33 tầng Trời trong Phật giáo là khái niệm hay được nhắc đến trong kinh điển nhưng lại thường bị người ta hiểu lầm nhất. Để tránh những điều này, hôm này mời các bạn cùng Giác Ngộ Tâm Linh tìm hiểu chi tiết hơn về cõi trời Đao Lợi Thiên và Vua Trời Đế Thích.
1. Có bao nhiêu cảnh Trời?
Đầu tiên để dễ hình dung về 33 tầng Trời là gì trong Phật Giáo, thì chúng ra sẽ tìm hiểu về các cảnh trời. Đạo Phật chia cõi trời thành 28 cảnh Trời, tính từ thấp đến cao như sau:
1.1. Cõi Trời Dục giới: Có 6 cảnh Trời
Gọi là cõi Dục vì chúng sinh cõi này còn tham dục. Sáu cảnh trời này mỗi kiếp đều có nạn lửa hủy hoại nên thọ mạng của chúng sinh cũng ngắn ngủi. Kể từ dưới lên có cả thảy sáu cảnh trời như sau:
- Cảnh trời Tứ vương
- Cảnh trời Đao Lợi
- Cảnh trời Dạ Ma
- Cảnh trời Đâu Suất
- Cảnh trời Hóa Lạc
- Cảnh trời Tha Hóa Tự Tại
1.2. Cõi Trời Sắc giới: Có 18 cảnh Trời
Bên trên cõi Dục là cõi Sắc, cõi này có 18 cảnh trời. Gọi là sắc vì chúng sinh ở đây chỉ có thân thể mang hình sắc nhưng không có ái dục nam nữ. Từ dưới tính lên như sau:
- Cảnh trời Phạm Thiên
- Cảnh trời Phạm Phụ
- Cảnh trời Đại Phạm
(Ba cảnh trời gọi là các cảnh trời Sơ thiền. Mỗi cảnh trời này cũng sẽ bị nạn lửa hủy hoại sau một kiếp)
- Cảnh trời Thiểu Quang
- Cảnh trời Vô Lượng Quang
- Cảnh trời Quang Âm
(Ba cảnh trời này đều gọi chung là các cảnh trời Nhị thiền, trải qua thời gian bảy kiếp đều sẽ bị nạn lụt lớn hủy hoại)
- Cảnh trời Thiểu Tịnh
- Cảnh trời Vô Lượng Tịnh
- Cảnh trời Biến Tịnh
(Ba cảnh trời này đều gọi chung là các cảnh trời Tam thiền, sau 64 kiếp đều sẽ bị gió bão hủy hoại)
- Cảnh trời Phước Sanh
- Cảnh trời Phước Ái
- Cảnh trời Quảng Quả
- Cảnh trời Vô Tưởng
(Bốn cảnh trời này cùng với cảnh trời Sắc Cứu Cánh sẽ nói bên dưới, được gọi chung là các cảnh trời Tứ thiền, không còn bị tam tai (lửa, nước và gió) làm hại được nữa.)
- Cảnh trời Vô Phiền
- Cảnh trời Vô Nhiệt
- Cảnh trời Thiện Kiến
- Cảnh trời Thiện Hiện
- Cảnh trời Sắc Cứu Cánh
(Năm cảnh trời này là 5 cảnh trời Bất Hoàn)
Cả 18 cảnh trời trên, chư thiên ở đây đều tu tập thanh tịnh cùng các pháp thiền định phước lạc, chỉ khác nhau về mức độ nhiều hay ít, sâu hay cạn.
Xem thêm: Thiền Vipassana là gì?
1.3. Cõi Trời Vô Sắc giới: Có 4 cảnh Trời
Bên trên cõi Sắc lại có bốn cảnh trời.
- Cảnh trời Không Vô Biên Xứ
- Cảnh trời Thức Vô Biên Xứ
- Cảnh trời Vô Sở Hữu Xứ
- Cảnh trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ
(Ở cõi này, chư thiên chỉ thọ hưởng kết quả mà họ tu các pháp thiền định vô sắc, không còn nghiệp quả có hình sắc, nên gọi là Vô Sắc.)
2. 33 tầng Trời là gì trong Phật giáo?
2.1. Đại lược về cõi trời Đao Lợi Thiên
Trong Phật Giáo, 33 tầng Trời hay Tam Thập Tam Thiên, là chỉ cõi trời Đao Lợi Thiên, nằm trên đỉnh núi Tu Di. Nếu tính từ mặt đất lên đến cảnh trời Đao-lợi thì khoảng cách là 84.000 do tuần (mỗi do tuần là 9216 mét).
Bốn góc trên đảnh núi Tu-Di có 4 ngọn núi nhỏ, cao và rộng đều 500 do tuần. Tại đây có thần Dược Xoa tên là Kim Cương Thủ trấn thủ và hộ vệ chư thiên. Chính giữa đỉnh Tu Di là Thành Diệu Kiến với chu vi 10.000 do tuần có 1.000 cửa. Giữa khu thành này lại có một tòa thành rộng 1.000 do tuần có 500 cửa. Đây chính là nơi cư trú của Trời Đế Thích, lâu các nguy nga tráng lệ, nghiêm sức bằng các thứ tạp bảo. Điện của Ngài được gọi là Tỳ Thiên Diên.
33 tầng Trời chính là thành Diệu Kiến cùng với 32 thành xung quanh đó; 32 thành này nằm ở 8 phương do các vị thiên chủ khác nhau quản trị; 32 xứ này cùng với trung đô của Đế-thích hợp lại thành 33 thiên xứ, nên gọi là Tam thập tam thiên.
Khoảng giữa thành Diệu Kiến và Tỳ Thiền Diên có bảy khu thị tứ. Trong thành Diệu-Kiến lại có thiên châu, thiên huyện, thiên thôn. Chúng thiên khác khi đến du ngoạn, cũng xem món này món kia đắt hay rẻ, y như giao dịch, nhưng không cần mua bán, thỉnh thoảng ai muốn cần món gì, có thể tự lấy đem đi.
Tam thập tam thiên có tất cả bảy lớp thành, bảy lớp lan can, bảy lớp linh võng (lưới có treo linh báu). Phía ngoài được bao phủ bởi bảy lớp hàng cây Đa La với sặc sỡ sắc màu xinh đẹp. Mỗi thành có nhiều cửa cùng các lầu ngăn giặc. Xung quanh còn nhiều điện các, ao hồ, rừng, các loại chim thú,… Mỗi cây cối có màu sắc và ánh sáng khác nhau. Nơi đây không có mặt trời hay mặt trăng, chỉ có quang minh từ cung điện, bảo thọ và chư thiên. Chúng thiên đi ngủ khi hoa sen hồng khép lại (được xem là ban đêm). Chư thiên ít ngủ, đi dạo chơi là lúc hoa sen hồng nở ra, hoa sen xanh khép lại (được xem là ban ngày).
Xem thêm: Tứ Niệm Xứ là gì?
2.2. Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng về 33 tầng Trời
Hòa Thượng Tuyên Hóa – một trong những đại sư lớn của Trung Quốc, được xem là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát đã giảng về cõi này như sau:
“Ðao Lợi là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là “Tam Thập Tam”, tức là chỉ cõi trời Ba Mươi Ba. Như thế, có phải trời Ðao Lợi nằm ở tầng thứ ba mươi ba không? Không phải! Tuy gọi là cõi trời “Ba Mươi Ba”, nhưng đó không phải do đếm từ dưới lên trên theo thứ tự, như tầng Trời thứ nhất, tầng Trời thứ hai, rồi đến tầng Trời thứ ba,… cho tới tầng Trời thứ ba mươi ba. Vậy thì như thế nào? Cõi trời Ba Mươi Ba này vốn nằm chính giữa và ở bốn phía đông tây nam bắc của cõi trời này thì mỗi phía lại có tám cõi trời. Do đó, tổng cộng có ba mươi hai cõi trời phân bố chung quanh cõi trời Ba Mươi Ba.
Thiên chủ của cõi trời Ba Mươi Ba là Ðế Thích. Trong Kinh A Di Ðà có nói đến “Thích Ðề Hoàn Nhân”, tức là vị Ðế Thích này vậy. Ngoài ra, trong Chú Lăng Nghiêm có câu “Nam Mô Nhân Ðà La Da”, thì Nhân Ðà La Da cũng chính là Thiên Chủ Ðế Thích. Ở cõi trời thì Ðế Thích là một vị Thiên Chủ; còn trong Phật Giáo thì Ngài là một vị Hộ Pháp – Ngài chẳng những không được làm chủ mà ngay cả tòa sen để ngồi cũng không có nữa, Ngài chỉ đứng ở ngưỡng cửa mà thôi”.
2.3. Thiên chủ của 33 tầng Trời – Đế Thích Thiên
Thiên Chủ Ðế Thích hay còn được gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế, được người đời xưng tụng là “Thượng Ðế Vạn Năng” bởi Ngài cai quản tất cả mọi việc ở cõi trời và cả dưới cõi người. Tuy nhiên, người ta cho rằng Thượng Đế và người thế gian chẳng có gì khác biệt lắm, vì vẫn còn tâm dâm dục và vẫn cần ăn uống, ngủ nghỉ. Nếu có khác biệt thì chỉ là mức độ nặng nhẹ, ba thứ ấy ở Ngài thì nhẹ và tinh tế, chứ không nặng nề và thô thiển như ở phàm phu chúng ta!
Ví dụ Trời Ðế Thích dù vẫn cần ăn uống nhưng một trăm ngày không ăn cũng không sao; cả năm không ngủ, không dâm dục cũng vẫn có thể tỉnh táo như thường, chẳng lấy làm phiền. Tuy nhiên, con người thì không được thế.
Ngoài ra, tuổi thọ của chúng thiên ở cõi trời Ðao Lợi cũng rất cao, đến cả ngàn năm. Nhiều nguồn tài liệu thì cho rằng một trăm năm của cõi nhân gian chỉ như một ngày một đêm ở cõi trời Ðao Lợi. Cho nên, có thể nói, thọ mạng của cõi trời rất là lớn mà cõi trần không thể so được.
Thành trì của Đế Thích Ca là Thiện Kiến Thành, rộng sáu vạn do tuần, được xây bằng các thứ vật liệu quý báu nhất. Mọi thứ xung quanh Ngài cũng toàn là châu báu hiếm có; nhà cửa, phòng ốc cũng được xây dựng bằng những vật liệu quý giá. Cho nên, Ðế Thích sau khi đến đây chỉ muốn ở lại làm chúa trời, chứ không muốn đi nơi khác.
Cũng vì được sống và hưởng thụ những điều này nên Ðế Thích khó thể dứt bỏ dục tâm. Ngài an nhiên hưởng thụ phước trời, nghĩ rằng đây chính là nơi vui sướng nhất, chẳng còn đâu an lạc hơn và kêu gọi mọi người thác sinh về thế giới này. Ai đủ phước lộc đều có thể đến thế giới của Ngài, Ngài hoan hỉ đón nhận. Tuy nhiên cũng vì sự chìm đắm vào đây, mà Ngài không nhận ra bản thân không thoát được vòng luân hồi bởi vì tâm còn ham hưởng thụ, dục vọng.
2.4. Gieo nhân gì để làm Vua Trời Đế Thích?
Vào thời Ðức Phật Ca Diếp, có cô gái phát tâm xây cất tháp thờ Phật Ca Diếp, do nhìn thấy một ngôi miếu đổ nát và mất nóc, khiến cho tượng Phật ở trong chùa chịu mưa gió. Quá đau lòng, cô gái đã thốt lên: “Chao ôi! Tượng Phật này đã bị nhện giăng bụi bám, bây giờ lại còn phải chịu cảnh gió táp mưa sa…Tôi thật không đành lòng!”.
Sau đó, cô phát tâm sửa lại miếu ấy. Nhưng không đủ tiền, cô kêu gọi bạn bè và người thân quyến rằng: “Tôi muốn xây dựng lại ngôi cổ miếu nọ nhưng không có tiền. Chẳng hay quý vị có thể giúp tôi một tay không? Quý vị ai có người thân thì kêu gọi người thân, ai có bạn bè thì kêu gọi bạn bè; chúng ta hãy hợp lực để làm một việc từ thiện, cùng nhau trùng tu ngôi cổ miếu này.”
Những người này đều hăng hái hưởng ứng: “Ðược, tất cả chúng ta hãy hợp tác để trùng tu ngôi cổ miếu!”. Cô tìm được 32 người có cùng làm với mình (theo một số tài liệu cho rằng tất cả 32 người này đều là nữ).
Sau khi mọi người cùng nhau hoàn thiện sửa sang lại ngôi miếu, họ còn cùng nhau xây thêm một bảo tháp nữa. Người góp công, người góp của, tùy theo điều kiện của mình, cho đến khi mọi việc được viên mãn như ý. Ðến khi thọ mạng của 33 người này kết thúc, tất cả đều được sanh lên cõi trời; 33 người, mỗi người thác sinh vào một cõi. Cô gái đứng ra kêu gọi trùng tu xây chùa về sau được thác sinh làm Đế Thích, làm chủ của cõi trời Ðao Lợi Thiên.
Giác Ngộ Tâm Linh vừa tìm giúp bạn tìm hiểu về 33 tầng Trời trong Phật Giáo. Từ đó chúng ta cũng thấy rằng, tuy cõi trời nhiều phước lực, được hưởng rất nhiều vui thú nhưng chưa dứt được dục vọng, nên không thể thoát khỏi luân hồi. Nếu bạn muốn được thác sinh về cõi Cực Lạc, thì cần phải không ngừng tu tập, rèn luyện để có thân tâm thanh tịnh.