Trong quá trình tu tập nhiều người nhấn mạnh về vai trò của định lực. Hiểu được định lực là gì, ta sẽ hiểu vì sao bất kỳ Phật tử nào muốn tu tập có thành quả thì đều cần nó, và làm sao để đạt được điều này. Hôm nay Giác Ngộ Tâm Linh sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết hơn về vấn đề này nhé.
1. Định lực là gì?
Định lực là kiên cố, vững vàng, bất biến, không bị thay đổi, lung lay bởi bất kỳ điều gì. Đó chính là sự vững mạnh của tâm trước sự tác động của ngoại cảnh. Nhờ thế, mà người có định lực không còn tham sân si, bởi không còn bị những thứ hư ảo như tiền bạc, tình ái, danh vọng,… tác động. Những người này tâm như bất động, an trú trong sự tự tại. Phật tử nào nếu nghiêm túc giữ được giới hạnh thì bất kể là tu theo pháp môn nào từ thiền định, tịnh hay mật đều có được định lực từ chân tâm xuất ra.
Đi trên đường, thấy một cô gái đẹp, người đàn ông hay đàn bà đều sẽ khởi tâm tham, dục vọng. Người đàn ông thấy gái đẹp thì muốn tán tỉnh, trêu đùa, yêu đương, người phụ nữ thấy gái đẹp cũng ngoái nhìn, tham muốn có được vẻ đẹp như cô gái kia. Đó chính là tâm bất định, bị xoáy vào vòng quay sắc dục. Một người tâm định lại khác. Người ấy có được định lực từ tâm, thì dù cô gái có xinh đẹp đâu cũng không thèm ngoái nhìn nói chi là tham luyến vẻ đẹp ấy. Ta nghe vậy có hiểu định lực là gì chưa ạ?
Vậy nên ta muốn có định lực hãy luôn nhớ một điều quan trọng, đó chính là không thỏa mãn, chịu thua với hoàn cảnh, hãy nỗ lực làm việc khó. Ta càng có nhiều định lực thì con đường tu tập của ta càng dễ dàng, càng thuận lợi. Hôm nay việc tu sao khó khăn quá, ngồi nhiều mỏi gối tê chân, nhưng nếu ta vẫn kiên trì, càng khó thì càng phải làm nhiều hơn, phải tu nhiều hơn.
Nếu một hoàn cảnh tác động đã làm ta thay đổi, thối lui tâm ban đầu là ta chưa có định lực hoặc định lực chưa vững vàng.
Nói về định lực là gì, Hòa Thượng Tuyên Hóa có nói như sau: “Ðịnh có nghĩa là bất biến. Có kẻ tu hành đầy vọng tưởng. Hôm nay tu thiền, ngày mai nghe nói niệm Phật công đức to lớn, liền bỏ tham thiền mà niệm Phật. Sau vài ngày lại nghe nói trì chú là thù thắng bèn bỏ niệm Phật mà trì chú. Người như vậy, nay tu pháp môn này, mai tu pháp môn khác, kết quả chẳng tu thành cái gì. Lại còn có kẻ niệm Phật, niệm Bồ-tát một ngày niệm, mười ngày nghỉ, hoặc ngày nay niệm ngày mai nghỉ, đó đều gọi là không có định lực. Ðịnh lực đối với người tu hành rất là quan trọng; không có định lực, tu đạo đương nhiên thất bại. Thiếu định lực thì đạo tâm chẳng kiên cố, dễ dàng bị ảnh hưởng bên ngoài chi phối làm đọa lạc.”
2. Định lực do đâu mà có?
Định lực do giữ nghiêm giới luật mà có. Hằng ngày chúng ta phải thường xuyên thực hành giới luật. Như Hoa Thượng Tuyên Hóa đã nói, chúng ta phải thực hành pháp hàng ngày. Người tu tại gia cần giữ giới, ít nhất là giữ nghiêm 5 giới luật là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.
Ta đã nhận là Phật tử, hôm nay là ngày giữ giới nhưng thấy có tiệc ăn ngon, có món yêu thích, không nỡ bỏ qua, ăn tạm một hôm thì là định lực chưa vững. Người xuất gia càng phải giữ nghiêm giới luật, nhất là trong xã hội thời nay, chỉ cần nổi một chút tâm tham tiền, tài, danh vọng, một chút sân si với người khác là thất bại. Hễ cứ để bản thân dính vào tham, sân, si thì mất trí tuệ, mất định lực, khiến cho ta không được chứng quả Phật.
Có rất nhiều pháp môn để tu định lực, nhưng dù tu theo cách nào cũng nên nhớ một câu là “sai chi hào ly, thất chi thiên lý”, nghĩa là chỉ cần một sai lầm bằng một mảy tóc, cũng sẽ đi sai ngàn dặm, uống phí công sức. Vậy nên hãy luôn nhớ, mỗi ngày ta đều cần tu tập theo chánh đạo.
Tu theo Phật Đạo hay ngoại đạo đều có thể đạt được định lực. Nhưng địch lực của ngoại đạo là tà chứ không phải chánh. Một người khi tu hành luôn có các loại ma đến quấy phá. Ngoại ma thì dễ trừ nhưng ma từ tâm mình sinh ra thì rất khó hàng phục. Do đó, người tu hành muốn đạt được định lực vững chãi thì luôn trải qua vô vàn khảo nghiệm.
3. Ý nghĩa của định lực
Trong đạo Phật có rất nhiều loại ma, kể cả như Kinh Thủ Lăng Nghiêm cũng từng nhắc tới năm mươi loại ấm ma, thậm chí là chưa kể thiên ma, quỷ ma, địa ma,… Những hàng yêu ma này dùng các phép lạ để quấy phá thiền định của quý vị.
Nguyên nhân là vì trong nhiều đời nhiều kiếp, chúng ta từng là quyến thuộc với các hàng ma quỷ này. Khi ta quyết định xa lìa quyến thuộc này, để tu tập thiền định, mong chấm dứt sinh tử, đạt được quả Phật thì các hàng yêu ma này lại không muốn chia xa. Thế nên họ phát ra trăm nghìn quỷ kế, chướng ngại để dẫn dắt ta, khiến ta rối loạn, xa rời chánh đạo.
Những lúc này, nếu ta không có định lực mạnh mẽ, ta sẽ bị lung lay, lôi cuốn vào những ma chướng và trở thành đồ chúng của ma. Ngược lại nếu như định lực vững vàng, ta sẽ đủ mạnh mẽ, có trí tuệ sáng suốt để vượt qua tất cả. Không ma quỷ nào có thể lung lay được định lực của quý vị. Điều này đủ thấy định lực quan trọng như thế nào.
Việc tu tập chẳng hề dễ dàng, nhất là xã hội ngày nay con người càng dễ bị cuốn vào vòng xoáy tham sân si. Vậy nên bạn rèn được cho mình một định lực vững vàng thì con đường tu tập mới mong có thành quả. Giác Ngộ Tâm Linh hy vọng, trên con đường tu tập chánh đạo, quý Phật tử sẽ luôn nhớ rõ định lực là gì, luôn vững vàng trên hành trình phá vỡ lục đạo luân hồi.