Cây Sala là một trong những cây thường được trồng nhiều ở các đền chùa. Đây được xem là loài hoa gắn liền với sự kiện nhập Niết Bàn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Hôm này mời các bạn cùng Giác Ngộ Tâm Linh tìm hiểu về loài cây Sa la này nhé.
Nội Dung
1. Tìm hiểu về cây Sala
Cây Sala còn được gọi là tha la, tên khoa học là Shorea Robusta, là cây thuộc họ Dipterocarpaceae (họ Dầu).
+ Cây thân gỗ, thân cây phát triển chậm, cao khoảng 30-35 mét, và đường kính thân có thể lên đến 2-2,5 mét.
+ Lá cây mọc so le dài 10-25 cm, rộng 5-15 cm, hình bầu dục, gân lá nổi, hình xương cá,.. vào mùa khô lá rụng nhiều nhất là vào giữa tháng 2 đến tháng 4, ra lá non vào khoảng tháng 4, tháng 5 hằng năm.
+ Hoa: búp nụ xoắn, hoa màu trắng, mọc thành từng chùm ở đầu cành, có 5 cánh có hương thơm ngát.
+ Phân bố: Nguồn gốc của cây là tiểu lục địa Ấn Độ thời xa xưa, cây phân bố thành nhiều khu vực lớn tại phía nam dãy núi Himalaya từ Myanmar đến Nepal, Ấn Độ và Bangladesh.
2. Sự tích cây Sala và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
Trong Phật Giáo, có ba loài cây liên quan đến cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đó là cây Vô Ưu (Saraca indica) – khi Đức Phật sinh ra tại vườn Lâm Tỳ Ni; cây Bồ đề (Ficus religiosa, Bodhi) – khi Đức Phật thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề và cây Sala – khi Đức Phật nhập Niết Bàn tại Câu Thi Na.
Xem thêm: Ý nghĩa của Hoa Vô Ưu
Nói về lúc Đức Phật nhập diệt, Kinh Đại Bát Niết Bàn đã miêu tả như sau:
“Lúc đó, đúng giữa đêm, Đức Như Lai nằm trên giường thất bảo trong rừng Sala nhập tứ thiền yên lặng mà Niết Bàn. Liền đó, bốn cặp cây Sala: cặp hướng đông, cặp hướng tây, bốn ngọn cây hợp lại thành một tàng, cặp hướng nam, cặp hướng bắc, bốn ngọn cây hợp lại thành một tàng, che giường thất bảo trùm lên thân Như Lai. Những cây Sala đó, tất cả lá biến thành sắc trắng như bạch hạc, nhánh lá, hoa trái và thân cây thảy đều rụng rớt nứt nẻ, lần lần khô héo gãy rớt. Đồng thời, vô lượng thế giới ở mười phương đều chấn động, vang ra tiếng rằng: “Khổ thay! Khổ thay! Thế giới trống rỗng”. Lại vang ra tiếng buồn than diễn nói nghĩa vô thường, khổ, không”.
Dù trái mùa nhưng bất giờ rừng Sala bỗng nở hoa, rủ hoa trắng rừng để cúng dường đưa tiễn Đức Phật lần cuối, như sự thương tiếc, tiễn đưa bậc Thầy của trời và người. Trước khi nhập diệt, Đức Phật không thể đứng nữa, Ngài chỉ có thể nằm để dặn dò, để lại di huấn cho các đệ tử, những cánh hoa trắng bay khắp rừng như diễn nói nghĩa của các pháp vô thường, khổ, không. Cũng có người hỏi rằng tại sao Đức Phật lại chọn nhập diệt ở dưới rừng Sala? Bởi đây là nơi mà Người đã nhập diệt bảy lần trong các tiền kiếp.
Chính vì lẽ này, Cây Sala cũng được xem là một loài cây linh thiêng được trồng nhiều tại các ngôi đền chùa, thậm chí rất nhiều người vì yêu thích cũng trồng cây này cũng như thấy cây dễ trồng, dễ chăm sóc nên trồng để làm cảnh.
3. Cây Sala dễ bị nhầm với hoa Vô Ưu và Ngọc Kỳ Lân
Nhiều người nhầm lẫn Sala và Vô Ưu với một loài cây khác là Ngọc Kỳ Lân. Người ta cho rằng cả 3 loài cây Sala, Vô Ưu và Ngọc Kỳ Lân cùng là một loài cây và gắn với sự tích hoàng hậu Maya nắm lấy cành cây này khi sinh ra Đức Phật, đồng thời cũng là loài cây nở hoa khi Đức Phật nhập Niết Bàn. Tuy đều được trồng nhiều ở đền chùa nhưng thực tế đây là 3 loài cây khác hẳn nhau.
3.1. Phân biệt cây Sala với cây Vô Ưu
Cây Sala thường bị nhầm với cây Vô Ưu – loài cây gắn liền với sự sinh ra của Đức Phật. Cây Vô Ưu mới là loài cây mà hoàng hậu Maya nắm lúc sinh Đức Phật. Ngoài ra ở Ấn Độ, cây Vô Ưu còn là biểu tượng cho phụ nữ và mang nhiều ý nghĩa tâm linh, Phật Giáo khác. Tuy cây Vô Ưu cũng là cây thân gỗ nhưng hoa lại có 4 cánh màu vàng cam, càng về lúc tàn hoa càng đỏ. Hoa nở quanh năm nhất là thời điểm từ tháng 2 đến tháng 5, có mùi thơm dịu. Trong khi đó hoa của cây Sala có 5 cánh, hoa màu trắng tinh.
3.2. Phân biệt cây Sala với cây Ngọc Kỳ Lân
Ngọc Kỳ Lân cũng là loài cây bị nhầm với cây Sala, trong khi loài cây này không hề liên quan đến Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Cây Ngọc Kỳ Lân phổ biến trong khu rừng tân nhiệt đới, Ấn Độ, miền nam dãy núi Himalaya, về sau còn có mặt ở Nam Á và Đông Nam Á.
Cây Ngọc Kỳ Lân là một loại cây thân gỗ, chiều cao khoảng 30-35 mét. Hoa ra từ thân, gốc lên. Chùm hoa dài, đến 3 mét, hoa màu đỏ mùi thơm dịu. Quả to tròn, màu nâu đường kính khoảng 20 cm.
Như vậy qua miêu tả ngoại hình, hoa, quả có thể thấy đây vốn dĩ là 2 loài cây hoàn toàn khác nhau.
4. Những hình ảnh đẹp về cây Sala
Giác Ngộ Tâm Linh vừa giới thiệu đến các bạn đọc cây Sala cũng như sự tích của nó để tránh sự nhầm lẫn. Hy vọng bạn đọc sẽ thấy thích thú về câu chuyện của loài cây này. Chúc các bạn mỗi ngày một tinh tấn tu tập.