Thiền Vipassana được biết là một hình thức thiền cổ xưa nhất, do chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thực hành và truyền dạy trong 45 năm hoằng pháp của mình. Ngày nay, rất nhiều người dù không phải Phật tử cũng tìm đến thiền như một liệu pháp tốt cho sức khỏe thân và tâm. Hãy cùng Giác Ngộ tâm Linh tìm hiểu chi tiết hơn về vấn đề này nhé.
Nội Dung
1. Thiền Vipassana là gì?
Thiền Vipassana trong tiếng phạn là Vipaśyanā, nghĩa là “cái thấy đặc biệt”, được Phật Giáo dịch là “cái nhìn sâu sắc”. Đây là một hình thức thiền xuất hiện sớm nhất, xuất phát từ Ấn Độ cổ đại. Theo tiếng Pali, “Vipassana” có nghĩa là “thấy mọi thứ như chúng thực sự là” – hiểu đơn giản là giúp nhìn thấy được bản chất thực sự của vạn vật, thấy được sự vô thường, khổ, vô ngã. Trong Tiếng Việt, Vipassana được gọi là thiền tuệ hoặc là thiền minh sát.
Trong Phật Giáo có hai loại thiền phổ biến được gọi là Vipassana và Samatha. Trong đó, Samatha được dịch là “định”, ý nói sự “tập trung”, quán sát; hay sự “tĩnh lặng”. Vipassana có thể được dịch là “Tuệ”, một sự tỉnh giác sáng suốt, hiểu rõ bản chất của sự việc, sự vật. Thiền giả dùng sự tập trung như một công cụ để phá vỡ rào cản, bức tường của sự ảo tưởng, vô minh. Quá trình này cần kéo dài, thực hành nhiều năm, cho đến khi hành giả giải thoát khỏi bức tường này, nhận lấy ánh sáng của trí tuệ, đó chính là giải thoát.
Xem thêm: Xá lợi là gì?
2. Nguồn gốc của thiền Vipassana
Thiền Vipassana hay còn gọi là Thiền Nguyên Thủy bắt nguồn từ Phật Giáo Tiểu Thừa, là sự thiền hành cổ xưa và lâu đời nhất. Phương pháp này do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng và được lập thành kinh Tứ Niệm Xứ. Ngài không chỉ hành trì mà còn giảng dạy pháp thiền này trong suốt 45 năm hoằng pháp của mình.
Đây được xem là hệ thống về huấn luyện về tập thức, có các bài tập để hành giả luyện giữ tâm thức, chú trọng đến những trải nghiệm cuộc sống, chú ý lắng nghe, nhìn nhận bằng tâm của mình.
Ngày nay, thiền Vipassana ngày càng được biết đến nhiều hơn, thậm chí là mọi nơi trên thế giới, cả phương Đông và Phương Tây đều có hành giả thực hành. Không chỉ Phật tử, kể cả những người theo tôn giáo khác, trường phái vô thần cũng tìm đến phương pháp thiền như một sự luyện tập tâm trí, thư giãn.
Xem thêm: Tứ Niệm Xứ là gì?
3. Lợi ích của thiền Vipassana
Thiền trở nên phổ biến không chỉ vì đây là con đường đi tới giải thoát, mà thiền Vipassana đem lại rất nhiều lợi ích cho hành giả như sau:
3.1. Giảm căng thẳng, buông bỏ lo âu
Tương tự như nhiều bộ môn hành thiền khác, thiền Vipassana giúp bạn giảm bớt căng thẳng, lo âu giữa cuộc sống đời thường. Cũng có thể nói, thiền cho ta khoảng lặng, sự tập trung vào chính mình, tránh xa những vọng tưởng, u minh, không bị cuốn theo những dục vọng xa vời. Nhờ thế, tinh thần ta được thoải mái, tươi vui, có được sự yên bình từ tâm hồn.
Nghiên cứu 6 tháng của Roberta Szekeres và Eleanor Wertheim với những người tham gia khóa thiền Vipassana đã chứng minh: những người học thiền Vipassana giảm căng thẳng hơn so với những người không tham gia thiền.
Một nghiên cứu khác năm 2019 của Chuan-Chih Yang và cộng sự với 14 người tham gia khóa học thiền kéo dài 40 ngày, có cả thiền Vipassana. Kết quả nhận được là mức độ lo lắng và trầm cảm của họ đã giảm hơn so với trước khi thực hành thiền.
3.2. Hỗ trợ giảm các triệu chứng bệnh mãn kinh
Nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra thực hành thiền Vipassana giúp chúng ta giảm các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh. Cụ thể, nghiên cứu của Min-Kyu Sung và cộng sự cho thấy: Thực hành các liệu pháp như: thiền, Yoga, Thái Cực Quyền,… có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh mãn kinh như: đau đầu vận mạch, mất ngủ, đau cơ xương,… Điều này giải thích vì sao, bây giờ nhiều người vận dụng thiền như một bộ môn luyện tập sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.
3.3. Thúc đẩy sự linh hoạt của não bộ
Không chỉ Đức Phật nói thiền có thể mở rộng trí tuệ, mà ngày nay khoa học cũng chứng minh được thiền định (bao gồm cả thiền Vipassana) giúp tăng sự linh hoạt của não bộ. Tính linh hoạt này chính là khả năng tái cấu trúc của não bộ để xử lý các vấn đề từ môi trường bên ngoài.
Năm 2018, nghiên cứu của Anna Lardone và các cộng sự cho thấy rằng thường xuyên thực hành thiền Vipassana giúp thúc đẩy tính nhạy bén của não. Thậm chí, để có được kết luận này, các nhà khoa học đã dùng công nghệ quét hình ảnh thần kinh để kiểm tra mạng lưới não bộ của thiền giả Vipassana.
4. Hướng dẫn cách hành thiền Vipassana
Bắt đầu thực hành ngồi thiền, tốt nhất bạn nên tham gia các khóa thiền để được người hành thiền chân chính dạy và truyền đạt kinh nghiệm. Từ đó giúp chúng ta thiền đúng cách và thấy được ý nghĩa và tác dụng chân chính của việc thiền. Để hiểu qua về cách thiền tuệ, mời các bạn tham khảo các bước sau đây:
4.1. Chuẩn bị
- Thời gian: Chuẩn bị 10 đến 15 phút vào buổi sáng sớm hoặc buổi tối.
- Địa điểm: Chọn khu vực yên tĩnh, không nên có tiếng ồn. Bạn có thể hành thiền ở trong phòng hoặc chọn các địa điểm ngoài trời thanh vắng yên tĩnh như đỉnh núi, chùa,…
- Trong lúc hành trì không nên đọc, viết, sử dụng các máy thu âm, điện thoại để tránh ảnh hưởng đến năng lượng và sự tập trung bản thân.
4.2. Cách thực hành
- Ngồi trên mặt đất, bắt chéo chân với tư thế thoải mái nhất. Thẳng lưng và thả lỏng cơ thể.
- Nhắm mắt lại và cảm nhận hơi thở bình thường.
- Tập trung vào từng hơi thở ra vào tự nhiên của bạn, nhưng không được để tâm khởi phán xét, suy nghĩ về bất kỳ một vấn đề gì. Nếu bạn bị phân tâm, phải nhanh chóng điều chỉnh lại tâm trí, tập trung lại vào hơi thở và tiếp tục thiền.
- Thực hiện điều này trong 5 đến 10 phút và tăng dần thời gian lên.
4.3. Một số rủi ro khi thiền Vipassana
Khi thực hành thiền Vipassana, cũng có thể phát sinh một số rủi ro về sức khỏe thể chất và tinh thần. Rủi ro này có thể đến từ những bất thường tâm lý từ trước, bị trầm trọng hơn trong lúc ngồi thiền.
Năm 2017, một nghiên cứu của Ausiàs Cebolla và cộng sự có 342 người tham gia. Trong đó có 87 người báo cáo đã trải qua hiệu ứng tiêu cực của thiền định do chưa thích nghi. Hiệu ứng này bao gồm:
- Triệu chứng lo lắng diễn ra trầm trọng hơn, tăng biểu hiện của rối loạn căng thẳng sau chấn thương hoặc rối loạn tâm thần.
- Hưng cảm (cảm xúc hưng phấn, khí sắc tăng, hoạt động tăng, tư duy hưng phấn).
- Triệu chứng chóng mặt.
- Mất tỉnh táo trong chốc lát.
Các tác động này không quá nghiêm trọng và thường chỉ mang tính tạm thời hoặc nhanh chóng nhờ sự can thiệp của y tế; cho nên mọi người nên tiếp tục hành thiền nhé.
Xem thêm: Năm Triền Cái là gì?
5. Một số câu hỏi về thiền Vipassana
Sau khi đã hiểu Thiền Vipassana là gì, không ít bạn cũng có những thắc mắc xung quanh vấn đề này. Giác Ngộ Tâm Linh xin được giải đáp một số câu hỏi như sau:
5.1. Tại sao thiền lại cần tập trung?
Tâm của con người là thứ nhạy cảm, dễ biến đổi, cho nên rất dễ bị cuốn đi theo sự u minh, ảo tưởng, tham vọng, vì thế mà lâm vào chốn khổ. Tâm con người luôn biến đổi, bị cuốn vào cái này xong lại bị lôi vào cái khác, cho nên cứ quay vòng trong con đường luân hồi. Mục đích của thiền là giúp tỉnh ngộ, thức tỉnh. Khi thiền, tuy chỉ 10-15 phút, nhưng ta lấy hơi thở làm trụ cột, tâm ta bất động, không còn mơ màng, huyễn hoặc, tưởng tượng bất kỳ điều gì. Cứ thế, thiền từ ngày này, qua ngày khác, dần dần chúng ta thoát ra khỏi sự mù quáng và u mê.
5.2. Tại sao khi thiền cần tập trung hơi thở?
Thật ra đây là câu hỏi của rất nhiều người khi bắt đầu thiền. Thiền cần một đối tượng cụ thể, dễ kiếm, có sẵn, dễ kiểm soát để tăng cường sự chú tâm. Như vậy, quán hơi thở chính là đối tượng hoàn hảo nhất. Vì hơi thở có sẵn, ai cũng có, đã quá quen thuộc nên không làm ta phân tâm, hay suy nghĩ về nó. Hơi thở vận hành theo chu kỳ, lại luôn theo ta, có ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào, cho nên rất tiện lợi. Hơi thở cũng có liên quan đến tâm trí, đó là lý do vì sao những lúc căng thẳng chúng ta cần học cách hít thở sâu, điều chỉnh lại tâm lý.
Vậy nên hơi thở chính là điểm tựa, người học thiền Vipassana phải nắm bắt từng nhịp, chu kỳ của hơi thở để thực hành thiền đúng cách.
Như vậy, phương pháp thiền Vipassana quả thật có nhiều lợi ích cho con người. Bất kỳ ai dù mong muốn được giải thoát, có được trí tuệ, hay kiếm tìm sự bình yên, thanh tịnh giữa cuộc sống bộn bề thì thì đều nên tìm hiểu về phương pháp này. Giác Ngộ Tâm Linh hy vọng sẽ có thêm nhiều bạn đọc biết về phương pháp tu tập nhiều bổ ích và lợi lạc này.