường hay chống đối chư Thiên.

Vì quá đau khổ, các chúng sinh chịu tội thuộc các cảnh giới trong Phật Giáo này, thường trông chờ, báo mộng cho gia quyến trong tiền kiếp mong người thân hồi hướng cho mình chút phước thiện.

Cảnh Giới A Tu La (Asura-yoni)
Cảnh Giới A Tu La (Asura-yoni)

2. Bảy cảnh hữu phúc

Ngoài 4 cảnh khổ, cõi Dục Giới còn có bảy cảnh hữu phúc lần lượt là:

2.1. Cảnh Người (Manussa)

Cảnh người có cả hạnh phúc và đau khổ lẫn lộn. Nhưng trong các cảnh giới của Phật Giáo thì có thể xem đây là cảnh có lợi rất lớn cho tu học Phật Đạo, vì con người hưởng cả sự đau khổ và sung sướng trung bình so với những cõi khác, có nhiều cơ hội để tạo phước thiện. Vì nếu như cõi bất hạnh chịu toàn cảnh khổ, không giúp được mình huống chi là giúp ai, còn cõi trời hưởng quá nhiều vui sướng dễ bị lơ là tu tập.

Ngoài ra, chư Phật, Bồ Tát thường chọn tái sanh vào cảnh này để thuận lợi tu học, hóa độ chúng sinh, thực hành những Pháp cần thiết. Kiếp cuối cùng của Bồ Tát luôn luôn ở cảnh người.

Cảnh Người (Manussa)
Cảnh Người (Manussa)

2.2. Cảnh Trời Tứ Đại Thiên Vương (Catummaharajika)

Cảnh trời thấp nhất, nơi đây có những vị Thiên Vương cùng đoàn quân canh phòng bốn hướng. Bốn vị ấy là:

  • Đông Thiên Vương – Trì Quốc Thiên Vương
  • Bắc Thiên Vương – Đa Văn Thiên Vương
  • Tây Thiên Vương – Quảng Mục Thiên Vương
  • Nam Thiên Vương – Tăng Trưởng Thiên Vương

2.3. Cảnh Trời Đạo Lợi (Tavatimsa)

Tavatimsa nghĩa là ba mươi ba hay còn gọi là 33 Tầng Trời. Nguyên nhân là do cõi Trời Đạo Lợi có 33 vị, trong đó có vị Trời Đế Thích là vua cai quản. Ở cõi này có nhiều vật báu, đến cả cung điện cũng được làm từ châu báu, ngọc ngà. Cho nên chúng sinh nơi đây cũng dễ bị lôi cuốn vào lạc cảm, sống hưởng thụ.

2.4. Cảnh Trời Dạ Ma (Yama)

Yama là tàn phá, diệt trừ, cho nên đấy chính là cõi tiêu diệt mọi khổ đau. Ở đây ánh mặt trăng hay mặt trời đều không chiếu rọi tới được, nhưng chẳng hề tối tăm vì mỗi vị ở đây thân đều phát hào quang sáng chói.

2.5. Cảnh Trời Đâu Suất (Tusita)

Tusita là dân cư có hạnh phúc, là cảnh giới khoái, chỉ có niềm vui sướng. Những vị Bồ Tát ở đây đã thực hành đầy đủ các Pháp được đắc Quả Phật họ cư trú ở đây, chờ cơ hội thich nghi sẽ tái sanh vào cảnh người lần cuối cùng.

Các vị Bồ Tát, vị Phật ở cảnh Trời này cho đến ngày tái sanh vào cảnh người để đạt Phật quả như Bồ Tát Di Lặc. Đây cũng là nơi mà Hoàng hậu Maya – mẹ của Đức Phật Thích Ca, mẹ của Bồ Tát Siddhartha Gotama (Sĩ-đạt-ta Cù-đàm) tái sanh vào sau khi chết.

coi troi

2.6. Cảnh Trời Hóa Lạc Thiên (Nimmanarati)

Những vị ở đây sống trong lâu đài tự tạo ra, thọ đến 2.304.000.000 tuổi người. Cảnh giới của những vị Trời ở trong những cung điện to lớn, đẹp đẽ. Sự vui sướng ở đây được biến hóa phi thường do đó được gọi là cảnh Hóa Lạc Thiên.

2.7. Cảnh Trời Tha Hóa Tự Tại (Paranimmitavasavatti)

Tại đây, các vị Trời có khả năng tạo thêm những vị khác để phục vụ mình. Đây thuộc tầng trời cao nhất của Dục Giới. 

Sự vui sướng ở cảnh này vốn là của những cảnh trời khác hóa hiện ra; vì chư thiên ở đây có thần thông, nên họ có thể di chuyển những vui thú của các cõi trời khác về cõi Tha Hóa Tự Tại. Các vị trời ở đây có tuổi thọ là 9.216.000.000 tuổi người, nhưng họ vẫn sẽ chết. 

Ở cõi Dục Giới, chúng sinh đều là hóa sanh, xuất hiện dưới hình thức một thiếu nữ hay thanh niên độ mười lăm hay mười sáu tuổi. Tuy nhiên ở Dục Giới, các cảnh giới trong Phật Giáo này dù cảnh khổ hay hữu phúc thì đều là tạm bợ, chúng sinh vẫn phải tái sinh luân hồi.

Xem thêm: Lục Đạo Luân Hồi là gì?

II. Cõi Sắc Giới

Trên Dục Giới chính là cõi Sắc Giới, cảnh giới các vị Phạm Thiên. Xét các cảnh giới trong Phật Giáo, nếu như Dục Giới thì chúng sinh còn dính dục lạc, thì những vị Trời ở Sắc Giới đã dứt sạch tham dục và đang thọ hưởng hạnh phúc của Thiền.

cac canh gioi trong phat giao

1. Cảnh giới tương ứng với Sơ Thiền

Vị nào đắc được quả sơ thiền sẽ được tái sinh vào những cảnh giới này.

  1. Phạm Chúng Thiên (Brahma Parisajja): Là cảnh của các vị Trời làm tùy tùng cho Phạm Thiên.
  2. Brahma Purohita: Là cảnh của các vị Trời thân cận các vị Phạm Thiên.
  3. Đại Phạm Thiên (Maha Brahma): Là cảnh của vị Phạm Thiên có nhiều niềm vui, hạnh phúc, đẹp đẽ và tuổi thọ rất lớn, hơn cả các vị Phạm Thiên khác, nhờ hưởng phước báu của thiền tập.

2. Cảnh giới tương ứng với Nhị Thiền

Vị nào đắc được quả nhị thiền sẽ được tái sinh vào những cảnh giới này.

  1. Thiều Quang Thiên (Parittabha): Là cảnh của các vị Phạm Thiên có ít ánh sáng.
  2. Vô Lượng Quang Thiên (Appamanabha): là cảnh của các vị Phạm Thiên sở hữu ánh sáng vô cùng, vô hạn định.
  3. Quang Âm Thiên (Abhassara): là cảnh của những vị Phạm Thiên sở hữu ánh sáng rực rỡ chói lòa.

3. Cảnh giới tương ứng với Tam Thiền

Vị nào đắc được quả tam thiền sẽ được tái sinh vào những cảnh giới này.

  1. Thiền Tịnh Thiên (Parittasubha): là cảnh của các vị Phạm Thiên sở hữu hào quang nhỏ.
  2. Vô Lượng Tịnh Thiên (Appamanasubha): là cảnh của các vị Phạm Thiên sở hữu hào quang vô cùng, vô hạn định.
  3. Biến Tịnh Thiên (Subha kinha): là cảnh của các vị Phạm Thiên sở hữu hào quang vững chắc, không lay động.

4. Cảnh giới tương ứng với Tứ Thiền

Vị nào đắc được quả Tứ thiền sẽ được tái sinh vào những cảnh giới này.

  1. Quảng Quả Thiên (Vehapphala): là cảnh của các vị Phạm Thiên được hưởng quả rộng lớn.
  2. Vô Tưởng Thiên (Asannasatta): là cảnh của các vị Phạm Thiên không có tâm (danh).
  3. Vô Phiên Thiên (Suđhavasa): là cảnh hoàn toàn tinh sạch, đây là cảnh giới tuyệt đối dành riêng cho các vị A Na Hàm. Chúng sanh ở các cảnh giới khác mà đắc Quả Bất Lai hoặc A Na Hàm, thì tái sanh vào Vô Phiên Thiên. Về sau, các Ngài đắc Quả A La Hán thì sẽ được sống cảnh tinh khiết này cho đến khi mãn thọ thì nhập Đại Niết Bàn. Cảnh này lại chia làm năm là:
    • Aviha: cảnh giới trường cửu.
    • Atappa: cảnh giới tĩnh lặng, êm đềm.
    • Sudassi: cảnh giới quang đãng.
    • Sudassa: cảnh giới đẹp đẽ.
    • Akannittha: cảnh giới tối thượng.

III. Cõi Vô Sắc Giới

Trong các cảnh giới trong Phật Giáo thì cõi Vô Sắc Giới là cõi cao nhất. Các vị tại đây không phải chịu bất kỳ một cái khổ nào bởi họ đã trừ hết tham vọng, không còn có giới tính nam – nữ nữa. Nhưng cõi này vẫn không thoát khỏi vòng luân hồi để đi đến giải thoát. Cõi này có bốn cảnh tương xứng với bốn tâm Thiền Vô Sắc Giới, lần lượt là:

  1. Không Vô Biên Xứ Thiên: Chúng sinh ở cõi này đã nhàm chán hình sắc nên họ không có sắc uẩn, chỉ có 4 uẩn là: thụ, tưởng, hành, thức mà tạo thành dị thục sinh.
  2. Thức Vô Biên Xứ Thiên: Cảnh giới có quan niệm rằng thức là vô cùng tận nên họ tu gia hạnh, dần dần khởi định được vô sắc thứ 2 nên gọi là Thức Vô Biên Xứ Thiên
  3. Vô Sở Hữu Xứ Thiên: Để đạt được cảnh giới này, thiền giả phải đạt được tâm thanh tịnh hoàn toàn, không còn vướng mắc vào bất kì việc gì. 
  4. Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên: Tâm của cõi này cực kỳ tính lặc, không còn thô tưởng hay phi tưởng. Thọ mạng ở cõi này là 84.000 Đại kiếp (1 đại kiếp = 1.334.240.000 năm).

vo sac gioi

Giác Ngộ Tâm Linh vừa giới thiệu đến các bạn các cảnh giới trong Phật Giáo. Trong những cảnh giới này, cõi người không quá cao siêu nhưng lại rất tốt cho việc tu tập. Vậy nên Đức Phật mới nhấn mạnh việc được làm một kiếp người khó khăn như thế nào. Mong rằng mỗi Phật tử sẽ tận dụng kiếp người này để tu tập, tạo phước báo cho bản thân cũng như thân quyến từ nhiều đời nhiều kiếp.